Hoạt động ngoài giờ lên lớp đối với môn mỹ thuật có một vai trò hết sức quan trọng trong nhà trường THCS, tuy nhiên trong thực tế hoạt động này ở trong trường phổ thông hiện nay chưa được chú trọng đúng mức vì nhiều lý do khách quan khác nhau. Hoạt động ngoại khóa là hoạt động học tập ngoài giờ học chính khóa, thường diễn ra ngoài lớp, ngoài phạm vi trường học. Là hoạt động học tập, củng cố, bổ sung, làm phong phú cho học tập chính khóa, tạo không khí phấn khởi, khích lệ học sinh học tập. Thế nhưng, lâu nay trong trường THCS, hoạt động ngoại khoá được hiểu là một hoạt động phụ, nằm ngoài quản lý chuyên môn, nhiều GV vẫn xem môn học mỹ thuật như một môn học phụ. Nó được coi là một hoạt động giải trí đơn thuần, thiếu nhất quán về chủ đề, sơ sài, phiến diện về mặt nội dung. Quan niệm về hoạt động ngoại khoá như trên là chưa thoả đáng, chưa thấy được lợi ích của hoạt động này trong quá trình giảng dạy và học tập bộ môn. Thiết nghĩ hoạt động ngoại khoá mỹ thuật trong trường THCS là một hoạt động chuyên môn bổ ích, lý thú và có tính khả thi. Vì thế, hoạt động ngoại khoá mỹ thuật cần được Bộ giáo dục đưa vào phân phối chương trình và đặc biệt hoạt động này cần được xem là một hoạt động nằm trong sự quản lý chuyên môn ở nhà trường phổ thông. Có như vậy hoạt động ngoại khoá trong trường phổ thông mới được duy trì một cách thường xuyên và có hiệu quả.
Sinh hoạt ngoại khóa với môn học mỹ thuật là một trong những hoạt động cung cấp, củng cố kiến thức cho học sinh, tạo cho các em niềm hứng thú, say mê với môn học hay các vấn đề xã hội. Từ những buổi ngoại khóa cho thấy, HS nắm kiến thức nhanh, vững hơn, sâu và chắc hơn so với việc học ở lý thuyết ở lớp.Hoạt động ngoại khoá không chỉ góp phần nâng cao khả năng tư duy độc lập, tăng cường khả năng sáng tạo trong học tập, kích thích lòng ham muốn tìm tòi, khám phá những kiến thức mới của người học, đồng thời HS có thể hiểu sâu hơn về những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của những di sản mỹ thuật trên quê hương Quảng Ngãi. Với môn học mỹ thuật hoạt động ngoại khóa là rất cần thiết, học sinh không chỉ được được tiếp xúc với thế giới muôn màu, muôn vẻ, sôi động, được tận mắt nhìn thấy tác phẩm mỹ thuật, mà “ Nhìn” là một trong những đặc trưng của mỹ thuật- Nhìn không chỉ để thấy, mà nhìn để bồi dưỡng thẩm mỹ thị giác. Học mỹ thuật, HS cần được nghe, được nhìn và được vẽ. Nghe – Nhìn – Vẽ cần phải được liên kết chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình học mỹ thuật. Hoạt động ngoại khóa có thể sử dụng thời gian trái buổi hay sử dụng tiết tổng kết năm học của bộ môn để tổ chức hoạt động ngoại khóa, cần xây dựng một kịch bản cụ thể cho hoạt động này. (Trưng bày sản phẩm, trò chơi, kết hợp với báo cáo chuyên đề về mỹ thuật địa phương, vẽ tranh,…) cho các khối từ lớp 7 đến lớp 9 để khỏi ảnh hưởng đến chương trình thực hiện. Ưu điểm của hoạt động ngoại khóa là có thể tích hợp với kiến thức của nhiều môn học khác, kiến thức xã hội, lịch sử địa phương,với một khối lượng lớn thông tin, kết hợp với trò chơi, giới thiệu thường thức mỹ thuật địa phương, thi vẽ tranh theo chủ đề,… Thực tế cho thấy chỉ vận dụng lồng ghép vào một số tiết dạy trên lớp thì kiến thức thì GV không thể trình bày được đầy đủ hay giải quyết thấu đáo được các vấn đề giáo dục mỹ thuật địa phương. Do đó, cần phải lựa chọn một số nội dung kiến thức mỹ thuật địa phương để đưa vào hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Thiếu nhi Quảng Ngãi trong cuộc thi vẽ tranh về “Biển đảo quê hương” Hoạt động ngoại khóa có nhiều ưu thế và tác dụng như: + Giúp cho GV chủ động về mọi phương diện như thời gian, về nội dung và hình thức tổ chức, không bị ràng buộc bởi thời khóa biểu và chương trình chính khóa + Chuyển tải được nhiều vấn đề, nhiều nội dung về các vấn đề về giáo dục mỹ thuật địa phương. Những vấn đề đó không thể chuyển tải hết trong bài học nội khóa và chỉ có hoạt động độc lập mới giải quyết được nôi dung vấn đề nhằm cung cấp một lượng lớn kiến thức về mỹ thuật địa phương cho HS. + Tổ chức hoạt động ngoại khoá mỹ thuật cho phép người dạy khắc phục được những bất cập trong chương trình giữa thời gian và khối lượng kiến thức cần phải truyền đạt; có thể mở rộng và đào sâu những nội dung quan trọng, bổ sung những vấn đề chưa được đặt ra trong chương trình chính khoá. Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ bằng môn học mỹ thuật trong hoạt động văn hóa nghệ thuật ở trường THCS theo hướng phát huy tính tích cực, thẩm mỹ của HS là phải quan tâm đến việc cung cấp điều kiện và tạo cơ hội để HS có hứng thú và chủ động tham gia vào hoạt động này, do đó việc cải tiến các tác động sư phạm nhằm phát huy vai trò của chủ thể phải xuất phát từ đặc thù của môn học, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, hoạt động học tập trên lớp kết hợp với các hoạt động ngoại khóa bộ môn bằng các hình thức báo cáo chuyên đề mỹ thuật địa phương, sinh hoạt câu lạc bộ khoa học, tổng kết và trưng bày tranh của HS cuối năm học… GV dạy mỹ thuật cần phối hợp với GVCN, BGH nhà trường lựa chọn một nội dung ngoại khóa phù hợp với tình hình của nhà trường để xây dựng có kế hoạch các hoạt động ngoại khóa với một số hình thức chủ yếu như:
1- Hoạt động ngoại khóa theo hình thức tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử, các công trình mỹ thuật địa phương
Tham quan học tập bộ môn mỹ thuật là hình thức cần thiết để thực hiện mối liên hệ giữa lí luận và thực tế, gắn nhà trường với cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ giáo dục mỹ thuật địa phương cho HS.Tổ chức tham quan là một hình thức học tập, nghiên cứu có nhiều bổ ích và hấp dẫn. HS được trực tiếp mắt thấy, tai nghe những sự vật, hiện tượng có liên quan đến nội dung giáo dục mỹ thuật địa phương. Sự gặp gỡ trực tiếp giữa đối tượng và chủ thể lĩnh hội thông qua sự hoạt động của các giác quan sẽ có tác dụng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ của chủ thể nhận thức.Qua các chuyến đi đó, HS sẽ thu hoạch được nhiều điều bổ ích, hứng thú, phục vụ quá trình học tập, củng cố bài học trên lớp. Để đạt được mục đích đó, GV cần phải có sự chuẩn bị chu đáo cả về nội dung, kế hoạch, phương tiện,…tránh tình trạng coi đây chỉ là việc đi tham quan du lịch thuần túy, không chú ý đến nội dung học tập, không tìm thấy những giá trị lịch sử có ý nghĩa khoa học, cái đẹp thẩm mỹ được ẩn tàng trong các sự vật hiện tượng ở những nơi đến tham quan học tập và như thế thực tiễn không có tác dụng làm sáng tỏ nội dung ngoại khóa. Hình thức tham quan có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức tùy theo điều kiện của nhà trường, địa phương như: – Tham quan danh lam thắng cảnh: Thiên Ấn niêm Hà, Cổ Lũy cô thôn,… – Tham quan di tích văn hóa, lịch sử, các công trình văn hóa: Lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng,tượng đài khởi nghĩa Ba tơ, tượng đài chiến thắng Ba Gia, thành cổ Châu Sa,… – Tham quan bảo tàng, xem triển lãm mỹ thuật: Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, bảo tàng Ba Tơ,… có thể chọn một địa điểm ngay tại địa phương của mình trong các hình thức trên để tổ chức cho HS tham quan. Các hình thức ngoại khóa trên có thể tổ chức theo trường, theo nhóm, hay kết hợp với các môn học khác. Với các buổi tham quan vừa để giải trí về mặt tinh thần, vừa để lĩnh hội thêm kiến thức. Với môn mỹ thuật cần kết hợp đi tham quan và lấy tư liệu bằng cách kí họa cảnh, tác phẩm điêu khắc, công trình kiến trúc, hoặc ghi chép các mẫu hoa văn trên trang phục thổ cẩm của đồng bào Hre ở Ba Tơ, Sơn Hà, hay trang phục của đồng bào Kor, Cadong ở Trà Bồng, Tây Trà,…Muốn vậy, cần có kế hoạch trước và cụ thể để HS được chuẩn bị về mọi mặt, trong đó có sự chuẩn bị cho học mỹ thuật ngoại khóa ở địa phương.
