Trở về quê hương sau chuyến lưu lạc 5.800km tưởng như không có ngày về, “thánh phượt” ở Hà Giang chăm chỉ làm nương, lo cho kinh tế gia đình.
Chân dung “thánh phượt” Vừ Già Pó, người từng đi bộ 5.800km từ Hà Giang sang tận Pakistan
Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi liên hệ với anh Lò A Hạnh – cán bộ xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) để tìm hiểu về cuộc sống của anh Vừ Giá Pó (SN 1976, dân tộc Mông) – người được mệnh danh là “thánh phượt” tại Việt Nam bởi chiến tích từng đi bộ 5.800km từ Hà Giang sang tận Pakistan.
Theo anh Hạnh, nhà anh Pó ở thôn Lũng Lầu – một thôn cách xa trung tâm xã Khâu Vai nên gần như không có sóng điện thoại.
“Mỗi lần có việc gì thì chúng tôi phải vào tận nhà để gọi hoặc hẹn Pó ra xã vì không gọi điện được. Chỉ có Pó chủ động liên hệ cho chúng tôi thì Pó đi dò chỗ nào có sóng mới gọi được. Bên cạnh đó, Pó nói tiếng phổ thông còn hạn chế nên việc giao tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn”, anh Hạnh chia sẻ.
Về cuộc sống của “thánh phượt”, anh Hạnh nói, sau chuyến lưu lạc sang tận Pakistan trở về, anh Pó không đi đâu nữa mà ở nhà cùng vợ con lên nương, chăn nuôi, làm kinh tế gia đình.
Hành trình “vạn lý độc hành” của Pó được in và treo trong nhà như một kỷ niệm
Hằng ngày, anh Pó cùng vợ là chị Ly Thị Lía lên nương cuốc đất trồng lúa, trồng ngô… và cắt cỏ về nuôi bò. Ai thuê làm mướn thì anh tranh thủ đi làm kiếm thêm thu nhập nhưng anh cũng không đi quá xa nhà mà chỉ nhận làm quanh thôn, xã.
Năm 2014, sau khi trở về từ Pakistan, anh Pó làm thủ tục vay ngân hàng được 60 triệu đồng không tính lãi, đầu tư mua đàn bò khoảng 7-8 con về nuôi. Tuy nhiên vừa rồi, đàn bò nhà anh có một số con mắc bệnh viêm da nổi cục, sau khi chữa khỏi anh Pó đã bán đi.
Ngoài ra, anh Pó còn bán bò để giúp người anh họ xây nhà. “Người anh họ này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở một mình nên Pó giúp đỡ. Nếu sau này người anh có mất đi, ngôi nhà đó chắc cũng sẽ thuộc về Pó”, anh Hạnh tâm sự.
Sau chuyến phiêu lưu trở về, anh Pó không đi đâu xa mà chỉ ở nhà cùng vợ làm kinh tế
Trở về sau chuyến phiêu lưu, anh Pó sinh thêm được một cậu con trai. Hiện người con út này đang học lớp 1. Năm người con còn lại của anh Pó, con trai cả và 2 người con gái đã xây dựng gia đình. Người con trai thứ 2 thì đang trong bộ đội; còn con trai thứ 3 đang đi học nghề.
Mới đây, anh Hạnh vào nhà Pó để mời gia đình đi tiêm phòng COVID-19. “Nhiều người tiêm mũi 1 về bị sốt, đau nên họ sợ, chúng tôi đi vận động tiêm mũi 2 rất khó. Riêng vợ chồng Pó thì lại rất vui vẻ và chấp hành nghiêm chỉnh việc tiêm chủng của địa phương. Hiện 2 vợ chồng đã tiêm đủ 2 mũi phòng COVID-19”, anh Hạnh nói.
Cán bộ xã Khâu Vai cũng chia sẻ thêm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm vừa qua, không chỉ gia đình anh Pó và hầu như các hộ dân tại xã Khâu Vai đều gặp khó khăn, kinh tế đi xuống. Do đó, dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, gia đình nào đủ ăn, đủ mặc là khấm khá lắm rồi.
Anh Pó vay vốn nuôi bò để vực kinh tế gia đình đi lên
Trước đó, đầu năm 2012, do cuộc sống quá nghèo khổ, anh Vừ Già Pó cùng một số người cùng xã bỏ quê đi lao động trái phép bên Quảng Đông (Trung Quốc).
Khoảng tháng 3/2012, cuộc sống lao động xứ người khổ sở, ăn uống thiếu thốn lại bị chủ thường xuyên đánh đập, anh Pó và một số người đã bỏ trốn. Đi bộ ròng rã gần 18 tháng trời, anh băng qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vào biên giới và ngang qua miền trung Myanmar tới bang Manipur (Ấn Độ) rồi đến Bangladesh. Từ đây, anh tiếp tục đi bộ vào Ấn Độ ở Đông Bengal, rồi bang Orissa (hay còn gọi là Odisha).
Anh Pó tiếp tục đi cắt ngang qua miền trung Ấn Độ, tới phía tây của đất nước này (thành phố Mumbai). Chưa dừng lại ở đó, anh Pó còn ngược lên phía bắc, đến tận chân dãy Himalaya ở Himachai Pradesh rồi tiếp tục hướng tây bắc lên Jammu & Kashmir cho tới khi vào đất Pakistan và bị quân báo nước này bắt vào khoảng tháng 9/2013. Tổng quãng đường anh di chuyển khoảng 5.800km.
Mãi tới tháng 5/2014, sau nhiều nỗ lực, Đại sứ quán, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa được Vừ Giá Pó trở về quê hương gặp lại vợ con trong niềm vui sướng tột cùng.
Với quãng đường di chuyển “khủng”, chủ yếu là đi bộ, anh Pó được báo chí cũng như cộng đồng mạng đặt cho biệt danh “thánh phượt”.
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]