Lời mở đầu
Cho dù 1 buổi đi leo Gióng, hay là đạp xe cả ngày lên Ba Vì/Tam Đảo hoặc những cung đường xa thuộc Đông Bắc – Tây Bắc, đạp xe cự ly dài luôn khác xa với những lần đạp đi làm, đạp thể dục buổi sáng hoặc những buổi dưỡng sinh ngắn. Đạp xe đường dài yêu cầu nhiều kỹ năng, với sự chuẩn bị nhất định và quyết tâm với bộ môn này của bản thân.
Những chuyến đạp xe xa như này thật sự bổ ích, nhận được nhiều lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như cảm giác hoàn thành và tự hào khi bản thân mình vượt qua được những giới hạn, tuy nhiên bạn cũng cần phải chuẩn bị thật kĩ càng, cùng tìm hiểu xem kinh nghiệm cho một chuyến đi phượt bằng xe đạp và những trang bị phải cần thiết phải có là gì nhé!
1. Kinh nghiệm đi phượt bằng xe đạp mà bạn phải biết
1.1. Bạn cần phải thuần thục xe đạp và khả năng đạp xe
Theo quan điểm của mình dù MTB hay Touring hay Road… thì bạn nên nghĩ chiếc xe đạp như là 1 ngôi nhà di động khi đi xa, là người đồng hành trong suốt 1 chuyến đi dài. Vì vậy chúng ta nên bỏ thời gian để làm quen với chiếc xe của mình. Không nên vội vàng mua 1 chiếc xe và trong thời gian ngắn làm luôn 1 tour trăm km hay thậm chí nghìn km, hãy đạp thử vài cung ngắn trong ngày để tìm ra những ưu nhược điểm của xe.
Hãy chắc chắn rằng khi đạp 1 chiếc xe để đi xa, bản thân phải thấy thoải mái nhất có thể (đó là tại sao xe Touring là lựa chọn hàng đầu với cung dài ngày), nên nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định ráp / mua 1 chiếc xe nào đó, đừng vì thấy giá rẻ hoặc thích kiểu dáng của 1 chiếc xe nào mà quyết định mua 1 chiếc xe không phù hợp với bản thân.
1.2. Bảo dưỡng, kiểm tra xe đạp thật kỹ trước khi sử dụng
Cho dù xe rẻ tiền hay đắt tiền vẫn luôn phải chăm sóc định kì và nhất là trước mỗi chuyến đi xa, để đảm bảo rằng hạn chế sự cố trên đường. Thường trước khi đi xa nên kiểm tra :
– Bộ truyền động: hoạt động ra sao, có ổn áp mượt mà không, chuyển số đĩa líp trước sau
– Xích, líp, đĩa: kiểm tra xem có dấu hiệu mòn hoặc xích có dão, cần thay thế hay không và vệ sinh tra dầu đầy đủ trước khi đi
– Hệ thống phanh : má phanh mòn chưa, đĩa phanh có cong / vênh hoặc có chạm má hay không và cũng vệ sinh sạch sẽ đĩa + má phanh
– Phuộc, trục giữa, pedal,… : có tiếng động lạ hay không
– Các điểm bắt ốc
1.3. Lên lịch trình cụ thể từng ngày
Sức khỏe thuộc dạng trung bình (không khỏe không yếu) thì 1 ngày đạp tầm 150 km – 200 km ở mức chịu đựng được, trong trường hợp đường bằng phẳng ít dốc và là chuyến đi chỉ trong 1-2 ngày; còn nếu đường dốc, leo đèo đi dài ngày thì chỉ nên đi tầm 80 – 120 km 1 ngày, những cung camping qua đêm thì bạn không nên đi quá 100km.
Nên lên lịch trình mỗi ngày theo sức mình và trừ hao đi chút,ví dụ sức hết cỡ đạp được 150 km thì chỉ nên lên lịch trình 1 ngày 100 km thôi, vì mục đích của đi xa là tận hưởng chứ không phải là cắm đầu đạp đến đích và còn chưa kể có thể có vấn đề hoặc sự cố trên đường đi. Khi lên lịch trình nên chú ý những địa điểm tham quan, có thể ghé chơi dọc đường và nhớ trừ hao thời gian chơi, chụp ảnh, check-in các điểm này. Đi xa phong cách touring là khám phá, sẽ có những bất ngờ không đoán trước được trên đường, nên nhớ chú ý trừ hao những khoảng thời gian, đừng vì không đủ thời gian vì việc nào đó mà bỏ mất 1 điểm chơi, sẽ khá tiếc vì có thể mình không có cơ hội quay lại.
Luôn chắc chắn rằng là sau 1 ngày đạp mệt mỏi thì phải có 1 chỗ ngủ an toàn và có thể ngủ ngon. Đi solo 1 mình thì nên vào nhà nghỉ / homestay ngủ cho an toàn, giá nhà nghỉ ở các tỉnh tầm 150 – 200k/ đêm, ngủ lều ngoài trời thì chỉ nên đi khi có đông người.
