09/7/1960 – Dấu son lịch sử đánh dấu sự ra đời ngành Du lịch Việt Nam
Ngày 09/7/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Nghị định số 26 về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương.
Trong những năm tháng chiến tranh, sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam là một dấu son lịch sử, thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Du lịch đã được xác định vai trò là một ngành kinh tế mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tư duy đột phá còn thể hiện ở cơ chế Công ty Du lịch Việt Nam có thể thành lập các đại diện của Công ty ở nước ngoài, các chi nhánh du lịch ở địa phương, các khách sạn và các phương tiện vận chuyển chuyên dụng trực thuộc sự quản lý của công ty.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Du lịch đã làm tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng. Đồng thời, lần lượt mở rộng, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới trên mọi miền Tổ quốc.
Về mặt tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có một số lần thay đổi về mô hình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ngày 27/6/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 262 thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Du lịch Việt Nam thời kỳ đổi mới: Chuyển mình, đột phá, vươn tầm cao mới
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Du lịch đã nỗ lực vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Những thành quả đó có được nhờ vào sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với việc ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.
Tháng 10/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 05 thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Chỉ thị 46 của Ban Bí thư Trung ương Đảng vào tháng 10/1994 đã khẳng định chủ trương “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nuớc”.
Đặc biệt, Thông báo kết luận số 179 ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới, là tiền đề cho ra đời của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 1999, Pháp lệnh Du lịch năm 1999 và Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch năm 2000.
Gần 20 năm sau, ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị lại ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện quyết tâm ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp phát triển du lịch nước nhà.
Nhờ đó, nhiều cơ chế, chính sách được triển khai ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, thu hút đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thương hiệu, thúc đẩy sự phát triển đột phá của ngành du lịch trong thời kỳ mới.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước được đầu tư ngày càng mạnh mẽ, năm 1990 mới có 350 cơ sở với 16.700 buồng thì đến năm 2019 đã có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng. Đội ngũ doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngày càng lớn mạnh, năm 2019 cả nước có 2.667 doanh nghiệp, so với năm 1990 chỉ có 4 doanh nghiệp, năm 2005 có 428 doanh nghiệp.
Nếu như năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thì năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 72 lần. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm – được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng cao nhất trên thế giới. Khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019.
Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng; đóng góp 9,2% GDP và còn tạo ra động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Kiên cường vượt qua đại dịch Covid-19, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch
Đối mặt với đại dịch Covid-19, du lịch là ngành bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất. Dù vậy, với nỗ lực của các cấp, ngành, du lịch Việt Nam đã kiên cường vượt qua đại dịch và chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo đà cho sự phục hồi của du lịch. Trong đó, du lịch nội địa trở thành điểm sáng với 101,3 triệu lượt trong năm 2022 – cao hơn cả con số kỷ lục 85 triệu của năm 2019.
Tiếp nối đà phục hồi, 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 5,6 triệu lượt, tương đương 69% kế hoạch năm. Khách du lịch nội địa đạt 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 343 nghìn tỷ đồng. Theo dữ liệu từ Google, trong 6 tháng đầu năm, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.
Với những thành tựu nổi bật, Việt Nam đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Trong 5 năm qua, Việt Nam được giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards 3 lần tôn vinh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, 5 lần nhận danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; 4 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á. Tổng cục Du lịch 3 lần được trao giải thưởng Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52 trên toàn cầu, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia tăng nhanh nhất thế giới.
Với những thành tích đã đạt được qua các thời kỳ, ngành Du lịch Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh – phần thưởng cao quý nhất từ trước đến nay đối với Ngành. Cùng với đó là các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng nhiều danh hiệu thi đua xứng đáng khác dành cho các tập thể, cá nhân trong Ngành.
Tự hào nhìn lại chặng đường vừa qua, ngành du lịch đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Trong những giai đoạn khó khăn nhất như đại dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách tháo gỡ khó khăn, nút thắt cho ngành du lịch.
Nổi bật nhất, với sự tham mưu, đề xuất của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mở cửa thí điểm du lịch từ cuối năm 2021 tiến tới mở cửa hoàn toàn từ tháng 15/3/2022, tạo đà cho du lịch phục hồi trở lại. Thủ tướng cũng đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vào tháng 12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023. Kết quả của hai hội nghị quan trọng này là ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những giải pháp đột phá cho du lịch phát triển trong thời kỳ mới.
Tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế như những đề xuất của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan, đáp ứng kỳ vọng của toàn ngành du lịch. Đây sẽ là động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, ngành Du lịch luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, Ngành, địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác, bạn bè quốc tế và đặc biệt là sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn ngành. Từ 01/7/2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chính thức đi vào hoạt động và đã sẵn sàng tâm thế cùng toàn ngành bước vào thời kỳ phát triển mới, quyết tâm khẳng định vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước./.