Chuyến trekking núi Đại Bình ở Bảo Lộc vào dịp cuối hè đáng nhớ bởi có sự đồng hành của Bùi Văn Ngợi – một trong ba người Việt Nam đầu tiên chinh phục “nóc nhà thế giới” – đỉnh núi Everest (Nepal) vào năm 2008.
Tiếng là trekking nhưng đây chỉ là “trekking nhẹ”, vì trong đoàn “thám hiểm” của chúng tôi có một số cô, cậu bé 8, 9 tuổi líu lo xinh tươi quen sống trong môi trường thành thị. Điểm chinh phục của chuyến dã ngoại lần này là núi Đại Bình nằm cách trung tâm thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 10 km về phía Nam. Đây được đánh giá là điểm lý tưởng để săn mây lúc bình minh và chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố xứ trà từ xa, trên độ cao 1.000 m so với mực nước biển.
Người hướng dẫn chuyến leo núi cho các em nhỏ là chú Bùi Văn Ngợi. Câu chuyện cảm động về hành trình của chú Ngợi đã truyền cảm hứng nỗ lực rèn luyện cho các em nhỏ trong hành trình chinh phục một đỉnh cao vừa tầm với mình. Các em gọi chú bằng tên thân mật hàng ngày, là “chú Tèo”.
Trên hành trình từ TPHCM theo Quốc lộ 20, trước khi vào đường rẽ lên núi Đại Bình, chúng tôi ghé tham quan một cơ sở trồng và sản xuất cacao.
Uống một ly cacao đá rất ngon, đậm vị. Sau đó, đoàn ăn trưa tại nhà một người K’ho khi vừa chạm địa phận Bảo Lộc.
Cũng theo Quốc lộ 20 đến ngã rẽ vào đường đi lên núi Đại Bình, chúng tôi chạy xe một chặp thì tới chân núi. Chúng tôi đậu xe ở đây và bắt đầu hành trình leo núi, lúc 2 giờ rưỡi chiều. Nơi này thuộc địa phận buôn Sô Ven, P. B’Lao, ngoại ô thành phố Bảo Lộc.
Chúng tôi leo bộ theo lối đi, đoạn đầu có tráng xi măng, hướng lên khu lều trại với cự ly đường núi dài chừng 2,5 km.
Các bé được hướng dẫn đi chậm đều để bảo toàn sức lực cho chặng hành trình. Mọi người trang bị những vật dụng gọn nhẹ với áo mưa, gậy kim loại đầu cắm nhọn, nón bảo hiểm, miếng che đầu gối tay và chân.
Cuối tháng 7, Bảo Lộc thường đổ mưa chiều. Cơn mưa không quá lớn, đủ tạo ra một chút thử thách cho những người khách bé bỏng vào chiều hôm ấy. Gió phần phật, mưa lất phất, những gương mặt trẻ thơ đón gió mưa tươi tắn thiên nhiên, giày bết đất đỏ, bước chân chậm lại một chút, cẩn thận phòng tránh trơn trượt.
Sát hai bên đường là bụi cỏ bụi cây, nhìn xa một chút thấy mở ra cả triền núi xanh mướt.
Khi lên đến khu lều trại lưng chừng núi cũng là lúc khoảng 5 giờ rưỡi chiều. Mặt trời nán lại đủ soi rọi cho cả đoàn sinh hoạt vệ sinh thay quần áo sạch sẽ, giặt giày… Các em bé nô đùa trước giờ ăn tối trong khoảng ánh sáng sót lại của một ngày tiết trời đẹp trong vắt.
Đoàn thức dậy lúc 6 giờ sáng. Đến khoảng hơn 8 giờ sáng, đoàn đã đặt chân lên đến đỉnh núi. Đoạn leo núi chặng này không còn lối đi mòn đường đất như đoạn trước. Chúng tôi len đi theo cách chen vào các rẫy chè, cà phê của người dân địa phương.
Sáng hôm ấy cầu vồng hửng sáng từ đỉnh núi bên cạnh. Mọi người vui thích ngắm những đám mây lớn với khoảng cách thật gần bay lượn qua những đỉnh núi. Sau đó, đoàn trở lại điểm tập kết. Xong bữa sáng, hành trình vượt thác bắt đầu.
Dọc theo lối xuống, dốc dốc vòng vòng để đến đoạn thác thấp, các em được “chú Tèo” hướng dẫn chơi trò chọi màu sắc cầu vồng từ những bịch màu (loại dành cho thực phẩm). Trò chơi tạo nên không khí sôi động giữa không gian xanh của núi đồi.
Chạm chân vào dòng thác, các bé reo vui, hòa mình vào làn nước mát lành. Sau đó, các em dò dẫm theo từng viên đá, leo ngược lên đầu thác. Có một số lần té ngã va vào đá khiến những đôi chân bé nhỏ thâm bầm, tuy vậy các em vẫn cảm thấy hứng khởi.
Hai ngày dã ngoại hòa mình vào thiên nhiên vùng núi Đại Bình cũng sớm khép lại. Đoàn trở về TP. Hồ Chí Minh.
Mách nhỏ: Nhiều phượt thủ khuyên thời điểm leo núi Đại Bình tốt nhất là vào mùa khô Tây Nguyên, tức từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Khoảng thời gian này trời cao trong xanh, khô ráo, đường dễ leo.
**Bài và ảnh: Nhân vật trải nghiệm Lan Hương