Các loại hình “du lịch tự nhiên”, “du lịch mạo hiểm”, “du lịch sinh thái” xuất hiện gần đây ở VN đi theo con đường mới mẻ này.
Phóng to
Du khách đạp xe xuyên Việt nghỉ chân ở Thuận An (Thừa Thiên – Huế) – Ảnh: Hoàng Tùng
“Du lịch hướng đến cộng đồng và gần gũi với thiên nhiên chính là hướng đi tất yếu của những sản phẩm du lịch chuyên sâu mà nước ta chưa khai thác nhiều” – trở về từ Thái Lan sau khi tham gia hội thảo du lịch sinh thái khối ASEAN, ông Vũ Ngọc Khiêm, giám đốc Indochina Travelland (Hà Nội), hào hứng chia sẻ.
Ngày càng có nhiều du khách muốn được trực tiếp khám phá thiên nhiên và cuộc sống ở những nơi đến, được giao lưu, hòa nhập với nền văn hóa và con người bản địa. Hướng đi ấy đang được nhiều công ty du lịch ở Hà Nội kiên trì theo đuổi dù hiện chỉ mới thu hút được du khách nước ngoài.
Trải nghiệm Du lịch… hành xác
Khi cuộc sống ngày càng gắn với những tiện nghi và con người ngày càng dành nhiều thời gian hơn trong bốn bức tường với máy điều hòa, ít vận động cũng là lúc những tour du lịch mạo hiểm với nhiều hoạt động đa dạng xuất hiện. Khá phổ biến là du lịch bằng xe đạp. Đây là loại hình du lịch rất phù hợp với địa hình và phong cảnh nước ta, và đã có tour đạp xe xuyên Việt (TP.HCM – Hà Nội), tour đạp xe dọc vùng cao Tây Bắc (từ Điện Biên Phủ đến Lào Cai).
Tham gia các tour xe đạp, du khách có dịp đi qua những cung đường đẹp nhất, thử sức mình ở những con đèo hoành tráng bậc nhất như đèo Prenn, đèo Hải Vân, đèo Trạm Tôn… Chuyên biệt hơn, có loại hình du lịch đi bộ (trekking) đến những bản làng xa xôi qua những con đường mòn, trèo đèo vượt núi… Ở những vùng biển đẹp như Hạ Long – Cát Bà, loại hình du lịch chèo thuyền kayak đang trở nên hết sức phổ biến, thu hút nhiều du khách tham gia.
Những loại hình du lịch như trên đòi hỏi người tham gia không chỉ có lòng say mê mà còn phải có sức khỏe nhất định. Phía công ty tổ chức phải chia ra các cấp độ: dễ – trung bình – khó để khách hàng tự lượng sức mình chọn tour phù hợp. Những loại hình du lịch này đều mang con người ra khỏi môi trường sống bình thường, buộc du khách phải vận động, thích nghi với hoàn cảnh mới và tự khám phá khả năng của chính mình.
Ngoài ra, những hình thức du lịch mạo hiểm khác cũng bắt đầu phát triển ở nước ta như du lịch leo núi đá (rock climbing) ở khu vực vịnh Hạ Long, du lịch lướt sóng (surfing) ở khu vực đảo Quan Lạn (Quảng Ninh)…
Các loại hình du lịch kể trên đều… hành xác du khách. Tuy nhiên sau những hoạt động mệt mỏi đến rã rời về thể chất, du khách có được những giây phút khám phá nhiều khả năng tiềm ẩn của bản thân, vượt qua những giới hạn của chính mình mà nếu ở môi trường sống bình thường họ sẽ không có cơ hội trải nghiệm.
