“Anh biết gió đến từ đâu” là truyện đầu tiên của Cửu Nguyệt Hi mà mình được đọc.
Nhận xét sơ bộ thì đây là bộ truyện gần đây nhất mình đọc mà có thể khiến mình cảm thấy ấn tượng và muốn đọc lại. Văn phong tốt, từ ngữ tốt, nội dung diễn biến chặt chẽ, có logic và sâu sắc. Nhân vật được khắc họa rất rất rõ nét đến từng con người một, không chỉ nam nữ chính. Có thực tế cuộc sống, có hiện thực trần trụi, có tình cảm nồng nhiệt, có phần cực đoan, có phần khó hiểu và không thể đoán trước, cũng có hy vọng, niềm tin và tình yêu. Tổng kết lại là một bộ truyện rất đáng đọc và để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho chính mình.
Bây giờ sẽ vào phần chính. Có thể xem như Review, cũng có thể xem như cảm nghĩ về một câu chuyện.
– Anh biết gió đến từ đâu –
Cái tên truyện rất đỗi bình thường, khá khó hiểu nhưng đến cuối của câu chuyện thì mình cũng hiểu được tại sao lại đặt tên truyện này, dù có bao nhiêu sự việc diễn ra trong câu chuyện thì đến cùng nội dung của nó cũng là tình yêu, tình yêu của chàng trai nghe được tiếng của gió và cô gái trở thành ngọn gió của chàng trai. Hai con người vốn dĩ không có một điểm chung, không có liên hệ nhưng một cách ngẫu nhiên (theo ý đồ của tác giả) đã gặp nhau, trải qua sóng gió và đến với nhau. Dĩ nhiên, nếu nó chỉ đơn giản là một câu chuyện tình yêu như thế thì đã chẳng có chữ “đáng đọc” và “ấn tượng” này rồi. Không chỉ có tình yêu trong câu chuyện, mà còn có cuộc sống của những con người trên mảnh đất Khả Khả Tây Lý, đó có thể đơn giản là cách mà họ sống, sinh hoạt, giao tiếp, buôn bán, có thể là tình yêu đôi lứa, có thể là công việc và tương lai mà họ mong chờ, đó còn là những khung ảnh đầy nghệ thuật và hiện thực của người nhiếp ảnh gia và đó còn là những mặt trái của xã hội được tác giả miêu tả có cả xấu lẫn tốt, cả đẹp lẫn không đẹp.
Nam chính: Bành Dã – Đội viên Trạm bảo vệ Đạt Kiệt, Khu bảo tồn động vật hoang dã Khả Khả Tây Lý.
Nữ chính: Trình Ca – Nhiếp ảnh gia nghệ thuật nổi tiếng.
Truyện bắt đầu với Trình Ca, một cô gái trẻ tuổi, làm nghệ thuật, nhiếp ảnh gia, mắc bệnh tâm lý và cần đến tư vấn tâm lý từ chuyên gia. Hình ảnh của Trình Ca hiện lên ở phần mở đầu chuyện cơ bản chỉ là “có bệnh”, “nghiện sex” và “tài năng”. Một người phụ nữ có lẽ khiến cho người ta phải ghét nhưng cũng rất “đặc biệt”. Trình Ca bởi không tìm thấy cảm hứng trong việc chụp ảnh nên trong một dịp tình cờ nhìn thấy ảnh quảng cáo của vùng đất Khả Khả Tây Lý đã quyết định lên đường đến đây để chụp ảnh về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã ở đây. Ngay trong đêm đầu tiên đến vùng đất Khương Đường, Trình Ca đã dính vào rắc rối, do chiều cao và nhầm lẫn trong