Trái với hình dung về hình ảnh 1 phượt thủ, Rosie Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên, sinh 1987) ngoài đời là một cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ như gió và nụ cười tươi.
“An phận hay lấp đầy đời mình bằng trải nghiệm?”
Tôi học Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, sau khi ra trường tôi đi làm việc cho 3 công ty khác nhau ở vị trí Quản lý chuỗi cung ứng trong vòng 6 năm. Thời điểm bắt đầu đi làm cũng là lúc tôi cảm nhận được không gian văn phòng chật hẹp, những công việc lặp đi lặp lại, nhịp sống hàng ngày sáng đi làm, tối về nhà ngủ.
Thời gian cứ thế trôi qua cho đến một buổi tối làm việc khuya, chị đồng nghiệp tâm sự với tôi: “Cuộc đời chúng ta bình thường thôi, không phải là siêu nhân hay vĩ nhân gì, nên cứ thế mà sống an phận, đừng mong đợi gì cả em ạ. Em cứ tìm được một ai đó được được để kết hôn rồi chắt góp tiền bạc mua nhà”. Không chỉ là lời khuyên, đó chính xác là cuộc đời chị ấy đang sống: chị yêu và cưới một anh đồng nghiệp cùng công ty sau một năm quen nhau, hai anh chị cũng đang tích cóp tiền bạc để mua một căn hộ chung cư. Khi nghe chuyện của chị đồng nghiệp, tôi đã nhủ thầm “Trời ạ, không lẽ cuộc đời đáng chán vậy sao? Tôi không thể chấp nhận sống một cuộc đời như thế được. Tôi muốn lấp đầy đời mình với những kỷ niệm lấp lánh, những trải nghiệm phong phú. Tôi muốn khám phá thế giới, muốn tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau, thay vì chỉ dành cả đời trong bốn bức tường quen thuộc”.
Thế là tôi lên kế hoạch đặt vé thực hiện chuyến đi du lịch đầu tiên đến Pattaya (Thái Lan), rồi sau đó là Indonesia, Myanmar, Campuchia, Nhật Bản, Ấn Độ… Cứ như thế, mỗi năm tôi dành cho mình 2 tuần đến một tháng để đi du lịch như một cách lấy lại năng lượng, thăng bằng cho bản thân và hiện thực hóa ước mơ khám phá thế giới.
Trong khi những người khác chọn cuộc sống tích lũy vật chất thì việc đi cổ vũ cho lối sống thiên về trải nghiệm. Tôi thích đi phượt, kiểu đi tự túc, tự lên kế hoạch, ăn ngủ như người bản địa và tiết kiệm chi phí cho chuyến đi của mình. Phượt là cái cảm giác tự do hoang dã khi cưỡi trên con ngựa sắt rong ruổi khắp nơi, đồng bằng sông Mê Kông miền Nam Thái Lan, rồi đến đảo Bali và những con đường đầy bụi ở miền Trung Myamar. Là cảm giác sung sướng muốn vỡ tim khi đắm mình vào phong cảnh tươi đẹp ở vịnh biển Tai Long Wan – Hồng Kông. Phượt là nằm lăn dài trên giường khi đạp xe liên tục suốt 50 cây số thăm Angko Wat của xứ sở chùa tháp, tay chân thì mỏi rã rời nhưng miệng cứ cười rộng ngoác.
“Điều gì làm mình hạnh phúc nhất?”
25 tuổi, khi ấy tôi đang làm quyền Trưởng phòng trong một công ty đa quốc gia, công việc lương cao, chính sách linh hoạt, tôi vừa đi làm vừa thu xếp đi du lịch mỗi năm. Thế nhưng, sau vô số chuyến đi, tôi nhận ra đi không phải là tất cả trong cuộc sống của mình. Có những đêm 2 – 3 giờ sáng bật dậy giữa khuya, tôi cứ thao thức với những câu hỏi: “Điều gì làm mình hạnh phúc nhất? Cuộc sống của mình đang rất ổn, lương tốt, công việc tốt, mình cũng có nhiều trải nghiệm, được đi nhiều nơi, đâu có gì đáng phải phàn nàn, tại sao mình vẫn cảm thấy cuộc sống chưa thật sự lắp đầy?”
Tôi dù đã tự tin hơn sau những chuyến đi nhưng bản thân tôi tự thấy mình vẫn còn thiếu sót nhiều kiến thức về xã hội, lịch sử, văn hóa. Tôi bắt đầu học những gì mình tò mò, hứng thú. Tôi tự học tiếng Anh. Tôi tham gia nhóm bơi do một anh bạn người Pháp sáng lập và dạy miễn phí cho mọi người. Mỗi tuần chúng tôi đi bơi rồi vài tháng cùng nhau đi cắm trại ở bãi biển một lần. Tháng 10/2015 tôi đã lấy được bằng lặn bình dưỡng khí quốc tế, một trải nghiệm không thể quên được. Tôi từng mơ ước có thể đàn hay đánh trống trong một dàn nhạc biểu diễn trước đám đông trên 50 người, thế là tôi đi học đàn guitar và bây giờ thật vui vì tôi đã có thể đàn và hát nhạc thiền trong mỗi giờ tập thiền. Một chiều hè ba năm trước, tôi tham gia một buổi học yoga miễn phí, thật không ngờ ngày hôm đó đã trở thành cột mốc đáng nhớ của cuộc đời tôi. Cặp vợ chồng người Úc dạy buổi Yoga miễn phí ấy sau một thời gian nhận thấy tôi có tố chất đã đề nghị tôi trở thành HLV Yoga. Tôi đã tập luyện cả năm trời, tham gia vài cuộc thi và thực hiện nhiều buổi dạy trước khi được cấp bằng chứng nhận HLV Yoga quốc tế.
Song song với việc chia sẻ về du lịch, tôi chia sẻ về những cách thức tự học. Đó cũng là tiền đề cho khóa học “Bay không cần cánh” sau này tôi tổ chức dành cho các bạn trẻ, tạo điều kiện giúp các bạn tiếp cận những kiến thức cần thiết càng sớm càng tốt.
“Những ngày lạc lối, tôi từng cầu nguyện mình sẽ trở thành tác giả sách, rồi một ngày tôi trở thành tác giả sách thật”
Thực ra, hồi bé tôi đã thích viết, thời cấp 3 tôi học chuyên Văn, còn đậu các giải Văn cấp tỉnh, Olympic này nọ, nhưng việc học Văn ở trường khiến tôi bị kiệt quệ và rẽ ngang sang con đường khác. Việc đi du lịch bụi khiến sở thích viết quay trở lại với tôi. Sau mỗi chuyến đi, tôi ghi lại cảm xúc những gì mình gặp trên đường, những con người hay ho, những câu chuyện thú vị. Tôi cảm nhận rõ khi tôi ghi lại những gì mình trải qua tôi thấy trải nghiệm của mình trở nên sâu sắc hơn còn lòng mình tràn đầy và vui vẻ hơn.
Dần dần, các bài viết về du lịch của tôi được cộng đồng mạng quan tâm và chia sẻ lại trên Facebook. Nhiều tờ báo hứng thú với các bài viết của tôi, họ chia sẻ lại trên báo rồi tự động trả nhuận bút. Tôi trở thành blogger du lịch và nhận được lời mời viết bài quảng bá du lịch từ Tổng cục du lịch các quốc gia Thái Lan, Indonesia và một số chương trình của Trung tâm hỗ trợ nguồn nhân lực Nhật Bản. Ngoài ra, có khá nhiều bạn trong ngành xuất bản theo dõi tôi trên Facebook, một bạn trong số đó cách đây 2 năm đã liên hệ với tôi và đề nghị tôi ra sách. Thời điểm ấy, trên thị trường sách Việt Nam có nhiều sách du ký nhưng chưa có ai viết sách hướng dẫn đi du lịch trong khi có rất nhiều bạn trẻ thích đi du lịch nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, tài chính thế nào, tìm thông tin ra sao, tôi nảy ra ý định sẽ viết một quyển sách viết lại tất cả những thông tin này dựa trên kinh nghiệm du lịch bao năm của tôi. “Ta ba lô trên đất Á” được phác thảo ban đầu như thế đấy. Từ đó, sáng sáng tôi đi làm, tối về đọc sách, nghiên cứu tư liệu để viết sách, sáng hôm sau lại thức dậy lúc 4 giờ để viết. Ròng rã 6 tháng trời, tôi làm việc liên tục và phải ép bản thân mình rất nhiều, cuối cùng tôi đã hoàn thành xong quyển sách 300 trang.
Sau khi xuất bản “Ta ba lô trên đất Á”, tôi nhận ra viết lách mới là niềm đam mê thật sự của mình. Tôi quyết định bỏ việc dù gia đình và ba mẹ phản đối kịch liệt. Tôi đã từng trăn trở rất nhiều trước quyết định này, nếu thất bại trong con đường viết lách thì tôi sẽ ra sao? Đơn giản thôi, tôi vẫn có thể quay trở lại để tìm việc trong một công ty khác, còn nếu bây giờ tôi không thử sức với đam mê thì không biết bao giờ mới gặp được khoảnh khắc quyết định như thế này. Thế là tôi thực hiện cú nhảy cuộc đời.
Giờ tôi đã hoàn thành xong quyển sách thứ hai, đang viết dở quyển sách thứ ba và đã có ý tưởng cho quyển thứ tư. Mỗi ngày viết tốt, tôi có cảm giác vừa hạnh phúc, vừa mãn nguyện, rất khó diễn tả. Tôi đang luyện IELTS và TOEFL và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng khóa học Creative Writing ở nước ngoài để cọ xát với những người viết khắp nơi trên thế giới và tìm hiểu xem trên thế giới luyện kỹ năng viết ra sao.
Cuộc đời của tôi trải qua nhiều bước ngoặt từ những câu hỏi kiểu như “Cuộc đời mình chỉ có thế thôi sao?”, rồi trong quá trình đi tìm câu trả lời cho những trăn trở, cuộc sống của tôi từ đó cũng sang trang. Giờ đây nhớ lại những ngày lạc lối chưa tìm thấy đam mê của mình, mỗi sáng sớm thức dậy tôi đều cầu nguyện: “Tôi muốn trở thành một người truyền cảm hứng cho người khác. Một người viết. Một người đi du lịch bụi. Một người làm việc freelance. Tôi muốn trở thành giáo viên với bất kỳ ý nghĩa nào, tôi muốn chia sẻ những gì mình học được cho những bạn trẻ”. Cầu nguyện hàng ngày như thế, đến một ngày tôi đã sống giống như những gì mình cầu nguyện. Tôi đã trở thành một tác giả sách, một blogger du lịch, một giáo viên dạy Yoga và là người hướng dẫn các bạn trẻ trong khóa học “Bay không cần cánh”. Bạn có thấy cuộc đời kỳ diệu không?