Phóng toMột nhóm bạn trẻ Hà Nội trong trang phục người Dao ở bản Ngòi Tu, Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái. Từ mấy năm nay, bản Ngòi Tu phát triển mô hình du lịch sinh thái homestay cho du khách đến nghỉ ngơi và khám phá du lịch hồ Thác Bà. Mỗi gia đình đều tổ chức làm du lịch và nhận khách đến ở, sinh hoạt cùng gia đình mình – Ảnh: Na Sơn
Những loại hình du lịch “không giống ai”
4-5 triệu khách du lịch quốc tế đến VN trong vài năm gần đây là một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng của nước ta và hoàn toàn lép vế so với các quốc gia làm du lịch giỏi trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là sản phẩm du lịch của VN còn quá đơn điệu so với một số nước láng giềng. Du khách nước ngoài (cũng như trong nước) ngày càng đòi hỏi những sản phẩm du lịch chuyên biệt, độc đáo.
Để thoát khỏi lối mòn, một số công ty lữ hành đã tung ra thị trường những sản phẩm du lịch “không giống ai” nhằm đáp ứng một số nhu cầu rất riêng của những nhóm du khách khác nhau. Có thể kể là tour du lịch xem chim (bird watching) với du khách là những người đặc biệt yêu thích chim, trong đó có cả những nhà điểu học quốc tế.
Điểm đến yêu thích của họ là vườn quốc gia Cúc Phương, vườn quốc gia Tam Đảo, rừng ngập mặn Xuân Thủy; ở mỗi điểm đến họ nghiên cứu trước loài chim nào có nhiều khả năng sẽ xuất hiện, chuẩn bị sẵn các phương tiện ống nhòm, máy quay, máy ảnh cùng sổ tay ghi chép tỉ mỉ. Họ đi từ tờ mờ sáng, ngâm mình trong nước lạnh hàng giờ nhưng tràn đầy niềm vui và phấn khích khi tận mắt nhìn thấy một số loài chim đặc hữu trong vùng.
Lại có những công ty du lịch tạo một sản phẩm không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận mà nhằm khơi dậy ý thức cộng đồng. Như khi tham gia tour “Vớt rác tại vịnh Hạ Long” của Công ty Nối Vòng Tay, du khách không chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp ở một di sản thiên nhiên thế giới mà còn chèo thuyền kayak thu gom rác để làm sạch vịnh biển này.
Hoặc Công ty Tầm Nhìn Mới với sản phẩm du lịch dành cho các công ty, tạm gọi là tour “xây dựng đội ngũ” (team building) khá độc đáo, đặc biệt là trò chơi xáo trộn nhân sự: giám đốc có thể đổi vai làm nhân viên, người bảo vệ có thể làm giám đốc với những luật chơi thật thú vị. Mục đích của trò chơi là giúp mỗi vị trí nhân sự trong công ty hiểu hơn về những khó khăn của đồng nghiệp ở các khâu công việc khác nhau, từ đó tạo ra sự đồng cảm hơn giữa mọi thành viên trong công ty.
Về với cộng đồng
Câu lạc bộ du lịch Trách Nhiệm (*) ở Hà Nội có thành viên là những công ty muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch gắn bó với cộng đồng. Công ty du lịch Indochina Travelland chuyên tổ chức các tour dành cho học sinh quốc tế đến VN, qua các chuyến đi học sinh sẽ rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản và cần thiết nhất, chẳng hạn thay nhau làm trưởng đoàn để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, phải biết chi tiêu sao cho hợp lý nhất với túi tiền của mình, tự kiếm tiền đi tour thay vì được cha mẹ chi trả, phải cam kết giúp đỡ nhau và không được bỏ cuộc suốt hành trình trekking vất vả, mệt mỏi.
Theo ông Vũ Ngọc Khiêm: “Indochina Travelland muốn đưa chương trình du lịch rèn luyện kỹ năng sống đến nhiều hơn với khách du lịch nội địa để khi đi du lịch, người ta không chỉ thưởng thức mà còn thật sự trải nghiệm và học hỏi thêm những điều mới mẻ, đồng thời khám phá bản thân”.
