Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân cùng lợi thế về năng lượng điện, khí mỏ, khu kinh tế và hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, kết nối thuận lợi với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là hệ điều kiện quan trọng giúp Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút làn sóng đầu tư mới của khu vực phía Bắc và của cả nước.
Quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối vùng
Đặt mục tiêu phá thế “ốc đảo”, rũ bỏ “tấm áo” thuần nông để sớm trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thái Bình đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối.
Các đơn vị thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn.
Song song với việc tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án giao thông đã triển khai, Thái Bình tiếp tục đã đầu tư và hoàn thành một số công trình trọng điểm, giao thông kết nối như: đường Thái Bình – Hà Nam (giai đoạn 1); tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình và cầu La Tiến, cầu sông Hóa và đường nối từ cầu sông Hóa đến quốc lộ 37, đường tỉnh 221A…
Hiện nay, địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình quan trọng như: tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường trục kết nối các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà; đường tỉnh 454 từ thành phố Thái Bình đi cầu Sa Cao…; đồng thời tập trung hoàn thiện thủ tục và đẩy mạnh tiến độ triển khai đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình; tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn…).
Cầu sông Hồng kết nối huyện Tiền Hải (Thái Bình) với huyện Giao Thủy (Nam Định), tạo bước phát triển đột phá về kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, không chỉ kết nối giữa các địa phương trong tỉnh mà còn kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó Thái Bình cũng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ.
Tạo dư địa, không gian thu hút đầu tư
Một trong những “chìa khoá” thu hút dòng vốn FDI tại Thái Bình là do tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó trọng tâm là hạ tầng các khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh xác định công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng.
Các trục giao thông kết nối trong các khu, cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ để thu hút nhà đầu tư.
Xác định đây là bước đi dài hạn, cần có lộ trình và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tiềm lực tạo bước đệm hiện thực hóa mục tiêu trên, ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TU; UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”.
Sau hơn 2 năm triển khai, phong trào thi đua đã lan tỏa rộng khắp, được các địa phương hưởng ứng sôi nổi, nhân dân đồng thuận cao. Đến nay, hàng nghìn héc-ta đất của Khu kinh tế, 8 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng phục vụ cho nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các dự án thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khu Công nghiệp Liên Hà Thái (Khu Kinh tế Thái Bình) đã thu hút được 14 dự án thứ cấp.
Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Với cách làm này, tỉnh đã kêu gọi được hàng chục nhà đầu tư hạ tầng, đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, điện, viễn thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Các khu công nghiệp mới như: Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy), Khu công nghiệp Hải Long (Tiền Hải) và đặc biệt là khu công nghiệp VSIP Thái Bình (Thái Thụy)… đã và đang hình thành sẽ là điểm đến mới, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Thái Bình đã và đang tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi, cởi mở, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đồng thời chủ động nắm bắt, giải quyết những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư.
Thái Bình đã tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh đã tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Khắc Thận làm Trưởng đoàn làm việc với các huyện về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt trong năm 2023, tỉnh Thái Bình đã thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tổ hoạt động với phương châm “Giải quyết dứt điểm công việc còn tồn tại, vướng mắc”.
Bên cạnh đó, Thái Bình cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, các lĩnh vực, dự án kêu gọi, khuyến khích đầu tư của tỉnh. Ngoài ra, địa phương còn duy trì hoạt động hiệu quả trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo. Tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân…
Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo là một trong những “cầu nối” để doanh nghiệp gửi gắm những ý kiến, kiến nghị đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được tỉnh tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện. Thái Bình đã chủ động xúc tiến quảng bá, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài từ châu Á tới châu Âu. Trong năm 2022 và 2023, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Italy, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, New Zealand, Vương quốc Anh, Cộng hòa Dân chủ Lào… Tại các chuyến công tác, đoàn công tác của tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh nhằm quảng bá văn hóa, giá trị truyền thống cũng như tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; đồng thời thực hiện các buổi làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand như: Công ty Daewoo E&C, Tập đoàn Zenith, Tập đoàn Hite Jinro, Công ty TNHH Anam Electronics và Công ty SKC Lighting…
Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thái Bình tại Vương quốc Anh hồi giữa tháng 10/2023.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh làm việc với Công ty Daewoo E&C trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc hồi giữa tháng 4/2023.
Qua hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước, Thái Bình đã ký kết được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có các lĩnh vực địa phương đang chú trọng thu hút đầu tư như phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và hỗ trợ… Ngay sau những chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, Thái Bình đã đón tiếp, làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh: làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương án phát triển mạng lưới cấp điện của tỉnh ; chứng kiến ký kết thỏa thuận MOU giữa Công ty cổ phần Green i-Park và Tập đoàn Hitejinro; chứng kiến ký kết thỏa thuận nguyên tắc cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng giữa Công ty cổ phần Green i-park và Công ty Pegavision…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu chứng kiến ký kết Hợp đồng nguyên tắc giữa Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu chứng kiến ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái giữa Công ty cổ phần Green i-Park và Tập đoàn HiteJinro của Hàn Quốc.
Với môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, Thái Bình thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện đang có 130 dự án FDI hoạt động và đăng ký mới với tổng vốn đầu tư hơn 2,7 tỷ USD, trong đó có 74 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD trong Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp, 56 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 0,6 tỷ USD ngoài Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp. Tổng vốn FDI thu hút vào Thái Bình từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay đạt 1,85 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước. Năm 2022, Thái Bình nằm trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn FDI cấp mới. Riêng 11 tháng năm 2023, Thái Bình thu hút vốn FDI đã đạt 710,5 triệu USD…
Công ty TNHH SH TECH E&E VINA (cụm công nghiệp Vũ Hội, Vũ Thư) chuyên sản xuất cụm dây điện dành cho xe ô tô điện và các loại xe có động cơ khác, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Bằng những cơ chế, chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thái Bình sẽ tăng trưởng mạnh và bền vững; là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đó chính là một trong những mục tiêu tạo nền tảng để Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.