Ảnh: Hoạt động ngoại khóa của HS trường tiểu học Quảng Phú I(PGD TP Quảng Ngãi) tại lăng mộ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán Hình thức ngoại khóa này rất đa dạng, phong phú, không bị ràng buộc bởi thời gian học tập trong chính khóa, tạo điều kiện cho HS thâm nhập thực tế nên có điều kiện giúp HS phát triển toàn diện về nhận thức, thái độ, hành vi, và đạo đức,…đối với công trình mỹ thuật đó. Đó chính là hiệu quả to lớn đối với việc giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương bằng hoạt động dã ngoại tại các di tích lịch sử, công trình mỹ thuật. Cùng một nội dung về giáo dục mỹ thuật địa phương trong ngoại khóa, GV nên giới hạn phạm vi của một thể loại hay một vài tác phẩm cụ thể, chẳng hạn để tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc, có thể giới thiệu cho HS thấy được gía trị nghệ thuật và nội dung tư tưởng của tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa – HS các trường THCS trên địa bàn thành phố tham quan bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, xem ảnh các hiện vật và tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, với việc tổ chức lồng ghép giáo dục biển đảo vào một số môn học gắn với những buổi ngoại khóa thực sự bổ ích đối với HS, là một chương trình giáo dục mang đầy ý nghĩa, – HS các trường THCS ở huyện đảo Lý Sơn cần tổ chức cho HS tham quan ngoại khóa cụm tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, phòng trưng bày hiện vật nơi được xem là một bảo tàng với nhiều bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa cả văn hóa phi vật thể và vật thể.Thông qua việc giáo dục chủ quyền biển đảo, HS sẽ hình thành ý thức và trách nhiệm công dân của mình trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. – HS ở các trường đồng bằng, ven biển và các huyện miền núi, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài trời (Sân trường) bằng các hình thức xem tranh ảnh, phân tích tác phẩm cụm tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Thông qua các nội dung ngoại khóa như vậy, HS được bồi đắp lòng tự hào về đất nước, con người, về quê hương Quảng Ngãi. Đặc biệt, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền của Việt Nam sẽ ăn sâu vào tâm thức của từng HS,hình thành ý thức và trách nhiệm công dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
2- Hoạt động ngoại khóa theo hình thức sinh hoạt câu lạc bộ khoa học: Sinh hoạt CLB khoa học là một hình thức học tập có tác dụng mở rộng và đi sâu tìm hiểu một vấn đề nào đó trong chương trình ngoại khóa, giúp cho HS nắm vững những nội dung cần thiết thông qua những dẫn chứng minh họa, hấp dẫn, sinh động, đồng thời đem đến cho HS những hiểu biết mới mẻ và thực tế. Sinh hoạt CLB khoa học là một hình thức học tập phù hợp với môn học mỹ thuật ở THCS. Để đạt được mục đích trên, GV cần có sự đầu tư trí tuệ và công sức để thực hiện tốt các yêu cầu sau: + Xây dựng một kế hoạch chi tiết sinh hoạt CLB. + Nội dung sinh hoạt CLB phải phù hợp với chương trình giáo dục mỹ thuật địa phương. + Thể hiện tính đa dạng, phong phú và hấp dẫn để lôi cuốn HS. + Các vấn đề đưa ra trao đổi cần chuẩn bị kĩ lưỡng, có hàm lượng trí tuệ và thông tin chất lượng cao, liên hệ thực tiễn với mỹ thuật địa phương theo vùng miền.
