“Cổng trường năng khiếu cao vời vợi, mười thằng muốn với – chín thằng rơi”
Đấy là câu vè của giới bóng đá TPHCM nhiều năm về trước, để nói chất lượng đào tạo của trường Năng khiếu Nghiệp Vụ TDTT TPHCM (nay là trường Nghiệp vụ TDTT) ngày nào.
Chất lượng thầy và trò ngày đó của trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT TPHCM tốt đến mức mà VĐV thể thao nói chung, cầu thủ nói riêng khi được nhận vào trường này là gần như đảm bảo tương lai, thậm chí có thể thành ngôi sao sáng của bóng đá nội khi ra trường.
Có thể kể ra hàng loạt tài năng lớn của làng túc cầu Việt Nam từng xuất thân từ trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT TPHCM, nức tiếng cả nước cho đến tận bây giờ như Trần Minh Chiến, Đỗ Khải, Nguyễn Liêm Thanh, Nguyễn Chí Bảo, Nguyễn Văn Phụng… Trước nữa có Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Hà Vương Ngầu Nại…
Giai đoạn trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT TPHCM còn cực thịnh cũng là giai đoạn mà bóng đá TPHCM với 3 đội cực mạnh Cảng Sài Gòn, Hải Quan và CA.TPHCM thống trị bóng đá Việt Nam, với nòng cốt là những cầu thủ được cung cấp từ ngôi trường nói trên.
Riêng một trong số những người từng bị “rơi” khỏi những đợt tuyển sinh đầu vào cực kỳ gắt gao của trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT TPHCM ngày đó, không ai khai chính là… Lê Huỳnh Đức. Cỡ Huỳnh Đức (ngày chưa phát triển hết tài năng đá bóng) mà còn trượt trong đợt thi tuyển vào trưởng Năng khiếu, không khó để hình dung chất lượng tuyển chọn và đào tạo của trường này cao đến mức nào.
Ấy thế mà, mới tuổi 14, tức là sớm 2 năm so với chuẩn chung, Trần Minh Chiến đã được tuyển vào trường.
Năm 1991, mới 17 tuổi, Trần Minh Chiến ngay sau khi ra trường chuyển về khoác áo đội 1 CA.TPHCM, là bước khởi đầu cho những giai thoại liên tiếp xuất hiện đối với đội CA.TPHCM nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, ở những năm tiếp theo.
19 tuổi, Trần Minh Chiến cùng các đồng đội khét tiếng một thời của mình gồm Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Liêm Thanh, Châu Chí Cường, Nguyễn Thiện Quang… xuất hiện lần đầu ở giải đội mạnh toàn quốc (hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam ngày đó, tương đương với V-League hiện tại).
21 tuổi, Trần Minh Chiến trở thành vua phá lưới của giải đội mạnh toàn quốc năm 1995, cùng đội CA.TPHCM vô địch giải đấu năm đó, rồi được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games lần thứ 18 trên đất Thái Lan vào cuối năm.
Lần đầu cũng là lần cuối
Ngay ở kỳ giải lớn đầu tiên trong màu áo đội tuyển Việt Nam, Trần Minh Chiến đã ghi dấu ấn cực lớn, nếu không muốn nói là người ghi dấu ấn lớn nhất của toàn đội tuyển tại SEA Games năm đó.
Pha bắt vô lê của Trần Minh Chiến vào lưới Myanmar để ghi bàn thắng vàng, và ấn định chiến thắng 2-1 cho đội tuyển Việt Nam mãi là cú đột phá, là đòn quyết định giúp bóng đá Việt Nam nói chung lột xác, từ một đội bóng làng nhàng trong khu vực, khi mới quay trở lại với đầu trường SEA Games 2 năm trước đó, tiến thẳng vào nhóm các đội mạnh nhất Đông Nam Á, rồi giữ vững vị trí ấy cho tới tận bây giờ.
Nhưng giải đấu lớn đầu tiên cũng gần như là giải đấu cuối cùng và duy nhất đối với Trần Minh Chiến trong sắc áo đội tuyển.
Còn bi kịch hơn cả các đồng nghiệp và đồng đội ngày nào là Đỗ Khải và Huỳnh Quốc Cường, toàn bộ những chuỗi đỉnh cao của tiền đạo tài hoa Trần Minh Chiến chỉ gói gọn trong năm 1995.
Thậm chí, từ trước khi ghi bàn thắng vàng trong trận bán kết với Myanmar ở Chiang Mai (Thái Lan), Trần Minh Chiến đã dính chấn thương nặng từ vòng bảng, khi liên tiếp bị đối thủ Campuchia đá thô bạo.
Dây chằng đầu gối của Minh Chiến có thể đã đứt từ trước khi anh vào sân từ băng ghế dự bị trong trận bán kết nói trên với Myanmar. Nhưng với chiếc băng trắng quấn chặt, cầu thủ này vẫn nén đau để thi đấu trong thời gian hiện diện trên sân, rồi tung cú đá vô lê lịch sử nói trên, trước khi không còn đủ thể lực để đá trận chung kết.
Sau đó, Trần Minh Chiến được đưa sang Đức chữa trị cùng với Nguyễn Hồng Sơn. Anh mổ gối đến 4 lần, trở lại thi đấu trong thời gian rất ngắn cho đội CA.TPHCM trong năm 1996, xuất hiện ở đội tuyển quốc gia trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 1996, nhưng vĩnh viễn không thể góp mặt ở bất cứ kỳ giải AFF Cup nào, do dây chằng đầu gối bị đứt trở lại trong một buổi tập nội bộ của đội tuyển.
Trần Minh Chiến buộc phải nói lời chia tay sân cỏ ở 22 tuổi, quá sớm và quá xót xa cho một trong những tài năng bậc nhất của bóng đá Việt Nam.
Về sau này, Trần Minh Chiến tham gia công tác huấn luyện. Có thể nói rằng anh ghi dấu ấn nhất định ở cả công tác đào tạo trẻ (một trong những người đầu tiên đặt nền móng chuyên môn cho học viện PVF) lẫn bóng đá đỉnh cao (đoạt cúp quốc gia năm 2018 cùng B.Bình Dương, khi đội này đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ).
Trần Minh Chiến là một HLV đầy cá tính và có năng lực. Sự nghiệp huấn luyện của anh có thể còn phát triển nữa, đạt nhiều thành công hơn nữa. Nhưng nói về Trần Minh Chiến, người ta sẽ nhớ nhiều hơn đến giai đoạn anh còn là cầu thủ, sự nghiệp đá bóng của anh càng ngắn ngủi thì lại càng khắc sâu trong lòng người hâm mộ, vì người ta sẽ càng tiếc, càng nhớ mãi khoảnh khắc anh tung cú vô lê đi vào lịch sử năm 1995, vĩnh viễn mở ra trang sử mới cho bóng đá Việt Nam!
Kim Điền