Hoàng Su Phì là địa điểm nổi tiếng tại Hà Giang thu hút khách du lịch với những thửa ruộng bậc thang vàng óng và uốn lượn. Tuy nhiên hành trình phượt Hoàng Su Phì vô cùng gian nan và hiểm trở. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để xem review lịch trình đi Hoàng Su Phì phù hợp cho dân phượt nhé!
Gợi ý lịch trình đi Hoàng Su Phì phù hợp cho dân phượt
Những phượt thủ có thể tham khảo một trong các lịch trình dưới đây cho chuyến đi khám phá Hoàng Su Phì của mình:
Lịch trình 1: Hà Nội – Hoàng Su Phì – Đồng Văn
Đêm 1: Hà Nội – Hà Giang
Du khách có thể đến bến xe Mỹ Đình và bắt xe khách giường nằm để tới Hà Giang. Thông thường, du khách sẽ chọn chuyến đi đêm để sáng mai đến nơi có thể bắt đầu hành trình khám phá Hoàng Su Phì của mình.
Ngày 1: Tp Hà Giang – Hoàng Su Phì
Từ Tp Hà Giang, du khách đi ngược lại QL2 đến Việt Quang thì rẽ tay phải đi theo đường đến Hoàng Su Phì. Du khách tiếp tục di chuyển theo đường DT 177 là có thể đến Hoàng Su Phì. Trên đường đi, du khách có thể đi qua các địa điểm như Hồ Thầu, Bản Phùng, Bản Luốc,…du khách có thể dừng xe lại tham quan và check in ở các địa điểm trên.
Ngày 2: Hoàng Su Phì – Tp Hà Giang
Du khách có thể quay trở lại thành phố Hà Giang nếu đã tham quan và chụp ảnh tại Hoàng Su Phì thỏa thích. Buổi tối tại hà Giang du khách có thể lang thang quanh thành phố thưởng thức các món ăn ngon ở Hà Giang.
Ngày 3: Tp Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn
Du khách ăn sáng và bắt đầu hành trình khám phá các địa điểm tại Hà Giang. Du khách có thể đi thêm 50km để đến Yên Minh. Trên đường đi, du khách sẽ được ngắm nhìn rừng thông Yên Minh – nơi được mệnh danh là Đà Lạt tại Hà Giang.
Tiếp tục hành trình du khách có thể đi Phó Bảng (40km) và quay ngược lại ngã 3 đi Đồng Văn du khách sẽ tới với Sủng Là, nơi nổi tiếng bởi là địa điểm quay bộ phim Chuyện của Pao.Tối nghỉ tại Đồng Văn và thăm quan cafe Phố Cổ Đồng Văn.
Ngày 4: Đồng Văn – Lũng Cú – Dinh Vương – Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc
Đến Đồng Văn, du khách không nên bỏ qua phố cổ Đồng Văn – một khu phố với vẻ đẹp cổ kính hàng trăm năm tuổi. Từ Đồng Văn đi Lũng Cú (26km) – Dinh Vương (26km) lên với điểm cực Bắc của Việt Nam, rồi rời Lũng Cú về Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình. Trưa về nghỉ và ăn trưa tại Đồng Văn.
Ăn xong từ Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – ngắm sông Nho Quế từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng, một trong Tứ đại đỉnh đèo của dân phượt miền Bắc. Về Mèo Vạc thăm quan một số địa điểm. Từ Mèo Vạc chạy thẳng về Yên Minh nghỉ ngơi.
Ngày 5: Yên Minh – Quản Bạ – Tp Hà Giang
Từ Yên Minh quay lại Quản Bạ, lúc này tha hồ thời gian dạo chơi Cổng trời và Núi Đôi Quản Bạ. Còn thời gian có thể tranh thủ khám phá Quản Bạ hoặc đi về cho sớm. Chạy ngược về lại Tp Hà Giang trả xe máy. Tối lên xe giường nằm về lại Hà Nội.
Lịch trình 2: Hà Nội – Hoàng Su Phì – Xín Mần – Bắc Hà
Ngày 1 : Hà Nội – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang – Bắc Quang – Hoàng Su Phì (300km)
Du khách chạy theo cung đường Hà Nội – Tuyên Quang, nghỉ trưa ăn uống tại Tuyên Quang. Tiếp tục chuyến hành trình qua Tuyên Quang – Bắc Quang – Hoàng Su Phì, tối ăn uống và ngủ tại Hoàng Su Phì.
