Giới thiệu
Trong thời đại ngày nay, du lịch không chỉ trở thành một hiện tượng phổ biến mà còn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn tài chính to lớn cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ vậy, du lịch còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ nói chung, phát triển cơ sở hạ tầng và còn là phương tiện thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa; từ đó tạo ra những giá trị vô hình nhưng lâu bền. Việt Nam là miền đất hứa với truyền thống du lịch luôn gắn liền với các điểm đến thiên nhiên, bãi biển, di tích lịch sử văn hóa.
Vùng du lịch Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố, đó là: TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch, tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hóa – lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào. Chính vì vậy, việc phân tích đánh giá thực trạng phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới là cần thiết.
Thực trạng phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển. Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ cũng được thiên nhiên ưu ái về khí hậu, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch.
Tài nguyên du lịch ở khu vực Đông Nam Bộ gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn, như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận. Hệ thống Vườn quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh). Thêm nữa, tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch, như: Núi Bà Đen (Tây Ninh) còn được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà, Núi Bà Rá (Bình Phước), Núi Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu), Núi Chứa Chan (Đồng Nai). Tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ, như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; hồ Dầu Tiếng; hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước). Với sự đa dạng này, sản phẩm du lịch sinh thái ở Đông Nam Bộ có thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc du khách tùy thuộc sở thích, thời gian và cả mức chi tiêu cho mỗi chuyến du lịch.
Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ còn là nơi có phê thống các làng nghề phong phú và đa dạng, đều khắp ở các tỉnh, thành phố. Tiêu biểu, như: TP. Hồ Chí Minh có các làng mành trúc Tân Thông Hội, bánh tráng Phú Hòa Đông, nem Thủ Đức, dệt Bảy Hiền… Bà Rịa – Vũng Tàu có làng cá Phước Hải, làng bánh tráng An Ngãi, mỹ nghệ sò ốc Vũng Tàu… Đồng Nai có các làng gốm Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều, dệt thổ cẩm Tà Lài… Tây Ninh có làng nghề bánh tráng Trảng Bàng, làm muối tôm ở Gò Dầu, Trảng Bàng… Bình Phước có các nghề dệt thổ cẩm Bù Đăng; gốm sứ, mây tre đan Bù Đốp…
Theo thống kê của ngành du lịch năm 2018, tổng lượng khách đến vùng Đông Nam Bộ (gồm 6 địa phương là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh) ước khoảng 40 triệu lượt khách, thế nhưng trong đó khách nội địa đã chiếm hơn 75%, còn lại là lượng khách quốc tế. Giai đoạn 2020-2022, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã đón trên 73,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 70,4 triệu khách nội địa, hơn 3 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 260 tỷ đồng [3]. Tuy nhiên, số lượng khách chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu, còn lại các địa phương khác trong Vùng, lượng khách du lịch vẫn còn rất khiêm tốn. Có thể đơn cử một số tỉnh, thành phố trong Vùng, như:
TP. Hồ Chí Minh. Năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh đạt 8,5 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ (năm 2018 đạt 7,5 lượt khách) và đạt 100% kế hoạch năm. Khách du lịch nội địa Thành phố đạt 32,77 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 29 triệu lượt khách). Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 138.663 tỷ đồng) và đạt 100% kế hoạch năm. Năm 2020 là năm khó khăn của du lịch TP. Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch năm 2020 cũng giảm sâu, tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố. Tổng khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh năm 2020 đạt 17,182 triệu lượt, giảm 66,6% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế đạt 1,303 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm 84,8% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 18,879 triệu lượt, giảm 48,45% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép – giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú, Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước. Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động trong việc khai thác các di sản kiến trúc, văn hóa đưa vào hoạt động du lịch như: Mở cửa UBND Thành phố để du khách vào tham quan, khai thác đảo Thiềng Liềng huyện Cần Giờ để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Thêm vào đó, lễ hội Nguyên Tiêu ở Quận 5 và lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ cũng là hai di sản phi vật thể cấp quốc gia cần được khai thác trong hoạt động du lịch của Thành phố… Chính vì vậy, du lịch TP. Hồ Chí Minh đã có sự khởi sắc trở lại, tiếp tục trở thành địa phương dẫn đầu trong Vùng về phát triển du lịch. Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, khách nội địa đến Thành phố ước đạt trên 31,2 triệu lượt, tăng 234,1% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 24,9% so với kế hoạch năm 2022. Lượng khách du lịch quốc tế đến Thành phố trong năm 2022 là 3.465.686 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 99% kế hoạch năm 2022. Tổng thu du lịch trong năm 2022 ước đạt 131.138 tỷ đồng, tăng 196,4% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 45,7% so với kế hoạch năm 2022.
