Xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu là nơi dòng Đà Giang hùng tráng chảy vào đất Việt. Ngược dòng sông Đà, dọc hai bên bờ là những vách đá kỳ dị, độc đáo, những di tích của lịch sử ngàn năm ghi dấu cha ông, những bản làng còn nguyên sơ bản sắc độc đáo của các đồng bào thiểu số. Cùng với đó là những lễ hội truyền thống và phong tục tập quán của người dân bản địa được lưu giữ qua nhiều thế hệ như: Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Then Kin Pang, Lễ hội, Gạ Ma Thú…
Phóng tầm mắt nhìn xung quanh là không gian rừng già thấp thoáng dưới nắng vàng óng ả. Phía dưới là nơi con suối Nậm Náp xanh trong chảy từ phía tây nam hợp lưu với sông Đà màu đỏ quạch. Đó cũng là đường biên giới Việt – Trung chạy theo trung tuyến con suối Nậm Náp và sông Đà bắt đầu từ đây.
Người bản địa cho biết vùng đầu nguồn sông Đà có lưu lượng nước lớn, chảy trên địa hình có độ dốc cao, nhiều dải rừng đá giăng khắp mặt nước tạo nên những thác ghềnh, vực xoáy hung hãn.
Để định vị và miêu tả sự hung dữ, hiểm nguy của dòng sông Đà, người xưa đã đặt tên cho từng khu vực: khúc sông giữa cột mốc 17 và 18 là Kẻng Cớn, nghĩa là đá lăn chìm bè; còn tên Kẻng Mỏ – Thác Mất Chảo – dựa vào câu chuyện truyền khẩu kể lại rằng xưa kia người Trung Quốc hay vượt biên sang bán chảo cho bà con dân tộc, mỗi lần qua khu vực này thuyền nặng, gặp đá ngầm, nước xoáy là bị lật thuyền, bao nhiêu chảo đều chìm sâu xuống đáy sông.
Không chỉ được biết đến là con đường huyết mạch nối Tây Bắc và miền xuôi, sông Đà còn gắn liền với hình ảnh bản làng dân tộc Thái, Hà Nhì, La Hủ, Si La, Nhắng, Máng, Mông, Mường từ Mường Tè, Nậm Nhùn (Lai Châu) cho tới Mường Lay, Điện Biên. Mỗi bản làng, bến nước đều chứa đựng những câu chuyện xưa.
Càng gần tới thị trấn Nậm Nhun, Lai Châu, sườn dốc bên sông càng thoai thoải, dòng chảy cũng trở nên hiền hòa hơn một phần, nhờ công trình thủy điện Lai Châu ngăn dòng tích nước hồ chứa. Trong cái nhìn của lữ khách, cảnh sắc không phải vì thế làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó.
Qua thủy điện Lai Châu, mặt nước sông Đà bỗng đổi sắc màu xanh ngắt như dẫn đường cho lữ khách đến di tích bia Lê Lợi và đền thờ vua Lê Thái Tổ, vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lê Sơ thân chinh cầm quân dẹp loạn Đèo Cát Hản vào năm 1431.
Trải qua gần 600 năm, tấm bia do Lê Lợi khắc bút tích năm 1432 nhằm răn đe những kẻ làm phản vẫn đứng sừng sững bên sông Đà là một mốc son chói lọi khẳng định chủ quyền đất nước.