1.4. Đi lẻ hoặc đi theo nhóm
Những tour ngắn ngày (1 – 2 ngày) thì đi đông rất vui, nhưng nếu là 1 tour dài ngày thì hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định đi chung với ai đó.
Hãy chắc chắn rằng đã đi cùng với nhau ít nhất vài tour ngắn trước khi quyết định đi cùng trong 1 chuyến đi dài, vì mỗi người mỗi tính cách, đôi khi đi cùng không hợp tính sẽ làm mất hết niềm vui và lỡ cả lịch trình vạch ra.
Cá nhân tính mình đạp chậm lại thích la cà, thấy chỗ nào lạ đẹp là dừng xe check-in, ăn thì phải ngon nhưng đảm bảo tiêu chí rẻ, đi bụi nhưng vẫn phải hưởng thụ, nên cũng khó mà tìm bạn đồng hành có cùng sở thích; trước em đạp xe toàn lang thang 1 mình kể cả những cung xa lên vùng cao Tây Bắc, đến giữa 2020 mới tìm được team cạ cứng và đến giờ vẫn tham gia những tour đường dài với nhau.
Cũng có những người thích một mình trên những cung đường, trải nghiệm cảm giác độc hành chỉ với xe đạp, thiên nhiên.
2. Những trang bị cần phải có cho chuyến đi phượt bằng xe đạp là gì?
Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đem theo gì trước 1 chuyến đi xa, vì đem quá nhiều thì nặng xe, đạp đuối, mà đem thiếu thì rắc rối. Danh sách đồ thường đem theo khi đi xa:
2.1. Đèn pha xe đạp (đèn trước):
Ai đã từng đạp đêm thì mới nhận ra đèn xe đạp là quan trọng tới cỡ nào. Đặc biệt những ai đã từng đổ đèo đêm thì phải khuyên rằng nếu không có đèn xe đạp thì tốt nhất nên ngủ lại. Đường đèo vào đêm cực kỳ nguy hiểm ngay cả khi chạy ở bên vách. Do đó đối với đèn xe đạp thì không nên tiếc tiền.
Đèn pin xe đạp trước phải có độ sáng cao, tối thiểu 800 lumen, luôn hoạt động ổn định và pin luôn sẵn sàng. Nên đầu tư một khoản tiền phù hợp cho một cây đèn xe đạp chất lượng. Yêu cầu phải sáng, chống nước tốt, dễ sử dụng, bền bỉ.
2.2 Đèn hậu xe đạp
Đèn hậu xe đạp rất quan trọng, để xe đi phía sau nhận biết ra bạn, tránh tai nạn không đáng có. Đèn phải bền màu, không phai, không mờ, phải chịu được thời tiết mư gió ẩm ướt, các thiết bị điện tử phải hoạt động ổn định, thời gian pin sử dụng được lâu.
2.3. Tiền
Mỗi ngày đem theo khoảng 500k, dùng hết tiền thì đến trị trấn hoặc thành phố tìm ATM rút, nên chú ý thấy ATM ở thị trấn/thành phố lớn thì rút luôn vì đi vùng núi có thể không có ATM + Nên chuẩn bị tiền lẻ tiêu cho dễ
Nên nhét cỡ 100 – 200k + 1 thẻ ATM khác vào 1 chỗ nào đó, giả sử rơi / mất ví vẫn có tiền tiêu. Và quan trọng nhất là câu hỏi thường gặp nhất là : “Xe này mua bao tiền ?”
Không nên khai thật giá trị chiếc xe của mình, mình toàn nói xe Tàu mua cũ có vài triệu, được cái xe đi nhiều bụi bặm bùn đất cũng coi như ngụy trang luôn.
2.4. Quần áo
Nếu đi vài ngày bạn cần trang bị khoảng 2-3 bộ ( mùa hè thì áo phông + quần lửng đạp xe, mùa đông thì áo giữ nhiệt mỏng + áo ấm + áo khoác bên ngoài thêm chiếc quần dài )
Áo mình hay chọn áo loại thun lạnh, ưu điểm là mau khô, loại tay dài che nắng được và mặc mùa đông cũng ấm hơn nữa còn nhẹ, mát, dễ giặt, thoáng khí
Quần mình khác đa số mọi người là dùng quần lửng thể thao bình thường chứ không dùng quần bỉm, cũng là loại mau khô có 2 túi 2 bên, đi quen cũng ko thấy đau mỏi gì 1 phần là nhà không có điều kiện mua quần bỉm. Nhưng Nếu có điều kiện thì bạn dùng quần bỉm là tốt nhất, ngồi lâu sẽ êm mông và không đau mỏi.
