Từ khóa: chuyển đổi số, phát triển du lịch, ngành du lịch Việt Nam, ngành kinh tế mũi nhọn
Summary
The viewpoint to develop the tourism into a key economic sector, creating a driving force to promote the development of other sectors and making an important contribution to the formation of a modern economic structure has been focused by our Party and State throughout the past years. However, the tourism sector needs to take stronger steps to adapt to the current post-Covid-19 pandemic and digital transformation, aiming to become the leading economic sector by 2030.
Keywords: digital transformation, tourism development, Vietnam’s tourism sector, key economic sector
GIỚI THIỆU
Trong giai đoạn 2011-2019, ngành du lịch Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra và có tác động tiêu cực đến toàn thế giới, ở mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị… khiến cho ngành du lịch chưa thể đạt được trọn vẹn những gì mà Nghị quyết số 08/NQ-TW đã đề ra là “đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Vì vậy, trong thời gian tới, “ngành công nghiệp không khói” còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch vào năm 2025 và đạt được mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Với lý do đó, cần thiết có một nghiên cứu để đánh giá quá trình phát triển của ngành du lịch giai đoạn 2011-2022 và từ đó, đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là chính sách có nội dung sâu sắc, cụ thể, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành du lịch trong thời gian qua. Nghị quyết số 08-NQ/TW không chỉ đưa ra định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn đưa ra các giải pháp cụ thể trong tất cả các lĩnh vực chủ chốt của ngành du lịch. Có thể thấy, trong Nghị quyết số 08-NQ/TW, kỳ vọng đặt ra đối với ngành du lịch rất nhiều: “Mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17- 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; Tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.
Nghị quyết số 08-NQ/TW đã khẳng định rõ quan điểm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Chiến lược là đột phá chính sách cho phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch năm 2017.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2011-2022
Giai đoạn trước dịch Covid-19 (2011-2019)
Trong giai đoạn 2011-2019, ngành du lịch Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước. Năm 2019 là năm thứ 10 liên tiếp ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu năm 2009. Khách du lịch tăng lên đáng kể, từ 6 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa (năm 2011) tăng lên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa (năm 2019), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2019 đạt 14,9%/năm đối với khách quốc tế, 15%/năm đối với khách nội địa (Hình 1).
Hình 1: Khách du lịch quốc tế và nội địa giai đoạn 2011-2019
Cùng với sự gia tăng lượng khách, tổng thu từ khách du lịch và đóng góp của ngành du lịch vào GDP cũng tăng lên đáng kể. Năm 2011, tổng thu từ khách du lịch mới chỉ đạt 130.000 tỷ đồng, đóng góp 3,1% vào GDP. Đến năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đã tăng lên 726.000 tỷ đồng (tăng hơn 5,5 lần so với năm 2011), mức tăng trưởng bình quân cho cả giai đoạn 2011-2019 đạt 24%/năm, đóng góp của ngành du lịch vào GDP đạt 9,2% (Hình 2).
Hình 2: Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2011-2019
Cũng theo Tổng cục Du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng được cải thiện, nâng cao cả về chất và lượng. Năm 2011, cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú, với tổng số 256.739 buồng, đến năm 2019, tăng lên 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 buồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân số buồng lưu trú cả giai đoạn 2011-2019 đạt khoảng 12,3%/năm, công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 59%/năm. Các loại hình lưu trú ngày càng đa dạng, từ hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp (khách sạn 4-5 sao, căn hộ du lịch cao cấp, biệt thự du lịch) đến hệ thống khách sạn xếp hạng từ 1-3 sao, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), làng du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch…
Năng lực cạnh tranh ngành du lịch ngày càng được nâng cao. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 17 bậc so với năm 2011. Nhiều chỉ số trụ cột về năng lực cạnh tranh du lịch đã được cải thiện tích cực, đặc biệt là các chỉ số: Mức độ mở cửa đối với quốc tế (tăng 15 bậc), môi trường bền vững (tăng 8 bậc), hạ tầng hàng không (tăng 11 bậc), hạ tầng dịch vụ du lịch (tăng 7 bậc), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (tăng 1 bậc), chỉ số môi trường kinh doanh (tăng 1 bậc).