Trong khi đó Buffalo Tours nổi tiếng với những tour du lịch chữa bệnh mà du khách là những nhóm bác sĩ tình nguyện đến các bản làng xa xôi ở miền núi chữa bệnh cho người dân ở đó. Công ty Dấu Chân chọn bản Chiềng Yên (Hòa Bình) của người Mường để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI – Fauna and Flora International), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV)… cũng có những nỗ lực nhằm xây dựng những mô hình du lịch cộng đồng tại Pù Luông (Thanh Hóa), Tả Van (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang)…
Với sự phát triển vượt bậc của Internet, các dịch vụ du lịch ngày càng dễ tìm. Du khách có thể tự đặt phòng khách sạn, tự mua vé máy bay không cần thông qua công ty du lịch. Đó cũng chính là lúc các công ty du lịch tại VN phải thể hiện vai trò chủ nhà của mình thông qua các sản phẩm độc đáo nhằm thu hút du khách phương xa, tuy nhiên đã đến lúc những sản phẩm du lịch chuyên biệt kể trên phải tìm cách tiếp cận cả với khách hàng du lịch nội địa.
Phải chăng đó cũng là một hướng đi còn bỏ ngỏ của ngành du lịch?
__________
(*) CLB du lịch Trách Nhiệm ra đời với phương thức hoạt động phi lợi nhuận, mong muốn làm cầu nối giữa doanh nghiệp du lịch và cộng đồng người dân địa phương nhằm nâng cao nhận thức của mọi người đối với du lịch và cộng đồng một cách bền vững. Xem trang web chi tiết của câu lạc bộ: http://www.rtcvietnam.org/; và trang web của các thành viên sáng lập câu lạc bộ: http://www.rtcvietnam.org/memberships/active-members.php.
___________
Một ngày làm ngư dân, được đi câu cá, đánh cá; một ngày làm thợ thủ công, được tự tay làm những chiếc đèn sắc đỏ, sắc vàng như đèn lồng treo lung linh khắp phố Hội khi đêm về; một ngày làm nông dân cuốc đất, trồng rau… Những “món ăn” ấy góp thêm hương vị thơm ngon vào thực đơn du lịch miền Trung.
Phóng toMột góc làng Trà Nhiêu bên sông – Ảnh: Việt Hùng
Tham gia các tour du lịch cộng đồng nêu trên, du khách bỏ lại sau lưng những ồn ào, náo nhiệt của phố xá, về sống với không khí yên bình, trong lành của làng quê VN và quan trọng nhất, có được những trải nghiệm mới lạ không tìm thấy ở những tour thông thường.
Một ngày làm nông dân
Ai về Trà Quế thì về/ Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh/ Buổi mai đi bán củ hành/ Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm… Về Trà Quế một sáng mùa hè mới đây, ở đâu đó đầu làng chúng tôi đã nghe tiếng người nông dân gánh nước tưới rau nghêu ngao câu ca ấy. Làng Trà Quế (xã Cẩm Hà) chuyên trồng rau sạch, nằm trên đường từ Đà Nẵng đến Hội An, chỉ cách phố cổ 3km. Đến làng, du khách bước vào một khung cảnh hoàn toàn khác với không khí đô hội trẻ trung, sôi động của Đà Nẵng hay sự nhộn nhịp của phố Hội.
Sau những ngõ nhỏ quanh co, làng rau Trà Quế với trên 130 hộ dân trồng rau sạch và làm du lịch hiện ra với những nét đặc trưng của làng quê VN: ruộng đồng, vườn tược, nhà ngói đỏ đơn sơ và những người nông dân hồn hậu, cần mẫn. Theo Trung tâm Dịch vụ lữ hành Hội An (Hoi An Travel), tour “Một ngày làm nông dân” ở làng rau Trà Quế đang thu hút đông đảo khách quốc tế.
Tuy vậy, sự yên bình của làng rau vẫn được đảm bảo gần như trọn vẹn khi toàn bộ du khách vào làng đều được nhà tour tổ chức đi bằng xe đạp. Cả buổi sáng ở làng, chúng tôi hầu như không hề nghe thấy tiếng động cơ ôtô, xe máy, thay vào đó là tiếng gánh nước kẽo kịt, tiếng cuốc xộc vào đất đai màu mỡ…
Toàn bộ khách đến làng đều đội nón lá, mặc áo nâu như những nông dân thực thụ. Bà con Trà Quế nhiệt tình tham gia hướng dẫn du khách cùng các hướng dẫn viên. Du khách đi một vòng quanh làng, xem người nông dân chăm sóc những luống rau ra sao. Trước những luống rau xanh tươi mơn mởn, nông dân Trà Quế tự hào giới thiệu thương hiệu rau sạch với khách.
