Để trẻ được phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất, việc lắng nghe, quan sát và khám phá thế giới xung quanh là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ nên cho con em mình vận động ngoài trời từ sớm thay vì sử dụng các thiết bị điện tử như di động hay ti vi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn top 15+ các trò chơi vận động ngoài trời theo chủ đề vui và bổ ích nhất.
Tại sao nên cho trẻ vận động ngoài trời?
Trò chơi vận động ngoài trời là một trong những phương pháp tuyệt vời để nâng cao sức khỏe thể chất của trẻ em. Tốt về nhiều mặt khác cho trẻ, như quan sát, tính nhanh nhạy, xử lý tính huống, đoàn kết và rất nhiều lợi ích khác.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các lợi ích tuyệt vời có thể kể đến như:
Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch ở trẻ em còn khá yếu. Đây là lý do tại sao các bé dễ mắc bệnh hơn. Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và không khí bên ngoài sẽ giúp cơ thể dần dần thích nghi tốt hơn với sự biến đổi của điều kiện thời tiết, điều chỉnh thân nhiệt nhanh hơn, hạn chế ốm sốt. Ngoài ra, tiếp xúc sớm với các loại vi khuẩn, virus ngoài trời cũng giúp hệ miễn dịch hình thành kháng thể chống lại, cơ thể sẽ trở nên mạnh khoẻ hơn, dễ dàng chống chịu trước các loại bệnh do thời tiết hay bệnh truyền nhiễm.
Phản xạ nhanh nhẹn và quan sát tốt hơn: Cho trẻ vận động kết hợp với việc tổ chức các trò chơi vận động ngoài trời sẽ giúp khả năng quan sát và phản xạ của trẻ được cải thiện. Đây là yếu tố cần thiết để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Phát triển chiều cao, cân nặng: Hoạt động thường xuyên giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích cơ bắp phát triển, tăng sức bền và độ dẻo dai. Ngoài ra còn tiêu hao nhiều năng lượng, giúp bé ăn ngon miệng hơn, từ đó phát triển cả chiều cao và cân nặng. Tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên cũng là điều kiện để hấp thu vitamin D, có nhiều công dụng đối với sự hình thành và phát triển xương của trẻ.
Gợi ý 15 trò chơi vận động ngoài trời bổ ích nhất cho bé
Dưới đây là top 15 trò chơi vận động ngoài trời, vừa giúp trẻ tăng khả năng phản xạ, vừa giúp ích cho sự phát triển toàn diện cả về tinh thần và thể chất:
Trò chơi vận động ngoài trời chủ đề thực vật
Trò chơi ngoài trời lá và gió
Chuẩn bị:
- Cô giáo giới thiệu tên trò chơi vận động ngoài trời và cho trẻ nhắc lại
- Cô giáo phổ biến cách chơi và luật chơi cho trẻ
Luật chơi: Gió thổi thì lá bay, gió ngừng thổi thì lá ngừng bay. Nếu làm đúng thì sẽ được cô khen hoặc được tặng quà, làm sai thì bị phạt nhảy lò cò trước lớp.
Cách chơi:
- Cô giáo đóng vai gió, trẻ đóng vai lá bay trên sân. Khi gió thổi mạnh thì tất cả lá trên sân sẽ bay nhanh theo chiều gió. Gió thổi nhẹ thì bay chậm hơn, gió ngừng thổi thì lá dừng lại.
- Cô giáo tổ chức trò chơi sẽ tham gia chơi cùng trẻ.
- Yêu cầu trẻ không xô đẩy nhau khi chơi
Trò chơi trồng cây gieo hạt
Cô giáo hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác đúng theo nhịp của bài đồng dao sau:
“Gieo hạt Mùi hương
Nảy mầm Thơm ngát
Một cây Một quả
Hai cây Hai quả
Một nụ Gió thổi
Hai nụ Cây rụng
Một hoa Lá rụng
Hai hoa Nhiều lá….”
Cách chơi:
- Cô giáo hướng dẫn trẻ nắm tay nhau tạo thành 1 vòng tròn, vừa đọc các câu thơ vừa thực hiện động tác.
