Khôn ở phố, ngố trên rừng
Mấy năm gần đây, phong trào đi phượt (du lịch bụi) phát triển rầm rộ trong giới trẻ, đặc biệt là ở những thành phố lớn, nhất là ở tầng lớp sinh viên các trường ĐH, CĐ. Những vùng đất mới, những chân trời mới, những con người mới cùng tập tục độc đáo… là lực hấp dẫn mạnh mẽ đối với dân phượt.
Dù khá gian nan, vất vả nhưng được trải nghiệm về với thiên nhiên, khám phá các vùng đất nhất là chi phí cho mỗi chuyến đi cũng rất rẻ. Phượt đã trở thành một phong trào khá rầm rộ ở Hà Nội, TP.HCM… Các nhóm, hội về phượt được thành lập ở khắp nơi, các chuyến đi được tổ chức ngày càng nhiều, địa điểm được yêu thích vẫn là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình hiểm trở.
Tuy nhiên, phong trào phượt hầu như mang tính tự phát, không hề có sự kiểm soát từ phía gia đình, nhà trường. Bởi vậy, đã có không ít hệ lụy đã xảy ra trong các chuyến phượt như: bị lạc, gặp tai nạn. Thậm chí đã có không ít sinh viên bị tử vong do ngã xuống núi, tai nạn trên đường đi.
Những ngày qua, cư dân mạng chia sẻ và kêu gọi cộng đồng tìm kiếm tin tức của cô gái N.T.N (sinh năm 1995, trú xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), hiện đang là sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội. Nữ sinh này được cho là đã tham gia một cung phượt cùng nhóm bạn mới quen trên mạng xã hội đến Quảng Ninh từ ngày 12/11. Người thân của T.N. cho biết, đến ngày 16/11, gia đình có nhận được một tin nhắn của T.N cho biết cô đang ở Quảng Châu.
Dù đã có nhiều vụ mất tích, tai nạn khi đi phượt, nhưng mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ lễ các chuyến phượt vẫn thường xuyên được tổ chức trong sự lo lắng của các bậc phụ huynh. Anh Nguyễn Đức Hải (Khương Trung, Hà Nội) có con gái đang học đại học năm thứ 2 chia sẻ: “Giờ thấy các cháu kêu gọi, phát động đi phượt kết hợp với làm từ thiện ở vùng cao. Thú thực, thấy cháu và các bạn có mong muốn giúp đỡ trẻ em vùng cao là rất tốt. Tuy nhiên, nếu tổ chức đi phượt ở những địa điểm đèo dốc, đồi núi hiểm trở tôi cũng không khỏi lo lắng”.
Sinh viên cũng thiếu kỹ năng sống
Chỉ ra một thực tế đáng báo động hiện nay đó là tầng lớp học sinh, sinh viên quá thiếu kỹ năng sống, chưa biết ứng phó với các vấn đề xảy ra trong đời sống hàng ngày, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục cho rằng, công tác giáo dục dạy kỹ năng sống trong các trường học hiện nay đang bị xem nhẹ, trẻ được học kỹ năng sống chủ yếu qua tranh ảnh, tài liệu mà chưa được trải nghiệm và mô tả thực tế. Nặng về lý thuyết cũng là nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên dù học giỏi, có hiểu biết nhưng lại khá mù mờ khi ra khỏi thành phố.
Cũng theo TS Lâm: “Không chỉ học sinh, sinh viên thành phố mà ngay cả học sinh vùng nông thôn cũng chưa có được các kỹ năng cần thiết để phòng tránh sự nguy hiểm do địa hình, thiên tai bất chợt xảy ra. Đã có không ít vụ tai nạn đau lòng xảy ra, cũng chỉ bởi học sinh, sinh viên chưa có được các kỹ năng cần thiết. Trong các chuyến đi xa, nếu sinh viên thiếu kiến thức về kỹ năng sống rất nguy hiểm, sẽ bị đuối nước nếu không biết bơi mà bị ngã xuống nước, dễ gặp tai nạn nếu chưa thông thạo đường đèo dốc, bị kẻ xấu lợi dụng…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các trường ĐH, CĐ hầu như chưa có các khóa học kỹ năng sống, thoát hiểm cho sinh viên. Các môn giáo dục thể chất cũng chỉ là các môn thể thao phổ biến, chỉ có một số trường có điều kiện mới tổ chức dạy bơi. Trong khi đó, vô số các hoạt động như: Thăm quan, dã ngoại, “phượt”, chiến dịch tình nguyện… được diễn ra thường xuyên mà hầu như công tác quản lý sinh viên không thể nắm được, hoặc không thể cấm đoán vì sinh viên thường tổ chức vào ngày nghỉ.
Có kinh nghiệm phượt hơn 10 năm nay, anh Hoàng Anh – nhân viên của công ty du lịch ở Hà Nội cho biết: “Phượt rất phù hợp với mức chi trả và yêu thích khám phá, mạo hiểm của sinh viên. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần có kế hoạch thật chi tiết cho mỗi chuyến đi, đặc biệt người dẫn đầu (Leader) phải có kinh nghiệm nhiều năm. Người tham gia đảm bảo về sức khỏe, biết bơi, có kinh nghiệm đi xe đường núi, dốc… Tốt nhất lưa chọn công ty tổ chức, nhóm phượt có uy tín. Tránh đi với người lạ, những người thiếu kinh nghiệm”.
Theo một số phượt thủ có kinh nghiệm, nếu không có kỹ năng cần thiết tốt nhất là không nên tham gia các chuyến phượt vì có những tình huống bất ngờ, không có ai ở gần để ứng cứu. Nếu lần đầu đi phượt, chưa có kinh nghiệm, tốt nhất không nên chọn tuyến đường quá nguy hiểm. Nên đi theo nhóm (không quá đông) và làm theo sự chỉ dẫn của người dẫn đầu. Trước mỗi chuyến đi cần có kế hoạch chi tiết, tìm hiểu kỹ về địa hình, chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị cá nhân cần thiết cho chuyến đi.
Quang Anh