“Gái Phượt” lưu lại gần như tất cả những cung đường mà dân phượt thường đi, từ Fansipan, Chế Tạo – Mương La, đường tre Suối Muống, Hà Giang, cung mây Tà Xùa, cực Tây A Pa Chải… Nhưng khác với tất cả những cuốn sách du ký trước đây, “Gái Phượt” không cung cấp những thông tin thường thấy như nơi ăn chốn nghỉ, có gì hay, hấp dẫn, mà giống như một người kể chuyện thủ thỉ, kể lại tất cả những gì tác giả trải nghiệm khi đi qua mỗi hành trình… Không chỉ là hành trình của những chuyến đi, mà bạn đọc còn thấy được hành trình cuộc đời của tác giả, từ những ngày chôn chân mòn mỏi trong một văn phòng với một công việc ổn định nhưng nhàn nhạt, khi bắt đầu khám phá bản thân qua những chuyến đi và khi được “bung” hết mình cho một cuộc sống mới, cho đến lúc bắt đầu một hành trình khác cũng đầy thử thách và chông gai: làm mẹ đơn thân.
Yếm Đào Lẳng Lơ, cái tên đầy quyến rũ này là nick của Lê Thu Thảo trên diễn đàn TTVNOL nổi tiếng một thời, nơi chị bắt đầu khám phá niềm vui và cảm hứng mới cho cuộc sống của mình là phượt. Công việc hiện nay của chị là viết báo tự do, cộng tác với nhiều tờ báo trong mảng du lịch, với bút danh Tống Lam Linh.
BTV của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam Diệu Thủy cho biết, ban đầu Nhã Nam nhận được tập bản thảo gồm những bài viết được đăng rải rác trên các báo của Yếm, được gom lại, không chỉnh sửa gì. Tất nhiên là tập bản thảo này đã bị trả lại gần như ngay lập tức, nhưng dường như cuộc đời luôn có một mối duyên nào đó: Diệu Thủy đã từng biết Yếm vì đã từng đi một chuyến với nhau, và chị đã hẹn gặp tác giả, bàn bạc, làm việc lại. Sau rất nhiều lần sửa chữa, viết rồi bỏ, cuối cùng tập sách cũng đã hình thành, và khiến cho những người làm việc với nó hài lòng.
Tác giả Tống Linh Lam – Yếm Đào Lẳng Lơ.
Yếm Đào kể lại, tính đến nay chị đã có khoảng 200 chuyến đi, và cao điểm có năm nhiều nhất lên tới 29 chuyến, có những chuyến kéo dài cả tháng… Chị đã đặt chân đến cả bốn điểm cực của đất nước: từ Lũng Cú (Hà Giang), A Pa Chải (Điện Biên), mũi hải đăng Kê Gà, Đại Lãnh (Khánh Hòa) và mũi Cà Mau. Cuốn sách chỉ kể được một phần rất nhỏ của những cung đường chị đã đi qua. “Gái Phượt” mang tinh thần kiêu hãnh và tự hào của những cô gái dấn thân trên những nẻo đường, sống với cá tính và sở thích của mình, để trả lời cho những đàm tiếu, những tiếng xấu mà họ thường bị gán cho lâu nay.
Điểm khiến cho Yếm Đào không giống với bất kỳ ai ở cuốn sách này, là chị kể về cả những nỗi buồn của mình, những đổ vỡ, thất vọng, và đem vùi chúng vào những chuyến đi, để thấy lại được cuộc sống tươi mới. Có những chuyến đi lấp lánh niềm vui, niềm hạnh phúc, cảm giác những hình ảnh chị gặp trên đường cũng rạng rỡ, tươi tắn theo. Cũng có những chuyến đi mang nặng nỗi buồn, và chị tìm cách để vứt bỏ nó như tìm cách để đắm mình trong những chuyến khám phá mới. Những trang sách mang nặng đầy cảm xúc qua từng chặng đường, đã khiến cho “Gái Phượt” có cái vẻ hấp dẫn, cuốn hút rất riêng mà người đọc khó có thể dứt ra được khi đã bắt đầu mở những trang đầu tiên. Có những cung đường bắt đầu một tình yêu mới, và cũng có những chuyến đi để khép lại một mối tình…
Bên cạnh những cảm xúc cá nhân, những chuyến đi cũng mang lại cho tác giả những cảm nhận rất riêng về con người, cuộc sống từ những nơi mình đã đi qua, đã đặt chân đến. Đó là hình ảnh một gia đình nhỏ ở vùng cao “nhịn miệng đãi khách”, những “bài học” trong trẻo mà những em bé ở những vùng đất xa ngái đem đến, tình cảm chân chất mộc mạc của người dân ở ngôi làng chài nhỏ ở Hội An… Những điều chỉ có thể thấy và cảm nhận được trong “Gái phượt” chứ chưa từng có ở cuốn sách du ký nào cả.
“Gái Phượt” có thể phù hợp với những ai thích xê dịch, nhưng ngay cả với những người chưa quan tâm lắm đến những chuyến đi, cũng có thể tìm thấy một tinh thần sống thật trẻ trung, mạnh mẽ trong đó. Đó là sống cuộc sống của chính mình, sống như bản thân mình vốn vậy, và hạnh phúc theo cách riêng của mình.