“Càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều. Càng học nhiều, bạn càng đi nhiều” – Dr Seuss. Dưới đây là 5 cuốn sách dành cho dân du lịch bụi mà bất cứ ai cũng có thể đọc tham khảo để lên đường.
5 cuốn sách dành cho dân du lịch bụi
Thứ quý giá nhất trong cuộc đời mỗi con người có lẽ là tuổi trẻ, và không điều gì ý nghĩa hơn đối với tuổi trẻ là những cuốn sách và những chuyến đi. Khi đôi chân bạn đủ mạnh mẽ, trái tim và khối óc còn sôi nổi và nhiệt huyết, đừng chần chừ gì nữa hãy lên đường, có thể bạn sẽ tìm ra ở đâu đó ý nghĩa của cuộc đời mình.
Những cuốn sách sau đây không chỉ đưa bạn đến những vùng đất mới lạ, những nền văn hóa đầy màu sắc mà còn truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê xê dịch.
1. Xách Balo lên và đi
Ban đầu chỉ là những chia sẻ trên blog cá nhân, trang Web du lịch và phượt, năm 2013 Huyền Chíp (biệt danh của cô bạn gái sinh năm 1990 Nguyễn Thị Khánh Huyền) cho xuất bản cuốn sách “Xách balo lên và đi”. Cuốn sách đã thực sự gây một cơn sốt trong cộng đồng, thậm chí có thời điểm đã nổ ra nhiều tranh cãi và quan điểm trái chiều. Mặc dù vậy, lòng dũng cảm, khát khao trải nghiệm khám phá cuộc sống cùng kĩ năng sống tuyệt vời của Huyền Chíp đã thức tỉnh và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Việt.
Bỏ làm giữa chừng khi đang làm online marketing cho Youth Asia tại Malaysia, Huyền Chíp thực hiện cuộc hành trình không tưởng qua 25 quốc gia với 700$ khởi đầu. Điều đặc biệt là đa phần những quốc gia mà Huyền đặt chân đến là những quốc gia đang phát triển có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đa dạng nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn về kinh tế, chính trị, sắc tộc.
Một vài điểm nhấn trong chuyến hành trình này đó là cách mà Huyền Chíp kiếm tiền tại mỗi quốc gia để trang trải cho chuyến đi, cách cô xin Visa đối với một số nước có điều kiện thị thực ngặt nghèo hay như cách mà cô tiếp cận với cuộc sống và văn hóa bản địa thông qua Couchsurfing (một mạng lưới chia sẻ chỗ ở miễn phí toàn cầu).
Bỏ qua những tranh cãi về tính trung thực ở một vài chi tiết, cuốn sách thực sự đã đem đến một cách nhìn mới về thế hệ trẻ, những người dám vượt qua những định kiến truyền thống, đương đầu với những thử thách khắc nghiệt trên con đường khám phá thế giới, khám phá bản thân. Không khó để câu nói: “Xách Balo lên và đi” trở thành tuyên ngôn của giới trẻ ngày nay.
2. John đi tìm Hùng
Nếu như Huyền Chíp tiêu biểu cho một thế hệ trẻ trong nước đang khát khao khám phá thế giới bên ngoài thì Hùng John (Trần Hùng John) lại đại diện cho các bạn trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở hải ngoại tìm về với gốc rễ cuội nguồn. Cuốn sách “John đi tìm Hùng” kể về hành trình chàng trai Mỹ Hùng John tìm lại con người Việt trong mình, tìm lại phần Hùng trong cái tên nửa Việt nửa Mỹ của anh.
Sinh ra trong một gia đình gốc Việt, tốt nghiệp đại học Berkeley, Mỹ, tháng 6 năm 2012 Hùng John quyết định trở về quê nhà thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt mà không hề đem theo tiền trong 80 ngày. Bạn đọc sẽ cùng du hành với anh trên khắp nẻo đường đất Việt, với ngập tràn niền vui, phong cảnh đẹp, con người thân thiện, cùng nếm trải nỗi sợ hãi trước bóng đêm tối đen mịt mùng, rơi vào cảnh không nhà cửa, một mình đơn độc nơi đất khách quê người.
Nghị lực và sự can đảm của chàng trai mới hai mươi tuổi không chỉ giúp anh tìm ra những ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống mà còn truyền tải những thông điệp quý giá đến các bạn trẻ: “Hãy trân trọng cuộc sống giản dị, bình yên mà mình đang có đồng thời hãy đi để mở rộng tầm mắt, để học hỏi những điều quý giá từ thiên nhiên và cuộc sống con người ở những vùng đất xa lạ”.
3. Tôi là một con lừa
Từng trải và già dặn hơn Huyền Chíp hay Hùng John, là tiến sĩ ngành giao tiếp đa văn hóa, giảng viên đại học khoa học ứng dụng Amsterdam, Nguyễn Phương Mai cũng chọn cho mình con đường du lịch bụi để hoàn thiện bản thân và kiểm nghiệm vốn kiến thức đa dạng về văn hóa chỉ trên sách vở của cô.
“Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay” là lời tâm sự của Phương Mai khi cô xuất bản cuốn sách “Tôi là một con lừa” – Tập 1 của bộ sách “Lên đường với trái tim trần trụi” kể về hành trình đến với gần 80 quốc gia của Phương Mai.
Tại mỗi quốc gia, Phương Mai luôn chọn cách đi nhờ xe, ở cùng với người dân địa phương, đến những vùng đất không định trước. Đây là cách tốt nhất để được đắm mình trong văn hóa bản địa, để hiểu biết một cách sâu sắc nhất về cuộc sống và con người nơi cô đến. Có thể nói những người như Phương Mai đã định nghĩa ra một cách đi cho giới trẻ Việt, cách để đưa “sự đi” về đúng với ý nghĩa và bản chất thực sự của nó, như cô nói: “Like a rolling stone – Như một hòn đá lăn. Để không bị bám rêu, để sảng khoái như một cánh chim bay trên những thung lũng thăm thẳm”.
4. Con đường Hồi giáo
“Con đường Hồi giáo” là cuốn sách thứ hai của Nguyễn Phương Mai trong bộ “Lên đường với trái tim trần trụi”. Có thể nói đây là cuốn sách đáng đọc trên nhiều phương diện, như một cuốn cẩm nang du lịch, phảng phất yếu tố phiêu lưu kì thú mà lại giống một cuốn sách học thuật với những nghiên cứu, phân tích sắc sảo về văn hóa, tôn giáo.
Như cái tên của cuốn sách, lần này Phương Mai đã đưa bạn đọc đi trên một hành trình tìm về với quá khứ, lần theo những thành phố lịch sử, những thánh đường lộng lẫy, những dấu tích cổ xưa rồi liên hệ, so sánh chúng với hiện tại.
Qua cuốn sách bạn đọc có thể phần nào giải đáp những thắc mắc về những xung đột sắc tộc, tôn giáo tồn tại qua nhiều thế kỷ trong thế giới Hồi Giáo còn nhiều điều bí ẩn.
5. Sáu người đi khắp thế gian
Xuất bản năm 1971 nhưng những gì mà “Sáu người đi khắp thế gian” đem lại chưa bao giờ là cũ. Tác phẩm của James Albert Michener bán được gần 80 triệu bản trên khắp thế giới và nhận được nhiều giải thưởng uy tín (Giải Pulitzer, giải Franklin…), sáu tháng liền nằm trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất New York.
Họ là sáu bạn trẻ, bốn người Mỹ, một cô gái Na Uy, một cô gái Anh, mỗi người một hoàn cảnh. Chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Trung Đông, nạn phân biệt chủng tộc, đạo Hồi và những bóng ma của quá khứ đã xô đẩy họ trôi dạt tới thành phố mặt trời (một thành phố của Tây Ban Nha ven bờ Địa Trung Hải), để rồi từ nơi đây, họ lại bắt đầu hành trình phiêu lưu đến những đêm phương nam Tây Ban Nha vò xé tâm can, những trận đấu bò ngàn cân treo sợi tóc, những thành lũy Bồ Đào Nha thách thức thời gian, những rừng rậm châu Phi đầy ám ảnh, những bão táp cuộc đời và những tan vỡ trong lòng người… Không tìm bất cứ góc cạnh nào để ẩn náu, họ cùng nhau đối diện với cuộc đời trong cuộc Thập Tự Chinh kiếm tìm những giá trị mới…
Khác với thế hệ trẻ Việt Nam, việc “đi” đối với thế hệ trẻ phương Tây hay Do Thái gần như là một nghi lễ trưởng thành hay là việc cần thực hiện trong Gap Year (quãng thời gian gián đoạn một năm, thông thường sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học dành cho các hoạt động cộng đồng để bổ sung kinh nghiệm sống). Đến cột mốc độ tuổi nào đấy, cùng với vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa được trang bị trong nhà trường, họ lên đường đi du lịch khắp thế giới. Du lịch không chỉ để nghỉ ngơi, khám phá mà còn là cách học, cách tư duy qua thực tế, để từ đó hiểu đúng bản chất của thế giới và tìm kiếm những giá trị riêng cho bản thân.
“Sáu người đi khắp thế gian” thực sự là một cuốn sách hay dành cho những bạn trẻ Việt Nam, những người còn đôi chút thụ động vì bị bó hẹp trong hoàn cảnh sống, những giáo lý truyền thống.
Theo Traveltimes.vn
Xem thêm bài viết:
10 con đường mòn đáng sợ nhất thế gian
Biển xanh, nắng vàng trong “Spirit of Travel” của Louis Vuitton
Ôtô mô hình chu du khắp Hà Giang