Workation được ghép từ “work” (công việc) và “vacation” (kỳ nghỉ). Hai khái niệm công việc và kỳ nghỉ tưởng chừng không bao giờ có thể đi kèm, trước đây có thể gây khó chịu cho nhiều người vì làm mờ ranh giới giữa công việc và thư giãn. Nhưng workation giờ trở thành giải pháp cho những người có đam mê xê dịch mà vẫn muốn đảm bảo công việc. Các blogger du lịch trẻ tuổi là những người đã áp dụng thành công phương pháp này.
‘Công việc rất quan trọng, khám phá vùng đất mới quan trọng không kém’
Blogger du lịch Mavis Vi Vu Ký, tên thật Nguyễn Khánh Hoàng Anh, sinh năm 1997, hiện có hai công việc chính là sáng tạo nội dung du lịch và chuyên viên marketing – truyền thông của một công ty đa quốc gia. Cô bắt đầu thực hiện workation thường xuyên một năm trở lại đây khi được chuyển công tác lên bộ phận vùng và các thành viên trong nhóm làm việc từ xa ở nhiều châu lục. Cô không phải trực tiếp lên văn phòng nhiều.
Khó khăn lớn nhất mà nữ blogger gặp phải là làm sao để cân bằng được năng suất công việc và tận hưởng không khí du lịch. “Đối với mình, trách nhiệm với công việc rất quan trọng, và việc hết lòng khám phá một vùng đất mới cũng quan trọng không kém”, Hoàng Anh chia sẻ.
Vừa làm việc vừa du lịch, đôi khi cô gái trẻ đối mặt với nhiều trải nghiệm khó quên: “Dự tính chạy nơi này nơi kia để khám phá thì lại phải họp gấp, hoặc có dự án bất ngờ. Đôi khi làm việc ở những nơi xa xôi hẻo lánh sẽ thiếu sóng, mạng chập chờn”. Lần trải nghiệm workation đáng nhớ nhất của Hoàng Anh là mang laptop lên Tà Xùa (Sơn La). Trời lạnh khiến bàn phím bị liệt, bao gồm cả phím có trong mật khẩu nên cô gái không thể nào mở máy được. May sao laptop đã được cứu khi cô dùng máy sấy.
Từ khi bắt đầu workation, Hoàng Anh thấy cuộc sống trở nên phong phú vì không phải gắn nhiều với văn phòng và thành phố. Cô gái trẻ có cơ hội để đi, khám phá và trải nghiệm nhiều hơn trước đây. Cũng từ workation, Hoàng Anh có thêm bài học cho bản thân, đặc biệt là cách quản lý công việc, sắp xếp thời gian, và cân bằng nhiều thứ trong cuộc sống. “Thu nhập của tôi không giảm đi, mặt khác vì thời gian làm việc cũng tương đối linh hoạt nên tôi có thể làm thêm việc sáng tạo nội dung du lịch, thỉnh thoảng nhận các công việc tự do để thêm thu nhập”.
Đã thực hiện workation được một thời gian, nhưng gần đây Hoàng Anh còn được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ một người bạn Nhật. Người này thường kết hợp công tác và du lịch trong nhiều năm qua, đã đặt chân tới 41 quốc gia và đang làm việc tại Việt Nam.
Chia sẻ những bí quyết để thực hiện workation, Hoàng Anh cho rằng hãy luôn làm việc thật hiệu quả và tạo sự tin tưởng, uy tín đối với sếp và phòng ban, tìm hiểu kỹ văn hóa công ty và hỏi về các chính sách một cách khéo léo. Trong thời gian workation, hãy dành ít nhất 5 phút đầu ngày để lên kế hoạch và sắp xếp thời gian, đảm bảo bạn hoàn thành công việc sớm, vẫn còn thời gian để vi vu. Và hãy tìm hiểu kỹ các vấn đề Internet ở nơi bạn sắp đến.
“Mình nghĩ, phương pháp workation này không hạn chế độ tuổi. Bạn chỉ cần có một chiếc laptop, điều kiện làm việc phù hợp và tình yêu với du lịch. Các ngành nghề phù hợp để workation là những ngành làm việc với máy tính thường xuyên. Những ngành nghề khó có cơ hội workation thì có thể kết hợp các chuyến công tác xa”, Hoàng Anh chia sẻ và tin rằng workation là một trong những xu hướng du lịch của tương lai.
