Đăng ngày 06/07/2022 04:38 PM
Những năm gần đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông trở thành một điểm đến có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Nhiều người tìm đến đây để được hòa mình vào thiên nhiên thông qua hành trình chinh phục đỉnh Pù Luông.
Tuyến Kho Mường đi Pốn Thành công – thác Hiêu… dự báo sẽ là tuyến trekking hấp dẫn, thu hút khách du lịch nếu được đưa vào khai thác. Ảnh: Tăng Thúy
Băng rừng leo đỉnh Pù Luông
Khu BTTN Pù Luông có diện tích 45.000 ha (vùng lõi 17.662 ha, vùng đệm 27.338 ha) thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Đây là khu vực rừng đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc Việt Nam với 3 kiểu chính là rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi; các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi. Với đường cao tốc hẹp chia đôi khu bảo tồn dọc theo đáy thung lũng, nối liền các bản làng vẫn giữ trọn vẹn những bản sắc dân tộc vốn có, nơi đây sẽ giúp du khách có được nhiều trải nghiệm độc đáo về văn hóa vùng miền.
Không chỉ vậy, khu bảo tồn này còn sở hữu đỉnh Pù Luông cao 1.700m và là điểm trekking – hoạt động du lịch dã ngoại mà người tham gia có các chuyến đi bộ đường dài, leo núi, băng qua những cung đường đủ loại địa hình, phần lớn là đồi núi, được nhiều người yêu thích. Với loại hình du lịch này, du khách vừa có thể chinh phục được những ngọn núi cao hùng vĩ, lại còn kết hợp săn mây, săn mưa và săn ảnh.
Để bắt đầu hành trình chinh phục Pù Luông, du khách nên đến bản Đôn – trung tâm của Pù Luông nghỉ một tối trước khi leo. Thời gian leo núi dừng nghỉ và trở xuống sẽ qua trưa nên du khách cần mang theo đồ ăn, nước uống.
Từ chân núi, thường du khách sẽ mất khoảng 6 – 8 tiếng trong điều kiện thời tiết và thể lực tốt để có thể lên đến đỉnh, nếu muốn dừng nghỉ lâu hơn hoặc ăn uống giữa đường có thể kéo dài thêm 1 đến 1,5 tiếng nữa. Lối trekking từ bản lên núi sẽ bắt đầu ở con đường hai bên là ruộng bậc thang. Một trong những đặc điểm thu hút du khách đến cung đường trekking này là thảm thực vật phong phú. Địa hình thay đổi rõ rệt khi đi từ chân núi lên đỉnh, phía dưới chủ yếu cây bụi, đồng cỏ, vách đá, lên cao hơn là rừng thảo quả xanh mướt, rừng nguyên sinh, thân gỗ lớn, tiếp nữa là các loại cây lá kim, rừng hỗn hợp. Suốt chặng đường, du khách sẽ được ngắm nhìn những cây phong nằm rải rác, xen lẫn giữa màu xanh của rừng là màu lá đỏ, vàng rực rỡ. Du khách chỉ bắt gặp lá phong đỏ, vàng vào tháng 11, 12. Đến tháng 1 trời lạnh hơn sẽ có băng giá, đôi khi có tuyết phủ trên đỉnh và tháng 3, 4 Pù Luông lại “chiêu đãi” du khách bằng sắc đỏ, tím, vàng của hoa đỗ quyên.
Đường leo đỉnh Pù Luông không quá xa, tuy nhiên không có nhiều nguồn nước tự nhiên và lán nghỉ, khách cần chú ý uống nước giữ sức. Chặng cuối chỉ toàn dốc cao dựng đứng và đá lởm chởm nên ai cũng phải nghiêng người về phía trước, bám đất đá bước từng bước cẩn trọng để tránh trượt chân. Vượt qua chặng này là tới đỉnh – nơi cán bộ kiểm lâm Khu BTTN Pù Luông xây bục, đánh dấu độ cao 1.700m.
Khi đặt chân đến độ cao 1.700 mét, du khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp ma mị của cánh đồng lúa, ngô trải thảm dưới chân mình. Ngoài được chứng kiến và ngắm nhìn những quang cảnh siêu đẹp, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác chiến thắng khi chinh phục đỉnh cao và thư giãn, hít thở bầu không khí trong lành. Đặc biệt du khách còn có thể dựng trại trên đỉnh để cùng mọi người ăn uống, nghỉ ngơi hay qua đêm rồi xuống núi vào ngày hôm sau. Đoạn đường về đi xuống dốc mất ít sức hơn nhưng dễ chùng chân với người không quen vận động liên tục. Tuy nhiên, đây cũng là lúc du khách được chiêm ngưỡng kỹ hơn phong cảnh bên đường, check in ở các mỏm đá “sống ảo”, hoặc gặp gỡ người dân chăn thả gia súc, thu hoạch hồi, sở… Theo đánh giá của các du khách và chuyên gia về du lịch trekking ở Khu BTTN Pù Luông, dãy núi có hiện trạng nguyên sơ của những cánh rừng già và nhiều cung đường khám phá với những độ dễ – khó khác nhau, thách thức sự kiên trì và lòng dũng cảm của mỗi du khách.
Được biết, nhiều công ty du lịch đã và đang đầu tư xây dựng những trải nghiệm trekking, được nhiều người quan tâm và đăng ký tham gia. Người tham gia theo hai hình thức: thuê trọn gói (phương tiện di chuyển, porter (người vác đồ), ăn uống)… hoặc tự túc phương tiện di chuyển đến điểm tập kết, sau đó thuê porter hoặc người dẫn đường lên núi… Đại diện một công ty chuyên kinh doanh, khai thác các dịch vụ du lịch cho biết, các hoạt động ngoài trời như cắm trại, trekking leo núi… đang là xu hướng hiện nay. Đặc biệt là sau dịch COVID-19, du khách e ngại việc đi chơi xa, đông người, thay vào đó họ chọn tới các điểm gần gũi với thiên nhiên. Vì thế, mỗi tuần, công ty đều tổ chức các tour leo núi ở Pù Luông với khoảng vài chục người. Con số chưa phải quá lớn, nhưng số người đi lần đầu tiên chiếm tỷ lệ cao.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước, trong 5 tháng đầu năm 2022, Khu Du lịch Pù Luông đón 21.318 lượt khách (khách quốc tế 1.318 lượt, khách trong nước 20.000 lượt), trong đó có khoảng 300 lượt khách leo núi. Loại hình du lịch chinh phục đỉnh núi phát triển không chỉ giúp du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, mà chính người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Trên các tuyến leo núi dần hình thành các lán nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú qua đêm và nhu cầu ăn, uống của du khách. Tính tới thời điểm hiện tại, huyện Bá Thước có 73 cơ sở lưu trú dạng homestay, hàng chục người chuyên tổ chức các đoàn leo núi và làm nghề porter.
Để du lịch leo núi phát triển bền vững
Hoạt động du lịch, trong đó có du lịch leo núi đang góp phần làm thay đổi bức tranh vùng cao phía Tây, nhất là ở các xã có nhiều tiềm năng như Thành Lâm, Thành Sơn. Chưa kể, khách du lịch đến với Pù Luông ngày càng nhiều cũng góp phần giúp bà con tiêu thụ nông sản. Nhiều người dân không thể đi làm ăn xa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống từ việc làm porter và hướng dẫn khách leo núi. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để phát triển du lịch leo núi song song với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng và đảm bảo tính mạng du khách là vấn đề được các ngành chức năng địa phương trăn trở.
