Có cha là Hội trưởng CLB Honda 67 ở tỉnh Kon Tum, Huỳnh Thị Kiều Nhi cũng được truyền lửa sở thích này từ những ngày học THPT. Khi xin gia đình mua xe cho đi học, mẹ cô đã từ chối vì nhà quá nhiều xe. Cô được cha tặng một chiếc xe cổ trong bộ sưu tập nhưng ngại chạy vì con gái chạy xe này thường bị chú ý. Chính cha là người đã hướng dẫn và đưa Nhi tham gia nhiều chuyến phượt bằng chiếc xe này.
Từ lạ thành quen, Kiều Nhi dần xuất hiện với hình ảnh cô nữ sinh mê xe Honda 67. Tuy nhiên, ở quê nhà, nhiều lúc Nhi bị hiểu nhầm là không lo học hành, chỉ biết ăn chơi hoặc quá nam tính, bởi những người chơi dòng xe Honda 67 thường có vẻ ngoài phóng khoáng, phong trần.
Mặc dù vậy, những chuyến đi xa cùng cha và mọi người từ nhiều nơi trên cả nước đã mang đến những trải nghiệm không thể nào quên cho Nhi.
Nhi mất 3 tháng để học lái xe côn, bởi trước đó chỉ đạp xe đạp, thậm chí còn chưa từng đi xe số. Chuyến đi đầu tiên, Nhi nhớ như in cảm giác đau lưng ê ẩm vì tự chạy xe 1.000 km dọc miền Trung để tham gia chuyến từ thiện cùng cha.
Những chuyến đi không chỉ là khám phá cảnh đẹp quê hương, gắn kết tình cảm gia đình, chính những chuyến đi này đã giúp Kiều Nhi từ cô gái sợ tiếng Anh phát hiện ra động lực để học ngoại ngữ, cũng như tìm ra phương pháp học cho riêng mình.
“Giai đoạn căng nhất, mỗi ngày em dậy từ 6 giờ sáng trong vô thức và đến học 22 giờ đêm chỉ riêng tiếng Anh. Sau đúng 1 tháng sau em chữa được bệnh ‘điếc’ tiếng Anh, em có thể nghe đọc hiểu cơ bản”, Nhi chia sẻ.
Theo Nhi, những người chưa nói được tiếng Anh là chưa tìm được động lực của bản thân. Từ một người kém tiếng Anh, Nhi đã trở thành giáo viên tiếng Anh tại một Trung tâm ngoại ngữ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Nhi cũng vừa hoàn thành chương trình cử nhân khoa Ngôn ngữ Anh, hiện đang học thạc sĩ ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM để nâng cao kỹ năng truyền đạt.