Việt Nam có vô số thắng cảnh cùng kỳ quan nổi tiếng trải dài từ Bắc chí Nam, nhưng du lịch miền cao lại là lựa chọn hàng đầu trong những kỳ nghỉ ngắn ngày, nhất là những du khách đi từ Hà Nội. Có hàng ngàn khách du lịch chọn rời xa đô thị phồn hoa, để dành trọn kỳ nghỉ của mình tại một nơi núi rừng xa xôi, hẻo lánh – và mang theo về những thước phim, kỷ niệm tươi đẹp nhớ đến cả một đời. Vậy Cao Bằng có gì hấp dẫn du khách? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Cao Bằng có gì đẹp?
Thác Bản Giốc – Dải lụa trắng tinh khôi
Toàn cảnh Thác Bản Giốc – Cao Bằng
Thác Bản Giốc là thác nước hùng vĩ nổi tiếng thuộc xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 100km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 400km. Đây là thác nước đẹp nhất Đông Nam Á và lớn thứ 4 toàn thế giới.
Giữa bốn bể rừng núi, mây trời Đông Bắc, thác Bản Giốc sừng sững hiện ra như một dải lụa trắng ngần giữa bức tranh thiên nhiên đẹp như miền cổ tích ấy. Vốn đã trở thành niềm tự hào chung của người dân Cao Bằng từ lâu, thác Bản Giốc ngày nay đang thu hút một số lượng lớn lượt khách quan trong và ngoài nước đi du lịch Thác Bản Giốc mỗi năm.
Thác Bản Giốc chính là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ tạo nên những kiệt tác nghệ thuật hội họa hay những bức ảnh đẹp xuất thần. Toàn cảnh thác cho người ta cảm nhận được sự đơn sơ, hoang dã nhưng lại hoang dại đến choáng ngợp tâm trí. Nước thác lúc cuồn cuộn, lúc lại hiền hòa nhưng chưa bao giờ ngừng chảy.
Đứng từ chân thác nhìn lên, thác Bản Giốc chảy xiết với chiều cao hàng chục mét. Từng khối nước lớn len lỏi qua nhiều tầng đá vôi, xẻ ở giữa thác thành 3 dòng rồi đổ thẳng xuống tạo nên màn mưa bụi nước trắng xóa. Ở phía chân thác là dòng sông Quây Sơn nước trong như tấm gương sáng, soi bóng núi rừng thiên nhiên quanh năm. Phía đôi bờ là từng thửa ruộng xanh tốt của người dân tộc Nùng, Tày an cư lập nghiệp ở xóm Bản Giốc.
Đến Thác Bản Giốc, bạn hãy thuê bè ra tận chân thác để chụp ảnh nhé!
Sau mỗi địa danh nổi tiếng đều có một câu chuyện dài phía sau, và chắc hẳn ai từng thăm thác Bản Giốc cũng đã từng nghe câu chuyện buồn về sự tích dòng thác này. Người ta kể rằng, xưa kia có một cô gái Tày vô cùng thùy mị, nết na và đặc biệt có một vẻ đẹp sắc nước, hương trời. Đến tuổi cập kê, cô gái bị bắt để tiến cử cho bậc vua chúa và trót lọt vào mắt xanh của một vị hoàng tử. Tuy nhiên, cô gái đã dũng cảm bỏ trốn để được chung sống cùng với người yêu mình.
Hai người chạy tới Bản Giốc thì đã thấm mệt và quyết định nghỉ chân tại khe suối. Họ dành cả đêm để trút bầu tâm sự và chia sẻ những cay đắng khi buộc phải xa cách. Nhưng do thời tiết quá lạnh và cũng quá kiệt sức, họ ôm chặt nhau và lịm đi chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Sau đó, trời mưa tầm tã suốt mấy tuần trời, và chẳng ai còn nhìn thấy bóng dáng cặp uyên ương kia nữa. Người dân thương tiếc cho cặp đôi, liền đặt tên ngọn thác là thác Bản Giốc. Giữa 3 tầng thác có 2 tầng thác ôm nhau quấn quýt, giống hình ảnh cô gái Tày xinh đẹp trong vòng tay người yêu, còn dòng thác còn lại, nước chảy hung tợn giống với hình ảnh vị hoàng tử năm nào.
chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật Tích Trúc Lâm ở Thác Bản Giốc
Chùa Phật Tích Trúc Lâm được xây dựng cách chân thác Bản Giốc không xa, chỉ khoảng 500m. Đây là ngôi chùa mang lối kiến trúc đậm chất Việt Nam với hàng chục lầu, nhà lễ, nhà thờ, đền thờ,… du khách du lịch Cao Bằng có thể đến thăm chùa Phật Tích để cảm nhận nét yên bình nhưng đầy uy nghiêm của một ngôi chùa nằm ở vùng cao.