Ở vườn rau của bác Lê Văn Bảy có hai du khách người Hà Lan đạp xe từ Huế về để được làm nông dân một ngày. Bác Bảy cho biết rau trồng tại Trà Quế không dùng thuốc trừ sâu, còn chất dinh dưỡng cho rau là rong lấy từ sông Cổ Cò.
Dưới nắng trưa hè, dù mồ hôi ướt đẫm áo nhưng bác Bảy và hai du khách Hà Lan vẫn chưa ngưng tay. Sau khi hai luống đất được xới đều, họ chôn lấp lớp rong xuống dưới, sau đó trồng rau, tưới nước. Hoàn tất công việc đồng áng gần trọn buổi sáng, du khách được đãi 30 phút ngâm chân thư giãn trong nước thảo dược và một bữa ăn mà thực phẩm chính là những loại rau Trà Quế.
Nathalion và Ruth, hai du khách Mexico, thốt lên: “Thật tuyệt vời! Khung cảnh ở đây yên bình và đáng yêu quá. Tôi thích các luống rau và thích cảm giác được tự tay trồng nó. Ở Mexico tôi chưa hề bước xuống ruộng đồng và trồng rau như sáng nay. Trời nắng, mồ hôi ra nhiều nhưng tôi có chiếc nón lá VN, hiểu được công việc trồng trọt ở đất nước các bạn và đặc biệt được ăn các món rất ngon”.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, phó giám đốc Hoi An Travel, cho biết hiện tour “Một ngày làm nông dân” chỉ đứng sau tour Cù Lao Chàm về số lượng du khách tham gia, nhưng ra Cù Lao Chàm chủ yếu là du khách trong nước trong khi gần như toàn bộ khách mua tour về làng rau Trà Quế là người nước ngoài.
Để đảm bảo cho một sản phẩm du lịch chuyên nghiệp đã có thương hiệu và bền vững, hệ thống nhà nghỉ, bếp nấu ăn, nhà vệ sinh… tại làng rau được đầu tư xây cất cẩn thận và sạch sẽ, các loại rau cho bữa trưa của khách được đầu bếp có tay nghề nấu. Vì vậy, theo ông Tuấn, hầu hết du khách sau khi tham gia tour này đều rất hài lòng.
Phóng toGánh rong lấy từ sông Cổ Cò về làm phân bón cho rau – Ảnh: Bạch Hoàn
Êm đềm Trà Nhiêu
Một tour du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng khác đang thu hút đông đảo du khách là tham quan làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Làng Trà Nhiêu ở giữa hai di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, đi đường bộ từ ngã ba Nam Phước – quốc lộ 1A hoặc đường thủy từ Hội An xuôi dòng Thu Bồn.
Ngôi làng hiền hòa này nằm giữa những cánh đồng lúa đang vào mùa gặt óng vàng và những cánh đồng trồng lác dệt chiếu, đặc biệt là rừng dừa nước nguyên sinh rộng trên 10ha.
Qua cổng làng, bắt gặp ngay cuộc sống với nghề làm chiếu Bàn Thạch nổi tiếng từ lâu, được lưu truyền nhiều đời với phương thức sản xuất thủ công từ khâu trồng, thu hoạch lác đến phơi, nhuộm, dệt. Vợ chồng bác Nguyễn Văn Tấn – Khương Thị Lập tuổi gần thất tuần nhưng vẫn chăm chỉ làm nghề. Vừa thoăn thoắt tay dệt chiếu, hai bác vừa kể chuyện nghề đã theo đuổi từ lúc còn nhỏ đến nay. Niềm vui lớn với các gia đình làm chiếu ở Trà Nhiêu là gần đây nhiều du khách trong và ngoài nước về thăm làng, không khí làng nghề vì thế nhộn nhịp hẳn lên.
