Ăn sáng tại TPHCM, ăn trưa tại Nha Trang
Trước đây, quãng đường TPHCM – TP.Nha Trang (Khánh Hòa) dài khoảng 430km, đi bằng ôtô từ sáng sớm đến chiều tối mới tới nơi thì nay nhờ các đoạn đường cao tốc mới hoàn thành, thời gian đã rút gọn một nửa. Sau khi ăn sáng, uống cà phê tại TP.Thủ Đức, lúc 7 giờ sáng chúng tôi lái ôtô đến nút giao An Phú để vào đường cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây dài 55km. Băng qua nhiều vạt rừng cao su khi sắp hết đường cao tốc này, bảng chỉ dẫn lưu thông vào đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99km, khánh thành ngày 30/4/2023 hiện ra. Hai bên đường, công nhân tiếp tục thi công những hạng mục cuối cùng. Con đường mới xuyên qua những khu vực trồng thanh long, nương rẫy của người dân “miền cát trắng”.
Khoảng 9 giờ, chúng tôi đã tới TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Như vậy, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, hành trình 200km từ TPHCM ra Phan Thiết trước đây đi mất 4-5 tiếng, nay chỉ còn một nửa nhờ đường cao tốc. Nhiều tài xế so sánh, nếu đi từ TPHCM đến TP.Vũng Tàu tắm biển phải mất 1,5 tiếng vì chưa có đường cao tốc thì họ sẽ đi thẳng ra TP.Phan Thiết vì đường tốt, ít xe cộ. Và tất nhiên, ngành du lịch của TP.Phan Thiết sẽ “cất cánh”, sôi động hơn trước rất nhiều.
Theo bảng chỉ dẫn, đi thẳng là vào đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 101km, mới khánh thành ngày 19/5/2023. Đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết chạy qua 4 huyện của tỉnh Bình Thuận, mặt đường rộng 17m, với 4 làn xe, lưu thông tốc độ 80km/giờ. Trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác, dự án cũng chưa triển khai thu phí. Mặc dù đã thông xe, nhưng trên công trường đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết vẫn còn ngổn ngang công việc. Sơn vạch kẻ đường còn rất mới, ít xe tải chạy, những đồi cát tiếp nối, trải dài hai bên đường, có cảm giác giống như đi giữa sa mạc.
Đi hết đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, trời bắt đầu nắng cháy da cháy thịt khi tới H.Tuy Phong (Bình Thuận). Do đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo chưa thi công xong nên chúng tôi đành “quá giang” ra QL1. Đây là huyện cuối cùng của tỉnh Bình Thuận, tiếp giáp tỉnh Ninh Thuận. Địa danh Cà Ná nổi tiếng với cánh tài xế đường dài vì đường cua gắt, một bên là núi đá, phía còn lại là bãi biển tuyệt đẹp, có nhiều quán ăn và cả những cánh quạt khổng lồ của hệ thống điện mặt trời. Hơn 10 giờ, chúng tôi có mặt tại vùng đất “gió như phang, nắng như rang”.
Đi xuyên qua tỉnh Ninh Thuận là vào TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) nổi tiếng với cả trăm resort “5 sao” nghỉ dưỡng trải dài. Chúng tôi trông thấy bảng hiệu hướng dẫn lối đi vào đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm dài 49km. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư xây dựng mặt đường rộng 17m, cho 4 làn xe lưu thông, với tốc độ 80km/giờ. Toàn tuyến có 4 trạm thu phí đặt tại các nút giao: Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh; hình thức thu phí không dừng. Trước mắt, dự án cũng chưa thu phí.
Hết đường cao tốc trên, đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút, chúng tôi dừng ăn cơm trưa tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Giờ chỉ còn chờ dự án đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78km hoàn thành là tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Nha Trang vào TPHCM nối liền một mạch. Tuy nhiên, suốt 3 đoạn đường cao tốc thành phần vừa qua, cánh tài xế còn cảm thấy bất tiện vì còn thiếu nhiều trạm dừng chân để nghỉ ngơi, đi vệ sinh.
Chờ thêm một số đường cao tốc
Rời tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi trực chỉ tỉnh Phú Yên bằng QL1 vì khu vực này chưa có đường cao tốc. Mặt đường QL1 qua các huyện, thị xã của Phú Yên đang được dặm vá vì hư hỏng nặng sau những tháng mùa mưa vừa qua. Đây là cung đường gây ám ảnh đối với cánh tài xế và lưu thông khó khăn nhất khu vực miền Trung, thuộc sự quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông – Vận tải).
Tới TP.Quy Nhơn (Bình Định) lúc 16 giờ 30 cùng ngày, chúng tôi ăn chiều để tiếp tục ra Quảng Ngãi. Đoạn QL1 từ TX.Hoài Nhơn (Bình Định) giáp với Quảng Ngãi có mặt đường xấu, xuống cấp. Từ đầu năm nay, Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông) giai đoạn 2021 – 2025 đã khởi động, là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần. Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng.
Trời tối mù khi chúng tôi tới H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Nhờ bảng chỉ dẫn, chúng tôi đi vào đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chạy qua 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Đường cao tốc này nối Đà Nẵng với Quảng Ngãi rất đẹp, phong cảnh hữu tình, đi ngang qua sân bay Chu Lai, hai bên là ruộng vườn xanh màu dẫn thẳng tới TP.Đà Nẵng. Nửa đêm, chúng tôi đã tới Đà Nẵng sau khi di chuyển qua 5 đoạn đường cao tốc. Nhờ đó, chuyện phát triển du lịch, đi lại, học hành của người dân các tỉnh miền Trung kết nối với TPHCM sẽ ngày càng thuận lợi hơn khi rút ngắn được rất nhiều thời gian.