1. Tài nguyên du lịch là gì?
Có rất nhiều góc độ tiếp cận đến thuật ngữ tài nguyên thiên nhiên, mỗi một góc độ lại đưa ra một khái niệm khác nhau để giải thích tài nguyên thiên tiên.
Theo các nhà khoa học Du lịch Trung Quốc, tài nguyên du lịch được hiểu là tất cả giới tự nhiên và xã hội loài người có khả năng thu hút và có sức hấp dẫn đối với khách du lịch, có thể sử dụng cho ngành du lịch nhằm mục đích sản sinh ra hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường.
Theo Pirojnik, 1985 nhận định: Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên, văn hóa – lịch sử và những thành phần của chúng, tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển thể lực tinh thần, khả năng lao động và sức khỏe của của con người. Trong cấu trúc nhu cầu du lịch hiện tại và tương lai, trong điều kiện khả năng kinh tế kỹ thuật cho phép, các loại tài nguyên này được dùng để trực tiếp và gián tiếp sản xuất ra những dịch vụ du lịch và nghỉ ngơi.
Tại Việt Nam dưới góc độ pháp lý tài nguyên thiên nhiên được giải thích tại khoản 4 Điều 3 Luật Du lịch 2017 “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa”.
Dù hiểu theo nghĩa nào thì tài nguyên thiên nhiên đều mang ý nghĩa là một trong những yếu tố cơ bản, điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển du lịch của một địa phương. Số lượng tài nguyên vốn có, chất lượng của chúng và mức độ kết hợp các loại tài nguyên trên cùng địa bàn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển du lịch. Vì vậy, sức hấp dẫn của một địa phương phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên du lịch của địa phương đó.
2. Đặc điểm của tài nguyên du lịch:
Các vấn đề liên quan đến du lịch có số lượng rất lớn và đa dạng chính vì vậy nó rất dễ gây ra nhầm lẫn khi phân biệt các thuật ngữ du lịch với nhau; Chính vì thế để nhằm phân biệt một cách chính xác rõ ràng chúng ta cần nắm chắc đặc điểm của đối tượng đó và sau đây ta sẽ đi tìm hiểu về những đặc điểm của tài nguyên du lịch:
– Nguồn tài nguyên du lịch vô cùng đa dạng và phong phú. Điều này thể hiện Tài nguyên du lịch bao gồm nhiều loại tài nguyên như tài nguyên thiên nhiên với sự hình thành từ tự nhiên đã tạo ra những khung cảnh thơ mộng thu hút ánh người nhìn hay các tài nguyên về văn hóa, về lịch sử của các dân tộc mang đặc trưng truyền thống, trang nghiêm của một cộng đồng dân cư,…
– Tài nguyên du lịch không chỉ có giá trị hữu hình mà nó còn sở hữu cả giá trị vô hình. Giá trị vô hình của tài nguyên du lịch đã được thể hiện thông qua giá trị về chiều sâu của lịch sử, văn hóa đó có thể là những phong tục tập quán, nối sống của con người,…Đồng thời nó phụ thuộc vào khả năng nhận thức cũng như đánh giá của các du khách.
– Tài nguyên du lịch mang tính chất sở hữu chung. Bởi nguồn gốc của tài nguyên du lịch hầu hết đều bắt nguồn từ tự nhiên hay hình thành tồn tại và biến đổi của tài nguyên du lịch thay đổi qua từng giai đoạn, bề dày lịch sử cho nên tài nguyên du lịch không thuộc quyền sở hữu của riêng ai, bất kì công dân nào cũng có quyền được tham gia thẩm định, thưởng thức các giá trị của tài nguyên du lịch. Đồng thời doanh nghiệp du lịch nào cũng có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch vào mục đích phục vụ cho hoạt động du lịch
– Hầu hết tài nguyên du lịch thường có tính mùa vụ. Có những loại tài nguyên có khả năng khai thác quanh năm, chẳng hạn như tài nguyên nhân văn bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng,… Bên cạnh đó cũng có những tài nguyên chỉ khai thác vào một số thời điểm trong năm. Nó phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đặc trưng của từng vùng ví dụ như tài nguyên du lịch là lễ hội một năm diễn ra một lần,… đây cũng chính là yếu tố giúp tạo nên tính thời vụ đối với hoạt động du lịch.
– Việc khai thác tài nguyên du lịch gắn liền với vị trí địa lý. Sự khác biệt giữa kinh doanh du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác là sản phẩm du lịch được bán tại chỗ do phần lớn tài nguyên du lịch (như cảnh quan thiên nhiên, các làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…) đều gắn bó mật thiết với vị trí địa lý, không không thể di dời được.