Theo ông Nguyễn Tấn Thuật – trưởng thôn Trà Nhiêu, làng mới được đưa vào tour du lịch gần hai tháng nhưng đã có hàng trăm đoàn khách đến tham quan. Khách nước ngoài thích thú trước vẻ nguyên sơ của một làng quê thuần Việt, chưa bị biến dạng vì sức ép đô thị hóa cũng như bảo tồn được nghề truyền thống của làng. Trước thành quả bất ngờ này, xã Duy Vinh đã đầu tư hạ tầng và tổ chức tập huấn cho hàng trăm hộ dân ở Trà Nhiêu cung cách đón tiếp khách và phục vụ du lịch.
Ông Đinh Hài, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Quảng Nam, cho biết Trà Nhiêu là tour mới trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh nhằm đón đầu làn sóng du lịch sinh thái, cộng đồng mang đến những lợi ích cho cư dân địa phương
Đi tour làng chài
Tour “Tập làm ngư dân phố Hội” cũng đang mang đến cho du lịch Hội An một luồng gió mới đầy sức sống. Tour được tổ chức tại làng Thanh Nam – Cồn Chài với giá chỉ 18-30 USD/khách nước ngoài. Đến làng, cứ hai du khách được một ngư dân hướng dẫn chèo thuyền, giăng lưới, thả rập bắt cá, tôm…
Theo các đơn vị tổ chức, điểm hấp dẫn nhất của tour này chính là du khách được cùng làm, cùng ăn với ngư dân. Sau buổi sáng lênh đênh trên sông nước, du khách lại tự chế biến các món ăn với tôm cá mà mình bắt được và thưởng thức trong khung cảnh nông thôn mộc mạc, hữu tình.
Sự phát triển của các tour du lịch làng nghề, du lịch gắn kết cộng đồng đã cho người nông dân cơ hội có thêm công việc mới và tăng thu nhập. Ngư dân làng chài Thanh Nam giờ đây cũng là những hướng dẫn viên du lịch. Tương tự, ở làng rau Trà Quế, mỗi nông dân được các hãng lữ hành trả khoảng 50.000 đồng/tour đưa khách đi quanh làng giới thiệu và cùng trồng rau với khách.
Bác nông dân Lê Văn Bảy hứng thú với nghề mới của mình: “Tôi có tới hai khu đất để đón khách ở Trà Quế, một vừa được xây thêm. Từ khi đón khách du lịch, tôi bận rộn hẳn lên. Mỗi ngày đón vài tour cũng có thêm vài trăm ngàn đồng”.
Bác Nguyễn Văn Tấn cho biết từ lúc làng Trà Nhiêu đón khách, dân làng bắt đầu ý thức về chuyện giữ gìn nghề dệt chiếu của cha ông, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường xanh sạch. Chưa hết, nhiều người dân Trà Nhiêu còn trở lại với nghề chằm lá dừa lợp mái nhà hay nghề làm chổi, chăm bón những vườn cây ăn trái tươi ngon…
Khám phá Sơn Trà
Hơn một năm nay, tour du lịch sinh thái và tắm biển Sơn Trà đã trở thành một thương hiệu của ngành du lịch Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn rừng nguyên sinh có diện tích gần 4.400ha sát biển Đông. Du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Đà Nẵng rực rỡ về đêm từ đỉnh Bàn Cờ cao 625m trong không khí se lạnh ngay giữa mùa hè.
Phía đông bán đảo là bãi Bắc với bãi cát thoai thoải; phía đông nam là bãi Bụt, bãi Nam với những bãi tắm tuyệt đẹp cùng các quần thể san hô phong phú rất gần bờ. Sóng biển lại hiền hòa, rất thuận lợi để tổ chức cho du khách lặn ngắm san hô.