3 Hoạt động ngoại khóa theo hình thức báo cáo chuyên đề mỹ thuật địa phương: Hình thức báo cáo chuyên đề mỹ thuật địa phương cần được kết hợp với các phương tiện dạy học( Trò chơi, câu đố, bài hát, các tác phẩm nghệ thuật,…) để dẫn dắt, lôi cuốn HS vào nội dung chuyên đề . Để tổ chức được hoạt động này GV cần xây dựng một “Kịch bản hoàn hảo” cả về nội dung và hình thức tổ chức thực hiện. Tổ chức hoạt động ngoại khoá theo hình thức báo cáo chuyên đề mỹ thuật địa phương là xây dựng một kế hoạch vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa khoa học. Tuy nhiên, để tổ chức tốt hoạt động này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về khâu tổ chức và nghiên cứu kĩ về chương trình. Căn cứ vào tình hình thực tế ở nhà trường phổ thông và nhu cầu học tập của bộ môn để tổ chức hoạt động ngoại khóa. Thủ thuật trò chơi khởi động lúc bắt đầu buổi ngoại khóa học là rất cần thiết để tạo bầu không khí thân thiện, nhờ đó mà người học dễ tham gia hơn ở phần nội dung chính. VD: Sử dụng “trò chơi đoán ô chữ” có thể được hiểu đó là một phương thức, cách thức truyền tải một thông điệp, một nội dung cụ thể nào đó đến người nghe thông qua hình thức trò chơi – chơi mà học, từ đó ý nghĩa của nội dung bài học được truyền tải đến người nghe một cách nhẹ nhàng, nhưng đầy sâu sắc và dễ hiểu. GV phải chuẩn bị đầy đủ và kỹ nội dung giảng dạy và cách tổ chức sinh hoạt trò chơi kèm theo các dụng cụ cần thiết và biết dự đoán trước mọi tình huống có thể xảy ra để không bị bất ngờ và có khả năng xử lý sư phạm, phải biết làm chủ thời gian, kiểm soát được tiến trình hoạt động, nếu không trò chơi sẽ phản tác dụng.
Ngoài các hình thức trên, còn có các hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa khác khác như: * Tổ chức tiết học ngoài thiên nhiên, vẽ ngoài trời tại các di tích mỹ thuật. * Tổ chức cho HS tạo hình ở gia đình, sưu tầm, viết bài, vẽ tranh… * Tổ chức triển lãm tranh vẽ HS, kết hợp với TTMT một chuyên đề về địa phương. * Tổ chức cho HS sưu tầm và nghiên cứu theo nhóm, viết các bài về cảm nhận của mình về một chủ đề cụ thể. * Tổ chức báo cáo, nghe nói chuyện mỹ thuật và mạn đàm theo chuyên đề… Một số hình thức tổ chức dạy học ngoại khóa trên có liên hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi hình thức đều có chức năng và vai trò nhất định trong quá trình dạy học ở trường THCS và củng cố kiến thức cho các bài nội khóa trong chương trình mỹ thuật THCS. Ảnh: Học sinh THCS Nguyễn Bá Loan(Mộ Đức-Quảng Ngãi)trong buổi vẽ ngoại khóa VD: Để tổ chức một hoạt động ngoại khóa theo hình thức tham quan di tích ( Di tích Sơn Mỹ, tượng đài khởi nghĩa Ba tơ, tượng đài chiến thắng Ba Gia, chùa Thiên Ấn, đình làng An Định…) kết hợp với giáo dục mỹ thuật cho HS, giúp HS cảm thụ một tác phẩm điêu khắc GV cần xây dựng một kế hoạch cụ thể như: 1- Xây dựng nội dung kế hoạch chuẩn bị tham quan: – Địa điểm ngoại khóa, thời gian ngoại khóa. – Lực lượng tham gia phối hợp ( BGH, Hội PHHS, ban quản lý di tích,…) – Dự kiến các tình huống, biện pháp quản lý HS, phương tiện, … 2- Xác định mục tiêu của hoạt động ngoại khóa: Sau ngoại khóa HS phải đạt được những gì, đấy chính là mục tiêu mà GV cần phải xác định. Muốn có mục tiêu đúng, GV cần nắm vững mục tiêu chung môn mỹ thuật, mục tiêu của các phân môn để đề ra mục tiêu phù hợp với mức độ cho từng nội dung ngoại khóa. Mục tiêu của ngoại khóa thường có ba yêu cầu cần đạt: •Kiến thức: Những hiểu biết về vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật của các tác phẩm mỹ thuật ở địa phương, kiến thức về bố cục, vẽ hình, cách tiến hành vẽ các họa tiết vốn cổ dân tộc ở địa phương . GV cần dựa vào mục tiêu, vào thực tế của HS, của vùng miền để đề ra yêu cầu kiến thức cho sát, có mức độ cho từng bài, từng thời gian ngoại khóa. Có thể lựa chọn một nội dung phù hợp như: Kiến trúc, điêu khắc, hay hội họa ở địa phương •Kĩ năng: Phát triển kỹ năng gì cho học sinh khi vận dụng lồng ghép nội dung giáo dục mỹ thuật địa phương, kĩ năng cần rèn những gì, rèn luyện kĩ năng gì ở mức độ nào ? ( Các bài thực hành vẽ theo đề tài, vẽ trang trí) hoặc hiểu, cảm thụ được những gì ?