Tối ngủ thì chịu khó ngồi giặt chút rồi đem phơi, nếu chưa khô thì hôm sau vắt trên baga xe đạp vài tiếng là khô
2.5. Mũ bảo hiểm, găng tay…
Mũ bảo hiểm: Bảo vệ đầu khi bị ngã.
Mũ tai bèo (mũ rộng vành): Nhẹ, mát và che nắng tốt, che được 1 phần khi đi mưa.
Găng tay: Cái này thì chắc không phải nói, ai đạp xe cũng phải có rồi, găng tay nên lựa loại có đệm gel cho êm.
Áo mưa: Nên mua loại chuyên dùng cho xe đạp, vì nó nhẹ, gấp gọn được và có khả năng thoát hơi tốt.
2.6. Các thiết bị điện tử, sạc dự phòng
Dĩ nhiên điện thoại là không thể thiếu, ngoài vấn đề liên lạc thì chúng ta cần phải coi map, google các địa điểm đến, check-in facebook, chụp hình tự sướng…
Nhưng nhớ đem theo 1 túi chống nước / túi zip bảo vệ chống nước và chống va đập Ngoài ra, nếu có điều kiện bạn có thể sắm thêm đồng hồ tốc độ, máy tính dành cho xe đạp từ các thương hiệu lớn như: Garmin, Wahoo (Mỹ), IGSport,Cycplus hay Magene (Trung Quốc), khi đó bạn có thể sử dụng tính năng tra cứu bản đồ, chỉ đường mà không cần điện thoại.
Máy tính xe đạp sẽ lưu lại hành trình của bạn, cho biết các thông số của cơ thể bạn trong quá trình đạp như vận tốc quãng đường, calo tiêu thụ, nhịp tim, và công suất đạp….
2.7. Đồ ăn nước uống dự phòng
Thật ra khi đi xa ưu tiên uống nước lọc hoặc nước điện giải, nước mía bù đường nhưng không nên uống nhiều, không nên bổ sung bằng nước dừa vì sẽ mất cơ, nước đóng chai chanh muối cũng uống ở mức vừa phải là tốt nhất.
Đi xa không thể thiếu những vật phẩm chống tụt thuyết áp ví dụ như lương khô, bánh kẹo… chẳng may lỡ bữa cơm còn có cái hỗ trợ mình đạp tiếp.
Nếu có điều kiện bạn có thể mua nhưng gói gel năng lượng, bột năng lượng pha nước, sẽ rất gọn nhẹ mà đảm bảo cung cấp nhanh năng lượng và điện giải cho bạn trên cả hành trình. Một số loại gel năng lượng phổ biến GU, Tailwind…
2.8. Phụ kiện sửa xe đạp, bơm
Tool thì trên thị trường có nhiều loại ngon bổ rẻ, tầm 100k – 500k vô số đủ các đồ, nếu có tiền thì chơi hàng xịn của Topeak, Lezyne, Crankbrothers tầm 600k – trên 1tr thì ngon hơn nhiều
Săm xe: Luôn chắc rằng có ít nhất 1 cái săm dự phòng cho 1 cung đi ngắn ngày, và 2 cái cho 1 tour dài ngày, săm nên mua loại tốt, mình thì đang dùng Maxxis và Schwalbe. Đừng dùng Kenda, Deli, CST,… hay các loại tương tự tuy giá rẻ nhưng rất mỏng, dễ bị dập, tự rách khi đi đường xấu, mình đã từng dính 2 cái săm Kenda để trong túi tự hỏng không biết làm sao
Ngoài săm dự phòng bạn cũng nên có 1 bộ vá sơ cua, phòng khi không vá được còn có cách xoay sở + Bơm xe cũng cực kì quan trọng không thể thiếu đâu nhé. Bơm tay hoặc bơm điện đều khá gọn nhẹ. Nếu bạn muốn gọn nữa, có thể kiếm bình CO2 nén để dùng 1 lần.
Khăn lau xích, dầu xích:
- Sau khi đạp 1-2 ngày, nên lau qua vệ sinh sạch xích, líp, nhất là sau khi đi mưa, đi off-road, sau đó là tra dầu xích chạy cho tít
- Ngoài ra 1 thứ rất quan trọng, đó là master link, dùng khi bị đứt xích thì lấy master link ra nối lại là xong, 1 miếng master link loại tốt thì khoảng 50 – 100k, nhớ lưu ý mua đúng loại xích của mình (8 speed, 9 speed, 10 speed).
Trên đây là một vài chia sẻ đúc rút từ kinh nghiệm của mình, chúc các bạn có những chuyến đi vui vẻ và an toàn. À các bạn có thể tham khảo nhiều mẫu đèn pin nhập khẩu đa dạng, chất lượng tại Shadow Việt Nam.
Nguồn: CLB đạp xe buổi sáng – Giaa Báchh https://www.facebook.com/groups/DapXeBuoiSang/posts/2801180756846207/?comment_id=2802337943397155¬if_id=1640731681116817&ref=notif¬if_t=group_comment_mention