Với những tín đồ đam mê trekking, dã ngoại, cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng không còn xa lạ. Chỉ mất khoảng 2 tiếng rưỡi chạy xe máy từ Sài Gòn, đây là một trong những điểm đến lý tưởng mà bạn có thể tổ chức cắm trại cùng gia đình và bạn bè vào các dịp cuối tuần hoặc ngày lễ. Hãy cùng Camping Việt theo chân cô bạn Rika Nguyễn trải nghiệm cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng để xem liệu nơi này có thực sự “chill” như lời đồn không nhé!
Địa chỉ cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nằm tiếp giáp với 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng là một địa điểm cắm trại gần Sài Gòn không thể bỏ qua. Dễ dàng di chuyển và có nhiều bãi cắm trại, nơi đây mang đến vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng cùng không khí trong lành, mát mẻ.
Lộ trình di chuyển đến Hồ Dầu Tiếng
- Từ Sài Gòn, đi theo quốc lộ 13 đến Ngã ba Suối Giữa (thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), rẽ trái vào đường Nguyễn Chí Thanh.
- Tiếp tục chạy theo đường Nguyễn Chí Thanh đến đường ĐT744.
- Trên đường ĐT744, rẽ phải vào đường Cách Mạng Tháng Tám, sau đó rẽ phải vào đường Trần Văn Lắc. Tiếp tục theo đường Trần Văn Lắc và rẽ phải vào đường DT702.
- Theo đường DT702 dọc bờ hồ, bạn sẽ đến chỗ hạ trại.
Thời điểm lý tưởng để cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng
Theo kinh nghiệm, thời điểm thích hợp nhất để cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng là vào các ngày hè hoặc đầu thu. Trong những tháng hè khô hanh, nắng nóng khi hồ xả đập có lượng nước thấp, Hồ Dầu Tiếng trở nên cạn nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham quan và ngắm cảnh. Bạn cũng có thể xuống lưu vực hạ nguồn để tắm.
Mùa hè có thể hơi nóng, nhưng ít mưa nên di chuyển thuận lợi. Còn đầu thu, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, rất lý tưởng để trải nghiệm cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng. Nếu bạn cắm trại trong những ngày có mưa, nhiều mây, việc ngủ ngoài trời sẽ gặp nhiều rủi ro hơn và khó có thể chụp được những bức ảnh sống ảo tuyệt đẹp.
Lịch trình cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng
Theo chia sẻ của cô bạn Rika Nguyễn, đội nhóm hẹn nhau ở bến xe An Sương và di chuyển đến Hồ Dầu Tiếng. Sau chừng 2 tiếng rưỡi, tụi mình đã đến địa điểm tuyệt vời này (do trời mưa và đợi nhóm nên đi hơi chậm). Đến nơi, tụi mình cùng nhau cắm trại và tận hưởng cảnh hoàng hôn đẹp mơ màng. Núi Bà Đen xuất hiện mờ ảo sau những làn mây cùng phong cảnh hữu tình tại Hồ Dầu Tiếng, tạo điều kiện cho những bức ảnh sống ảo tuyệt đẹp. Sau khi ngắm bình minh, tụi mình ăn sáng, uống cà phê và thưởng thức hoa quả. Sau đó, tụi mình dọn lều và bắt đầu hành trình tham quan suối Trúc.
Ngoài cắm trại, câu cá và chèo SUP (Stand-up Paddleboarding) cũng là những hoạt động thú vị bạn có thể trải nghiệm tại Hồ Dầu Tiếng. Giá thuê thuyền SUP thường dao động từ 300.000 đến 500.000 VNĐ/ngày (có thể thay đổi tùy theo thời điểm).
Lưu ý khi cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng
Khi cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng, vì đây là một điểm đến hoang sơ ở Tây Ninh, bạn nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cá nhân cần thiết cũng như trang thiết bị cắm trại. Dưới đây là một số lưu ý cho chuyến cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng:
- Chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, lều bạt, thuốc sơ cứu, quạt pin, thuốc diệt muỗi… để có một chuyến đi thực sự hoàn hảo.
- Chuẩn bị bản đồ và lộ trình đi trước cho chuyến du lịch tại Hồ Dầu Tiếng, để sẵn sàng khi hết điện thoại hoặc mạng 4G không có kết nối.
- Mang theo đồ tắm nếu bạn muốn tắm ở hồ Dầu Tiếng hạ nguồn.
- Mang theo quần áo dài tay để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và sự gây khó chịu của côn trùng.
- Mang giày thấp, đế bằng để di chuyển thuận tiện trong chuyến đi.
- Không nên đi quá khuya vì đường đi đến Hồ Dầu Tiếng rất nhỏ và nguy hiểm.
Hi vọng rằng bài đánh giá về việc cắm trại tại Hồ Dầu Tiếng của cô bạn Rika Nguyễn sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích trước khi trải nghiệm nơi này!
Nguồn ảnh: FB Rika Nguyễn