“Dốc A Lù – sương mù Y Tý”- Vì câu nói truyền tai nhau này mà Kame đã có được hành trình tuyệt vời đến với vùng biên giới xa xôi Y Tý ngời sức sống nơi miền biên cương này. Những địa danh như Phìn Hồ, Lao Chải, Sim San, Sín Chải, Hồng Ngài, Trịnh Tường, Choản Thèn, Ngải Thầu… khiến người ta có cảm giác vùng đất này như một thế giới khác.
Mang trong mình mục đích săn mây và chinh phục những cung đèo hiểm trở, những con đường xa lạ đầy quyến rũ của xứ trời Tây Bắc. Cảm giác đứng trên mỏm đá cao cao, phóng tầm mắt ra xa, nhìn những căn nhà trình tường mang đến một vẻ đẹp hữu tình, rắn rỏi mà ấm áp. Vượt bao nhiêu km đường đèo hiểm trở nếm đủ cay đắng ngọt bùi để được đứng trên cột mốc 94 Lào Cai – để cảm nhận được ranh giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, để biết được rằng, cha ông ta đã phải chiến đấu, kiên cường hy sinh để có thể giữ yên bờ cõi thế nào.
1. Y TÝ ở đâu?
Y Tý là 1 xã nghèo vùng cao biên giới của xã 135 thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai, nằm trên độ cao 2000m so với mực nước biển. Toàn xã có tổng số gần 800 hộ sinh sống trên 16 thôn bản với 4 dân tộc anh em (Mông, Hà Nhì, Dao, Kinh). Đây là nơi sinh sống duy nhất của người dân tộc Hà Nhì tại Việt Nam
Y Tý là địa danh quanh năm giá lạnh, mùa đông dài 8-9 tháng. Mây phủ đặc quánh trên các triền núi, như có thể lội qua cầu mây để sang đến bên kia là Trung Quốc
2. Nên đi Y Tý vào thời gian nào?
Khí hậu Y Tý mát mẻ quanh năm nhưng mùa đông lại vô cùng khắc nghiệt. Thậm chí có những lúc nhiệt độ xuống đến âm độ C. Vậy nên bạn đến Y Tý mùa nào cũng đẹp.
+ Từ tháng 9 – tháng 4 năm sau: Thời điểm thích hợp nếu muốn đi săn mây Y Tý, bởi khung cảnh lúc này kỳ vĩ như đang đứng trên 9 tầng mây vậy.
+Từ tháng 8 – giữa tháng 9: Y Tý sẽ khoác lên mình tấm áo mới màu vàng ươm khi những cánh đồng lúa đang bước vào vụ thu hoạch. Và được xếp vào những địa điểm du lịch Tây Bắc săn lúa chín đẹp nhất, không thua kém những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì hay Mù Cang Chải
+Từ tháng 5 – tháng 6: Thời điểm Y Tý vào mùa nước đổ, khung cảnh có một không hai tại những bản làng trên cao nguyên độc đáo.
+Tháng 1- tháng 3: mùa cuối đông đầu xuân khác nghiệt ở Y Tý, nhiều năm sẽ có tuyết rơi khắp bản làng trắng xóa
+ Một số ngày Lễ tết ở Y Tý
= Lễ cúng rừng Gạ Ma Do diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm.
= Lễ Dư Dò Dò của đồng bào Hà Nhì ở xã Y Tý cầu cho năm mới mọi người luôn khỏe mạnh . Mùa màng Bội thu.
= Lễ hội KHÙ GIÀ GIÀ của Dân tộc Hà Nhì. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Hà Nhì đen ,thể hiện nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp,thần rừng thần nước.cầu cho mùa màng bội thu cây cối tươi tốt,chăn nuôi phát triển và cầu cho dân bản ấm no hạnh phúc, được tổ chức 5 ngày, bắt đầu vào ngày 10/5 âm lịch- ngày Giáp thìn đến hết ngày Bính Ngọ tức ngày 12/5 âm lich.