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao vốn đã không còn là cái tên xa lạ đối với dân xê dịch – là một động lớn được tạo hình từ đá vôi phong hóa nhiều thế kỷ. Động Ngườm Ngao ngày nay đã trở thành một món quà vô giá mà thượng đế đã ban tặng cho người dân Cao Bằng. Động có chiều dài khoảng 2114m bao gồm: cửa Ngườm Lồm, cửa Ngườm Ngao, cửa Bản Thuôn. Mỗi cửa một dáng vẻ khác nhau, tạo thành một trải nghiệm thú vị đối với du khách du lịch Cao Bằng.
Bên trong động, tầng vòm khép rồi mở với từng tầng nhũ đá tứ phía với những hình dạng vô cùng kỳ thú. Du khách có thể thỏa thích sáng tạo khi ngắm nhìn từng tảng thạch nhũ rồi tưởng tượng xem đó là hình thù gì.
Khu di tích Pác Bó
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại suối Lê-Nin trong khu di tích Pác Bó
Đây là địa danh quen thuộc nhất, in sâu nhất vào tâm trí người Việt Nam. Khu di tích Pác Bó là nơi chứng kiến những tháng ngày kháng chiến gian lao vất vả của dân tộc ta, và đặc biệt là nơi ghi dấu những kỷ niệm sinh hoạt và làm việc của Bác Hồ. Ngày nay khi đến với hang Pác Bó, khách quan có thể tham quan suối Lê-Nin, bàn đá Bác làm việc, hang Cốc Pó,…
Bàn làm việc của Bác bên suối Lê-Nin
Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen được ví như “Tuyệt Tình Cốc” giữa núi đồi Cao Bằng. “Thang Hen” trong tiếng Tày nghĩa là “đuôi ong” bởi hồ nước này nhìn từ trên cao xuống giống đuôi con ong. Du khách đi tour Thác Bản Giốc có thể dành 1 tiếng rưỡi di chuyển từ Thác Bản Giốc đến đây.
Hồ Thang Hen quanh năm xanh ngát
Nếu Thác Bản Giốc như một dải lụa trắng chảy dào dạt thì Hồ Thang Hen lại được ví như cô tiên với dải lụa xanh, trôi lững lờ, lặng lẽ giữa núi rừng đại ngàn. Đến đây, khách du lịch Thác Bản Giốc không chỉ được thỏa mãn với cả trăm bức ảnh để “sống ảo”, chụp từ mọi góc hồ đều đẹp, mà còn được thưởng thức những món ăn dân dã của nhà hàng ven hồ, thưởng thức những làn điệu dân ca hát then, hát sli hay đơn giản là ngồi thuyền ngắm cảnh hồ xanh ngắt.
Nên đi du lịch Cao Bằng mùa nào ?
Vốn là vùng đất cực Bắc Tổ Quốc, Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái cho một vẻ đẹp kỳ diệu từ tự nhiên đến khí hậu. Bốn mùa ở Cao Bằng mang một vẻ khác nhau, và để lại nhiều cảm xúc dạt dào trong lòng khách quan.
Mùa lúa chín bên thác Bản Giốc
Mỗi độ xuân về, núi rừng như thay một màu áo mới. Tứ bề cỏ cây đâm chồi nảy lộc, xuất hiện cả rừng đào rực rỡ rạng ngời. Những cây đào cổ thụ, mọc tự nhiên cành vươn cành đua nhau khoe sắc. Kế bên, từng tán lá xen hoa trắng ngần của cây mận, cây lê cũng nở rộ ngợp của một sườn đồi. Bức tranh thiên nhiên hữu tình ấy để để lại nhiều cảm xúc khó tả cho những người con xa xứ, khi nhớ về Cao Bằng, là nhớ về một rừng hoa ngợp trời.