– Tài nguyên du lịch có thể được sử dụng nhiều lần. Bởi đặc điểm của các nguồn tài nguyên tạo thành các sản phẩm du lịch là bán quyền sử dụng chứ không bán quyền sở hữu. Vì vậy với cùng một loại tài nguyên du lịch thì nhiều đối tượng khách du lịch có thể tham quan trong nhiều lần. Đồng thời tài nguyên du lịch đã được xếp vào loại tài nguyên có khả năng tái tạo cũng như sử dụng lâu dài như các tài nguyên về phong cảnh, đồ nghệ thuật,…
3. Phân loại tài nguyên du lịch:
Có nhiều cách thức phân loại về tài nguyên thiên nhiên những chủ yếu và phổ biến nhất tài nguyên du lịch sẽ được chia làm 3 loại:
Tài nguyên du lịch thiên nhiên: Đây là loại tài nguyên du lịch hình thành từ tự nhiên bao gồm các yếu tố về khí hậu, địa hình, cảnh quan thiên nhiên… không có sự tác động vật ý của con người; có thể nói rằng tài nguyên du lịch thiên nhiên là những món quà quý giá mà tự nhiên đã ban tặng cho con người. Một số tài nguyên du lịch hình thành từ tự nhiên tại Việt Nam có thể kể đến như: Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha, Biển Nha Trang, Sa pa…
Tài nguyên du lịch nhân văn: Bao gồm tài nguyên du lịch nhân văn vật thể và tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể. Loại hình tài nguyên du lịch này sẽ tập hợp những di sản được con người tạo ra qua nhiều thế hệ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác được gìn giữ, bảo tồn cho đến tận ngày nay mang đậm tính chất văn hóa, lịch sử.
Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể thực chất là di sản văn hóa bao gồm các di tích lịch sử, công trình văn hóa, văn nghệ, kiến trúc,… Còn tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể là tài nguyên du lịch có thể được bảo tồn, khai thác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội. Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Các lễ hội truyền thống, nghề và làng nghề thủ công cổ truyền, văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán, văn hóa các tộc người, trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian…
Tài nguyên du lịch xã hội: Tài nguyên du lịch xã hội sẽ liên quan tới các sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội được con người đương đại tổ chức, nhằm mang tới độ lôi cuốn đặc sắc và thu hút khách du lịch. Ví dụ như: các sự kiện thể thao thế giới, các cuộc thi hoa hậu thế giới và khu vực, các hội nghị chính trị – kinh tế như: Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN….v.v.
Ngoài ra còn có thể còn nhiều loại tài nguyên du lịch khác mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra.
4. Vai trò và ý nghĩa của tài nguyên du lịch:
Trong hoạt động du lịch tài nguyên du lịch giữ một vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của các hoạt động du lịch cụ thể:
– Tài nguyên du lịch là yếu tố quan trọng giúp hình thành các sản phẩm du lịch. Sự khởi đầu cho hoạt động du lịch cần phải có nguồn lực để phát triển, ví dụ như một công ty muốn tồn tại thì phải có vốn, chỉ có vốn mới có thể hình thành nên công ty và trong du lịch cũng vậy nếu không có các tài nguyên du lịch thì các sản phẩm du lịch cũng không thể duy trì và tồn tại.
– Tài nguyên du lịch là một cơ sở phát triển các loại hình du lịch mới. Với sự đa dạng và phong phú của tài nguyên du lịch các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có thể phát triển nhiều loại hình du lịch mới như đối với tài nguyên du lịch về nhân văn vật thể có thể phát triển loại hình du lịch chuyên đề, tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể phát triển hình thức du lịch tham quan, ngắm cảnh,…
– Tài nguyên du lịch sẽ ảnh hưởng tới mục đích chuyến đi của du khách. Trước khi tiến hành đi du lịch du khách sẽ xem xét địa điểm du lịch nào có tài nguyên du lịch phong phú đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của bản thân để lên kế hoạch thực hiện chuyến đi.
5. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch:
Theo quy định tại Điều 17 Luật du lịch 2017 quy định về trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch như sau:
– Nhà nước có chính sách quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác hợp lý, phát huy giá trị tài nguyên du lịch trong phạm vi cả nước để phát triển du lịch bền vững.
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác hợp lý và phát huy giá trị tài nguyên du lịch.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý tài nguyên du lịch có trách nhiệm bảo vệ, đầu tư, tôn tạo tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan, thụ hưởng giá trị của tài nguyên du lịch; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thẩm quyền trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch cho các mục tiêu kinh tế khác.
– Khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch.
Như vậy, bài viết đã tổng hợp và cung cấp những nội dung cơ bản về tài nguyên du lịch, mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích đối với người đọc đang nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này.