Ngày 2 : Hoàng Su Phì – Xín Mần – Bắc Hà (80km)
Du khách có thể đến thăm chợ phiên tại Hoàng Su Phì (nếu đúng phiên chợ) sau đó thăm quan các xã thuộc di tích thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Du khách có thể tham khảo các địa điểm sau: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu , Nậm Ty và Thông Nguyên. Đây là những xã có danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tuyệt đẹp với lịch sử hàng trăm năm do đồng bào các dân tộc La Chí, Dao, Nùng tạo nên bằng chính bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của mình.
Sau khi nghỉ trưa tại Hoàng Su Phì, du khách chạy sang Xín Mần rồi Bắc Hà để tiếp tục chuyến hành trình.
Ngày 3 : Bắc Hà – Si Ma Cai – Lào Cai (130km)
Ngày thứ 3, du khách có thể đi thăm quan các địa điểm du lịch tại thị trấn Bắc Hà, chợ Bắc Hà (nếu đúng phiên chợ), dinh Hoàng A Tưởng)
Đến trưa từ Bắc Hà chạy sang Si Ma Cai rồi về Tp Lào Cai. Từ đây du khách có thể lên tàu về lại Hà Nội, gửi xe máy theo tàu hỏa.
Hoàng Su Phì ở đâu, cách Hà Nội bao nhiêu km?
Hoàng Su Phì là một huyện vùng cao ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, bao gồm có 24 xã và 1 thị trấn, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Dào, Nùng, La Chí… Hoàng Su Phì nằm cách Hà Nội khoảng 300km, theo tuyến quốc lộ 2.
Từ thành phố Hà Giang, du khách đi khoảng 60km nữa để đến Hoàng Su Phì. Đường đi phượt Hoàng Su Phì khá gia nan bởi địa hình đồi núi và nhiều đoạn khó đi, thế nên đòi hỏi phải ai vững tay lái mới có thể đến chinh phục điểm đến đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc này.
Kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì du khách nên biết
Dưới đây là một số kinh nghiệm du khách nên bỏ túi trước khi bắt đầu lịch trình đi Hoàng Su Phì của mình:
Thời điểm lý tưởng du lịch Hoàng Su Phì
Chắc chắn ai biết cũng biết, Hoàng Su Phì đẹp nhất là mùa lúa chín, vào khoảng tháng 9 – 10. Đến đây lúc này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vàng, bát ngát như một bức tranh thiên tuyệt đẹp. Ở đây mỗi năm người dân chỉ trồng 1 vụ lúa, nên bạn đừng bỏ qua thời điểm này nhé.
Ngoài ra, du khách có thể đến đây vào tháng 3 – 5, tuy không đẹp như Hoàng Su Phì mùa lúa chín, nhưng lại là mùa nước đổ, lúc bà con cho nước chảy vào cánh đồng để bắt đầu mùa vụ, từ trên cao nhìn xuống Hoàng Su Phì cũng đẹp lung linh, thơ mộng không kém.
Hướng dẫn đường đi từ Hà Nội đến Hoàng Su Phì
Dưới đây là cách di chuyển từ Hà Nội đến Hoàng Su Phì dành cho dân phượt mà du khách có thể tham khảo:
Lộ trình Phượt Hoàng Su Phì bằng xe máy
Đường đi Hoàng Su Phì khá hiểm trở, nhất là vào mùa mưa có thể có thêm những hiện tượng thời tiết xấu, gây khó khăn cho du khách khi di chuyển. Do vậy, đòi hỏi du khách phải vững tay lái khi đi chặng đường này.
Đường lên Hoàng Su Phì chia theo hai ngả:
Từ đường quốc lộ 2 qua Tuyên Quang đến Hà Giang đi xuyên vào Hoàng Su Phì
Hoặc bạn có thể di chuyển từ phía đường Bắc Hà (Lào Cai) qua Xín Mần.
Du lịch Hoàng Su Phì bằng xe khách
Từ Hà Nội bạn có thể bắt những tuyến xe khách Hà Nội – Hà Giang, có rất nhiều nhà xe ở bến xe Mỹ Đình. Với giá dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/người, du khách có thể hoàn toàn yên tâm về dịch vụ trên xe.
Sau đó đến ngã ba Bắc Quang thì du khách chuyển sang xe đi Vinh Quang – Hoàng Su Phì, quãng đường này mất khoảng 58 km nữa.
Du lịch Hoàng Su Phì nên ở đâu?
Hoàng Su Phì là một huyện khá hẻo lánh nên chưa có nhiều nhà nghỉ cũng như các khách sạn. Bởi vậy, du khách cần tìm hiểu trước qua các website hoặc hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để chọn cho mình những khách sạn hoặc homestay chất lượng.
Du khách có thể tham khảo một trong các nơi sau: Hoang Su Phi Lodge, Dao Homestay, Viet Phu Le Gia, Skyview Khánh Đinh,…Đây là những địa điểm có chất lượng dịch vụ tốt và giá cả hợp lý được review từ những du khách đã từng trải nghiệm.
Địa điểm ngắm ruộng bậc thang đẹp ở Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì thu hút du khách ghé thăm bởi nơi đây có những thửa ruộng bậc thang đẹp. Vậy đi đâu để có thể tận hưởng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang này?
Ruộng bậc thang Bản Phùng: xã này nằm gần biên giới Trung Quốc, cách thị trấn Vinh Quang 30 km, phải men theo một con đường nhỏ, du khách sẽ gặp những thửa ruộng bậc thang nằm cheo leo bên dốc núi.
Ruộng bậc thang Hồ Thầu: cách xã nậm Dịch 16km, là ruộng của người dân Dao Đỏ, rất rộng, mênh mông bát ngát, cao ngút tầm mắt, ruộng đều và ít dốc.
Ruộng bậc thang Bản Luốc: có địa hình núi đất, dốc vừa phải nên có rất nhiều ruộng bậc thang theo hình lượn sóng hoặc cánh cung, ruộng ở đây chủ yếu là của người dân tộc Dao và Nùng.
Ruộng bậc thang Thông Nguyên: địa điểm ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất ở Hoàng Su Phì, nhất là đoạn km số 24, trên đoạn đường từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì.
Ruộng bậc thang Nậm Ty: cũng nằm trên km số 24, nhưng đây là ruộng của người Dao Đỏ và nơi đây đã được công nhận là di tích Quốc gia ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì.
Lịch trình đi Hoàng Su Phì sẽ cho du khách tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những cánh đồng ruộng bậc thang màu vàng óng của lúa chín. Cảnh yên bình tĩnh lặng của các bản làng mà du khách khó tìm thấy trong cuộc sống xô bồ hàng ngày.
Những món ăn nổi tiếng Hoàng Su Phì
Ẩm thực Hoàng Su Phì cũng giống như hầu hết các món ăn ngon Hà Giang. Đến đây, du khách không nên bỏ qua những đặc sản như: thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, thắng cố,….Đây đều là những món ăn truyền thống và đặc trưng của người Hà Giang.
Đặc biệt, tại Hoàng Su Phì còn khá nổi tiếng với món thịt chuột của người dân tộc La Chí. Chuột được chế biến thành nhiều món rất thơm ngon như chuột nướng, chuột xào, chuột treo gác bếp…Nếu người dân tộc kinh có thịt lợn là món ăn hàng ngày, thì người La Chí có thịt chuột có thể ăn quanh năm suốt tháng.
Thịt chuột có mặt trong bất kỳ lễ hội hoặc các lễ cúng của người La Chí. Và ngày nay món thịt chuột trở thành một trong những đặc sản Hà Giang khiến nhiều thực khách tò mò. Nếu phượt Hoàng Su Phì mà không nếm thử thịt chuột thì thật là một thiếu sót rất lớn.
Những lưu ý cho lịch trình đi Hoàng Su Phì
Dưới đây là một số lưu ý du khách nên bỏ túi để chuyến hành trình đến Hoàng Su Phì được trọn vẹn hơn:
- Nếu du khách phượt Hoàng Su Phì bằng xe máy thì cần mang theo đầy đủ giấy tờ, xe đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật khi đi đường núi như có đèn pha, phản quang, phanh…
- Thời tiết ở Hoàng Su Phì khá lạnh, bởi vậy, du khách nên chọn những trang phục phù hợp khi du lịch vùng đồi núi như áo khoác.
- Du khách cũng có thể mang thêm kẹo bánh, đồ ăn vặt vì ở đây thường không có hàng quán nhiều.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về lịch trình đi Hoàng Su Phì mà chúng tôi muốn gửi đến du khách. Hy vọng sau bài viết này, du khách đã có thêm những thông tin hữu ích để chuẩn bị cho chuyến đi thật tốt. Chúc du khách có một chuyến đi đến Hoàng Su Phì thật trọn vẹn và nhiều trải nghiệm đáng nhớ!