(Nguồn: facebook Nguyễn Thành Vinh)
Đi phượt là gì?
“Đi phượt” là một dạng của đi du lịch, nhưng không có nghĩa “phượt” chỉ đơn thuần là du lịch. Nếu “đi phượt” bạn sẽ tự chọn cho mình phương tiện và lộ trình riêng, không hành lý cầu kì hay đồ dùng quá phức tạp.
Bạn chỉ cần một balo gọn nhẹ, găng tay, lều, áo phản quang và một chiếc xe máy là bạn đã có cơ hội khám phá những địa điểm mới lạ, thậm chí còn chưa có trên bản đồ du lịch, đến những nơi mà chưa có tour du lịch nào có thể đặt chân tới. “Phượt” cũng có thể hiểu như một kiểu du lịch “Tây ba lô” nhưng đôi khi không theo một lịch trình cụ thể, không theo một không gian và thời gian nào hết. Phượt có nghĩa là “thích là đi”.
Đi để trải nghiệm
Những người thích “phượt” có thể là bất kỳ ai, song đa phần đều là những người trẻ tuổi, có lối sống hiện đại và thích chia sẻ. Họ là những người thích phiêu lưu mạo hiểm bằng xe máy (đôi khi là ô tô) hay bất cứ phương tiện gì tới những vùng núi non hiểm trở, những địa danh kỳ thú mà chưa có nhiều người đặt chân tới, còn giữ được những nét nguyên sơ của thiên nhiên.
Nhóm phượt “Thích đi Phượt Đồng Nai” (Nguồn: facebook Nguyễn Thành Vinh)
Đơn giản trong hành trang, giản dị trong phong cách, năng động trong phiêu du là những người vẫn tự gọi mình là dân phượt hay phượt gia. Họ không đặt ra mục tiêu gì cao cả trong mỗi chuyến đi, cũng chẳng cần một quy chuẩn nào hết.
Họ chỉ muốn thực hiện một cuộc chơi về miền đất lạ; cùng với bạn bè đi đến những vùng xa xôi khắp đất nước, họ đi để làm mới bản thân, đi để thử thách chính mình. Với họ, hạnh phúc là cả một quá trình chứ không phải là điểm đến. Chính những gì họ nhận được xuyên suốt cuộc hành trình ấy mới là điều quan trọng nhất.
Đâu là trào lưu?
Không ít bạn trẻ thành phố hiện nay coi “phượt” là sành điệu, là một cách để khẳng định bản thân. Những bạn trẻ đi “phượt” vì mục đích này thường rất hời hợt. Họ đi thật nhiều theo kiểu đi lấy được, thực chất thì những nơi họ đặt chân đến không hề để lại cho họ những ấn tượng gì cụ thể. Họ thường đến một nơi nào đó duy nhất một lần rồi không bao giờ trở lại đó lần thứ hai.
Điều đó trái ngược với những người đi phượt nghiêm túc, thường trở lại có khi rất nhiều lần cùng một địa điểm, trong mỗi mùa khác nhau, vào nhiều dịp khác nhau. Bên cạnh việc thỏa mãn bản thân với những tấm ảnh phong cảnh đẹp mắt, họ thường hiểu và cảm thông với những vất vả thiếu thốn của người dân nơi họ đã đặt chân.
Chính vì sự hời hợt nên nhiều người chỉ tham gia vài ba chuyến đã thấy chán, thấy không có cảm xúc, rồi sau đó chính họ sẽ phải rời bỏ cuộc chơi. Những chuyến đi không hề giúp họ lớn lên, mà chỉ kéo dài thêm sự khủng hoảng, vô lối của họ trước cuộc sống hiện tại và trước tương lai của chính họ.
Tổng kết
Bạn Nguyễn Thành Vinh – trưởng nhóm “Thích đi Phượt Đồng Nai” tại Đà Lạt (Nguồn: facebook Nguyễn Thành Vinh)
Đi phượt là trải nghiệm hay chỉ là trào lưu? Cả hai mặt này tồn tại song song. Dân phượt nghiêm túc sẽ tiếp tục nghiêm túc với những cung đường của họ. Còn những bạn trẻ theo trào lưu sẽ phải nhận thức được giá trị của những bước đi, của những cuộc hành trình “xê dịch”.
Thực tế là những người trẻ theo trào lưu chỉ chiếm thiểu số, “đi phượt” giờ đây không còn là những chuyến đi “trốn” nữa, nó còn là những sẻ chia đối với những mảnh đời bất hạnh họ gặp trên đường đi. Đi phượt luôn có một ý nghĩa nhất định của nó. Điều quan trọng là chúng ta – những người trẻ hiện đại có dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thực sự trải nghiệm hay không mà thôi.
Quỳnh Quyên tổng hợp
Edu2Review – Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam