GIỚI THIỆU CỰC TÂY A PA CHẢI
A Pa Chải là điểm cực tây của Tổ quốc, đây là ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào. A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Nơi được mệnh danh “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe”, tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác.
Cột mốc biên giới 3 ngước Việt – Trung – Lào nằm trên đỉnh Khoang La San, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách Điện Biên Phủ khoảng 250 km. A Pa Chải nằm ở độ cao 1866,23m, toạ độ 22°24’02,295″ vĩ độ bắc, 102°08’38,109″ kinh độ đông. Cột mốc do ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc cùng xây dựng, được làm bằng đá hoa cương đặt trên khối bệ hình vuông 6x6m, có ba mặt gắn quốc huy của ba nước, khởi công ngày 21/04/2005 và hoàn thành ngày 27/05/2005.
Công trình đường tuần tra biên giới (A Pa Chải – Tả Long San, tuyến nhánh từ Km5+900 lên mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Trung do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư với tổng chiều dài 8,9km gồm:
- Đường bê tông dài 4,36km theo tiêu chuẩn đường tuần tra biên giới.
- Đường đi bộ dài 3,6km
- Bậc lên mốc dài 0,94km làm bằng đá granit rộng hơn 1,5m gồm 29 chiếu nghỉ và 541 bậc
Ngày xưa, A Pa Chải được mệnh danh là “Trường Sa trên đất liền”. Điều kiện đi lại rất khó khăn, từ trung tâm tỉnh Điện Biên lên A Pa Chải chỉ có cách đi bộ, người khỏe mạnh cũng đi mất 10 ngày. Ngày ấy các bản người Mông, người Hà Nhì dọc đường trở thành chỗ trú chân quen thuộc của lính Biên phòng.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG OUTDOOR KHI CHINH PHỤC CỰC TÂY A PA CHẢI
1. Phượt Xe Máy
2. Ngắm Ruộng Bậc Thang
3. Đi bộ trekking cột mốc biên giới ba nước Việt – Lào – Trung
4. Thăm bản làng người Hà Nhì
CHINH PHỤC CỰC TÂY A PA CHẢI VÀO THỜI GIAN NÀO
- Đi Tháng 3 vào mùa hoa Ban nở.
- Tháng 9 mùa lúa chín kết hợp với cung Mù Cang Chải hay Y Tý.
- Mùa hoa mận thì tháng 11.
- Mùa hoa Dã Quỳ thì tháng 12, cũng là dịp Tết người Hà nhì.
- Nếu đi hoa Mơ và đảo hoa đào thì tháng 1, mùa này Tây Bắc đẹp, người Mông và một số dân tộc thường gọi là mùa may áo mới. Họ ngồi thêu ở bên hiên nhà, ở vệ đường khá phổ biến…
ĐƯỜNG ĐẾN CỰC TÂY A PA CHẢI
Có thể đến A Pa Chải bằng 2 con đường:
- Từ Hà Nội lên Điện Biên (gần 500km) rồi đi tiếp qua Mường Nhé, tới Sín Thầu
- Từ Hà Nội lên Lai Châu và rẽ về Mường tè hoặc Mường nhé và tới Sín Thầu.
Tổng cả hai quãng đường đều khoảng 700-750km. Đường giờ trải nhựa và ko qua khó đi, xe khách giường nằm giờ chạy thằng từ Hà nội tới tận Mường nhé, 17h chiều xuất phát thì 10h sáng hôm sau tới nơi. Đi thêm 50km nữa là tới Sín Thầu. Từ Sìn Thầu đến đồn Biên phòng A Pa Chải nay tương đối dễ đi. Quảng cảnh bên đường với những ruộng bậc thang mây trôi lững lờ rất đẹp.
Bạn cũng có thể lựa chọn phương án đi máy bay từ Hà nội lên Điện biên, chỉ mất 1h đồng hồ. Tuy nhiên, vé máy bay chặng Hà Nội – Điện Biên cũng khá đắt.
ĂN Ở TẠI CỰC TÂY A PA CHẢI
Muốn lên cột mốc số 0, quy định bắt buộc là phải xin phép đồn biên phòng A Pa Chải, sẽ có chiến sỹ dẫn đường cho đoàn. Đoàn của bạn có thể ngủ qua đêm ngay tại Đồn. Ở Đồn biên phòng có dãy nhà khách dành riêng để đón tiếp các đoàn rất chu đáo. Xung quanh đồn có rất nhiều hoa dã quỳ, vào mùa hoa nở rất đẹp.
Đồn biên phòng có 3 phòng khép kín, mỗi phòng 4 giường đơn, ấm áp. Ngoài ra còn có khu nhà sàn có thể đón tiếp được những đoàn đông người. Đoàn của bạn sẽ ăn tối tại khu nhà sàn.
Buổi sáng, bạn sẽ được đánh thức từ 5-5h30 sáng với những âm thanh của kẻng báo thức vang vang lay động cả đồn biên phòng bắt đầu ngày mới. Đồ ăn cũng do các chiến sỹ trong đơn vị nấu, ăn ít tiền hay nhiều tiền là do bạn, tất nhiên ở trên này thịt thà ko thể rẻ như dưới xuôi. Gà đồi, lợn bản là đặc sản nơi đây. Lợn ở đây nuôi cả năm cũng mới có hơn 10kg. Gà chạy quanh đồi nên chắc chắn ngon hơn hẳn gà công nghiệp dưới xuôi. Các chiến sỹ biên phòng cũng khéo tay, chế biển nhiều món, ăn ngon tuyệt, đến mỡ cũng sần sật, sần sật, thơm và ngọt miệng nữa chứ, kết hợp với chấm chẳm chéo tý cay cay và lá rau rừng trong không khí ấm cúng cùng anh, chị em bạn bè thì còn gì tuyệt hơn.