Dọc Quốc lộ 4 từ Bắc Hà lên, những bản làng của Si Ma Cai yên bình nằm nép mình bên những sườn núi đá sừng sững. Trên miền non cao Si Ma Cai chênh vênh nơi thượng nguồn sông Chảy ấy có một lòng chảo khá bằng phẳng. Không biết tự bao giờ, vị trí “đắc địa” này được dân bản địa họp chợ phiên Sín Chéng. Đây là chợ phiên gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông, Nùng, Thu Lao… vùng thượng huyện.
Tinh mơ, người dân từ các thôn, bản cách xa trung tâm, tiểu thương từ khắp nơi đã đổ về chợ. Đến Sín Chéng lần này, chúng tôi may mắn được anh Thào A Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng trực tiếp làm “hướng dẫn viên du lịch”. Có trải nghiệm mới thấy chợ Sín Chéng là chợ của sắc màu văn hóa. Tới nơi này, ta có thể cảm nhận đầy đủ, chân thật về cuộc sống của người vùng cao Si Ma Cai.
Theo giới thiệu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, nơi độc đáo nhất của phiên chợ này là khu ẩm thực. Đây không đơn thuần là khu phục vụ ăn uống mà còn là nơi “những người con của núi rừng” hàn huyên. Khu ẩm thực được sắp xếp ở cuối chợ, chiếm một không gian khá lớn bởi hầu như ai tới chợ cũng ghé qua và thưởng thức các món ăn. Các gian hàng ở đây đa dạng với xôi bảy màu, phở hồng, rượu ngô, mèn mén, thịt lợn đen, gà bản địa… Những món ăn đơn giản nhưng lại là “mỹ vị tinh tế” của các tộc người ở vùng đất Si Ma Cai này.
Chị Lèng Thị Hương, chủ quán ăn sáng kéo tay chúng tôi chào mời thân ái: Cô chú ngồi đây, ăn gì chị làm cho nóng?
Tay thoăn thoắt thái phở, chan nước cho thực khách, chị Hương kể: Mỗi tuần chỉ có một buổi chợ. Món ăn đắt khách nhất là món phở hồng. Để chuẩn bị cho buổi chợ này, gia đình chị thường phải dậy từ 3 giờ sáng để tráng phở, hấp mèn mén.
Vừa thưởng thức xong bát phở hồng nóng hổi, anh Lương Ngọc Minh và chị Nguyễn Hồng Lê (du khách đến từ Hà Nội) tấm tắc khen ngon. Chị Hồng Lê bảo: Tôi đi nhiều nơi trên đất nước ta nhưng đồ ăn ở chợ phiên Sín Chéng thật khác biệt, mộc mạc và thơm ngon. Tôi còn mua thêm vài cân bánh phở, thịt lợn đen, gà đen bản địa mang về làm quà.
Ông Vàng Cấn Sèng năm nay gần 60 tuổi, nhà ở tận thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn cách chợ Sín Chéng hơn 10 km nhưng hầu như chợ phiên nào cũng hẹn 2 người bạn già, 1 người ở xã Nàn Sán, 1 người ở xã Bản Mế đến gặp gỡ, trò chuyện. Họ ngồi uống rượu ngô, ăn thắng cố, nói chuyện mùa màng, mua nông cụ.
Ông Sèng bảo: Ngày nghỉ của người vùng cao là ngày có chợ phiên. Quan trọng nhất là được gặp gỡ, nói chuyện với bạn bè sau thời gian làm ruộng, làm nương vất vả. Đối với chúng tôi, chợ phiên không phải chỉ để mua bán mà còn để gặp gỡ, hỏi thăm nhau, biết được cuộc sống của bạn bè mình…
Nếu như đàn ông gặp nhau bên chén rượu thì phụ nữ thường túm lại bên sạp hàng thổ cẩm, cùng xem váy, áo. Họ vừa xem vừa cười nói vui vẻ, hỏi thăm về gia đình, con cái, mùa màng… Còn ở những góc nhỏ của phiên chợ, từng tốp nam, nữ vui vẻ cười đùa, làm quen nhau… Với người vùng cao, chợ phiên cũng là “nơi tình yêu bắt đầu”, nơi hò hẹn của nhiều cặp đôi. Thế nên, người trẻ thường đến chợ với những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất…
Quá trưa, chợ phiên Sín Chéng vãn dần. Từng gia đình, các cặp đôi chở nhau về bản, trở về với nỗi lo toan thường ngày.
Tạm biệt chợ phiên Sín Chéng, chúng tôi về thành phố và đằng sau xe được chất đầy nông sản bình dị, độc đáo mua của người dân, trên hành trình đong đầy kỷ niệm về phiên chợ vùng cao…