Núi Thị Vải chưa được đầu tư nhiều về du lịch nên khung cảnh của nơi đây còn khá tự nhiên và hoang sơ, mang lại một cảm giác thanh tịnh, trong lành.
Truyền thuyết tên núi Thị Vải:
Xưa kia về người con gái họ Lê. Người con gái này có gia thế giàu có, vì kén chọn, nên quá lứa lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới lấy chồng. Nhưng lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng cũng mất nên bà quyết tâm không đi bước nữa. Tuy nhiên do bọn cường hào cứ cậy người mai mối mà tới quấy nhiễu hết lần này đến lần khác, bà quyết định cạo đầu đi tu.
Bà lập một cái am trên núi, tự mình làm sư thầy, các đầy tớ trong nhà trở thành đệ tử, ngày ngày tụng kinh niệm phật trên đó, cuối cùng cũng tu thành chính quả. Người dân thấy vậy đã đặt tên là núi Nữ Tăng (tục là núi Thị Vãi). Dần dần, từ Thị Vãi người dân đọc sai nên mới có cái tên Thị Vải như ngày hôm nay.
Phương tiện di chuyển:
Bạn có thể chọn xe máy hoặc ô tô cho thuận tiện. Hiện nay chưa có xe khách đưa đón ở chân núi.
Hướng dẫn di chuyển:
Từ TP.HCM đi thướng QL51, tới thị trấn Phú Mỹ rẽ trái (bên hông chùa Đại Tòng Lâm), đi thêm khoảng 4.5km là tới.
Lịch trình tham khảo:
+ 7h: tập trung và xuất phát đi hướng phà Cát Lái.
+ 9h: trên đường ghé Tu viện Phước Hải (bên trong khu công nghiệp Gò Dầu), chùa nổi tiếng phục vụ món bún riêu chay miễn phí. Sau đó, ghé Bách Hóa Xanh để mua thêm ít đồ ăn nhẹ và nước uống trước khi leo núi (dọc QL51 có rất nhiều Bách Hóa Xanh).
+ 10h: đến chân núi gửi xe, bắt đầu hành trình khám phá thiên nhiên.
Ở Thị Vải mình khám phá 2 cung đường với mức độ dễ và trung bình (thời gian leo khoảng 1h-1h30). Mình sẽ hướng dẫn 2 cung đường ở bên dưới.
+ 13h: bắt đầu xuống lại chân núi.
+ 14h: trở về Tp.HCM. Trên đường về có thể ghé chùa Đại Tòng Lâm hoặc Ni viện Thiện Hòa (nổi tiếng với món bánh xèo chay)
+ 17h: kết thúc chuyến đi.
CÁC CUNG ĐƯỜNG KHÁM PHÁ THỊ VẢI
Cung đường 1: Đường lên chùa Linh Sơn Bửu Thiền (mức độ dễ)
Con đường lên tới chùa trải dài khoảng 2.5km với các bậc thang đá được xây sẵn và tương đối dốc. Cung đường này rất dễ đi, cứ đi một mạch là sẽ lên tới chùa, không đi xuyên rừng nên không sợ lạc, dọc đường leo là những hàng cây xanh mát. Có khoảng 1300 bậc thang để chinh phục, cứ mỗi 100 bậc sẽ có đánh số bằng sơn, cũng khá là thử thách đó nha. Vì chùa ở lưng chừng núi nên khi lên tới nơi chỉ mới ở độ cao tầm 330m thôi. Quang cảnh chùa rất bình yên.
Thời gian chinh phục: 45phút – 1h
Dọc đường lên núi Thị Vải là những hàng cây xanh
Trước đây, từ phía sau chùa có thể đi tiếp lên đỉnh núi nhưng hiện tại mình thấy người ta đã chặn cửa lại không cho đi nữa.
Cung đường 2: Đường lên đỉnh Thị Vải (mức độ trung bình)
Từ chân núi lên chùa Linh Sơn Bửu Thiền đi thêm khoảng 350m dọc đường Tôn Thất Tùng sẽ có có nhiều con đường nhỏ khác dẫn lên đỉnh Thị Vải. Mình bắt đầu leo từ con đường nhỏ bên hông chùa Vạn Phúc. Cung đường này bắt đầu là những bậc thang, sau đó chủ yếu là đi xuyên rừng, đường đi khá nhỏ, dọc đường lên núi có các ký hiệu chỉ đường nên phải phải chú ý kỹ để không bị lạc, có một ngã ba rất dễ lạc, chỗ đó phải rẽ phải, nhưng nếu không quan sát mà đi thẳng thì một chút nữa sẽ hết đường đi tiếp, nên để ý dấu đi đường rất quan trọng. Cung đường này theo mình thì không khuyến khích đi vào mùa mưa nhé.
Thời gian chinh phục: 1h30 – 2h