Ảnh minh họa
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Là địa phương đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh về phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ. Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có nhiều thế mạnh du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – tâm linh, sinh thái với các điểm đến như: Khu Du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip, Khu Du lịch Cáp treo Hồ Mây, Khu Du lịch Lan Rừng Resort Phước Hải, Khu Du lịch Six Senses Côn Đảo… Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 62,15 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân 10,47%/năm, trong đó, khách có lưu trú đạt 15 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,39%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 67.559 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,66%/năm, trong đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú đạt 19.343 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 6,9%/năm. Năm 2022, với việc dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đón 12,6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt 155 nghìn lượt). Tổng thu từ khách du lịch năm 2022 ước đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng. Hai địa phương phục hồi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc là TP. Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc.
Tỉnh Tây Ninh. Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển lớn trong Vùng. Năm 2019, ngành du lịch Tây Ninh đón 5,9 triệu lượt khách (trong đó khách tham quan du lịch 3 triệu lượt, tăng 10% so cùng kỳ); doanh thu du lịch đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 18,2% so cùng kỳ. Tính chung trong giai đoạn 2013-2019, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 6,8%/năm. Năm 2020, ngành du lịch của nhiều địa phương “lao đao” do dịch bệnh Covid-19, nhưng Tây Ninh vẫn thu hút được 4,7 triệu lượt (bao gồm cả khách tham quan và khách lưu trú), đạt 87% so cùng kỳ năm 2019; doanh thu du lịch đạt 733 tỷ đồng giảm 33,3% so với năm 2019. Năm 2021, khách du lịch đến Tây Ninh ước đạt khoảng 2.610.000 lượt khách, giảm 43,6% so với năm 2020; doanh thu du lịch đạt 600 tỷ đồng giảm 18,2% so với năm 2020. Năm 2022, tổng doanh thu du lịch của tỉnh Tây Ninh tăng 130%, đạt 1.400 tỷ đồng và lượng khách du lịch tăng 200%, đạt 4,5 triệu lượt khách và Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn hàng đầu của cả nước.
Tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, Tỉnh có có 23 khu, điểm và 131 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 3.500 phòng, về cơ bản đáp ứng được phần nào nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đột phá, ngành du lịch Đồng Nai quyết tâm tận dụng các thế mạnh để phát triển theo hướng chất lượng cao, đẳng cấp, có trọng tâm. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, lượng khách du lịch đến tham quan và lưu trú tại tỉnh Đồng Nai trong năm 2022 đạt khoảng 2,2 triệu lượt; trong đó, trên 75 nghìn lượt khách quốc tế và trên 2,1 triệu khách nội địa. Như vậy, sau đại dịch Covid-19 lượng khách du lịch tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 22,2% so với kế hoạch. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ 2021, vượt 23,7% so với kế hoạch.
Một số tồn tại, hạn chế
Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ vẫn là một trong những vùng thu hút khách du lịch lớn nhất cả nước, nhưng hoạt động du lịch của Vùng vẫn đang tồn tại một số hạn chế, như:
– Nguồn khách đến tham quan vùng Đông Nam Bộ chủ yếu phụ thuộc nhiều từ lượng khách đến TP. Hồ Chí Minh, do đây là đầu mối giao thông và tập trung các hãng lữ hành quốc tế. Trong khi đó, các địa phương còn lại trong Vùng, như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước trở thành những địa hạt du lịch “ăn theo” thành phố năng động bậc nhất Việt Nam này. Điều này cho thấy, việc phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đang trong tình trạng thiếu sự đồng đều, đồng bộ, đặc biệt việc hợp tác, liên kết để khai thác tối đa những tiềm năng vốn có giữa các địa phương trong Vùng chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, dẫn đến tình trạng chung là du lịch các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ phát triển manh mún, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương, với 2 trung tâm du lịch lớn là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu, nên đến nay vẫn chưa có những sản phẩm chung gắn kết liên tuyến đủ sức hấp dẫn khách quốc tế.
