Bản Lùng Cúng được sáp nhập từ hai bản, gồm bản Phình Ngài và bản Lùng Cúng. Bản có 6 dòng họ (Cháng, Giàng, Thò, Vàng, Lý, Lù) đều là đồng bào dân tộc Mông. Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã đưa ra nhiều giải pháp, chủ trương để phát triển Lùng Cúng.
Các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đều hướng tới phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đây cũng là một trong những nội dung của dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Hai ngày 14 và 15/10, nhóm 17 người của anh Lê Chiêu (35 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội), với sự giúp đỡ của 3 người dẫn đường, đã chinh phục đỉnh Lùng Cúng.
Đỉnh núi cao 2.913m, thuộc huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam và là đỉnh cao thứ 2 của Yên Bái.
Vài năm trở lại đây, đỉnh Lùng Cúng thu hút lượng lớn những người yêu thích leo núi, trekking (đi bộ đường dài) do địa hình rừng núi đẹp, cung đường leo ngắn với độ khó vừa phải.
Đây cũng là nơi lý tưởng để săn mây, đặc biệt có thể ngắm hoàng hôn và bình minh giữa biển mây do có tầm nhìn 360 độ không bị che chắn.
“Tôi đã trải qua hai ngày trong một cánh rừng nguyên sinh, với những khung cảnh cổ tích đẹp nhất tôi từng biết”, anh nói.
Để chinh phục đỉnh Lùng Cúng, nhóm xuất phát từ Hà Nội, vượt gần 300km đến thị trấn Tú Lệ, nghỉ ngơi trước khi leo ngày hôm sau.
6h ngày 14/10, đoàn thức dậy, chuẩn bị đồ và ăn sáng. Theo anh Chiêu, người ta bảo “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, thị trấn bình yên này có nhiều quán bán đủ loại xôi, cốm… “rất đáng thử”.
Những tài xế xe ôm người Mông đã chờ sẵn để đón đoàn, chở họ đến bản Tu San – nơi bắt đầu điểm leo núi, cách trung tâm Tú Lệ 20km.
Những người leo núi có thể xuất phát từ 3 hướng khác nhau là bản Lùng Cúng, bản Tu San và bản Thào Chua Chải để lên đỉnh. Các trekkers thường chọn bản Tu San và đi về qua thung lũng Tà Cua Y và bản Thào Chua Chải để đi qua thác nước cũng như tận hưởng cảnh rừng núi đẹp nhất của cung leo.
Anh Chiêu cho biết, để đến chân điểm leo núi, chỉ có thể đi bằng xe máy, băng qua những bản làng xa xôi nhất của Mù Cang Chải – nơi vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc của người Mông trong những ngôi nhà gỗ nằm lọt thỏm giữa mênh mông núi, ruộng bậc thang và những cánh rừng nguyên sinh.
Quãng đường xa, nhiều ổ gà, ổ voi và trơn trượt, đến nỗi chỉ những chiếc xe máy “cào cào” cùng những tay lái cứng nhất mới đủ can đảm lên đường.
Nhóm đến bản Tu San khi 10h, xuất phát leo qua rừng dẻ, rừng sồi với những cây cổ thụ cao để tới con thác hai tầng được người dân địa phương gọi là thác Hấu Chua La.
Anh Chiêu miêu tả quãng đường xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, suối chảy róc rách. Cây lớn vừa vài người ôm, thân phủ đầy địa y, phong lan. Thỉnh thoảng, những đàn sóc, khỉ chạy qua tán rừng nghe tiếng rào rào.
Đến 14h, nhóm tới khu vực lán nghỉ ở độ cao 2.500m, cách đỉnh khoảng một tiếng đi bộ. Lán có đầy đủ nơi ngủ, chăn, giường, chiếu ấm áp, nhà vệ sinh…
4h ngày 15/10, nhóm xuất phát lên đỉnh Lùng Cúng cao 2.913m. Địa hình trên cao ít cây to, gió mạnh hơn.
“Đây là một trong những nơi săn mây cực kỳ lý tưởng nhưng tôi chưa đủ duyên để thấy cảnh này. Có thể, đỉnh Lùng Cúng muốn tôi trở lại”, anh Chiêu nói.
Sau khi nghỉ ngơi, cả đoàn xuống núi theo hướng bản Thào Chua Chải, đi qua thung lũng Tà Cua Y dài hơn 5km so với đường lên và sẽ phải vượt qua 5 con suối lớn nhỏ.
Tổng chiều dài của cung leo đỉnh Lùng Cúng xuất phát từ bản Tu San và về qua thung lũng Tà Cua Y dài khoảng 15km.
Đây được nhận xét là cung leo không dài và cũng không khó, có nhiều cảnh đẹp nên ngày càng được các trekkers lựa chọn, nhất là với những người đã chinh phục hết các ngọn núi cao khác ở Lai Châu và Lào Cai.
“Các trekkers hạn chế tự đi, bởi giữa rừng già khá nguy hiểm, địa hình có nhiều dốc đứng, có đoạn phải bám, men theo rễ cây”, anh Chiêu khuyên.
Ảnh: Nhân vật cung cấp