Thực tế cho thấy, không ít du khách và người dẫn đường khi leo núi đã “tiện tay” vứt rác bừa bãi trong rừng, các điểm dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường lên núi và chặt hái những cây hoa lan, đỗ quyên… để chụp ảnh, mang về làm “kỷ niệm”. Đặc biệt, mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền và cảnh báo, nhưng trên đường chinh phục đỉnh núi cao, nhiều du khách vẫn bất chấp nguy hiểm, leo ra các mỏm đá chênh vênh để chụp ảnh, nếu không may ngã xuống dưới thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông, cho biết. Từ rất lâu về trước đơn vị đã có những chuyến tiền trạm, khám phá những cung đường, địa điểm đẹp chuẩn bị cho việc quy hoạch, phát triển hoạt động du lịch sau này. Pù Luông có đầy đủ tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhiều loại hình như: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm; du lịch nông nghiệp…, trong đó có loại hình du lịch leo núi, đặc biệt là leo núi thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, loại hình này ẩn chứa nhiều rủi ro nên cần có sự chuẩn bị kỹ càng về quy chế, trang thiết bị… Vì thế đến thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa đưa hoạt động leo núi vào khai thác du lịch. Loại hình này chủ yếu vẫn do đơn vị kinh doanh du lịch và du khách tự tổ chức nên gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc phòng, chống cháy rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý trong rừng nguyên sinh…
Hiện nay, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đang xây dựng Đề án “Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông, giai đoạn 2022-2030”. Sau khi đề án được phê duyệt, đơn vị sẽ đưa điểm, tuyến du lịch đỉnh Pù Luông, tuyến Kho Mường đi Pốn Thành công – thác Hiêu… vào khai thác. Để phát huy hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, đơn vị sẽ kết hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước gấp rút hoàn thành bản quy chế về quản lý các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động leo núi.
Được biết, hằng năm, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đều tổ chức làm việc với các nhóm hộ làm du lịch và yêu cầu các hộ liên quan, các chủ lán ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, khi dẫn khách du lịch không xả rác ra rừng. Đồng thời vẫn duy trì việc khảo sát, cắm các biển chỉ dẫn đường, cảnh báo nguy hiểm tại một số điểm check in có nguy cơ gây tai nạn cao. Bên cạnh đó, đơn vị cũng kết hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, cảnh báo những việc nên và không nên làm với những cá thể hoạt động trong ngành du lịch và du khách.
Về phía ngành văn hóa huyện Bá Thước, ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước, cho rằng: “Để du lịch leo núi tại Pù Luông phát triển bền vững, hiệu quả, ngành văn hóa huyện sẽ kết hợp với Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông mở thêm các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các porter, chủ lán nghỉ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về du lịch leo núi cho đội ngũ này để đảm bảo an toàn cho du khách, nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường sinh thái… Đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền những xã có du lịch leo núi vào cuộc tích cực hơn trong việc quản lý thông tin lượng khách leo núi; vệ sinh môi trường; công khai, ổn định giá cả; xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, gần gũi với du khách; tạm thời chưa thu phí leo núi để thu hút lượng khách đến đông hơn”.
Cũng theo ông Minh, một nội dung đáng quan tâm khác là công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch cần kiểm soát, kiểm tra các công ty du lịch, lữ hành trong việc mua bảo hiểm cho khách khi tham gia các hoạt động leo núi. Các công ty lữ hành cũng phải phổ biến đến du khách những quy định, kiến thức, kỹ năng cần thiết để du khách hiểu và chủ động thực hiện tốt nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia du lịch leo núi.
Cùng với các giải pháp nêu trên thì để khai thác tốt thế mạnh về du lịch leo núi ở Khu BTTN Pù Luông nói riêng, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, thiết nghĩ cần thu hút thêm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các công ty lữ hành cùng tham gia vào việc xây dựng sản phẩm du lịch này, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền – doanh nghiệp – người làm du lịch và người dân địa phương để các bên cùng có quyền lợi và trách nhiệm. Đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đưa ngành kinh tế du lịch địa phương, trong đó có du lịch leo núi phát triển theo hướng bền vững.
Tăng Thuý (Nguồn BTH)