Phượt thủ Nhất Linh kể bản thân cô trong một chuyến phượt tới Mũi Đôi (Khánh Hòa) cũng đã bị lạc trong rừng và tuyệt vọng tới mức gửi hàng trăm tin nhắn vĩnh biệt tới bố mẹ, gia đình và bạn bè. Linh nói đừng chỉ nghe những câu chuyện đi phượt mộng mơ mà cả tin và làm liều. Bởi, đời không như là mơ và phượt không bao giờ là thơ!
Phượt thủ Nhất Linh dành riêng bài viết khá thú vị này để chia sẻ với những người trẻ vốn quan niệm rằng phượt đơn giản như một trò chơi, hãy xách ba lô và đi, cứ đi bừa là sẽ tới:
Cô em gái bé bỏng của tôi đang chiến tranh lạnh với cả nhà vì bị cấm không được đi phượt xuyên Việt với hội bạn. Theo như lời con bé lý sự thì bố mẹ tôi không phải lo lắng tới mức “xoắn” lên như thế: “Người ta đi đầy đấy thôi, còn viết cả sách này. Người ta đi được, em cũng đi được!”.
Đi đi cho đời không hối tiếc
Tôi thừa hiểu “người ta” mà em gái đang nhắc đến chính là thần tượng của nó, một cô gái 9X đời đầu thực hiện chuyến độc hành xuyên lục địa, đã được cộng đồng mạng ca ngợi hết lời. Chuyện em gái chết mê chết mệt nữ phượt thủ 9X ấy không có gì lạ.
Đến cả những đứa có thâm niên đi phượt như tôi còn phải thấy phục và ghen tị vì với cô gái ít tuổi mà đi được nhiều nơi vậy, nữa là mấy đứa trẻ đang hừng hực khí thế muốn trải nghiệm, tràn sức sống và tin rằng mình có thể làm tất cả. Tuy nhiên, có vẻ do đọc quá nhiều những chia sẻ tự tin từ một người đi vòng quanh thế giới đã làm em tôi quá rạo rực?
Này nhé, đi vòng quanh thế giới với slogan đơn giản kiểu như chỉ cần không bỏ cuộc và không có lý do gì để bỏ cuộc cả, thì tôi cá là những lười xê dịch nhất quả đất này chắc hẳn cũng muốn thử. Đặc biệt, những vấn đề về tiền bạc, chỗ ăn, chỗ ở, xin visa… tưởng chửng nan giải thì lại được giải quyết theo cách nhẹ tựa lông hồng.
Vẽ ra giấc mơ phượt xuyên… thế giới, em tôi nói rằng nếu không có tiền đi máy bay thì nó sẽ đi ô tô. Không có tiền đi ô tô, thì nó sẽ đi nhờ, hoặc đi xe “động cơ hai thì chạy bằng… cơm”… Quần áo thì cũng chỉ cần vài bộ, đi đến đâu thì mua ở đó. Cũng chẳng cần biết khí hậu thời tiết, phong thục tập quán ở nơi nó sẽ đến. Đã quyết chí đi phượt thì ắt vượt qua được những vấn đề nhỏ xíu này.
Một điều hay ho nữa là nó sẽ theo học hỏi thần tượng kiếm việc làm ở mấy nước châu Âu. Hình như nó không hề biết một chút thông về kinh tế khủng hoảng, vấn nạn thất nghiệp ở những miền đất hứa này? Đã thế, nó còn mơ mộng sẽ được học cả đống kỹ năng khác mà trước đây nó không có cơ hội tiếp cận như bơi, chèo thuyền, leo núi… Quả thực là hấp dẫn!
Con bé càng hưng phấn khi kể về chuyện nó có thể tiết kiệm chi phí phượt bằng “bí kíp” chủ động làm quen ngay với người lạ ngồi cạnh trên chuyến bay, rồi bắt chuyện với người lạ để đi nhờ xe… Còn vấn đề xin visa? Cũng đơn giản thôi, không xin được lần đầu thì xin lần 2, lần 3… hoặc nhờ tác động giúp đỡ.
Đấy, dễ lắm! Cứ theo như câu chuyện của em gái học hỏi từ thần tượng thì hơn 7 tỉ người trên Trái đất này ai cũng nồng nhiệt, cũng tốt bụng hết. Dù đi phượt với cái ví rỗng thì nó cũng có thể yên tâm rằng đi đến đâu cũng sẽ được người bản địa “cưu mang”…
Lắng nghe em gái thao thao bất tuyệt kể về thần tượng của mình, tôi thực sự cảm thấy lo lắng. Dường như em tôi bị ám ảnh bởi suy nghĩ quá đơn giản rằng đi phượt không cần mang theo gì cả, chỉ mang theo một niềm tin bất hủ: cứ xách ba lô và đi, cứ đi bừa là sẽ tới mà thôi.
Đi liều là tiêu
Khó trách được những người trẻ như em tôi luôn háo hức và ôm ấp giấc mơ được đi phượt. Bởi phượt đã được nhiều người tô vẽ thành màu hồng rực rỡ. Đi phượt không tốn kém lại sẽ được thưởng thức bao nhiêu là cảnh đẹp, địa danh nổi tiếng, được học cách sống độc lập, rèn luyện khả năng chịu đựng, thích nghi, được quen thêm nhiều bạn tốt…
Một số bạn trẻ còn cho rằng phượt là sành điệu, là thời thượng. Facebook mà thiếu mấy tấm hình mặc áo cờ, khăn rằn, xe máy bê bết bụi đường là quê mùa và không sống hết mình. Chỉ cần một topic trên mạng lôi kéo rủ rê, họ sẵn sàng lên đường mà không hề hình dung địa điểm đến nó ra làm sao, cần chuẩn bị như thế nào. Họ không biết rằng chặng đường phượt có đầy rủi ro…
Với kinh nghiệm 5 năm đi phượt, không nhiều nhưng cũng không ít, tôi xin mạn phép khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng phượt không phải là trò chơi giả định. Nó gian nan và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
Còn nhớ, những câu chuyện được chia sẻ khắp diễn đàn phuot.vn, phuot.net và Facebook về một nhóm phượt 50 thành viên từ Hà Nội lên Hà Giang do không đủ kiến thức về phượt nên gây tai nạn và phải ngủ bên đường dưới giá lạnh tại chợ Đồng Văn. Hay trường hợp hai bạn trẻ mất mạng trên đường lên Fansipan (Lào Cai) là bài học đắt giá.
Rồi trường hợp nhóm phượt kéo nhau đi xe máy xuyên rừng ở Hòa Bình nhưng chỉ mang theo vài chai nước ngọt, rồi lê lết vì nắng, vì đói, bị vắt bám lên người hút máu loang đỏ ra mà còn không đủ sức để đứng dậy. Vài bạn trẻ khác trong nhóm mất muối nghiêm trọng, mặt trắng bệch, rét run cầm cập cũng chẳng biết phải làm thế nào. Nếu không nhờ một nhóm người địa phương ngang qua cứu thì không rõ hậu quả sẽ ra sao.
Ngay sáng 25.6, thông tin nóng hổi từ Facebook của Cuong Q. kể lại chuyến đi quốc đảo Singapore xinh đẹp nhưng dư thừa trộm cắp: “Mình bị mất bóp giấy tờ, báo công an sở tại rồi nhưng vẫn phải ở lại thêm mấy ngày để nhờ đại sứ quán can thiệp để được về nước. May mà có đủ tiền chứ không thì chả hiểu sống thế nào trong những ngày này”.
Đấy là chưa kể đến việc giang hồ hiểm ác, Lý Thông đông không kém Thạch Sanh như bây giờ. Ở đâu cũng có kẻ muốn lợi dụng bạn như nhét hàng cấm vào tư trang hành lý, giả làm cảnh sát để lấy giấy tờ, đòi tiền chuộc. Thậm chí, bạn có thể rơi vào tay bọn buôn người…
Những trường hợp đó xảy ra rất nhiều ở nước ngoài và ngay ở Việt Nam cũng không phải không có. Giữa năm 2012, Facebook từng dậy sóng bởi câu chuyện kể chi tiết về một cô gái du lịch một mình ở Nha Trang, gặp một gã Tây có ý định bắt cóc, bán cô ra nước ngoài.
Thiết nghĩ là khôn hay dại khi làm quen với người lạ ngồi cạnh bạn trên tàu xe, với người địa phương…chỉ để mong họ sẽ cho bạn một chỗ ăn ngủ?
Bản thân tôi trong một chuyến phượt tới Mũi Đôi (Khánh Hòa) cũng đã bị lạc trong rừng và tuyệt vọng tới mức gửi hàng trăm tin nhắn “vĩnh biệt” tới bố mẹ, gia đình và bạn bè. Anh bạn đồng hành với tôi trong chuyến đi đấy tưởng chừng đã mất mạng sau cuộc nhảy ghềnh bất thành.
Những câu chuyện tại nạn bất trắc trên đường đi phượt không được chia sẻ nhiều. Đơn giản như khi bạn search cụm từ “phượt Mũi Đôi” trên Google, bạn sẽ chỉ thấy được những bài báo, bài viết trên các diễn đàn nói rằng Mũi Đôi đẹp lắm, Mũi Đôi là điểm đến mà bất cứ dân phượt nào cũng ao ước được chinh phục…
Do đó, trước khi đi phượt cần nhìn lại bản thân mình xem đã đủ bản lĩnh chưa rồi hẵng tham gia cuộc chơi thú vị nhưng nguy hiểm và phức tạp này. Đừng chỉ nghe những câu chuyện đi phượt mộng mơ mà cả tin và làm liều. Bởi, đời không như là mơ và phượt không bao giờ là thơ!
***
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: iHay
iVIVU.com Tháng Chín 20, 2013