Du khách đi tour Cao Bằng cũng có thể tham quan chùa Phật Tích đầu xuân nằm gần thác Bản Giốc để xin lộc, xin phúc và cầu may mắn cho cả một năm. Thác Bản Giốc mùa này cũng rạng ngời, tươi mới cùng sắc hoa đào nở rộ.
Khi hè tới, Cẩm Tú Cầu đua nhau khoe sắc ở hai bằng đường núi Phia Oắc, Phia Đén. Những cánh hoa mỏng manh khi nở màu trắng rồi chuyển sắc dần sang màu lam hoặc màu hồng nhạt, tụm lại thành những quả cầu hoa. Các bạn trẻ đặc biệt thích hoa cẩm tú cầu với vẻ đẹp lộng lẫy và vô cùng kiêu sa, kết hợp cùng toàn cảnh núi rừng thiên nhiên vùng cao tạo nên những bức ảnh đẹp để đời. Chưa hết, thác Bản Giốc lúc này trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Nguồn nước dồi dào từ thượng nguồn đổ về càng làm cho cảnh tượng thiên nhiên thêm hùng vĩ và hoang dại. Tuy nhiên vì thác đổ dữ dội như vậy nên nước sông Quây Sơn tầm này khá đục, không còn trong xanh. Vậy nên khách đi du lịch thác Bản Giốc ưa thích chọn đi vào mùa thu hoặc đông xuân hơn.
Khi thu đến, cũng là lúc từng cánh đồng lúa trĩu bông đến kỳ thu hoạch. Đến Cao Bằng mùa này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bạt ngàn cánh đồng lúa với những thửa ruộng bậc thang vòng óng, bồng bềnh trong từng đợt gió thu. Dưới chân thác Bản Giốc cũng là những cánh đồng lúa chín vàng nằm ở đôi bờ sông Quây Sơn tạo nên một cảnh tượng cực kỳ thơ mộng.
Phia Oắc thường xuất hiện băng tuyết vào mùa đông. Vì vậy, khi đợt lạnh khoảng cuối tháng 11 tràn về, du khách có thể nhìn thấy những bông tuyết trắng phủ kín dãy núi, mái nhà, tán cây,… Tất cả khiến chúng ta như chìm đắm vào những thước phim cổ trang tưởng rằng chẳng khi nào có ở đời thực.
Đặc sản Cao Bằng có gì ngon?
Nằm khâu Cao Bằng
Đây là một trong những món ăn đặc sản của người dân miền cao – không thể thiếu trong mâm cỗ của người Tày. Để làm ra món ăn này, người ta chế biến từ thịt ba chỉ cùng khoai kèm với những hương liệu từ núi rừng. Món ăn có vẻ khá ngậy đối với người miền xuôi nếu ăn chưa quen, nhưng chỉ cần thưởng thức một lần, du khách đi tour Cao Bằng có thể phải thương nhớ đến cả đời.
Cá trầm hương
Cá trầm hương là một loại cá khó có thể kiếm được ở miền xuôi. Bởi những con cá này thường ăn rễ cây trầm hương mọc ở ven sông Quây Sơn, nên thịt cá có vị trầm ngon khó cưỡng.
Từ loài cá này, người ta dễ dàng chế biến thành nhiều món khác nhau, trong đó phải kể đến cá trầm hương nướng vô cùng thơm ngon và dễ ăn. Cá sau khi đánh bắt từ sông được làm sạch rồi thêm một vài loại gia vị, hương liệu rồi được gói gọn trong lớp lá chuối. Người ta nướng cá trên ngọn lửa hồng cho đến khi ngửi thấy mùi trầm thơm nức thì có nghĩa là cá đã chín. Ăn cá kèm với nước mắm nguyên chất để cảm nhận vị trầm trên từng thớ thịt, ngon xuất sắc.
Vịt quay bảy vị
Vịt quay bảy vị Cao Bằng không hề giống với vịt cỏ hay vịt quay thông thường mà chúng ta bắt gặp. Bắt đầu từ khâu chế biến đã phải rất tỉ mỉ và công phu. Từ những con vịt khỏe mạnh, chắc thịt nhất người ta sơ chế sạch rồi tẩm ướp chúng với 7 loại hương liệu khác nhau – đây là công thức bí mật gia truyền của người Tày mà chỉ khi đến Cao Bằng du khách đi tour Thác Bản Giốc mới có dịp được thưởng thức.
Sau đó, người ta phết một lớp mật ong và dầu mỏng lên bề mặt con vịt để tạo màu vàng óng đẹp mắt. Cắn một miếng đầu tiên, thực khách có thể bị kích thích bởi vị ngọt của của mật ong quyện với vị beo béo của dầu, sau đó là 7 vị ngon thấm đượm trên từng thớ thịt vịt. Thực sự, vịt quay bảy vị là món ăn xứng đáng top 1 ở Cao Bằng mà du khách nên thử thưởng thức một lần..
Đến Cao Bằng mua gì về làm quà?
Du khách đi du lịch miền cao thường mong muốn có món quà phương xa về biếu, tặng cho gia đình, người thân và bạn bè. Một vài món ăn đặc sản nổi tiếng Cao Bằng được mua về làm quà nhiều nhất có thể kể đến sau đây là:
Miến dong đen
Những sợi miến giòn, dai, bóng đẹp và giữ nguyên hương vị bột dong là bí quyết làm miến sạch, không cần dùng đến hóa chất của người dân Cao Bằng. Một bát miến dong đen du khách du lịch Cao Bằng có thể ăn riêng, không cần đi kèm bất kỳ món thịt hay rau củ nào khác mà vẫn cảm nhận được được vị ngọt như từ xương, thơm ngon không đâu sánh bằng.
Lạp xưởng hun khói
Từ lâu món lạp xưởng đã trở thành một món ăn dân dã, quen thuộc đối với người dân vùng cao và là một cách để bảo quản thịt quanh năm. Ở Cao Bằng, món lạp xưởng này có nét đặc biệt hơn một chút. Đầu tiên, người ta vẫn sơ chế lòng non rồi phơi khô, thổi hơi vào trở thành bong bóng khí tạo lớp vỏ bọc bên ngoài.
Bên trong, người ta băm nhỏ thịt vai, thịt thăn hoặc thịt mông rồi tẩm ướp mật ong, tiêu, mía, quả mắc khô… cùng một chút rượu trắng. Sau đó trộn đều hỗn hợp rồi cho vào bong bóng nén chặt tay. Cuối cùng là đem phơi khô trong khoảng ba nắng rồi cho lên bếp hun khói. Món ăn này có thể để tự nhiên trong một khoảng thời gian dài, rất thích hợp đểlàm quà tặng đặc sản Cao Bằng dành cho người thân.
Bánh khảo
Bên cạnh các món ăn mặn, người dân Cao Bằng còn có một món đặc sản vô cùng đặc sắc – bánh khảo. Giống như một loại lương khô của người Nùng, Tày ở miền cao, bánh khảo được sử dụng trong dịp lễ tết. Cứ nhà nào còn bánh khảo là nhà đó còn tết. Bánh khảo có vị ngọt thanh, thơm ngon rất dễ gây nghiện.
Nguyên liệu và cách làm bánh khảo không quá khó để thực hiện, tuy nhiên để có một chiếc bánh khảo với hương vị chuẩn núi rừng thì có lẽ chỉ có ở Cao Bằng. Người thợ làm bánh phải thực sự khéo léo mới có thể làm bánh khảo hấp dẫn đến như vậy.
Di chuyển đến Cao Bằng như nào?
Vị trí thác Bản Giốc – Cao Bằng
Có hai phương tiện di chuyển chính mà du khách du lịch Cao Bằng có thể tham khảo là ô tô và xe máy. Mỗi cách di chuyển lại có trải nghiệm thú vị riêng của nó.
Di chuyển bằng ô tô/xe khách
Nếu di chuyển từ Hà Nội, du khách có thể bắt xe khách chất lượng cao đến Thành phố Cao Bằng tại bến xe Mỹ Đình. Xe thường xuất bến vào khoảng 8 giờ tối với giá xe giường nằm tầm 180.000 đồng/ người. Du khách nên chủ động hỏi nhà xe để không bị lỡ chuyến đi.
Di chuyển bằng xe máy
Với các bạn trẻ ngày nay, việc đi phượt bằng xe máy mang lại rất nhiều trải nghiệm thú vị và du lịch Cao Bằng cũng không ngoại lệ. Có 3 hướng mà du khách có thể tham khảo như sau:
Từ Quốc lộ 1: Hà Nội – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc
Từ Quốc lộ 3 và Quốc lộ 1B: Hà Nội – Thái Nguyên – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc (quãng đường khoảng 330 km)
Từ Quốc lộ 3: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc (quãng đường khoảng 360 km)
Đi theo tour thác Bản Giốc
Khách đi tour thác Bản Giốc Cao Bằng
Nhiều bạn nghĩ gần Hà Nội thế này thì đi tour làm gì, tự đi cho thoải mái, phải không? Tuy nhiên đi tour Thác Bản Giốc cũng có những ưu điểm riêng đấy nhé! Vì đi trong nước nên tour khá rẻ, chỉ khoảng 2 triệu đồng là đủ từ dịch vụ xe đưa đón, khách sạn, các bữa ăn chính, đến vé tham quan các cảnh điểm và có cả hướng dẫn viên cực kỳ nhiệt tình, đi cùng cả hành trình để giúp bạn hiểu hơn về các cảnh điểm. Bạn sẽ không phải lo nghĩ nên đi như nào, bắt xe khách giờ nào cho kịp, thuê phòng ở đâu cho vừa rẻ vừa sạch sẽ, hay ăn ở đâu… Bạn chỉ cần xách ba lô lên và đi theo, mọi thứ khác đều đã có công ty lữ hành lo hết cả rồi!
Du lịch Cao Bằng có gì cần lưu ý?
Để có một chuyến tour Cao Bằng vui vẻ và an toàn nhất, du khách cần chuẩn bị một vài vật dụng cần thiết dưới đây.
Hành trình tham quan các cảnh điểm Cao Bằng cần đi bộ khá nhiều nên hãy đi giày thể thao cho thoải mái bạn nhé!
- Trang phục: Vì nằm ở vùng cao nên thời tiết Cao Bằng khá lạnh, du khách nên mang theo áo ấm, giày cao cổ đế mềm, khăn quàng bên mình để không bị lạnh hoặc ốm. Kể cả mùa hè nhiệt độ lên cao nhất cũng chỉ khoảng 32 độ, buổi tối hơi se se lạnh nên bạn vẫn nên mang áo khoác mỏng đi nhé. Các chị em cũng nên chuẩn bị thêm quần tất nếu như muốn mặc váy.
- Các loại thuốc dự phòng, thiết bị: urgo, băng gạc, thuốc giảm đau, cảm cúm, nhức đầu,…, dầu gió, kem chống nắng, kem chống côn trùng. Nếu đi “phượt” thì mang thêm đèn pin, lều bạt, cồn,…Mặc dù đường không chông gai ngoằn ngoèo lắm nhưng vẫn cần mang theo các loại đồ uống như café, bò húc, đường glu, chanh (ngậm miệng)… để đảm bảo sức khỏe khi đi du lịch thác Bản Giốc nhé.
- Đồ ăn uống: cafe, bò húc, đường, bánh mì, chanh muối, kẹo ngọt…
- Nếu đi “phượt” thì bạn cần mang đầy đủ giấy tờ xe, mũ bảo hiểm loại tốt có kính chắn, áo khoác gió đi xe,… Còn nếu đi theo tour Cao Bằng thì bạn không cần phải lo lắng gì, chỉ cần mang đủ quần áo phù hợp theo mùa, pin sạc dự phòng điện thoại, máy ảnh đầy đủ, thêm ít thuốc dự phòng là được.
Vậy là Kỳ Nghỉ Đông Dương đã cùng bạn chuẩn bị hành trang đầy đủ nhất để có một chuyến đi khám phá thác Bản Giốc và trải nghiệm trọn vẹn nét đẹp vùng cao trong chuyến tour Cao Bằng này rồi. Du khách đi về thường nói đùa “Đừng quên mang theo bản đồ trong chuyến đi sắp tới của bạn nhé, vì bạn sẽ không biết vẻ đẹp Cao Bằng khiến bạn lạc lối đến nhường nào đâu!”
Hồng Anh (Nguồn ảnh: Kỳ Nghỉ Đông Dương và các nguồn sưu tầm khác. Nếu bạn là tác giả ảnh, vui lòng liên hệ với website chúng tôi. Xin cảm ơn!)