– Sản phẩm du lịch ở một số địa phương còn đơn điệu, dễ gây ra nhàm chán cho du khách. Chất lượng sản phẩm du lịch không cao, chưa đủ sức hút khách du lịch và cạnh tranh với sản phẩm du lịch trong khu vực. Một số dịch vụ vui chơi giải trí tại nhiều tỉnh hiện nay chưa được đầu tư xây dựng công phu nên mức độ “lôi kéo” du khách ở dài ngày tham quan trên địa bàn rất hạn chế. Số ngày lưu trú thấp dẫn đến tổng thu từ khách du lịch không cao. Hiện nay, nhiều hoạt động du lịch sinh thái Đông Nam Bộ mới chỉ dừng ở việc đưa du khách “đi xem”, “đi cho biết” và tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, chưa thực sự có nhiều trải nghiệm để du khách tìm hiểu đầy đủ về giá trị cảnh quan rừng, biển đảo và các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân địa phương. Nhiều địa phương trong Vùng, cũng như các khu vực lân cận chưa hình thành được các tour, tuyến đặc thù về du lịch sinh thái [4].
– Hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch phát triển nhiều loại hình du lịch và dịch vụ, song tại nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ, việc phát triển mạnh ngành “kinh tế không khói” vẫn chưa thực sự tương xứng tiềm năng. Số lượng khách lưu trú dài ngày ở một số tỉnh còn thấp, nhiều điểm đến mới chỉ thực sự hu hút du khách vào dịp cuối tuần.
– Nhiều địa phương trong Vùng còn tình trạng thiếu đội ngũ lao động giàu tay nghề, kinh nghiệm, thông thạo ngoại ngữ ở các địa phương, nhất là ở các điểm đến du lịch cộng đồng khiến sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch, dịch vụ ở điểm đến bị giảm sút.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Trên cơ sở những hạn chế và thách thức trong hoạt động du lịch vùng Đông Nam Bộ, thời gian tới, Vùng tiếp tục thực hiện Quyết định số 2473/QD-TTg, ngày 30/12/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; khai thác sản phẩm đặc trưng, như: Du lịch MICE, du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu, đồng thời, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xác định hợp tác và liên kết là sự tất yếu để đa dạng sản phẩm du lịch. Tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho các chủ thể trong nền kinh tế và xã hội trong hợp tác liên kết, đặc biệt là các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch và các chủ thể khác.
Thứ hai, tiếp tục cải cách cơ chế chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trên cơ sở Luật Du lịch và các luật liên quan, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu, hoàn thiện và áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong xây dựng chính sách về thuế cho phát triển du lịch.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đi đôi với ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch thông qua việc chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương và phù hợp với hội nhập quốc tế…
Thứ tư, quy hoạch vùng du lịch phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch riêng phù hợp với từng khu vực.
Thứ năm, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển thị trường du lịch. Khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức về xúc tiến, quảng bá du lịch và xây dựng chương trình, lộ trình cho hoạt động xúc tiến ở từng địa phương và cho toàn vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và đa dạng các hình thức quảng bá. Phát huy vai trò hỗ trợ xúc tiến, quảng bá của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cho du lịch vùng Đông Nam Bộ; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng để nâng cao hình ảnh du lịch vùng.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch. Du lịch được xem là một ngành kinh tế đối ngoại, một kênh ngoại giao nhân dân hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tích cực của du lịch địa phương nói riêng và của đất nước nói chung ra khu vực và thế giới. Vì vậy, cùng với tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế trong kinh tế, ngành du lịch Đông Nam Bộ cũng cần tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các hãng lữ hành, các khu, điểm du lịch ở những nước có ngành du lịch phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2018-2022), Báo cáo tình hình hoạt động du lịch các năm, từ năm 2018 đến năm 2022.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh (2018-2022), Báo cáo kết quả công tác văn hóa, thể thao và du lịch các năm, từ năm 2018 đến 2022.
3. Thanh Trà (2023a), Nâng tầm du lịch Đông Nam Bộ: Tiềm năng và bản sắc, truy cập từ https://baotintuc.vn/du-lich/nang-tam-du-lich-dong-nam-bo-bai-1-tiem-nang-va-ban-sac-20230103080252346.htm.
4. Thanh Trà (2023b), Nâng tầm du lịch Đông Nam Bộ: Cơ hội bứt phá mới, truy cập từ https://baotintuc.vn/du-lich/nang-tam-du-lich-dong-nam-bo-bai-cuoi-co-hoi-but-pha-moi-20230103082655424.htm.