‘Thay vì work from home, hãy thử work from another country’
Lý Thành Cơ, sinh năm 1992, làm việc trong lĩnh vực marketing và hiện là giám đốc sáng tạo cho một nhãn hàng tại TP HCM. Anh là blogger du lịch có tầm ảnh hưởng, đã sản xuất 3 cuốn sách về du lịch, liên tiếp từ năm 2018 đến 2020. Cơ chia sẻ, anh đã sống với workation từ năm 2014. Khi công việc không bị ràng buộc bởi văn phòng, cộng với đam mê thích du lịch thì bạn hoàn toàn có thể kết hợp cả hai.
Theo Lý Thành Cơ, workation là xu hướng phù hợp với mọi độ tuổi nhưng không phải với mọi ngành nghề. Ví dụ, bạn sẽ khó workation khi làm những công việc như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, cần phải có mặt tại văn phòng. “Bạn sẽ dễ workation hơn khi làm những công việc liên quan đến sáng tạo. Nhiều người thường ra các quán cà phê để tìm đến các không gian làm việc thoải mái, cởi mở hơn. Song thay vì quán cà phê, Cơ chọn đi một nước khác, một nơi khác nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành công việc”, anh nói.
Để thực hiện được workation, Cơ thường sắp xếp những chuyến đi dài ngày, báo cho công ty trước tầm 3-4 tháng, từ đó có thể lựa được khung thời gian mà mình sẽ làm việc theo địa điểm mình tới. Ví dụ, nếu đi châu Âu thì thời gian cách Việt Nam khoảng 6-7 tiếng. Cơ cho biết, workation là một trải nghiệm không phải ai cũng làm được, nhưng nếu thực sự giỏi trong công việc và có thể quản lý từ xa thì nên thử. “Thời gian vừa rồi nhiều người đã quen với làm việc tại nhà (work from home). Nếu đã có kinh nghiệm rồi thì thay vì work from home, hãy thử làm việc tại một đất nước khác (work from another country)”, Cơ chia sẻ.
‘Du lịch giúp ích cho việc bán hàng’
Nguyễn Khải Trung, sinh năm 1997, sống tại Hà Nội, vừa làm blogger du lịch, vừa kinh doanh online. Anh cho biết, đặc thù của công việc kinh doanh online là không cần ngồi một chỗ, dù đang ở xa, thậm chí di chuyển trên đường vẫn có thể bán hàng và xử lý mọi việc. Đôi khi, du lịch còn giúp ích cho việc bán hàng: chụp ảnh sản phẩm cần phông nền đẹp, đi các tỉnh để giao hàng, lấy hàng, liên kết kinh doanh…
Tuy nhiên, workation vừa là lợi thế cũng là trở ngại. Thời gian mới bắt đầu, Trung chưa biết cân bằng giữa công việc và việc di chuyển. Được biết tới là một blogger du lịch theo hướng đi phượt, thường xuyên phải đi xe máy đường dài, nhiều lúc Trung không cầm điện thoại, hoặc điện thoại mất sóng khiến công việc chậm trễ, nhầm lẫn, có những chuyến đi hầu như không có thu nhập. Có lần đang đi phượt, Trung phải chạy xe máy 500 km từ Lai Châu về Hà Nội gấp trong ngày.
Làm hai việc một lúc khiến Khải Trung khá bận rộn, nhưng đổi lại sau những căng thẳng, anh được thư giãn qua việc ngắm cảnh đẹp, từ đó có cảm hứng làm việc hơn. Mới đầu, thu nhập có phần sụt giảm hơn kinh doanh tại chỗ, sau này khi đã biết cân bằng thì lại ổn định, thu nhập của Trung đã tăng lên. “Theo mình, xu hướng du lịch này được chú ý đến hơn trong thời gian dịch bệnh. Sau giãn cách xã hội và nhiều hạn chế di chuyển, nhiều người buộc phải quen với làm việc từ xa”, Trung nêu quan điểm.
Sau đại dịch, ngoài workation, nhiều phương pháp và định nghĩa du lịch được nhiều người biết đến và quan tâm hơn. Mọi người đã quen làm việc từ xa và thời gian tới có thể là xu hướng của workation, bên cạnh staycation (kỳ nghỉ tại chỗ) đang nhiều người áp dụng khi việc di chuyển giữa các địa phương vẫn còn hạn chế.
Trung Nghĩa
- 7 công việc vừa làm vừa có thể đi du lịch
- Khung cảnh nơi các travel blogger Việt ‘mắc kẹt’
- Travel blogger gợi ý 5 cách tiết kiệm tiền để đi du lịch