quá trình nhận phòng khách sạn, cô bị nhận nhầm thành một kẻ buôn lậu da thú trái phép và nửa đêm bị dựng dậy bởi đội bảo vệ động vật hoang dã. Đây cũng chính là lần đầu tiên cô được gặp Bành Dã – Anh Bảy, Đội trưởng đội bảo vệ. Có thể nói Trình Ca bị Bành Dã thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bành Dã hiện lên là một người đàn ông rất đàn ông, không chỉ hình thể đẹp và còn rất có cảm giác tồn tại. Trong tất cả các nhân vật trong truyện ngôn tình mà mình đã đọc thì có lẽ Bành Dã là nam nhân vật đem lại ấn tượng sâu đậm nhất và cũng là nhân vật khiến mình thích nhất. Ấn tượng đầu của mình về Bành Dã là một người đàn ông rất manly, thứ hai là bản lĩnh, không bị sắc dụ :)), khá khôn khéo và đứng đắn. Ấn tượng đầu của Trình Ca về Bành Dã là người “ăn đậu hũ” của cô, dĩ nhiên cô cũng dùng ánh mắt ăn đậu hũ của anh gấp tỷ lần rồi =)). Ấn tượng đầu của Bành Dã về Trình Ca là một người phụ nữ “điên” =)). Nhưng không thể không nói cả hai người đều để lại ấn tượng đầu tiên rất đặc biệt và sâu sắc cho nhau. Cũng chính trong cuộc gặp này mình mới phát hiện được một tính cách rất hay của Trình Ca, đó là ăn miếng trả miếng =)). Anh sờ ngực tôi thì phải cho tôi sờ lại =)). Càng về sau tính cách này của cô càng rõ ràng, nó là một kiểu tính cách rất thu hút chứ không hề ngang ngược.
Lần tiếp theo họ gặp nhau là trên con đường trải đầy gió và cát để từ Khương ĐƯờng đến Khả Khả Tây Lý. Chiếc xe của Trình Ca hỏng dọc đường, lại bị một đôi nam nữ trộm xăng. Về sau đôi nam nữ này bị Trình Ca dốc cả can xăng lên đầu rồi bật bật lửa dọa đốt khiến cả làng tá hỏa =)). Tình cờ Trình Ca gặp được xe của Đội bảo vệ động vật hoang dã do Bành Dã đứng đầu và được cho đi nhờ xe. Ở đây xuất hiện một chi tiết, khá khó hiểu nhưng về cuối chuyện đã được làm rõ, đó là hình ảnh Trình Ca ngồi trên nóc xe nói to “Tôi là Trình Ca, nhiếp ảnh gia Trình Ca”, một câu nói đã từng tồn tại trong trí nhớ của Bành Dã rất nhiều năm về trước. Việc này để sau bàn tiếp. :)). Đại để tiến trình là sau khi làm rõ thì Trình Ca theo hội Bành Dã cùng tiến về Khả Khả Tây Lý.
Lại nói về Đội của Bành Dã, có Ni Mã Tang Ương, chàng trai Khả Khả Tây Lý bản địa, dễ xấu hổ, thích cô bé Mạch Đóa của quầy bán đồ vặt Mạch Đóa, có Thạch Đầu, một chàng trai rất “kẹt sỉ” nhưng tốt tính, có Mười Sáu trẻ tuổi nhưng can đảm. Mỗi người một tính cách, một diện mạo nhưng đều sống và chiến đấu cho lý tưởng vì một mảnh đất Khả Khả Tây Lý tươi đẹp không còn bọn săn trộm động vật hoang dã. Mỗi người trong số họ đều không phải nhân vật chính, nhưng con người của họ, cuộc sống của họ, công việc của họ đều được khắc họa hết sức rõ ràng và mang dấu ấn riêng.