Sơn Trà không chỉ quyến rũ đối với khách du lịch mà còn là nơi nhiều nhà khoa học sinh thái tìm đến, bởi có hệ sinh thái rừng thường xanh lá rộng chạy dài ven biển, tạo thành những bãi biển sát rừng thật thơ mộng, có hệ động vật hết sức phong phú với nhiều loài quý hiếm. Các tour du lịch sinh thái Sơn Trà đưa du khách đi câu cá cùng ngư dân, lặn ngắm san hô, khám phá rừng nguyên sinh Sơn Trà và viếng chùa Linh Ứng – nơi có tượng Phật cao nhất và lớn nhất Đà Nẵng…
Phó vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục du lịch VN Nguyễn Anh Tuấn:
Phát triển du lịch bền vững phải gắn kết lợi ích người dân
Bản chất của phát triển du lịch cộng đồng, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chính là mang lại lợi ích cho người dân ở địa phương. Đây là yếu tố sống còn giúp mô hình du lịch cộng đồng, du lịch bền vững phát triển. Ông Tuấn phân tích:
Phóng toÔng Nguyễn Anh Tuấn – Ảnh: Lê Nam
– Nếu người dân không nhận thấy được lợi ích của họ trong quá trình đó, họ sẽ không giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh, không bảo vệ các nghề truyền thống, không gắn kết với những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp làm du lịch và chắc chắn các chương trình, dự án du lịch dù có mục tiêu tốt đẹp đến đâu cũng sẽ thất bại.
Tỉnh Quảng Nam là một trong những nơi triển khai du lịch cộng đồng nổi bật và thành công nhất VN, điển hình là phố cổ Hội An. Đây là mô hình gắn kết giữa chính quyền, người dân về phát triển du lịch. Du lịch mang lại lợi ích cho người dân địa phương, từ đó người dân tự giác trong tuân thủ các quy định, giúp bảo tồn phố cổ và khôi phục các truyền thống văn hóa, nghề lâu đời ở địa phương.
Những lần tôi đưa khách nước ngoài đến tham quan Hội An, họ đều rất ấn tượng và đánh giá cao mô hình du lịch cộng đồng nơi đây. Vừa rồi đoàn của Tổng cục Du lịch Singapore đến đây khảo sát, phía bạn còn cho rằng đây là một bảo tàng sống cần học tập.
Trong không gian du lịch đó người dân vẫn sinh hoạt, kinh doanh, hoạt động văn hóa… bình thường và còn làm giàu nhờ du lịch. Thái độ người dân Hội An với du khách rất thân thiện, cởi mở, môi trường xã hội ở Hội An cũng rất trong sạch, không tệ nạn. Các hình thức du lịch làng nghề ở Hội An đã phát triển rất tốt tuy mới phát triển gần đây cũng bởi người dân được hưởng lợi.
Từ kinh nghiệm các làng nghề làm du lịch, Quảng Nam đã và đang khôi phục hoạt động của nhiều làng nghề khác như làng đúc đồng… và đang hướng đến việc phát triển mô hình này ở các vùng xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc…
* Phát triển du lịch bền vững theo mô hình ở Hội An có được nhân rộng ở các địa phương khác không, thưa ông?
– Trong các dự án phát triển du lịch nói chung, Tổng cục Du lịch cũng định hướng cho các vùng miền núi, khu vực Tây nguyên, các vùng biển đảo phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng, đồng thời khuyến khích các dự án phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
Trên cơ sở các khảo sát đã tiến hành tại các bản làng ở vùng núi Tây Bắc, Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ dân tộc ở những nơi có khả năng phát triển du lịch cộng đồng và bền vững, hỗ trợ khôi phục nghề thủ công cũng là nét văn hóa ở bản làng.
Trước mắt có thể hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng giúp mỗi bản đầu tư trang phục, thiết bị âm thanh, các phương tiện cần thiết cho đội văn nghệ để ban ngày họ vẫn đi làm đồng nhưng tối đến phục vụ du khách. Cách làm này đã được triển khai ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình…
Nhiều gia đình nhận ra được lợi ích của việc này nên đã chủ động chuyển súc vật sống dưới sàn nhà ra ngoài, sửa chữa nhà để du khách có thể cư trú tại nhà theo kiểu du lịch homestay.
