Thị trường du lịch
Khái niệm
Thị trường du lịch trong tiếng Anh được gọi là Tourism Market.
Thị trường du lịch là một bộ phận cấu thành của thị trường hàng hoá. Nó bao gồm toàn bộ các mối quan hệ và cơ chế kinh tế liên quan đến địa điểm, thời gian, điều kiện và phạm vi thực hiện các dịch vụ hàng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về du lịch.
Các mối quan hệ và cơ chế kinh tế được hình thành trên cơ sở các qui luật kinh tế thuộc nền sản xuất hàng hoá và các qui luật đặc trưng cho từng hình thái kinh tế xã hội.
Đặc điểm của thị trường du lịch
– Thị trường du lịch xuất hiện tương đối muộn so với thị trường hàng hoá và dịch vụ, nó ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của con người.
– Trên thị trường du lịch không có sự dịch chuyển khối lượng hàng hoá. Để thực hiện việc mua – bán sản phẩm du lịch thì người tiêu dùng (khách du lịch) phải di chuyển đến với sản phẩm du lịch.
– Trên thị trường du lịch, đối tượng trao đổi chủ yếu là dịch vụ, còn hàng hoá chiếm tỉ lệ ít hơn. Dịch vụ vận tải, lưu trú, giải trí, môi giới…
– Hàng hoá lưu niệm là đối tượng đặc biệt và chủ yếu được thực hiện trên thị trường du lịch.
– Thị trường du lịch được hình thành ở cả nơi du khách xuất phát và nơi đến du lịch.
– Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các tổ chức du lịch đã tìm đến nơi ở của du khách để quảng cáo giới thiệu những thông tin về giá cả, thời gian, không gian, phương tiện phục vụ chuyến du lịch, giúp khách du lịch hiểu rõ các điều kiện tham gia du lịch, từ đó họ có thể lựa chọn, trả giá cho một tua du lịch ngay tại nơi xuất phát.
Nơi đến du lịch là các điểm du lịch đã được tổ chức những dịch vụ hàng hoá để sẵn sàng bán cho khách du lịch.
– Cung – cầu trên thị trường du lịch có sự tách biệt cả về không gian và thời gian vì “cung” và “cầu” luôn ở cách xa nhau, “cung” du lịch là những điểm đã được xác định, còn “cầu” du lịch do con người quyết định lại ở khắp mọi nơi.
– Các chủ thể tham gia trao đổi trên thị trường đa dạng với nhiều hình thức khác nhau.
– Quan hệ thị trường giữa người mua và người bán kéo dài hơn so với trao đổi hàng hoá thông thường vì khi thực hiện được chuyến du lịch ít nhất một ngày trở lên.
– Thị trường du lịch có tính thời vụ rõ nét.
Phân loại thị trường du lịch
Căn cứ vào tình hình thực tế và tiềm năng
– Thị trường du lịch thực tế là thị trường du lịch mà ở đó dịch vụ và hàng hoá thực hiện được.
– Thị trường du lịch tiềm năng là thị trường mà ở đó chưa đủ điều kiện để thực hiện được dịch vụ hàng hoá du lịch.
Căn cứ vào quan hệ cung – cầu
– Thị trường du lịch có cầu lớn hơn cung là thị trường mà ở đó người bán không thể thoả mãn được nhu cầu về dịch vụ – hàng hoá du lịch.
– Thị trường có cung lớn hơn cầu là thị trường mà ở đó mọi nhu cầu về dịch vụ – hàng hoá du lịch được thoả mãn một cách đầy đủ, kể cả trong nước và quốc tế.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Du lịch Khách sạn, Định Thị Thư, NXB Hà Nội, 2005)