Trở về với Trình Ca và Bành Dã. Có thể nói Trình Ca là hình mẫu của những người theo đuổi nghệ thuật một cách cực đoan, khá nóng nảy, cá tính mạnh, xinh đẹp và thích những thứ mạo hiểm, cảm giác mạnh. Tác giả thực sự xây dựng được một nhân vật rất đặc biệt, từ đầu đến cuối tính cách của cô đều nhất quán và đặc trưng, không hòa lẫn được với bất kỳ nhân vật nào. Ban đầu với Bành Dã, cô cố chấp theo đuổi tình một đêm với anh, đơn giản vì cô thích, đơn giản vì Bành Dã “đẹp”, đơn giản vì cô muốn làm tình với anh và đơn giản vì anh gợi lên bản tính thích chinh phục và ưa mạo hiểm của cô. Nhưng càng về sau cô càng bị anh thu hút, bởi cái “đẹp” của anh, bởi nét đàn ông của anh, bởi chính sự hy sinh thầm lặng cho công việc của anh, cô đã yêu anh vì chính anh. Còn Bành Dã ư, bắt đầu anh rất không ưa Trình Ca, muốn tránh xa cô và không muốn để cô đạt được mục đích của mình, đầu tiên bằng cách rất quân tử, rồi đến cách hơi tỉ bỉ của đàn ông, thế nhưng trong trò chơi này anh vẫn thua, anh không chỉ có tình một đêm với cô mà còn là tình nhiều đêm =)). Theo cách nhìn của mình thì Trình Ca là một người phụ nữ hết sức thu hút từ ngoại hình cho đến tính cách, cô đẹp, có khí chất và cá tính, một nguời phụ nữ khiến cho tất cả đều bị cuốn vào, cô giống như một cơn gió, có lúc rất êm ái, nhẹ nhàng, lại có lúc rất mạnh mẽ, dữ dội. Cô là ngọn gió của anh.
Nói đến tính cách của Trình Ca, cái tính ăn miếng trả miếng của cô ấy rõ rệt nhất là ở những trích đoạn “trả thù”. Thực sự rất thú vị khi tác giả xây dựng lên một nhân vật như vậy, cô đẹp, cô cá tính và thù dai nhưng thù có lý do và trả thù cũng rất “đúng mực”. Bị người ta trộm xăng, cô đổ cả thùng xăng lên đầu người ta rồi dọa đốt =)). Bị bỏ rơi và lấy mất bật lửa nhưng cô chỉ tát 1 cái rồi đòi bật lửa chứ không tính toán cái việc bị bỏ rơi bởi đấy là lựa chọn “hợp lý” của người khác mà cô thấy có thể chấp nhận được dù người khác thì không. Bị “người điên” đánh cô nhớ người ta đánh mình bao nhiêu cái như thế nào để trả lại… Thực sự là một tính cách rất đặc biệt mà rất “thực”. Đấy là một điểm thu hút của Trình Ca đối với mình. Điều thú vị hơn cả là mỗi lần “trả thù” của Trình Ca đều có sự “tiếp tay” của Bành Dã, giống như anh khống chế cô trong phạm vi hoạt động của mình, đảm bảo cô không gây chuyện không thể giải quyết hậu quả, cũng là để đảm bảo cô không bị tổn thương hơn.
Thạch Đầu từng nói “… Cô gái Trình Ca này có luồng yêu khí, không chừng kiếp trước là hồ ly. Anh sợ ngày nào đó cô ấy sẽ thực sự móc tim cậu ra, đến lúc đó thì cậu đã phế rồi.”. Thạch Đầu về cơ bản là dự đoán đúng =))