= Tết Ga Tho Tho diễn ra trong 3 ngày từ mùng 9 đến 11 âm lịch
3. Phương tiện di chuyển?
-✈️ Máy bay: Di chuyển bằng máy bay dành cho các bạn ở miền Nam hoặc miền Trung bay đến sân Bay Nội Bài (Hà Nội). Giá vé tùy thời điểm mọi người mua có thể cao hoặc thấp, nếu mua trước nhiều tháng sẽ tiết kiệm được chi phí
– Tàu hỏa: Hãy 1 lần thử mua vé tàu hỏa từ Ga Hà Nội => Ga Lào Cai để trải nghiệm. Khoang tàu nằm vừa đẹp, vừa sạch. Ngủ một giấc là đến Lào Cai rồi. Giá vé dao động từ 380k-500k-600k tùy loại
-Xe khách: xe Sao Việt, hoặc xe Hà Sơn – Hải Vân, các nhà xe này đều uy tín và xe mới, có thể chọn loại có cabin đôi hoặc giường đơn, xe siêu êm, mới,đẹp, sạch sẽ và có hẳn chế độ rung lắc giải tỏa mệt mỏi.
– 🚗 Ô Tô: ai có bằng lái thì thuê xe chạy bon bon từ Hà Nội/Lào Cai/Sapa đến Y Tý. Hoặc thuê hẳn ô tô có tài xế lái, hoặc khi đến tp Lào Cai có thể thuê xe ngay quán cafe Thu (ngay Ga Lào Cai) Anh chị chủ có cho thuê (địa chỉ mình sẽ note bên dưới). Đi ô tô thì tiết kiệm được thời gian và sức khỏe nhưng không phê như xe máy
-🛵 Xe máy: Có thể đi xe máy từ Hà Nội=> Y Tý nếu đủ thời gian, sức khỏa và kỹ năng kinh nghiệm đi đèo vì đường rất rất xấu. Hoặc đi xe khách đến Sapa/ Tp. Lào Cai rồi thuê xe máy chạy lên Y Tý.
4. Lưu trú ở đâu?
Homestay Y Tý Cloud, một nơi dừng chân lý tưởng của Kame, homestay đầy đủ tiện nghi, đồ ăn ngon, Anh Chủ là người Hà Nhì đen nên hiểu rất rõ về văn hóa con người ở đây để có thể chia sẻ với du khách muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa của Y Tý. Và homestay rất là đẹp luôn. Kame đã ở khá nhiều homestay ở Y Tý nhưng nơi đây là nơi ưng ý nhất
5. Chơi gì ở Y Tý?
– A Lù: vì đường xá đi lại khá khó khăn mà xã A Lù vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ với những dãy núi cao, đồ sộ, xen lẫn trong các thửa ruộng, bản làng,… Sống rải rác bên các lưng núi là bà con dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Hà Nhì. Họ canh tác ruộng bậc thang ở khắp nơi. Nên vào mùa gặt, cả xã A Lù như một bức tranh sống động của màu vàng và màu xanh vô cùng hài hòa, tuyệt mỹ.
– Ngải Thầu: đi từ A Lù sang Ngải Thầu tức là bạn đã đi qua đoạn đường đẹp nhất trong hành trình chinh phục Y Tý mùa lúa chín vàng, mùa săn mây.
-Thôn Lao Chải: chính là nơi mà người dân Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở Y Tý. Tới đây, bạn có thể chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường độc đáo của người Hà Nhì với tường được đắp bằng đất và mái ngói được lợp bằng rơm. Bên trên những tấm ngói rơm ấy phủ đầy rêu phong và cây cỏ, trông cứ như những cây nấm khổng lồ trong thế giới “thần tiên” nằm sâu trong rừng thẳm, của những câu truyện cổ tích vậy. => Nhưng hiện nay chỉ còn được 3 nhà cổ thôi ^^
– Dền Sáng: nằm ngay trên đường lên Y Tý, cách Y Tý khoảng độ 10km, là nơi có những thửa ruộng bậc thang ươm vàng như mật, vàng nhất cả tỉnh Lào Cai vào mùa lúa chín đấy.
– Núi Lảo Thẩn, Núi Nhìu Cồ San, hay đỉnh Bạch Mộc Lương Tử: Với những ai ưa mạo hiểm, thì trekking xuyên rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi
– Chợ phiên Y Tý: Cứ thứ 7 hàng tuần thì lại tổ chức họp chợ một lần. Vào những ngày họp chợ này, người dân từ các bản làng lại nô nức xuống chợ như đi hội. Họ ăn vận những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, đẹp và sặc sỡ, xuống chợ trao đổi.
