Đây là hình thức tổ chức học tập trải nghiệm hiệu quả nhất bởi tính hấp dẫn đối với học sinh. Mục đích của tham quan, dã ngoại là để học sinh được đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các danh thắng, các di tích lịch sử, văn hóa, công trình, nhà máy hoặc một địa danh nổi tiếng của đất nước ở xa nơi các em đang sống, học tập…giúp các em có được những kinh nghiệm thực tế, từ mô hình, cách làm hay và hiệu quả trong một lĩnh vực nào đó từ đó có thể áp dụng vào chính cuộc sống các em. Nội dung tham quan dã ngoại có tính giáo dục tổng hợp đối với học sinh như: giáo dục lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, giáo dục truyền thống cách mạng,…
Tham quan dã ngoại giúp tăng cường cơ hội cho học sinh được giao lưu, chia sẻ và thể hiện những khả năng vốn có của mình. Đồng thời giúp các em cảm nhận
được vẻ đẹp của quê hương đất nước, hiểu được những giá trị truyền thống và hiện đại. Để từ đó rút ra cho mình những bài học, những quan điểm cũng như lối sống phù hợp. Tận mắt chứng kiến, tự mình cảm nhận giúp các em thấu hiểu đồng cảm cũng như phát triển các giá trị để từ đó thỏa sức sáng tạo và tưởng tượng.
Các hình thức tham quan dã ngoại mà hiện nay được các nhà trường phổ thông ởthành phố lựa chọn để giáo dục trong môn Địa Lí: Tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nhà máy, xí nghiệp; tham quan các cơ sở sản xuất, làng nghề, tham quan các viện bảo tàng, tham quan du lịch truyền thống. Mỗi hình thức tham quan dã ngoại lại gắn với một chủ để học tập giáo dục trong chương trình hay là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn hoặc kĩ năng sống cần thiết cho học sinh. Tham quan dã ngoại còn là cơ hội cho thầy – trò có sự gắn kết, giao lưu để từ đó giáo viên thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người học để từ đó thiết kế các chương trình học tập cho phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm môn học. Tham quan dã ngoại là cơ hội, điều kiện tốt cho các em tự khẳng định mình, thể hiện tính tự quản, tính sáng tạo và biết đánh giá sự cố gắng, sự trưởng thành của bản thân. Cũng như giúp các em học tập theo phương châm “ học đi đôi với hành”, “ lí luận đi đôi với thực tiễn” học từ trải nghiệm thông qua nhìn thấy chứng kiến thấy mà đúc rút những bài học kinh nghiệm cho bản thân để vững bước khi vào đời cụ thể hơn đây chính là bước cụ thể hóa, “xã hội hóa” công tác giáo dục.
Nội dung thực địa cần được xây dựng trên cơ sở kiến thức phần tự nhiên và kinh tế – xã hội đã học: thực địa tự nhiên, thực địa kinh tế – xã hội( kinh tế, văn hóa, xã hội….), thực địa tổng hợp. Kế hoạch thực địa do GV xây dựng, đồng thời
có sự phối kết hợp giữa các gia đình, nhà trường và xã hội hoàn thiện để đạt được hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình thực địa rất cần thiết các quy định cả về nội dung và cơ cấu tổ chức (có thể kết hợp liên môn) để xây dựng và tổ chức thực hiện. Vấn đề quan trọng trong chuyến thực địa đó là sự trải nghiệm của HS để xây dựng các giá trị cho bản thân đồng thời tạo cơ hội cho HS có sự sáng tạo nhất định trong chuyến thực địa phù hợp với chuyên môn.
Ví dụ: khi giảng dạy Bài 33 – Một số hình thức của tổ chức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp, GV có thể xây dựng chuyến thực địa đến một số nhà máy xí nghiệp công nghiệp ở địa bàn huyện Nam Đàn như nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan, nhà máy may. Hoạt động thực địa tham quan nhà máy được tiến hành trong 1 bổi dưới sự phối hợp của GV, Ban lãnh đạo nhà máy, Ban giám hiệu nhà trường.
Bước 1. Chuẩn bị: GV sinh hoạt các quy định thực địa, phân công chuẩn bị phối hợp và chia nhóm. Giao nhiệm vụ cho các nhóm phân tích giá trị kinh tế của nhà máy công nghiệp mang lại với lao động địa phương. Các vấn đề này được GV chia cho các nhóm HS cùng tìm hiểu. HS được tìm hiểu đặc điểm sản xuất của điểm công nghiệp.
Bước 2. Thực hiện: trong quá trình thực địa và tìm hiểu tại địa phương HS thực hiện đúng các quy định và nhiệm vụ được giao. HS có thể được trải nghiệm việc bố trí tổ chức của xí nghiệp công nghiệp, trải nghiệm các dây chuyền san xuất của nhà máy.
Bước 3. Tổng kết; HS thực hiện các bài tập báo cáo theo nhóm và trình bày cho GV và các nhóm HS khác ( hoạt động này được thực hiện sau khi đi thực địa về ). GV rút kinh nghiệm và tổng kết hoạt động thực địa xác định các giá trị đạt được trong chuyến thực địa đối với quá trình học tập Địa lí của HS.
Tuy nhiên việc tổ chức tham quan dã ngoại không phải trường nào cũng có cơ hội và khả năng thực hiện do yếu tố kinh phí, đảm bảo thời gian chương trình, sự đồng thuận từ phía phụ huynh, xã hội.