Bên cạnh thành công về các chỉ tiêu tăng trưởng, ngành du lịch cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá của tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards), như; “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”; “Điểm đến hàng đầu châu Á” (2 năm liên tiếp), “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” (3 năm liên tiếp). Có thể nói, du lịch Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Giai đoạn dịch Covid-19 đến nay (2020-2022)
Ngay từ những ngày đầu năm 2020, Việt Nam hồ hởi đón chào khách du lịch quốc tế với sự tự tin và quyết tâm tạo nên những dấu mốc ấn tượng trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020. Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch kỳ vọng sẽ đón tiếp khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm. Lần đầu tiên Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 01/2020 với 2 triệu lượt khách. Tuy nhiên đến cuối tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch. Từ tháng 3 đến hết năm 2020, Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế, ngành du lịch đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; từ quý II/2020 đến hết năm 2021 chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Cả năm 2021, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180 nghìn tỷ đồng. Khoảng 90%-95% số lượng doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động trong bối cảnh hoạt động du lịch bị “đóng băng”. Về lĩnh vực lưu trú, năm 2020, công suất phòng trung bình cả nước giảm 70%-80% so với năm 2019. Năm 2021, các khách sạn hầu như không có khách, trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, người lao động buộc phải chuyển nghề khác (Tổng cục Du lịch, 2021).
Đến năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, ngành du lịch đã có đạt được những kết quả tích cực với tổng số khách du lịch nội địa ước đạt trên 101,3 triệu lượt, trong khi đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 3,66 triệu lượt người. Nhờ đó, tổng thu từ khách du lịch tại Việt Nam ước đạt 425 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 cao gấp 23,3 lần so với năm 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đến vẫn giảm 79,7% so với năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19 (Tổng cục Du lịch, 2022).
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Nếu vẫn theo đà phát triển của năm 2019, đến năm 2020, mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 08/NQ-TW có thể đạt được. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra và có tác động tiêu cực đến toàn thế giới, ở mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị… khiến cho ngành du lịch chưa thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 08/NQ-TW đã đề ra. Bên cạnh đó, chặng đường gần 5 năm qua, việc triển khai Nghị quyết số 08/NQ-TW trong thực tế cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như sau:
Một là, về chính sách thị thực (visa) xuất nhập cảnh của Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn Nhà nước có các chính sách đột phá về visa để tạo điều kiện cho ngành thu hút được nhiều khách du lịch hơn, mở rộng được thị trường, đặc biệt các thị trường có khách chi trả cao và ở dài ngày. Tuy nhiên, đến nay, chưa có đột phá đáng kể về chính sách visa. Hiện nay, Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như: Singapore (158 nước và vùng lãnh thổ), Malaysia (166 nước và vùng lãnh thổ), Indonesia (169 nước và vùng lãnh thổ), Philippines (157 nước), Thái Lan (70 nước và vùng lãnh thổ), Lào (44 nước và vùng lãnh thổ)… (Hoài Thu, 2023). Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, du lịch, nhất là khi khách du lịch dài ngày, chất lượng cao từ nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ chưa có trong diện miễn thị thực.
Theo Sách Trắng 2023 của Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam (15 ngày) cũng ngắn hơn nhiều so với thời hạn được cấp cho khách du lịch ở các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên). Điều này không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách, mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch.
Hai là, một số chính sách đã được nêu trong Nghị quyết số 08/NQ-TW như: “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú ngang bằng với giá điện sản xuất; có chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao, chính sách đất đai hợp lý đối với diện tích xây dựng ký túc xá, nhà ở cho người lao động du lịch tại những nơi hạn chế về nguồn nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch…”.
Tuy nhiên, cho đến nay, những chính sách trên cơ bản chưa thực hiện được. Giá điện, tiền thuê đất giảm những tháng gần đây và những tháng tiếp theo cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nghị quyết số 08/NQ-TW còn chỉ rõ, đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định hoặc có quy định khác, thì cho thực hiện thí điểm. Thực tế, rất hiếm chính sách thí điểm phục vụ cho ngành du lịch tạo sự đột phá.
Ba là, do không được đầu tư đúng mức, sản phẩm du lịch ở nhiều khu vực hiện nay vẫn bị trùng lặp, đơn điệu. Ví dụ như: miền Trung chủ yếu phát triển du lịch biển đảo, nhưng là có gì phát triển nấy, chứ chưa có nhiều khu được đầu tư quy mô, bài bản. Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phát triển khắp nơi trên cả nước nhưng đến nay vẫn chưa có định hướng, chính sách thống nhất trên toàn quốc. Việc đầu tư nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương là rất ít.