- Gieo hạt: Trẻ ngồi xuống từ từ, 2 tay đưa sát mặt đất làm động tác gieo hạt
- Nảy mầm: Trẻ từ từ đứng thẳng lên
- Một cây: Trẻ giơ cao tay bên trái
- Hai cây: Trẻ giơ cao tay bên phải
- Một nụ: Trẻ hạ tay trái, úp bàn tay xuống
- Hai nụ: Trẻ hạ tay phải, úp bàn tay xuống
- Một hoa: Trẻ ngửa bàn tay trái, các ngón tay xoè rộng
- Hai hoa: Trẻ ngửa bàn tay phải, xòe rộng các ngón tay
- Mùi hương thơm ngát: Trẻ đưa 2 tay úp nhẹ vào mũi, hít sâu giống động tác ngửi hoa
- Một quả: Trẻ để tay ngang ngực, bàn tay trái ngửa ra
- Hai quả: Trẻ để tay ngang ngực, bàn tay phải ngửa ra
- Gió thổi: Trẻ giang hai tay lên cao tạo thành hình chữ V, nghiêng người sang trái
- Cây rung: Trẻ nghiêng người sang phải
- Lá rụng: Trẻ ngồi xổm xuống
- Nhiều lá: Trẻ lắc cổ tay rồi hô to: A!A!A!…
Trò chơi vận động ngoài trời chủ đề giao thông
Trò chơi ô tô và chim sẻ
Luật chơi: Khi nghe hiệu lệnh còi xe kêu “bim, bim” thì trẻ phải tránh sang hai bên đường
Cách chơi:
- Cô giáo chuẩn bị 1 hoặc 2 vòng tròn nhỏ có đường kính khoảng 20cm
- Cô giáo quy định vị trí chơi, vẽ hai đường thẳng giới hạn hai bên làm vỉa hè, ở giữa là đường ô tô
- Cô giáo hướng dẫn trẻ cầm vòng tròn xoay xoay như động tác lái ô tô, các trẻ còn lại đóng vai chim sẻ.
- Chim sẻ nhảy trên mặt đường kiếm ăn, vừa nhảy vừa thực hiện động tác mổ thóc.
- Trẻ đóng vai ô tô giả tiếng kêu “bim bim” và chạy đến. Những trẻ còn lại (đóng vai chim sẻ) phải nhanh chóng chạy lên các vòm cây bên đường (ra ngoài hai vạch kẻ của đường ô tô)
- Sau khi ô tô đã chạy qua rồi, chim sẻ lại tiếp tục xuống đường nhảy và mổ thóc ăn.
- Khi các em đã luyện chơi thành thạo, cô giáo sẽ chọn ra 2 bạn nhanh nhẹn, tinh mắt để đóng vai ô tô.
Lưu ý: Cô giáo cần hô to “bim, bim” và di chuyển dần dần đến để trẻ không bị luống cuống khi né tránh. Cũng phải nhắc nhớ các trẻ không được xô đẩy khi chơi đùa. Để trò chơi vận động ngoài trời này trở nên thú vị hơn, hãy để ô tô xuất hiện sau khi chim sẻ mổ thóc được 30 giây.
Trò chơi làm theo tín hiệu đèn
Dụng cụ: 3 thẻ đèn báo hiệu xanh, đỏ, vàng. Khoảng sân hoặc lớp rộng rãi, bằng phẳng
Luật chơi: Mô phỏng đúng động tác của các phương tiện giao thông khi gặp đèn tín hiệu. Trẻ nào làm sai sẽ bị phạt ra ngoài 1 lần.
Cách chơi:
- Cô giáo nói “Ô tô xuất phát”, trẻ sẽ làm động tác lái ô tô, miệng kêu “bim, bim” và chạy chậm
- Khi cô giơ bảng đèn đỏ, tất cả các trẻ phải dừng lại
- Cô giơ bảng đèn xanh, trẻ sẽ tiếp tục đi
- Nếu cô ra tín hiệu “Máy bay cất cánh”, trẻ sẽ dang tay sang 2 bên, nghiêng người để làm máy bay, miệng kêu ù ù và chạy thật nhanh
- Cô giơ bảng đèn xanh thì trẻ tiếp tục chạy, giơ bảng đèn vàng thì trẻ đi chậm hơn, còn khi cô nói “máy bay hạ cánh”, hoặc giơ bảng đèn đỏ thì trẻ phải dừng lại
- Khi cô nói “thuyền ra khơi”, trẻ sẽ nhanh chóng ngồi xuống, dang 2 tay làm động tác chèo thuyền.
- Cô nói “thuyền về bến”, hoặc giơ tín hiệu đèn đỏ thì trẻ sẽ dừng lại và đứng dậy. Giơ đèn xanh thì tiếp tục ngồi xuống để chèo thuyền.
- Tín hiệu đèn và hiệu lệnh sẽ được thay đổi liên tục, trẻ cần chú ý quan sát để thực hiện sao cho đúng. Sau khi trẻ đã quen, hãy lựa chọn một bạn nhanh nhẹn để tự điều khiển.
Trò chơi thuyền vào bến
Dụng cụ:
- Mỗi trẻ sẽ có một chiếc thuyền giấy với các màu sắc khác nhau.
- Chuẩn bị cờ (hoặc các chấm tròn) có màu sắc tương ứng với thuyền và quy định là bến
- Một khoảng sân hoặc phòng trống
Luật chơi: Trẻ phải tìm được bến có màu giống với thuyền của mình. Thuyền chỉ được phép vào bến khi có hiệu lệnh của cô.
Cách chơi:
- Mỗi trẻ sẽ chọn 1 chiếc thuyền của mình để ra khơi đánh cá (nghĩa là cầm thuyền đi dạo trong sân chơi), vừa đi vừa thực hiện động tác chèo thuyền hoặc thuyền đang vượt sóng. Khi nghe hiệu lệnh “Trời sắp có bão to” của cô giáo thì nhanh chóng mang thuyền về bến. Thuyền màu nào thì bến màu đó. Bé nào về bến sai nào thì thua cuộc.