__________
Mai Châu (Hòa Bình) là một trong những mô hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững nổi tiếng miền Bắc. Huyện Mai Châu có nhiều bản của người dân tộc Thái nhưng hiện có hai bản làm du lịch tốt nhất là bản Lác và bản Pom Coọng. Đó là hai bản sớm có khu vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhà sàn sạch sẽ, trâu bò được nuôi tách xa khỏi nhà sàn để tránh mùi, người dân có ý thức về việc giữ gìn văn hóa truyền thống thể hiện qua các hoạt động ca múa nhạc dân tộc.
Hầu hết gia đình trong hai bản đều có bán sản phẩm lưu niệm nhưng không xảy ra tình trạng tranh giành, níu kéo khách du lịch.
Phóng toUống rượu cần trong đêm giao lưu với cư dân bản địa ở Mai Châu – Ảnh: Hoàng Tùng
Khách đến Mai Châu có thể đi bộ nhẹ (light trek) đến các bản lân cận hoặc đi bộ xa và vất vả hơn (hard trek), hay đạp xe thăm các huyện xung quanh Mai Châu.
Trong khi đó, Sa Pa (Lào Cai) dù có khung cảnh thiên nhiên đẹp bậc nhất miền núi Tây Bắc, cũng là điểm du lịch nổi tiếng nhưng đang xuống cấp xét về mặt du lịch bền vững. Một số bản làng tại Sa Pa đã bị thương mại hóa quá nhanh, mất đi tính bền vững của du lịch cộng đồng.
Tại trung tâm thị trấn Sa Pa thường diễn ra cảnh người dân địa phương chèo kéo khách du lịch để bán đồ lưu niệm, còn ở bản Tả Phìn của người Dao Đỏ, tình trạng tranh nhau bán hàng đã đến mức báo động.
Bất kỳ xe du lịch nào đến Tả Phìn cũng chịu cảnh một đám người đeo bám, sau đó họ cứ lẵng nhẵng đi theo du khách. Ai “lỡ dại” mua hàng của một người lập tức bị đám đông vây quanh “bắt” phải mua cho mình khiến du khách hết sức bối rối. Từ phản hồi của nhiều du khách, nhiều công ty du lịch nay đã phải bỏ bản Tả Phìn ra khỏi lịch trình tour Sa Pa.
Mặt khác, sản phẩm du lịch mang tính chất mạo hiểm như tour du lịch đi bộ, tour du lịch xe đạp đường rừng ở Sa Pa không còn hấp dẫn du khách vì hầu hết các tuyến đường xuyên rừng ở Sa Pa nay đã trải bêtông.
Trong khi Sa Pa ngày càng mất vai trò thì Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đang trở thành một mô hình du lịch bền vững rất có tiềm năng thành công. Được Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) giúp đỡ xây dựng, Pù Luông có lợi thế không quá xa Hà Nội và các cung đường ở đây còn hoang sơ, rất thuận tiện để các công ty du lịch khai thác tour du lịch xe máy, xe đạp và tour đi bộ vất vả. Cơ sở vật chất như nhà sàn ở bản Hin, bản Hon của Pù Luông cũng đáp ứng tiêu chuẩn của du khách.
Ngoài ra, xã Chiềng Yên (Mộc Châu, Sơn La) mới được Tổ chức SNV (http://www.snvworld.org) hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và du lịch bền vững, tập trung ở hai bản Phụ Mẫu và Nà Bai với cơ sở vật chất đang trong quá trình hoàn thiện. Địa hình đa dạng và phong cảnh hữu tình ở Chiềng Yên cũng phù hợp để khai thác các loại hình như tour xe đạp, tour xe máy, tour đi bộ.
Cả Pù Luông và Chiềng Yên đều có tiềm năng thành công do các công ty du lịch có thể khai thác hai điểm này thành một sản phẩm du lịch dễ thu hút khách khi được kết nối với Mai Châu thành mắt xích du lịch Mai Châu – Chiềng Yên – Pù Luông.