( Các bài thường thức mỹ thuật) qua hoạt động ngoại khóa. •Thái độ: Qua việc tiếp nhận kiến thức về mỹ thuật địa phương sẽ có tác động gì đối với HS, để HS có thái độ trước những hành vi về cái đẹp như: Yêu mến, tự hào, bảo vệ cái đẹp hoặc không bằng lòng trước những hành vi trái với cái đẹp, đó là thái độ. VD: Có ý thức giữ gìn những di sản mỹ thuật địa phương (Thường thức mỹ thuật); Yêu mến cảnh đẹp quê hương ( Vẽ tranh)… 3- Nội dụng tiến hành tham quan: – Giáo dục truyền thống cách mạng, hay lịch sử địa phương, qua các di sản mỹ thuật ở địa phương…(GV cần chọn một nội dung phù hợp) – Thấy được vẻ đẹp kỳ vĩ của tượng đài, cái đẹp của nghệ thuật tạo hình – Phân tích nội dung tác phẩm bằng ngôn ngữ tạo hình để HS cảm nhận được nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tượng đài di tích, di sản mỹ thuật… – Đưa một nội dung trò chơi có liên quan đến nội dung ngoại khóa để tạo sự sôi nổi cho HS bằng hình thức vui chơi tập thể. – Tổ chức cho HS vẽ tranh phong cảnh cá nhân, hoặc vẽ theo nhóm ở khu vực khuôn viên của di tích, bảo tàng,… 4 Tổng kết tham quan: – Nhận xét, đánh giá sau buổi ngoại khóa. – Dặn dò HS sưu tầm tư liệu ( Tranh, ảnh) về mỹ thuật địa phương – Cho HS liên hệ thực tế, viết một vài dòng cảm nhận của mình về một tác phẩm (Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, di sản mỹ thuật ) ở địa phương mà mình yêu thích nhất.
Trong thực tế, trong trường phổ thông hiện nay vấn đề tổ chức các hoạt động ngoại khóa chưa được quan tâm đúng mức, một số trường dù có cố gắng tổ chức thì chất lượng của những chuyến đi đó thì vẫn còn những vấn đề phải xem xét lại để tránh tình trạng đến xem rồi lại cùng nhau về mà kết quả thu được không được là bao, gây lãng phí vô ích. Do đó để chuyến đi ngoại khóa bổ ích đó không trở nên lãng phí đòi hỏi người giáo viên phải chuẩn bị kỹ càng để cung cấp cho các em những tri thức theo mục tiêu đề ra. Trước mỗi hoạt động ngoại khóa, người giáo viên chúng ta cần phải trả lời những câu hỏi này : HS đã có được những kiến thức gì về chủ đề sắp tới? HS cần biết thêm cái gì? GV sẽ tổ chức những hoạt động như thế nào để các em thể hiện xúc cảm và hoạt động thẩm mỹ của mình, làm sao để đo lường được nhận thức thẩm mỹ mà các em vừa nhận được qua chủ đề của hoạt động ngoại khóa. Như vậy hoạt động ngoại khóa (Ngoài giờ lên lớp) trong nhà trường là một con đường bao gồm nhiều hình thức và biện pháp giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ , góp phần phát triển nhân cách toàn diện nói chung, phát triển mặt thẩm mỹ trong nhân cách nói riêng cho học sinh.
Hoạt động ngoại khóa không chỉ là một phương tiện để các em làm quen, tiếp xúc với nghệ thuật mà quan trọng hơn cả giúp các em cảm thụ mỹ thuật và có điều kiện để bộc lộ cá tính sáng tạo trong những hoàn cảnh cụ thể, những gì gần gũi với cuộc sống của quê hương mình, qua đó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của con trẻ nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhân cách và hình thành văn hóa thẩm mỹ cho học sinh ở bậc học THCS. Quảng Ngãi, 12/11/2011 Nguyễn Hữu Quang