Tà Năng – Phan Dũng vốn được giới xê dịch truyền tai nhau với tên gọi “cung đường trek đẹp nhất Việt Nam” bởi vẻ đẹp bất chấp hai mùa mưa nắng.
Mùa khô (tháng 11 đến tháng 4 năm sau), Tà Năng nhuộm vàng bởi màu cỏ cháy, suối yên ả hiền hòa. Nhưng mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) thường có sức hấp dẫn hơn, bởi thời tiết dịu đi và màu cỏ xanh ngát hút tầm mắt. Mùa này, trek Tà Năng sẽ ít tốn sức hơn nhưng hành trình có không ít rủi ro, nguy hiểm rình rập.
Tà Năng – Phan Dũng mùa nào cũng mê hoặc lòng người. Ảnh: Trung Phạm.
Thủy Nguyễn (TP HCM), một phượt thủ thường xuyên leo núi mỗi dịp cuối tuần, hồi tưởng lại về lần chết hụt khi chinh phục cung đường Tà Năng – Phan Dũng trong sợ hãi.
“Hành trình bắt đầu vào ngày 28/9. Lúc đầu, nhóm mình có kế hoạch đi thác Yavly. Nhưng vì một số lý do, cả nhóm quyết định quay về theo đường cũ, sau khi đã cắm trại một đêm trên đồi cỏ”.
Cả nhóm cắm trại và ngủ lại một đêm trên đồi cỏ trước khi quay về. Ảnh: NVCC.
Gần hai tuần trôi qua nhưng Thủy vẫn nhớ như in hành trình ngày hôm đó: “Khoảng 14h, trời đổ mưa, mọi người tìm được một lán gần đó trú tạm. Đến 16h, mưa nhỏ lại và nhóm quyết định đi tiếp để qua được đoạn đường nhiều ổ gà, sình lầy trước khi trời tối. Đi được khoảng 10m thì gặp phải đoạn đường ngập sâu”.
Lúc này, Thủy đề xuất cả nhóm quay lại lán vừa trú mưa ngủ tạm một đêm nhưng anh trưởng đoàn không đồng ý vì sợ mọi người bị rắn, vắt cắn. Vậy nên, mục tiêu bắt buộc là cả nhóm phải ra tới chỗ gửi xe như dự kiến.
“Nhóm quyết định vượt qua một con suối rộng khoảng 1,5 m, nước cao đến gần cổ mình và dòng nước chảy khá siết. Thế nên 2 bạn nam nhảy qua trước, một bạn nam đứng bên này sông rồi lấy lực đẩy bạn nữ qua, các bạn nam bên kia sẽ níu tay kéo vào. Sau đó nhóm gặp thêm con suối khác, mà phía trước không có lối mòn, cũng may gặp được một gia đình bản địa đang trên đường về nhà nên họ dẫn đi”, chị Thủy kể lại.
Những tưởng vượt qua 2 con suối thủy thần sẽ không còn hiện hữu, nhưng con suối này qua đi thì cách đó khoảng 2 km, “thần Hà bá” lại đang đón đợi.
Con suối này rộng tới mức các bạn nam cố gắng nhảy qua mà không được, chỉ có anh người bản địa nhảy qua được. Nhóm quyết định mỗi người đứng trên bờ lấy đà, cố nhảy qua rồi đưa tay cho anh ấy kéo vào.
“Mình cao 1,53 m, chỉ nhảy được khoảng 2/3 chiều rộng con suối. Mình chìm dần, chân không chạm nổi đất để bật lên. Cũng may mình giữ bình tĩnh, cố ngậm miệng để không sặc nước rồi đưa tay lên cao. Nước chảy siết, nhưng may mắn là mọi người kéo tay mình kịp lúc”, chị Thủy nhớ lại về ký ức ám ảnh.
Không chỉ hoảng sợ vì bị dòng nước như ăn tươi nuốt sống, Thủy còn “hồn vía lên mây” khi có lúc chị phát hiện gần 20 con vắt bám trên cổ, khuỷu chân: “Mình vốn sợ vắt, lúc đấy chỉ biết la hét lên thôi. Sau đó, cứ 5 phút mình lại phải rà soát xem trên người có vắt không”.
“Nói thật, mình từng tham gia nhiều chuyến đi nhưng đây là chuyến đi kinh khủng nhất từ trước tới giờ”, Thủy bộc bạch.
Thủy Nguyễn cùng nhóm bạn đồng hành chụp ảnh tại đồi cỏ. Cô kể mình là người sợ vắt nhất nhóm, bị vắt “hỏi thăm” là mỗi lần Thủy chỉ biết kêu la. Ảnh: NVCC.
Minh Thiên, người thường xuyên dẫn cung Tà Năng – Phan Dũng cho biết: “Đi Tà Năng mùa khô thì nắng, mệt hơn nhưng mùa mưa các trekker cũng phải cẩn thận khi di chuyển vì đường trek khá trơn, dễ trượt chân ngã”.
Thiên cho biết thêm với những nhóm trek chọn đi theo đường đi qua thác, mùa mưa phải đặc biệt cẩn thận mỗi khi lội suối.
“Nước lũ về rất nhanh nên người dẫn đoàn phải nắm bắt tình hình, thăm dò dòng nước và hướng dẫn mọi người qua suối sao cho an toàn nhất”, Thiên dặn.
Theo Zing