Tóm tắt: Bài viết này bàn luận về thực trạng và một số nguyên nhân, điều kiện của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch, từ đó, đưa ra một số kiến nghị về vấn đề này.
Abstract: This article discusses the current situation and some causes and conditions of child sex offenders in tourism activities, thereby, making some recommendations on this issue.
1. Quy định hiện hành của pháp luật quốc tế và Việt Nam về bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại tình dục
Pháp luật quốc tế đã có những quy định nhằm bảo vệ các quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trước những hành vi mua bán, bóc lột và lạm dụng tình dục như: Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, Nghị định thư Không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa khiêu dâm trẻ em năm 2000… Các văn bản pháp lý này đưa ra khuyến nghị bắt buộc đối với các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại: “Các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và xâm hại tình dục. Vì mục đích này, các quốc gia thành viên phải đặc biệt thực hiện mọi biện pháp thích hợp ở cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa: (i) Việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia vào bất kỳ hoạt động tình dục bất hợp pháp nào; (ii) Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các hoạt động mại dâm và các hoạt động tình dục trái pháp luật khác; (iii) Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong việc biểu diễn và thực hiện các tài liệu khiêu dâm”[1].
Việt Nam đã phê chuẩn hai văn bản này lần lượt vào ngày 20/02/1990 và 20/12/2001. Việc tham gia các văn bản pháp lý này đặt ra thách thức cho các quốc gia và các bên liên quan trong việc ngăn chặn bóc lột tình dục, đặc biệt là các tội phạm xâm hại tình dục qua hình thức du lịch và hiện nay, loại tội phạm này còn có xu hướng phát triển trên môi trường không gian mạng. Ủy ban Liên Hợp quốc về quyền trẻ em cũng đã thông qua “Những hướng dẫn liên quan đến việc thực thi Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa khiêu dâm trẻ em năm 2000”[2]. Nội dung chính của hướng dẫn này nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về các điều khoản của Nghị định thư cũng như các hình thức mua bán và bóc lột tình dục trẻ em hiện đại trong bối cảnh phát triển của không gian mạng; bảo đảm các quốc gia thành viên thực thi có hiệu quả và là một công cụ pháp lý nhằm giúp các quốc gia thành viên tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi bị mua bán và bóc lột tình dục. Các văn bản này đòi hỏi các quốc gia thành viên cần xem xét để áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hóa vào hệ thống pháp luật quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục qua hình thức du lịch nói riêng.
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế như: Luật Trẻ em năm 2016; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Nuôi con nuôi năm 2010; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 08/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025… Ngoài ra, để phòng ngừa, đấu tranh đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định các tội phạm như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144), Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145), Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146), Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).
2. Thực trạng và nguyên nhân, điều kiện của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất của tội phạm xuyên quốc gia là xâm hại tình dục trẻ em, thông qua mạng internet, qua việc sản xuất, truy cập và phát tán các ấn phẩm xâm hại tình dục trẻ em và qua hoạt động du lịch. Theo định nghĩa của Tổ chức Chấm dứt mại dâm, khiêu dâm và buôn bán trẻ em nhằm bóc lột tình dục (ECPAT International) thì xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch là việc các cá nhân sử dụng các chuyến du lịch nhằm mục đích quan hệ tình dục với trẻ em, có thể từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc từ các vùng địa lý khác nhau trong cùng một quốc gia. Một trong những “điểm đến” ưa thích của các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là khu vực Đông Nam Á, vì tập trung những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển nên chi phí du lịch và sinh hoạt ở các quốc gia này thường rẻ, tình hình chính trị ổn định, hệ thống pháp luật còn tương đối “lỏng lẻo”. Trong 11 nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước chiếm tỷ lệ khá cao về tình trạng du lịch tình dục trẻ em. Theo số liệu nghiên cứu của Trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan (công bố năm 2020), có khoảng hơn 3,2 triệu người hoạt động mại dâm, trong đó có hơn 800.000 người dưới 18 tuổi. Những năm gần đây, Thái Lan đã siết chặt các hoạt động liên quan đến tình dục trẻ em, vì vậy, một số quốc gia như Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar đang thu hút số lượng ngày một nhiều những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, trở thành điểm đến thay thế của hoạt động phi pháp này.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ[3] cho thấy: Số lượng trẻ em trên toàn quốc hiện nay là 24.776.773 em (trong đó, nam là 12.915.365 em; nữ là 11.861.368 em) và số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1.773.112 em (chiếm 7,16 %). Toàn quốc có khoảng 91,7% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đi học (mầm non có 4.922.383 em; tiểu học có 8.482.556 em; trung học cơ sở có 5.440.976; trung học phổ thông có 2.548.878 em); có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (7,7% trẻ em đã thôi học; 06% trẻ em chưa bao giờ đi học; tỷ lệ này của nữ cao hơn của nam)[4]. Trong đó, có 1,75 triệu trẻ em (chiếm 9,6%) trong độ tuổi từ 05 đến 17 tuổi được xác định là lao động trẻ em, 175.000 trẻ em không đi học, 8.200 trẻ em chưa từng đi học. Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì hiện nay, toàn quốc có khoảng 7.000 em gái dưới 16 tuổi đang hoạt động mại dâm, chiếm 15% tổng số gái bán dâm. Trong số đó, có khoảng 40% số em gái bị đẩy vào thị trường mại dâm là do trước đó các em đã bị xâm hại tình dục và có tới 2/3 số em gái phải bán dâm trước 14 tuổi. Thực trạng các vụ xâm hại trẻ em gây thiệt hại về thể chất dưới các hình thức bạo lực xảy ra ngày càng nhiều và gây phẫn nộ trong dư luận, được xã hội đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến năm 2022 đã xảy ra 6.364 vụ xâm hại tình dục với 6.432 nạn nhân. Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử hơn 5.200 vụ với hơn 5.700 bị cáo[5]. Dư luận xã hội đang lên tiếng báo động về tình trạng số trẻ em bị hiếp dâm, bị cưỡng dâm, bị đẩy vào con đường mại dâm để phục vụ cho thị trường tình dục ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.