Lưu ý:
- Để trò chơi thêm phần thú vị, đồng thời giúp trẻ biết cách nhận biết các màu sắc khác nhau, cô giáo nên đổi chỗ các bến và hướng dẫn các bé đổi màu thuyền cho nhau qua các lượt chơi. Nhiều thuyền có thể đậu chung một bến, nghĩa là các có thuyền cùng màu sẽ tìm về 1 bến giống nhau. Nhưng cũng phải để các bến cách nhau một khoảng vừa vặn để các bé đủ chỗ đứng xung quanh.
Trò chơi vận động ngoài trời chủ đề chú bộ đội
Trò chơi chống xuồng vận tải đạn qua sông
Dụng cụ:
- 2 cái ghế đặt trước vạch xuất phát
- Bong bóng chưa thổi và dây thun
- 2 cái giỏ cho mỗi nhóm
Cách chơi:
- Cô giáo cho các tổ xếp thành hàng dọc ở phía trước vạch xuất phát
- Bạn đầu tiên ở mỗi tổ sẽ thổi một chiếc bong bóng, cột lại sau đó ngậm vào miệng. Trèo lên một cái ghế trước mặt, rồi truyền tiếp chiếc ghế phía sau ra phía trước. Cứ thực hiện như vậy cho đến khi đến được cái giỏ thì giữ nguyên tư thế đứng trên ghế, khom người, nhả bóng vào giỏ và trở về.
- Sau khi người thứ nhất thực hiện xong thì bạn thứ 2 tiếp tục tương tự. Thời gian chơi khoảng 5 phút, đội nào chuyển được nhiều bóng hơn sẽ là đội thắng cuộc.
Trò chơi bộ đội hành quân
Là một trong những trò chơi vận động ngoài trời rất tốt cho trẻ em.
Chuẩn bị:
- Sân trường hoặc phòng học lớn có đủ chỗ để chạy
- Cầu tuột có sẵn trong sân trường
- Từ 3-5 vòng chui chiều cao 50cm để làm hầm, hoặc có thể thay thế bằng thùng phi với đường kính 50cm
Cách chơi:
- Cô giáo chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 3-5 bạn chơi
- Cho trẻ xếp thành hàng dọc phía sau vạch xuất phát
- Sau khi cô giáo đọc hiệu lệnh, trẻ sẽ chui qua hầm (vòng chui hoặc thùng phi), leo đồi (leo lên cầu tuột), nhảy qua chiến hào và chạy về vạch xuất phát. Sau đó, trẻ di chuyển đến đứng ở cuối hàng và chờ đến lượt tiếp theo.
Lưu ý:
- Khi bạn đầu tiên bò hết đường hầm thì bạn tiếp theo sẽ bắt đầu chơi luôn. Trẻ số 1 đang leo đồi thì trẻ thứ 2 bắt đầu bò vào đường hầm.
- Cầu tuột được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong sân, nên trẻ có thể chạy đến bất cứ cầu tuột nào. Nếu cầu tuột ở phía sau chiến hào thì trẻ có thể nhảy qua chiến hào rồi mới đến cầu tuột.
- Sân trường có bao nhiêu cầu tuột thì có bấy nhiêu trẻ được chạy cùng lúc. Cô giáo lưu ý làm số hầm bằng với số cầu tuột.
Trò chơi vận động ngoài trời chủ đề động vật
Trò chơi mèo đuổi chuột
Là một trong những trò chơi vận động ngoài trời phổ biến nhất từ trước đến nay, có thể nói là trò chơi vận động ngoài trời dân gian.
Luật chơi: Nếu mèo bắt được chuột thì bạn đóng vai chuột sẽ phải nhảy lò cò, nếu không bắt được thì bạn đóng vai mèo sẽ phải nhảy lò cò trước lớp.
Cách chơi:
- Cô giáo chọn một bạn đóng vai mèo và một bạn đóng vai chuột, các bạn còn lại đứng thành vòng tròn và đọc bài đồng dao mèo đuổi chuột. Cho trẻ chơi từ 3-4 lần, thay thế vai trò liên tục.
Trò chơi cáo và thỏ
Luật chơi: Cô giáo cho một bạn đóng vai thỏ, tương ứng sẽ có một bạn giả làm cái hang. Thỏ phải nấp vào đúng hang của mình. Thỏ nào chậm chân bị cáo bắt hoặc chạy về nhầm hang thì sẽ bị phạt ra ngoài.
Cách chơi:
- Cô giáo chọn 1 bạn đóng vai cáo ngồi rình ở góc lớp. Số trẻ còn lại chia đều để làm thỏ và hang. Trẻ làm hang sẽ chọn chỗ đứng cho mình, vòng tay về phía trước đón bạn khi bạn bị cáo đuổi. Cô giáo phải yêu cầu các bạn nhớ đúng hang của mình trước khi chơi.
- Khi trò chơi bắt đầu, các chú thỏ sẽ nhảy đi kiếm ăn, vừa nhày vừa thực hiện động tác giơ bàn tay lên đầu vẫy vẫy (giống tai thỏ) và đọc bài thơ.