Thưa anh, thời gian gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều chuyện lùm xùm việc nhiều người trẻ tham gia “phượt bão đêm”. Là một MC nổi tiếng, đồng thời là giảng viên khoa Du lịch học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, anh có nhìn nhận gì về hiện tượng này?
“Phượt” là một trong những cách gọi trẻ trung, thời thượng của giới trẻ. Trước đây, người ta gọi nôm na là đi bụi, du lịch bụi. Thực tế, tồn tại chuyện người trẻ đi phượt đêm và bị xâm hại, không kiểm soát được hành vi/tình huống hoặc chủ động lợi dụng những chuyến phượt đêm để thỏa mãn những nhu cầu và thể hiện bản thân.
Từ thời bao cấp và chuyển sang đổi mới kinh tế, nhiều bố mẹ cấm đoán con cái không được về khuya sau 22h thì cũng đã có những hiện tượng người trẻ đi bão đêm (tức là đi cả đêm không về) để khám phá và chứng tỏ mình có đời sống tự do, có khả năng tự quyết định cuộc sống. Thực ra tâm lí đó của người trẻ thời nào cũng có, không phải đợi đến bây giờ. Chỉ có điều trong những hoàn cảnh xã hội với những điều kiện sống khác nhau thì có sự bung tỏa khác nhau.
Tôi còn nhớ cách đây chục năm, báo Hoa học trò đã có chuyên đề “Bão đêm” cũng có nhiều cách nhìn về vấn đề này, nhưng rồi bản thân tôi cũng có lúc muốn thử xem cảm giác đi phượt đêm như thế nào. Tôi cho là chuyện này rất bình thường. Vào thời điểm những năm cuối cấp chia tay bạn bè hay sau những kì thi dài cần được nghỉ ngơi, chúng ta luôn muốn có những khoảnh khắc để giữ gìn kỉ niệm.
Anh có trải nghiệm gì trong những chuyến “bão đêm”?
Tôi đã từng đi bão đêm. Theo tôi tuổi trẻ mà chưa từng có đêm nào thức trắng bên bạn bè thì có lẽ thanh xuân ấy có phần nuối tiếc. Còn nhớ chúng tôi cũng đèo nhau trên những chiếc xe máy, cùng nhau đi qua rất nhiều nơi, khi mỏi mệt thì dừng lại ở quán cóc ven đường. Chúng tôi đến một quán karaoke lành mạnh, trò chuyện và hát cho nhau nghe. Đến tầm 3h sáng thì mọi người cũng ngà ngà thiếp đi. Đó là những kỉ niệm đáng nhớ của tuổi trẻ.
Nhiều người nước ngoài thích thú, đam mê với phượt bởi họ cho rằng đây là một hình thức du lịch văn minh và lành mạnh. Nhìn nhận phượt của giới trẻ Việt Nam, anh nghĩ theo xu hướng nào?
Tôi nghĩ có 2 kiểu phượt, một là coi trọng những điểm đến và hai là coi trọng người đồng hành; tức đi đâu không quan trong, quan trọng là đi với ai. Với những người coi trọng hành trình, họ thường rất chuyên nghiệp trong việc lên kế hoạch, ít ngẫu hứng và rất cẩn thận để đạt được mục tiêu. Họ có thể đi một mình; có thể đi với người lạ nhưng luôn có nguyên tắc tự do/độc lập cá nhân, không lẩn vẩn trong các mối quan hệ và không làm ảnh hưởng hành trình của cả đội. Đây là một cách đi rất khoa học và có rất nhiều người/nhóm phượt chân chính ở Việt Nam cũng như trên thế giới áp dụng.
Tôi quan sát và nhận thấy (chưa qua thống kê) ở Việt Nam các bạn trẻ hay đi theo trào lưu thứ hai. Các bạn không biết rõ về điểm đến, không thực sự coi đấy là cái đích của mình. Các bạn chỉ muốn bước ra khỏi cuộc sống bí bách, nhàm chán ở đô thị hoặc ở nơi mà mình đang sống. Nếu được đi cùng với những người bạn chí cốt tâm giao thì sẽ rất tuyệt vời.
Nhưng thực tế, không nhiều nhóm tìm thấy bạn đồng hành lí tưởng. Cho nên các bạn kiếm tìm nhóm khác và luôn có những thành viên mới, lập tức nảy sinh mâu thuẫn do khác biệt về văn hóa ứng xử. Ở họ có tính chất đám đông, có thể dừng hành trình để giải quyết những xích mích rất nhỏ. Ví dụ như khi có mâu thuẫn với người dân địa phương, họ có thể xúm lại để giải quyết, chứng tỏ rằng họ có tình thần cố kết và có sức mạnh.
Những hành vi như vậy gây ra một cái nhìn tiêu cực trong mắt những người quan sát về những bạn trẻ đi phượt theo lối tùy tiện, phi nguyên tắc và dễ dãi trong việc tạo lập những mối quan hệ. Trong một sự ô tạp lẫn lộn giữa người tốt kẻ xấu, người văn minh hay người kém văn minh, chín chắn hay nông nổi, người học thức cao hay học thức thấp thì khó có nền tảng giao tiếp tốt.
Theo anh, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng phượt ngày nay đang bị biến chất và người trẻ đi phượt với rất nhiều rủi ro?
Xu hướng về mặt tâm lí của thanh niên mới lớn muốn khẳng định mình, muốn mở rộng quan hệ của bản thân, muốn bàn chân của mình bước đến những vùng đất mới khi cùng đồng hành cùng những người bạn đồng trang lứa là một điều rất chính đáng và nó không phải là một trào lưu mới. Cách thể hiện của nó sẽ mới hơn ở những thời kì khác nhau.
Phượt phù hợp với những người trẻ và ít phù hợp hơn với người trên 40 tuổi. Khó có thể nói các bạn đã trưởng thành ở tuổi 15-25, do vậy rất dễ xảy ra những quyết định nông nổi, những hành xử hồ đồ và những phút giây chếnh choáng trong việc kiểm soát bản thân, bị cám dỗ do hoàn cảnh xô đẩy.
Thêm nữa, nhận thức và hành động của người trẻ bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố xã hội như giáo dục, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng mà điển hình là mạng xã hội với tính chất cởi mở và hội chứng đám đông.
Thưa anh, phượt có nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đam mê?
Rõ ràng phượt còn tồn tại vì nó có lí do. Nó giúp cho người trẻ học hỏi, trưởng thành và giải tỏa được trạng thái stress, tù túng và những hướng đi mù mờ trong cuộc sống. Song, nó cần điều chỉnh để hợp thời hơn và đảm bảo những tiêu chí cho lớp thanh niên hiện đại. Không nên vì một số hiện tượng tiêu cực mà quả quyết rằng nó phải bị loại bỏ.
Phượt không xấu, nhưng nhiều người đang đánh đồng hoặc ngộ nhận về những cụm từ “phượt”, “phượt thủ”. Hình thức du lịch này không hề tiêu cực, nhưng có một bộ phận cá nhân/nhóm có những biểu hiện tiêu cực làm vẩn đục hình ảnh của những nhóm phượt chuyên nghiệp, những người phượt chân chính.
Mỗi góc nhìn lại có những đánh giá khác nhau. Dưới góc độ nhà báo khi tiếp cận những câu chuyện người trẻ “bóc phốt” lẫn nhau thì dễ dàng cho rằng đây là hiện tượng tiêu cực. Theo quan sát của những bậc phụ huynh còn “đau đầu” để quản lí con cái thì họ cũng sẽ lo ngại và cho đây là “thú chơi” cần tránh. Tuy nhiên với chính những người trong cuộc thì lại khác. Tôi cho là những người có tư tưởng ham khám phá trải nghiệm thường là những người thông minh, phóng khoáng và độc lập. Họ muốn và sẵn sàng dấn thân, đương nhiên khi dấn thân họ phải chấp nhận những rủi ro hoặc những khó khăn trong những hành trình.
Là người đã có rất nhiều trải nghiệm phượt, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu, giảng dạy về du lịch, anh có thể đưa ra lời khuyên cho giới trẻ trong mỗi chuyến phượt?
“Xách balo lên và đi” là một khẩu hiệu rất nên có ở thanh niên. Các bạn trẻ phải đi, nên đi và hãy đi khi bạn còn rất trẻ, tuy nhiên hãy chỉ đi khi bạn biết chắc chắn rằng bạn có những hành trang gì và bạn có thể kiểm soát được 70%-90% của hành trình. Khi chỉ có khả năng kiểm soát hành trình trong phạm vi hạn chế (khoảng 10%-15%) thì bạn có thể bị mắc kẹt về mặt pháp luật ở một đất nước nào đó mà nền tảng văn hóa hoặc hệ pháp luật khác Việt Nam; bạn có thể bị xâm hại hoặc không biết cách phòng tránh trước những biến cố liên quan đến thiên tai hay chính trị ở những vùng đất bạn đến; có thể phá hoại môi trường do những hiểu biết không đầy đủ hoặc làm tổn thương, xúc phạm đến những nền văn hóa bản địa…
Nếu kiểm soát được hành trình của mình thì bạn sẽ đứng trên vai những người khổng lồ. Hãy đi trong trạng thái có tri thức chứ không phải chỉ có đôi chân và có sức trẻ.
Xin cảm ơn anh!