Tôi đã đi phượt một mình hơn 10 năm nay, nhất là đợt được nghỉ nhiều ngày như Tết Nguyên đán thì năm nào cũng đi (trừ hai năm dịch). Đi một mình, tôi chọn giải pháp an toàn nên may mắn tôi chưa gặp sự cố gì lớn.
Sau thông tin phượt thủ rơi xuống hố sâu ở bãi Sủng Cỏ, đèo Hải Vân 5 ngày được cứu sống, đã có một số ý kiến lên án, phản đối việc đi phượt một mình.
Vậy đi phượt một mình tốt hay không tốt?
Mỗi người có cái nhìn khác nhau, còn tôi, tôi vẫn sẽ đi phượt một mình.
Thứ nhất, ngắm cảnh hay đua xe?
Đi phượt là để ngắm nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên nên tôi thường “từ chối” quốc lộ, nơi có nhiều xe lớn. Những con đường liên xã, đường ven đê hay chạy men theo những đồng lúa sẽ cho tôi cảm giác khoan khoái khi ngửi mùi lúa chín, thu được những tấm hình đẹp, hoặc có khi ngồi nghỉ chân bên dòng suối mát. Đi một mình, tôi có thể làm những điều đó mà không phiền đến người đi chung. Tôi không dại mà chạy vù vù 70-80 km/h trên đường, vừa nguy hiểm lại bỏ qua những điều tốt đẹp mà mình đã lướt qua.
>> Tôi thu nhập 5 tỷ mỗi năm, còn bạn bè khổ sở vì mê ‘phượt’
Thứ hai, tìm sự tự do hay biểu dương lực lượng?
Đi phượt một mình sẽ có được sự tự do, hoàn toàn quyết định mọi thứ, học cách sắp xếp sao cho khoa học và hợp lý, đôi khi gặp được những bất ngờ dễ thương. Thấy một ngôi làng trồng nhiều hoa mình có thể chạy vào xem. Thấy ánh hoàng hôn đổ vàng trên dòng suối mình dừng lại chụp hình.
Tôi dị ứng với những nhóm phượt ba bốn chục người, chạy dài dài trên đường, đến đâu là ồn ào nơi đó, có khi còn chặn người ở ngã tư, hoặc nằm nghỉ giữa đường mà báo chí từng phản ánh.
Thứ ba, trải nghiệm hay “hạnh phúc ở đích đến”?
Đi phượt đâu phải đi để đến mà phải đi cho nhanh cho lẹ, mà là nhẩn nha đi để tìm hiểu con người, văn hóa, phong cảnh. Nơi nào cũng có vẻ đẹp riêng, đi phượt một mình cho bạn nhiều trải nghiệm, những thông tin, kiến thức sẽ đậm nét hơn vì bạn phải tự mày mò, thăm hỏi.
Tôi thấy một số hội nhóm phượt trên mạng hay rủ nhau chạy… xuyên đêm. Tôi thật sự không hiểu là đi phượt hay đi “mua đường”? Chạy xe máy ban đêm đâu có được ngắm cảnh, lại còn nguy hiểm vì trời tối, nhiều xe lớn và khi tới nơi chỉ là sự mệt mỏi.
Đi phượt một mình, bạn sẽ hình thành nhiều kỹ năng như biết cách tìm hiểu thời tiết, tìm hiểu địa lý – văn hóa nơi đi qua, biết cách xoay sở khi gặp sự cố, trau dồi kỹ năng giao tiếp…
>> Những người Việt trẻ mê phượt hơn kết hôn, tích góp mua nhà
Tổng kết lại một số kinh nghiệm đi phượt một mình của tôi:
1. Không khởi hành nếu thời tiết xấu: khi có kế hoạch đi phượt đến nơi nào, bạn cần xem thời tiết vào thời điểm đó có mưa bão hay nắng nóng hay không? Trước khi khởi hành vài ngày, bạn nên hỏi thăm những người quen biết khu vực đó để quyết định đi hay dừng.
2. Phân bổ lịch trình hợp lý: mỗi ngày tôi chỉ chạy trong khoảng 200 km, vào lúc bình minh và hoàng hôn. Sáng từ 5h đến 10h, chiều từ 15h đến 19h. Thời gian đó trời mát mẻ, sẽ cho bạn ngắm nhiều cảnh đẹp của đất trời. Buổi trưa trời nắng nên tìm nhà nghỉ để ăn trưa và hồi phục sức lực.
3. Chia sẻ thông tin với nhóm bạn: ai cũng có một hoặc nhiều nhóm bạn, khi lên lịch trình xong tôi báo với bạn bè, để anh có thông tin gì hay thì chia sẻ cho mình biết, bàn qua tán lại cũng rất vui. Rồi trên đường đi mỗi ngày mình cũng vào tâm sự, kể chuyện cho bạn bè mình biết, hoặc có sự cố gì ai giúp được mình sẽ giúp.
4. Không mạo hiểm: đó là không chạy xe nhanh, tránh đường lớn, không tắm suối nếu nước chảy mạnh hay tắm biển nếu gió to, không leo trèo đồi núi cao hoặc trườn ra vách đá để chụp hình. Vì đi một mình nên phải luôn chọn phương án an toàn.
5. Trang bị đầy đủ dụng cụ như nón bảo hiểm kín đầu, khăn đa năng che mặt, găng tay áo khoác, áo mưa các loại… và luôn có một bình nước. Điện thoại luôn có pin kèm theo sạc đa năng.
Trí Hào
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
- ‘Phượt kiểu ngông cuồng, khác gì thiêu thân lao vào đống lửa’
- Ngông cuồng, gây ác cảm cho cộng đồng – đừng tự nhận mình là ‘phượt thủ’
- ‘Phượt thủ, dừng lại ngay trò chơi ngông cuồng’