Lựa lời hỏi bà con, các bạn mới hay trước đó có nhóm sinh viên khác đến đây làm tình nguyện. “Tụi nó nhậu nhẹt, đánh bài bạc, gây ồn ào, chọc phá con gái địa phương, bày trò hư cho con nít trong thôn”, một bác lớn tuổi nói.
Không được dân chào đón, các bạn phải ngủ trong nhà văn hoá xã xuống cấp. Nhà vệ sinh bị mất nước. Cửa đã hỏng. Cả đám phải thay phiên gác cho nhau ngủ. Trời tối, mưa, lạnh, họ co ro vì không đủ chăn màn. Ban ngày đi làm công việc tình nguyện, họ vấp phải sự không mấy thiện cảm của người dân.
May mắn thay, một gia đình sau đó cho các bạn vào tá túc. Nhóm đã ở lại cả tháng, giúp dân dọn dẹp rác, làm đường, vệ sinh môi trường, hướng dẫn kế hoạch hoá gia đình, động viên thói quen sinh hoạt văn minh cho nông dân, dạy học và chơi với trẻ trong thôn… Dần dà, các bạn, chủ nhà và cộng đồng xung quanh trở nên thân thiết. Mấy đứa nhỏ trong xóm thích thú vì “mấy anh chị ở thành phố về, vừa dễ thương vừa vui”. Khi nhóm rời đi, chúng đã khóc.
Một thành viên trong nhóm đó, khi cùng tôi ôn lại câu chuyện này đã thổ lộ, việc sinh viên làm tình nguyện cho người dân vùng sâu, vùng xa trong những khoảng thời gian ngắn thật ra không hiệu quả là bao. Nhiều nơi họ đến, mọi việc gần như đâu lại vào đấy khi họ đi. Kiến thức dạy cho trẻ cũng không được bao nhiêu, chơi với chúng là chính. Nhưng điều quan trọng nhất ở lại với bạn tôi sau đó là sự thân thiết, yêu quý giữa những người địa phương với nhóm thanh niên đô thị. Đứa con gái của nhà chủ sau này lên thành phố học được các anh chị giúp đỡ. Khi con một chủ nhà khác cưới, các bạn đều cố gắng dự dù đường sá xa xôi.
Có vô số chuyến đi của những người trẻ tuổi, mỗi ngày, đang diễn ra trên đất nước mình. Những chuyến tình nguyện tự phát, phong trào Mùa hè xanh do đoàn thanh niên tổ chức, phong trào phượt của thanh niên thành phố… Chúng có liên quan không? Đó là những chuyến đi ra khỏi thế giới quen thuộc của người trẻ, đều với mục đích trải nghiệm và kỳ vọng đến gần hơn với thế giới, cũng như để khám phá và kết nối với chính bản thân mình.
Tôi cũng từng đi như thế. Có khi mọi chuyện ổn, có khi mọi chuyện rối tung lên trong một cung đường tuổi trẻ. Đi là khám phá. Giới trẻ luôn cần được khám phá. Nhưng từ trải nghiệm của mình và các bạn, tôi nhận ra rằng: Phượt chỉ ý nghĩa khi ta kết nối với mọi người bằng trái tim và hành động thật. Nhiều điều tốt đẹp hoàn toàn có thể xảy ra từ khởi đầu ấy. Còn không, nó chỉ là những hành vi ích kỷ.
Trên các diễn đàn về phượt, các bạn trẻ í ới rủ nhau đi nơi này nơi kia. Có những chuyến đi cả ngàn cây số trong vòng 3, 4 ngày. Có đoàn đông tới trăm người, mặc áo bảo hộ, đội nón fullface và chạy xe máy với tốc độ trên 80 km mỗi giờ. Những nhà nghỉ giường tầng ở Đà Lạt đầy ắp người vào cuối tuần. Thanh niên tràn về các khu du lịch mới mở. Rác nhảy múa phất phơ sau những bánh xe lăn vội.
Đã nhiều năm như thế, những người dân vùng sâu vùng xa vẫn thờ ơ nhìn những đoàn phượt bịt kín mặt chạy vụt qua. Những bạn trẻ đi phượt vẫn xem bóng dáng mình nhìn thấy trên đường chỉ là một phần của cảnh vật. Hai nhóm đó, rất thường xuyên là những thực thể song song, không ai liên quan tới ai trên hành trình của mình.
Tôi cho là trái tim con người, nếu không thể gần nhau, họ sẽ dần xa nhau. Giống như những người thấy nhau trên mạng xã hội. Họ nhìn thấy tín hiệu online của nhau, có vài ba lời trao đổi, nhưng họ không cùng nhau làm gì.
Chúng ta luôn muốn có một thế hệ trẻ tài năng, có trái tim nồng nàn và khát khao góp sức cho đất nước. Nhưng điều đó không tự nhiên xảy ra.
Tôi hy vọng mùa hè này sẽ có những tiếng nói mới và tích cực, những phong trào tình nguyện thực sự hay trào lưu phượt có trách nhiệm và sự tử tế được khởi động xen lẫn vô vàn mời gọi hẹn hò vi vu trên mạng.
Ngay cả một phong trào mà đâu đó mang định kiến về sự phù phiếm như “phượt”, cũng hoàn toàn xứng đáng với tiếng nói cổ vũ sự đổi thay từ những tổ chức, con người có trách nhiệm với thanh niên, như các đơn vị đoàn, đội, trường đại học, các địa phương.
Tôi tin người trẻ sẽ chào đón những con người đi trước, hiểu biết và chịu bỏ thời gian để hỗ trợ người trẻ kéo dài sợi dây kết nối với cộng đồng; cùng họ tổ chức những chương trình tình nguyện có mục tiêu và hiệu quả.
Đó là những cách để người trẻ “phượt” mà không lãng phí thời gian của mình, để yêu thương, kết nối sâu sắc hơn với cuộc sống, mọi vùng đất và con người.
Phạm Phú Hiển