Qua nghiên cứu thực tiễn, tác giả nhận thấy, các vụ xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch thường có nguyên nhân và điều kiện sau đây:
Thứ nhất, du lịch tình dục trẻ em gắn với khái niệm khách du lịch là người nước ngoài. Hoạt động này chưa phát triển thành xu hướng mà chỉ mới tồn tại ở một số địa bàn phát triển du lịch với những vụ việc đơn lẻ. Tuy nhiên, để có thể thực hiện hành vi mua dâm trẻ em thì cần phải có những đối tượng môi giới. Đây là những đối tượng người bản địa, thông thạo đặc điểm của địa phương, làm cầu nối môi giới đối tượng phạm tội đến với những nạn nhân.
Thứ hai, đối tượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục trong hoạt động du lịch chủ yếu là trẻ em nghèo, sống lang thang để bán đồ lưu niệm, đánh giày, bán báo, làm việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch như hướng dẫn viên, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, karaoke… Trẻ có thể bị xâm hại ngay tại địa bàn thường xuyên sinh sống hoặc cũng có thể bị đưa ra ngoài địa bàn, qua Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…
Thứ ba, xuất phát từ sự nghèo đói, sự buông lỏng trong quản lý và giáo dục trẻ em từ phía gia đình và nhà trường: Nhiều cha, mẹ còn thiếu sự quan tâm, thiếu kỹ năng giáo dục và bảo vệ con; nhà trường cũng còn hạn chế trong việc giáo dục cho các em kỹ năng nhận biết và phòng ngừa loại tội phạm này. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo và một số bất cập trong quy định của pháp luật cũng làm cho tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng.
Thứ tư, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thiếu và yếu. Theo quy chuẩn quốc tế, cứ 2.000 dân sẽ có một cán bộ chuyên trách công tác xã hội, trong khi đó, ở Việt Nam, 10.000 dân mới có một người kiêm nhiệm công tác xã hội.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch
Tại Việt Nam, việc phối hợp, hợp tác phòng, chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em là lĩnh vực khá mới mẻ, tuy nhiên, Việt Nam là một trong những nước “ứng xử” nhanh nhất với nạn du lịch tình dục. Một số hoạt động của Việt Nam trong việc chống du lịch tình dục trẻ em có sự tăng cường hợp tác quốc tế cũng như tham gia các dự án quốc tế về chống mua bán người. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiến hành một số biện pháp theo hướng:
Một là, tích cực tham gia dự án về phòng, chống loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch do Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNODC) xây dựng. Hiện nay, Việt Nam chưa có lực lượng Cảnh sát du lịch chuyên biệt để phát hiện và xử lý những đối tượng có hành vi xâm hại tình dục với trẻ em, vì vậy, trong thời gian tới, để phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đồng thời nâng cao năng lực cho lực lượng trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thông qua du lịch, cần thiết phải có một lực lượng Cảnh sát du lịch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này.
Hai là, bảo đảm khung pháp luật đáp ứng các chuẩn mực quốc tế để truy tố tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch. Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan cần phối hợp nghiên cứu, soạn thảo các văn bản pháp luật về phòng, chống du lịch tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, Bộ Công an cần tăng cường năng lực xác định, bắt giữ, truy tố hiệu quả tội phạm du lịch tình dục trẻ em, kết hợp với Interpol để bảo đảm rằng tội phạm sẽ bị xác định, điều tra, bắt giữ, truy tố và nạn nhân là trẻ em sẽ được hỗ trợ một cách thích hợp.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về bảo đảm sự thống nhất nội hàm của khái niệm “người dưới 18 tuổi” và “trẻ em”. Để hài hòa giữa luật pháp quốc tế và Việt Nam trong xu thế hội nhập, việc xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi là cần thiết. Tuy nhiên, việc thống nhất hai khái niệm này trong hệ thống pháp luật Việt Nam là một vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều chủ trương, chính sách hiện hành, do vậy, cần có lộ trình nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật cũng như sự ảnh hưởng của nó khi thực hiện việc nhất thể hóa hai khái niệm này.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch. Xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch giữa Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ngành Công an nhằm huy động sự tham gia, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch ở các tỉnh, thành phố có nhiều điểm du lịch nổi tiếng.
Bốn là, tăng cường biên chế cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại cơ sở. Có chế độ đãi ngộ và chính sách tiền lương hợp lý để họ an tâm công tác. Bên cạnh đó, triển khai mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ làm công tác này để bảo đảm năng lực, đáp ứng được yêu cầu đối với nhiệm vụ được giao.
TS. Lê Tiến Hoàng
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. United Nations (1989). “Convention on the Rights of the Child”, http://www.unicef.org.uk/wp-content/uploads/2010/05/UNCRC_united_nations_convention_on_the_rights_of_the_child.pdf.
[2]. UN (2019), Guidelines regarding the implementation of the Optional Protocol to the Convention on the Rights of the Child on the sale of children, child prostitution and child pornography.
[3]. Báo cáo số 217/BC-CP ngày 14/5/2020 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
[4]. Tổng cục Thống kê, Báo cáo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2020.
[5]. Tổng hợp từ Báo cáo số 401/BC-CP ngày 12/10/2021 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Báo cáo số 217/BC-CP ngày 14/5/2020 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023