Đến gần cuối truyện ta sẽ biết một đoạn quá khứ giữa Bành Dã và Trình Ca, cũng là lý do khiến Trình Ca có bệnh tâm lý. Bành Dã có một đứa em trai, rất lâu về trước do đua xe mà gây tai nạn khiến bố Trình Ca chết, chính trong buổi xảy ra tai nạn đó Bành Dã gặp Trình Ca lần đầu tiên. Cũng chính bởi tai nạn đó mà Trình Ca bị mẹ trách cứ đến đỉnh điểm, bà bỏ mặc cô đối diện với cuộc sống và khiến cô đi vào con đường lệch lạc. Bành Dã là một người đàn ông của đàn ông. Anh xuất hiện đã rất thu hút ánh nhìn của phụ nữ, đặc biệt là dễ dàng lọt vào mắt xanh của một nhà nghệ thuật như Trình Ca. Có thể nói bắt đầu, Bành Dã rất không ưa Trình Ca, cảm thấy cô thật sự “có bệnh”, cô cố ý câu dẫn anh, cô cố ý cợt nhả anh, cô biết nhưng cố ý không nói với anh, cô nhìn trộm anh tắm … =)). Thế nhưng dần dần trong chuyến hành trình đến Trạm bảo vệ Đạt Kiệt anh bị cô thu hút, đắm chìm vào cô, anh có thể tỉnh táo tránh được sự câu dẫn của cô 1 lần, 2 lần nhưng không tránh được hơn nữa. Mình luôn cảm thấy tình cảm của Trình Ca và Bành Dã thực tế diễn ra khá nhanh, chỉ trong có mấy ngày nhưng lại rất tự nhiên, rất đúng đắn và hợp lý, rất “đẹp”. Kể cả những phân đoạn H trong truyện cũng khá là “kịch liệt” nhưng không hề phản cảm và thô tục, nó rất hợp lý với tính cách của nhân vật chính và diễn tiến của câu chuyện, nó thể hiện được chính xác tình cảm sâu sắc và đậm nét của Bành Dã và Trình Ca. Bành Dã khi chưa bắt đầu yêu Trình Ca vẫn luôn đúng mực với cô, dù bị cô lau súng nhưng anh vẫn có thể khống chế tốt không cướp cò, cũng không tranh thủ, thực sự là một người rất đàn ông. Khi đã yêu Trình Ca, anh lại rất nghiêm túc, muốn ở bên cô, chăm sóc cô, yêu thương cô, đối mặt với quá khứ của cô và anh, giúp cô đối mặt với người yêu cũ của mình. Bành Dã là một người đàn ông lớn tuổi, quá 35 rồi, chơi cũng chơi đủ rồi, tình sử cũng không phải là ít, nhưng đến thời điểm mà anh yêu Trình Ca, anh đã là một người đàn ông chín chắn, có lý tưởng, có niềm tin, một người đàn ông có thể cứu vớt tâm hồn đầy tổn thương của Trình Ca. Tình yêu của Bành Dã và Trình Ca là tình yêu cứu vớt lẫn nhau, hòa tan lẫn nhau, tự nhiên như một cơn gió lúc nào cũng ở bên nhau. Cho đến cuối truyện thì tình yêu của Bành Dã dành cho Trình Ca đã rất sâu sắc rồi, anh yêu cô đến mức không muốn chết, cũng không thể chết, vì anh lo nếu anh chết rồi sẽ không có ai yêu cô, ở bên cô, bảo vệ cô như anh có thể nữa.
Mơ ước của Bành Dã là trở thành một hoa tiêu, nhưng cứ khất lần mãi vì còn lo cho khu bảo vệ. Bởi vậy mà ở cuối truyện khi Trình Ca tưởng rằng anh đã chết thì cô thay anh làm, cô đi chụp ảnh động vật trên tàu ở Bắc Cực. Tác giả mở ra một kết thúc OE thì có thư ghi tên Bành Dã gửi đến và có một người tên Bành Dã trở thành hoa tiêu của con tàu này. Dù thế nào mình cũng tin đây là một cái kết HE, một kết thúc mà chắc chắn Bành Dã và Trình Ca đến với nhau ở một nơi hoàn toàn mới, họ tiếp tục yêu nhau như đó là điều đương nhiên của cuộc sống và họ sẽ hạnh phúc, mãi mãi :))
Tiểu tam tiểu tứ trong truyện cũng đủ cả nhưng chỉ là những nét chấm phá rất nhỏ, không đủ sức uy hiếp đến vị trí và tình cảm của cả hai người.
Sự thực là tác giả đã xây dựng được hai hình tượng nhân vật rất rất đẹp. Và câu chuyện về họ vẫn khiến mình ấn tượng mỗi lần nhớ lại.
Cơ bản thì đây là viết cảm nghĩ lung tung, Hihi!
-The End-