Những ngày này, tại Hà Nội đang diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch Văn hóa”. Điều đó cho thấy du lịch văn hóa đang ngày càng được quan tâm và trở thành thế mạnh của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với việc sở hữu số lượng lớn các di tích lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… Việt Nam cho thấy tiềm năng lớn về du lịch văn hóa nếu như chúng ta biết phát huy các giá trị của nó.
Sự đa dạng, độc đáo, riêng có của văn hóa chính là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Nhất là khi nước ta có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông, đường bờ biển trải dài hơn 3,2 nghìn km với nhiều bãi biển đẹp. Hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều sông lớn, nhiều hang động, đặc biệt Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới và 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới…
Bên cạnh đó Việt Nam cũng sở hữu một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ với 1 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới; 3 di sản thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc…
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Phenikaa, du lịch văn hóa ở Việt Nam hiện nay phát triển chưa xứng với tiềm năng. “Chúng ta đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng: du lịch di sản văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch về nguồn; du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương; du lịch lễ hội… Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Những điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là điểm phải đến của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên văn hoá của VN, các sản phẩm du lịch văn hoá cần đa dạng hơn, phát huy có hiệu quả hơn giá trị của tài nguyên văn hoá cho phát triển du lịch”.
Sự kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa không phải không có cơ sở bởi Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú và du lịch tìm hiểu văn hóa bản xứ đang được xác định là xu hướng được yêu thích của nhiều du khách trong nước và nước ngoài. Chính vì vậy TS Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng khi chúng ta biến tiềm năng trở thành thế mạnh thì du lịch văn hóa sẽ mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn cho ngành “công nghiệp không khói”.
“Thứ nhất, phát triển du lịch văn hóa là một ngành công nghiệp văn hóa không chỉ đóng góp doanh thu lớn cho nền kinh tế, mà nó còn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khác. Thứ hai, phát triển du lịch văn hóa góp phần phát huy, bảo tồn và làm giàu các giá trị văn hóa dân tộc. Thứ ba, phát triển du lịch văn hóa còn giúp thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa phong phú, đa dạng của người dân. Thứ tư, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thứ năm, phát triển du lịch văn hóa còn mang ý nghĩa về chính trị và ngoại giao văn hóa, thể hiện sự đa dạng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta”. TS Nguyễn Thị Phương Nga nhấn mạnh.
Quả thực, nếu chúng ta khai thác và phát huy được giá trị đích thực của di sản văn hóa thì tiềm năng du lịch, kinh tế đem lại là không nhỏ. Bởi du lịch văn hóa không chỉ giúp du khách trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân ở điểm đến, khám phá giá trị văn hóa bản địa… mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở nơi mà họ đặt chân đến. Tuy nhiên việc phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam chúng ta còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Chính vì thế TS Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng để phát triển du lịch văn hóa ở thời điểm này cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố mà một trong những diểm nghẽn trong phát triển du lịch văn hoá của Việt Nam là vấn đề về thể chế, chính sách cụ thể và việc tổ chức thực hiện chính sách phát triển du lịch văn hoá.
“Các sản phẩm du lịch văn hoá hiện nay còn có sự trùng lặp ở các địa phương, vùng miền. Do đó, cần xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá đặc thù dựa trên giá trị văn hoá cốt lõi của địa phương đó. Các địa phương cũng cần có sự kết nối trong phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, tạo chuỗi sản phẩm bền vững, vừa đảm bảo yếu tố đặc thù, vừa đảm bảo tính liên kết trong các chương trình du lịch cho du khách. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch đặc biệt là du lịch văn hoá ở các vùng sâu vùng xa cần được chú trọng đầu tư. Việc xây dựng các mô hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng ở địa phương cần có những nghiên cứu phù hợp, coi trọng giá trị văn hoá truyền thống, mang lại sinh kế cho người dân địa phương”, TS Nguyễn Thị Phương Nga lưu ý thêm.
Đẩy mạnh du lịch văn hóa sẽ là giải pháp nòng cốt, trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bởi du lịch văn hóa luôn là xu hướng đi đầu của du lịch toàn cầu. Nhất là sau dịch covid-19, nhu cầu du khách tương tác với cộng đồng địa phương, khám phá văn hóa và sản phẩm bản địa ngày càng gia tăng.
Theo TS Nguyễn Thị Phương Nga, hiện nay, khách du lịch có xu hướng mong muốn được trải nghiệm, sáng tạo, từ đó tạo ra những giá trị cảm xúc thật. Do đó, nhóm sản phẩm du lịch văn hoá với sáng tạo tiếp cận từ 3 khía cạnh tái hiện, mô phỏng và thuyết minh sản phẩm hướng tới mục tiêu nhằm tạo ra nhiều điểm nhấn về sản phẩm du lịch. Theo cách này, những giá trị đích thực của sản phẩm du lịch văn hóa được tái hiện, mô phỏng hoặc tường thuật lại sẽ được nhân lên gấp bội, kích thích sự hứng khởi của du khách, khiến họ thích thú và say mê hơn khi tham gia trực tiếp vào quá trình trải nghiệm cũng như sáng tạo sản phẩm du lịch văn hóa.
Việt Nam đang bước đầu khai thác du lịch văn hóa nên vẫn rất cần những giải pháp mang tính gắn kết chặt chẽ để thực sự xây dựng thương hiệu có tính bền vững. Hoạt động du lịch dựa vào văn hóa không chỉ góp phần phát huy, bảo tồn và làm giàu các giá trị văn hóa dân tộc mà còn đang trở thành ngành nghề chủ yếu của người dân và nguồn kinh tế chủ lực của địa phương, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới – một Việt Nam “an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Mời nghe âm thanh tại đây: