Đó là chia sẻ của ThS. Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Tổng cục Du lịch khi trình bày tham luận “Xu hướng du lịch của thanh niên Việt Nam” tại Diễn đàn “Thanh niên Du lịch lần thứ I năm 2023”, sáng 21/4/2023, do Đoàn Thanh niên Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Chi đoàn Sở Du lịch Hà Nội, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) tổ chức.
Toàn cảnh Diễn đàn.
82,50% du khách thanh niên đi du lịch vào ngày nghỉ, ngày lễ
Mở đầu bài tham luận, ThS. Nguyễn Hoàng Mai dẫn số liệu mới nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam: Hiện nay Việt Nam có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động; gần 60% thanh niên sống ở nông thôn; 98,7% người trong độ tuổi lao động có việc làm.
Khách du lịch thanh niên là những khách du lịch có độ tuổi từ 15 – 35. Trong đó, từ 15 – 17 tuổi là giai đoạn giới trẻ còn lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình, nhà trường. Từ 18 – 24 tuổi là giai đoạn giới trẻ trong độ tuổi học tập, nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân, khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp. Từ 25 – 35 tuổi là giai đoạn thanh niên dần ổn định công việc, sự nghiệp, gia đình.
Về cơ cấu khách theo nhóm tuổi, theo số liệu điều tra của Tổng cục Du lịch về khách du lịch nội địa năm 2019, theo cơ cấu tuổi có 59% khách trong độ tuổi từ 15-35 tuổi; 34,9% khách trong độ tuổi từ 35 – 55 tuổi; còn lại là khách trên 55 tuổi và dưới 15 tuổi.
“Tại một số khu/điểm du lịch nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát như Kỳ Co – Eo Gió (Bình Định), Gành Đá Đĩa (Phú Yên), công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và một số điểm du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên, Tây Bắc thì tỷ trọng khách thanh niên chiếm đến 80%”, ThS. Nguyễn Hoàng Mai thông tin.
Về tỷ lệ khách, du khách thanh niên chiếm 50%, khách người già và trẻ em 15%; khách trung niên chiếm 35%. Du khách thanh niên thường du lịch chủ yếu đi vào ngày nghỉ, ngày lễ, chiếm 82,50%; ngày thường chiếm 6,80%, cả ngày thường, ngày nghỉ chiếm 10,70%.
Độ dài chuyến đi chủ yếu dài 3 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm. Du khách thanh niên đi trong ngày 7%; 2 ngày/đêm 47%; 3-4 ngày/đêm 35%, trên 5 ngày/đêm 11%.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên (2022) đối với hơn 900 khách thanh niên về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định du lịch của khách thanh niên, 67,3% lựa chọn điều kiện tài chính; 54% lựa chọn thời gian rảnh là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định du lịch của họ. Ngoài ra, đặc trưng của điểm đến (phong cảnh, không khí, đồ ăn,…) cũng tác động đến quyết định du lịch của khách giới trẻ. Đặc trưng của điểm đến (phong cảnh, không khí, đồ ăn) chiếm 33,9%; đi cùng ai chiếm 38,7%; phương thức di chuyển chiếm 43%; thời gian rảnh chiếm 54% và điều kiện tài chính chiếm 67,3%.
ThS. Nguyễn Hoàng Mai cho biết, tại nhiều khu, điểm du lịch, tỷ trọng khách thanh niên chiếm đến 80%.
Cũng theo ThS. Nguyễn Hoàng Mai, phương tiện sử dụng khi đi du lịch của khách thanh niên, 42% tô cá nhân, xe thuê; 21,1% sử dụng xe của công ty du lịch; 12,4% sử dụng máy bay; 13,5% sử dụng xe máy.
Loại hình du lịch ưa thích của khách thanh niên gồm du lịch biển đảo, du lịch miền núi, du lịch đô thị, du lịch cộng đồng vùng cao.
Hoạt động tại các điểm đến của khách du lịch thanh niên gồm tham quan thắng cảnh 88,6%; vui chơi giải trí, chơi các trò chơi 72,1%; check-in chụp ảnh 67,4%; nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng 27,01%; hoạt động trải nghiệm, tự làm 16,3%; học tập, nghiên cứu, tìm hiểu 10,5%; mua sắm 3,6%; Chă sóc sức khoẻ, làm đẹp không đáng kể.
Lựa chọn loại hình ăn uống của khách du lịch thanh niên, quán ăn bình dân 86,69%; ăn tại nhà dân – homestay (38,17%); còn lại là sử dụng dịch vụ tại nhà hàng sang trọng, dặt mua đồ ăn trên mạng, nhà hàng ẩm thực nước ngoài, tự nấu ăn.
Đa số khách du lịch thanh niên có mức chi tiêu trung bình 1 – 2tr đồng/ngày; chi tiêu 500.000 đồng – 1 triệu /ngày với các điểm du lịch gần, du lịch tự túc; 2-3tr/ngày với giới trẻ nhà giàu, thành đạt có khả năng chi tiêu cao.
Đa số khách thanh niên đều lựa chọn mua sắm đặc sản địa phương chiếm 55,2% và quà lưu niệm chiếm 43,8%; rất ít khách giới trẻ đi du lịch mua sắm các hàng hóa đắt tiền.
Hàng hiệu, trang sức, hàng đắt tiền chiếm 1,62%; hàng dân dụng, gia dụng chiến 12,86%; trang phục cá nhân chiếm 17,01%; quà lưu niệm chiếm 43,83%; đặc sản địa phương chiếm 55,11%; khác chiếm 6,49%.
Du khách thanh niên mua sắm tại quầy hàng tại khu, điểm du lịch chiến 53,9%; chợ truyền thống chiếm 37,99%; siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 16,88%; Shop, cửa hàng tạp hoá chiếm 9,09%; nhà dân, người bán hàng dong chiếm 4,87%; khác chiếm 7,47%.
Xu hướng của du khách thanh niên
Về xu hướng của khách du lịch thanh niên Việt Nam, du lịch khám phá, trải nghiệm chiếm tỷ trọng đa số. Địa điểm chủ yếu ở vùng biển, đảo, vùng núi rừng còn nguyên sơ, bản làng vùng cao, những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vỹ… Tại đây, du khách thanh niên thường tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế tại điểm đến, “nhập vai”. Động lực của nhóm du khách thanh niên này là đến những nơi chưa có nhiều người biết đến, chụp những tấm ảnh đẹp ít người có.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2025 giữa 3 tổ chức Đoàn Thanh niên của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.
Trong khi đó, những du khách thanh niên có sự am hiểu về công nghệ, có tính độc lập, tự do có xu hướng du lịch tự túc, du lịch một mình. Họ thường là người có công việc, thu nhập ổn định, chưa lập gia đình, có kinh nghiệm và đam mê du lịch, muốn tự tìm hiểu thông tin, tự đặt dịch vụ qua Internet, ứng dụng di động. Đây là nhóm du khách thanh niên yêu thích sự tự do, sáng tạo, không thích lệ thuộc vào một lịch trình có sẵn, ko thích phụ thuộc vào các đại lý lữ hành, khẳng định khả năng tự chủ trong cuộc sống.
Du lịch kết hợp team building là xu hướng của nhóm du khách thanh niên đang làm việc tại các cơ quan, công sở, công ty, trường học. Địa điểm thường là khu nghỉ dưỡng biển, công viên, vườn quốc gia, trang trại… Các hoạt động gồm vui chơi giải trí tập thể, môn thể thao đồng đội, khuyến thưởng. Động lực củanhóm khách này là xây dựng khả năng làm việc nhóm, tăng tính đoàn kết tập thể, sôi động vui vẻ, hài hước.
Du lịch Phượt, du lịch bụi là trào lưu của giới trẻ ở các thành phố lớn, những người yêu phượt . Họ rong ruổi trên khắp các nẻo đường, từ thành phố đến các miền quê, nông thôn, vùng núi cao, vùng ven biển và thậm chí là các đảo xa xôi. Những du khách thanh niên này khoác trên mình ba lô và một chiếc xe máy chuyên dụng; cắm trại, homestay. Họ muốn có cơ hội để trải nghiệm, cảm nhận về thiên nhiên và văn hóa mỗi vùng, miền, địa phương; gặp gỡ và giao lưu với bạn bè, người dân địa phương.
Trải nghiệm dịch vụ du lịch cao cấp là xu hướng của một bộ phận giới trẻ nhà giàu hoặc có thu nhập cao. Điểm đến thường là khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các vùng biển, vùng núi, đô thị du lịch. Họ đặt phòng lưu trú tại các khách sạn 4 – 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, ăn ở những nhà hàng sang trọng, chi trả tiền cho các trải nghiệm đắt đỏ như lặn biển, dù lượn, vui chơi ở những tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp, mua sắm ở những trung tâm thương mại lớn. Mục đích của nhóm du khách thanh niên này là trải nghiệm các dịch vụ chất lượng, đẳng cấp; khẳng định đẳng cấp bản thân.
Du lịch thiện nguyện thường do tổ chức từ thiện thực hiện, thanh niên là các tình nguyện viên tham gia hoặc cũng có thể được thực hiện bởi các nhóm bạn trẻ làm từ thiện, tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khan, khu vực ô nhiễm. Họ kết hợp của những chuyến đi từ thiện như xây trường, dạy học, dọn vệ sinh, quyên góp… với du lịch với mục đích mang đến ý nghĩa cho chuyến đi du lịch, đóng góp cho xã hội – cộng đồng.
Du lịch xuyên Việt hoặc caravan đi theo đoàn ô tô hoặc mô tô tự lái xuyên Việt là xu hướng của số lượng khá ít, là những người có sức khỏe, thời gian, tiền bạc và có sự đam mê rất lớn với chuyến hành trình dài để thỏa chí đam mê xê dịch và nhu cầu khám phá, tìm hiểu các vùng, miền của đất nước.
Du lịch theo chân người nổi tiếng (KOLs) là xu hướng của những du khách thanh niên hâm mộ các KOLs về sở thích, hoạt động, trang phục, phong cách. Họ đi theo các địa điểm du lịch, trải nghiệm mà KOLs giới thiệu trong chuyến đi của mình; chụp ảnh check-in nhằm thể hiện niềm đam mê với thần tượng.