Bốn là, nguồn nhân lực du lịch ở nhiều nơi đang bị thiếu và yếu. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút nguồn nhân lực du lịch là rất nặng nề. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân lực. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế.
Năm là, công tác quảng bá, xúc tiến cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay hầu hết doanh nghiệp du lịch nhỏ về quy mô, yếu về tiềm lực kinh tế, do vậy khó huy động nguồn lực xã hội trong công tác xúc tiến du lịch. Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch chỉ xúc tiến sản phẩm của mình còn việc giới thiệu điểm đến là của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Hầu hết các địa phương không triển khai công tác xúc tiến du lịch mà chỉ tập trung tổ chức lễ hội, ngày văn hóa du lịch của địa phương. Lễ hội tuy cũng góp phần thu hút khách nhưng không nhiều và thực tế đang có sự lẫn lộn giữa tổ chức các lễ hội và làm quảng bá xúc tiến du lịch ở địa phương. Do vậy, kinh phí xúc tiến du lịch đã ít lại gây lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp khi thường xuyên bị huy động đóng góp cho các sự kiện ở địa phương.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Nhằm phục hồi và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo nhóm tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh lượng khách quốc tế tăng chậm sau đại dịch, thì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa là giải pháp quan trọng. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong nước, vừa bảo đảm khả năng duy trì cho các doanh nghiệp du lịch trong ngắn hạn. Nhà nước cần tiếp tục có chính sách, cơ chế thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, như: hỗ trợ thuế, giá; hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; thực thi các chính sách kích cầu du lịch.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Theo đó, chỉnh trang lại cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, ngành du lịch cần tăng cường nghiên cứu, phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, hình thành các dòng sản phẩm du lịch mới (du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ du lịch về đêm…) và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thứ ba, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch không những phải triển khai tích cực mà còn phải thay đổi, điều chỉnh phương pháp, cách thức tổ chức cho phù hợp. Bên cạnh các phương pháp xúc tiến, quảng bá truyền thống, như tổ chức các sự kiện quốc tế, hội chợ, hội nghị, hội thảo, quảng bá qua các phương tiện truyền thông đại chúng, quảng bá thông qua các hãng hàng không, các đại lý lữ hành quốc tế… cần phải áp dụng các phương pháp hiện đại, ứng dụng công nghệ số, thực hiện marketing số, quảng bá trực tuyến, quảng bá trên các kênh truyền hình nổi tiếng, như: CNN, BBC, National Geographic, Discovery và thiết lập văn phòng đại diện tại một số quốc gia, một số thị trường trọng điểm.
Thứ tư, phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao. Đại dịch Covid-19 đã tước đi công việc của hàng trăm nghìn lao động du lịch Việt Nam, nhiều lao động du lịch đã bỏ ngành, chuyển ngành. Vì thế, sau dịch Covid-19, việc quan trọng đầu tiên là cần có biện pháp giữ chân, thu hút, phục hồi lại lực lượng lao động cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao để bổ sung cho ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thứ năm, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn. Theo đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội, tích cực hành động để xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, hiếu khách.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, để có thể đẩy mạnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ cần đưa ra các chính sách để tiếp tục hoàn thiện quy trình xin visa online với thủ tục đơn giản, dễ dàng và nhanh gọn nhất, cũng như mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực, để thu hút mạnh hơn nữa khách du lịch ở những thị trường cao cấp vào Việt Nam./.
Cao Thị Phương Thủy, Nguyễn Thu Hương
Trường Đại học Điện lực
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17, tháng 6/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) (2023), Sách Trắng 2023.
3. Hoài Thu (2023), Đề xuất tăng các nước được miễn visa để khách “chất lượng cao” vào Việt Nam, truy cập từ https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-xuat-tang-cac-nuoc-duoc-mien-visa-de-khach-chat-luong-cao-vao-viet-nam-20230511225635894.htm.
4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
5. Tổng cục Du lịch (2011-2022), Báo cáo tại các Hội nghị tổng kết công tác năm, từ năm 2011 đến năm 2022.