– Cầu Thiên Sinh: Cầu Thiên Sinh toạ lạc ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Y Tý khoảng 10 km. Theo tiếng người Hà Nhì, cầu có tên Thiên Sân Shù tức là “trời sinh”. Cây cầu này có nét đặc biệt là ngắn 1m, trước đây cầu chỉ là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe suối sâu hun hút. Từ hàng trăm năm trước, khối đá đó bị nứt tạo ra khe đá này, đây cũng là biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Ngày nay người dân đã làm cầu bê tông thay cho cầu cũ. Đứng trên cầu nhìn xuống vực đá sâu lòng suối Lũng Pô gầm gào bọt tung trắng xoá.
Lịch trình phượt Y Tý 2 ngày 3 đêm cho các bạn phượt xe máy tham khảo:
-Ngày 1: Tối thứ 6 đi xe khách giường nằm hoặc tàu hỏa từ Hà Nội lên Lào Cai
-Ngày 2: Lào Cai – Bát Xát (11km) – Trịnh Tường (26km) – Lũng Pô (19km) – A Mú Sung (7km) – A Lù (7km) – Ngải Thầu (5km) – Y Tý (7km)
Ngày thứ 2 này sẽ mất khoảng gần 1 ngày cho quãng đường 80km, các địa điểm có thể dừng chân bao gồm Cột mốc 92 – nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam, đoạn đường từ A Lù đi Y Tý vào mùa lúa sẽ đẹp mê hồn, cầu Thiên Sinh (mốc 87) nối với Trung Quốc, chiều nếu còn sớm có thể đi theo vào một số thôn như Sín Chải, Lao Chải hoặc xa hơn là Hồng Ngài.
-Ngày 3: Có 2 lựa chọn là về Sa Pa hoặc đi đường Bản Xèo về Bát Xát rồi về lại Tp Lào Cai +Phương án 1: Y Tý – Dền Sáng (29km) (hoặc Dền Thàng, đường nào cũng về Mường Hum) – Mường Hum (10km) – Sa Pa (42km). Nếu về Sa Pa, các bạn có thể ở lại thêm một ngày để du lịch Sa Pa hoặc chơi ở Sa Pa khoảng vài tiếng rồi lên xe về Hà Nội. Nhớ ghé quán cafe đẹp nhất ở Sa Pa nhé.
++Phương án 2: Y Tý – Dền Sáng (29km) (hoặc Dền Thàng, đường nào cũng về Mường Hum) – Mường Hum (10km) – Bản Vược – Bát Xát – Lào Cai. Ngày thứ 3 này sẽ đi dọc theo rừng nguyên sinh ở Y Tý, chính là con đường từ Y Tý về Mường Hum, nếu đi vào ngày chủ nhật sẽ đúng phiên chợ Mường Hum.
Lịch trình phượt Y Tý 4 ngày 4 đêm cho các bạn phượt xe máy tham khảo:
-Ngày 1: Sài gòn – Hà Nội – Sapa
-Ngày 2: Sapa- Ô Quy Hồ- Lai Châu- Y Tý
6h sáng bọn mình được xe trung chuyển đến homestay Viettreking (số 33 Hoàng Liên, sapa) để nhận xe. Vì dự định của nhóm mình là sau khi đi Y Tý sẽ quay về Sapa chơi nên book xe máy ở đây cho tiện lợi. Homestay này ok lắm, lễ tân siêu dễ thương, phòng ốc rất ổn, có phòng dorm lẫn gia đình.
Cảnh xung quanh đẹp vì phía dưới chính là thung lũng Mường Hoa, mỗi ngày đều nhìn thấy tàu hỏa leo núi lên Fansipan, cảnh đẹp tha hồ chụp ảnh. Bọn mình tranh thủ ăn sáng ở đây luôn và bơm đầy xăng ở khu gần bến xe. Mấy bạn lưu ý nha. Có mỗi một cây xăng thôi nên tranh thủ bơm đầy bình.
-Đường đèo Ô Quy Hồ đoạn Sapa qua Lai châu đi Bản Bo khá đẹp, so với các đèo khác đã đi qua như Mã Pí Lèng thì không quá nguy hiểm và trắc trở. Tha hồ đổ đèo đối với ai đam mê tốc độ, tận hưởng cung đường ngoằn nghèo uốn lượn, dọc đường sẽ có vài nơi có bán xăng lẻ nếu bạn quên đổ đầy bình xăng. Nhưng nhớ là đừng ỷ lại. Bọn mình còn nửa bình xăng nhưng vừa lên đèo tầm 10km là hết sạch. 😂
Bản Bo nổi tiếng với guồng nước bản Nà khương hay còn gọi là Cọn nước Nà Khương của người Thái. Không may là lúc đến bản người ta vừa dỡ mất, phải 2 tuần sau mới dựng lại. Nhưng nếu bạn nào muốn check in vs bánh xe khổng lồ này thì trên đường tới bản Bo có khu du lịch (mà Kame thấy đầu tư chưa tới nên hơi luộm thuộm xác xơ tí). Nơi này có dựng một hàng cọn nước tầm 9, 10 cái. Mà nói chung là sẽ phải mua vé 30k vào cổng. Rời Bản Bo đi về Bản Hon nơi có điểm du lịch văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên … tìm không ra. Bọn mình hỏi dân địa phương thì được biết vẫn đang là dự án.
Rời Bản Hon lên đường đi Y Tý, buổi trưa ghé một quán ven đường ở Lai Châu ăn trưa, đồ ăn cũng là những món quen thuộc của tây bắc như cá suối, thịt trâu, rau rừng…. Đồ ăn tạm được không quá đặc sắc.
Rời Lai Châu đi Y Tý, bọn mình chọn cung đường Mường Hum. Đường đi có đoạn đẹp như mơ và có đoạn chỉ dám đi 1 lần. Đường rất rất xấu, mùa mưa hay có sạc lỡ. Và nếu đi rơi vào đêm thì khá nguy hiểm vì không có đèn hay các dãy phản quang. Vậy nên nếu mọi người đi thì tranh thủ đến Y Tý vừa kịp tối nha
Tầm 6h30 tối thì đến homestay Y Tý clouds, cách chợ Y tý 1km. Nơi dừng chân lý tưởng 1 ngày 2 đêm của team mình. Homestay dễ thương nhất Y Tý. Bọn mình đặt ăn sáng, trưa và tối ở đây luôn. Bạn có thể chụp nghìn góc sống ảo ở đây. Homestay có view trên cao nhìn xuống thung lũng cực đẹp. Có những ngày mây lùa qua cửa sổ luôn.
Ngày 3: Chợ phiên Y Tý – Cầu Thiên Sinh – Choản Thèn
Sáng ra thì được Chị Sơ đãi hẳn món … mì gói nấu heo cặp nách và rau Tả Phì (đặc sản ở vùng này). Sau khi no say lên đường đi cầu Thiên Sinh.
Khung cảnh thật đúng như tên gọi Thiên sinh – Trời sinh. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là thung lũng sâu thẳm. Phía bên vách đá nứt ra ăn sâu vào núi như không có điểm dừng, đứng từ trên cầu nhìn xuống là dòng suối Lũng Pô tung bọt trắng len lỏi chảy giữa hai bên vách đá dựng đứng và gầm vang tiếng sóng nước xô vào ghềnh đá, đổ xuống thung lũng bên dưới. Cây cầu vỏn vẹn 2m đã được xây dựng lại. Nơi giao thương giữa VN và nước bạn.
Phía Trung Quốc có hẳn 2 anh bạn “soái ca” canh giữ. Bên phía VN có hẳn 2 hàng quán trú nắng mưa với đủ loại bánh kẹo và nước uống từ ta sang trung phục vụ du khách check in cột mốc 82.
Chắc do đi nhiều vùng biên giới và cửa khẩu nên cảm thấy ở đây xơ xác không nhộn nhịp cho lắm. Cái đọng lại là cung đường dốc miên man không lan can. Lâu lâu xuất hiện vết tích sạc lỡ vực sâu và để qua được đến đây phải đi ngang con thác róc rách đầy nước lổm chổm đá sỏi.
Trên đường trở về homestay cho bữa trưa thì nhóm mình đã ” càn quét” chợ phiên Y Tý – phiên chợ văn hóa với rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, đôi khi còn có cả người Trung Quốc từ bên kia biên giới cũng sang trao đổi mua bán hàng hóa ở đây. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức, cùng nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên đa sắc màu.
Đặc biệt trái cây ở đây cực rẻ, cực cực rẻ. Nào là hồng, táo, lê, cam… 20k/ kg giá trung bình. Mua rổ hổng to tướng có 15k. Mua chưa đến 200k tiền trái cây cho cả bọn ăn hẳn 3 ngày.
Tầm 4h chiều bọn mình di chuyển đến Lao Chải cách Y tý khoảng 4km – mục đích là ngắm hoàng hôn bản Choản Thèn. Nơi sinh sống của người dân Hà Nhì với những căn nhà Trình Tường bằng đất phủ.
Ở cuối bản có một cái cây lớn. Hằng năm, cả làng sẽ treo một cái xích đu ở đây trong một dịp lễ của làng. Dây treo xích đu được lấy từ rừng, chứ không phải dây thừng. Vì thế, dây chỉ bền sức trong khoảng 10 đến 12 ngày rồi phải cắt đi. Việc treo xích đu trong mấy ngày sẽ do các bậc trưởng bối trong làng họp lại và quyết định.
Bọn trẻ con vẫn thường dẫn nhau ra đây chơi như một thói quen, dù có chiếc xích đu hay không. Buổi chiều ở bản Choản Thèn của tụi mình là một buổi chiều tự do giữa mênh mông đất trời và tiếng nói cười của những em bé vùng cao.
Đêm về ở homestay, quây quần bên nhau thưởng thức món gà nướng, cá suối nướng, nhấp chén bia Hà Nhì hay quây quần bên nổi lẩu gà núi, kể nhau nghe những chuyện vui buồn hay những hành trình miên man phía trước.
Ngày 4: Y Tý – Lào Cai – Sapa
Rời Y tý bọn mình thả dọc đèo đi 1 cung đường DT158 siêu đẹp, thi thoảng có mấy con dốc đang được đổ đá làm đường khá khó đi, còn lại thì đẹp thôi rồi, đứng trên cao nhìn thấy xa xa là con sông lớn. Đi qua nhà cổ Hà Nhì đến Trình Tường và rồi chạm cột mốc 94, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
-Đứng nơi ranh giới giữa 2 bờ sông, cảm giác không gì tả nỗi. Chúng tớ lại tiếp tục theo DT156 về Bát Xát, sau đó theo đường đèo 4D về với Sapa. Kết thúc hành trình chinh phục những con đường đầy “cay – đắng – ngọt – bùi”
– 2h check in homestay Viettreking. Lay lắt mãi để ráng về Sapa ăn trưa, thưởng thức lẩu cá hồi, gà đen, lợn bản tại nhà hàng Adam gần công viên hồ nước. 3h di chuyển đến bản Cát Cát của người Mông- từ trung tâm thị trấn Sapa đến cổng của bản chỉ khoảng hơn 2km. Bạn có thể lựa chọn hình thức đi bộ, có thể kết hợp ngắm cảnh núi rừng và chiêm ngưỡng toàn bộ bản làng từ trên cao. Nhưng theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên đi taxi để dành sức đi bộ quanh bản 3-4km.
Bản Cát Cát đẹp thế nào thì chỉ có thể tự bạn trải nghiệm. Nơi đủ ngón nghề ăn chơi nhưng vẫn giữ được nét dân bản vốn có. Trung tâm bản là con Thác lớn với dòng suối trong mát. Nơi cho ra 800 nghìn bức ảnh sống ảo cho bạn. Giữa núi rừng phố bản, róc rách suối reo, bên tai là âm thanh tiếng sáo của anh chàng người Mông vi vu giai điệu của núi rừng. Chỉ 1 chữ Tuyệt.
-7h là thời gian ăn tối của đêm cuối ở Sapa. Thời gian cho ăn chơi và dạo đêm. Lang thang qua công viên nhà thờ đá. Dọc đường về là những khách sạn 5 sao đậm chất Âu. Sapa với mình đã đô thị hóa chả khác gì Đà Lạt. Tuy nhiên, nếu bạn chưa đi thì có thể 1 lần đến Sapa để check in và tận hưởng không khí Tây Bắc.
Ngày 5: Sapa – Hà Nội – HCM
8h30 bắt đầu chuyến xe về Hà Nội. Tầm 15h là về đến bến xe rồi. Chúng mình thuê hẳn 1 phòng khách sạn ở phố cổ để tắm rửa, nghỉ ngơi. Dạo quanh Hồ Gươm, ăn tô bún đậu, nhấp ly cafe trứng. Thế cũng đủ cho 1 chiều Hà Nội.
20h30, bay về Sài gòn, về lại với cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền. Để lại nhớ nhung nơi Đại Ngàn gió núi. Hẹn Tây Bắc mùa sau.
Lịch trình 3 ngày 3 đêm khám phá Y Tý mùa đông:
-Ngày 1: HCM-Hanoi- Lào Cai
Tối thứ 6 bay từ HCM đến Hà Nội rồi đi taxi về ga tàu hỏa Hà Nội đến Lào Cai chuyến 10h tối. tàu SP3, loại tàu có khoang buồng 4 hoặc buồng 6 với giá vé từ 380k – 500k -600k hoặc tàu du lịch Sapaly Express. Hoặc đi xe khách giường nằm từ ngã tư cao tốc lên thẳng Lào Cai/Sapa, xe Hà Sơn Hải Vân
-Nên trải nghiệm đi tàu hỏa từ Hà Nội lên Lào Cai một lần vì sự an toàn (về đêm), và trải nghiệm sự tiện nghi ở phương tiện mà lâu nay đa phần mọi người vẫn nghĩ chậm chạp, cũ kỹ. Giờ thì tàu hỏa đã thay đổi, đã lột xác, tiện nghi như khách sạn thu nhỏ nếu trải nghiệm các toa tàu du lịch như Victoria Express, Sapaly Express…
-Ngày 2: Lào Cai – Y Tý – Cầu Thiên Sinh
-5h sáng tàu đến ga Lào Cai khi trời đông còn tối và mịt mù sương. Dừng chân tại quán Chị Thu ngay sát ga tàu, chúng mình nhâm nhi ly cafe nóng trong khi chờ chị Thu gọi giúp 1 chiếc taxi đi vòng quanh tp. Lào Cai.
Trước khi thuê xe đi Y Tý thì bọn mình dành vài tiếng buổi sáng để đi vòng quanh thành phố Lào Cai khám phá.
Nên đi đâu tại thành phố Lào Cai?
+Câu trả lời đầu tiên chắc chắn sẽ là cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu. Nếu chưa đi thì sẽ chưa biết Hà Khẩu (TP Lào Cai – Việt Nam) cách Hà Khẩu (Trung Quốc) chỉ một con sông Nậm Thi ngắn ngủi. Việc làm thủ tục nhập cảnh giữa hai nước cũng tương đối đơn giản và nhanh gọn nên gần đây mọi người du lịch đến Hà Khẩu rất nhiều. (bài viết sau mình sẽ viết về cách đi Hà Khẩu)
+Cột Mốc 102 (2) tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai làm bằng đá hoa cương nguyên khối, trọng lượng xấp xỉ 1 tấn, được khởi công vào năm 2001 và khánh thành vào tháng 7/2022. Từ cột mốc 102 (2) Việt Nam nhìn sang bên kia sông biên giới Nậm Thi là vị trí cột mốc 102 (1) đặt tại cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu thuộc thị trấn Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Dạo quanh Đền Thượng linh thiên đà bản sắc dân tộc của người dân Lào Cai. Rồi đi bộ dọc các con phố trung tâm hay ghé chợ Cốc Lếu mua sắm đều là những trải nghiệm độc đáo không thể bỏ qua khi đến Tp. Lào Cai.
Chợ Cốc Lếu tọa lạc tại trung tâm thành phố Lào Cai và là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh. Khu chợ được xây dựng với diện tích gần 8000m² với hơn 600 ki-ốt lớn nhỏ và 700 hộ gia đình kinh doanh. Nơi đây là địa điểm kinh doanh của hơn 25 mặt hàng từ phổ thông, cao cấp đến các mặt hàng xa xỉ hay các ngành hàng làng nghề truyền thống, đa dạng các loại như hàng gia dụng, mỹ nghệ, thảo mộc, rau củ…
9h sáng Chúng mình bắt đầu di chuyển lên Y Tý trên con xe bán tải và bàn tay lái điêu luyện của a Xuy – chủ homestay Y tý Clouds nổi tiếng bậc nhất. Anh ấy là một chàng trai trẻ người Hà Nhì làm du lịch, luôn mong muốn giới thiệu văn hóa địa phương đến với mọi người và góp phần phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa nơi đây.
Đường lên Y Tý đoạn gần Lào Cai đang được cải tạo đổ bê tông khá đẹp. Đặc biệt đi vào ngày cuối đông đầu xuân hai bên đường cây cổ thụ trụi lá nhưng khắp nơi lại phủ hồng bởi sắc đào trong sương sớm
Sau bữa cơm trưa tại nhà anh Xuy bọn mình thuê xe máy và chạy xuống thôn Lao Chải để đến cầu Thiên Sinh. Đường đi Lao Chải khá xấu, đường dốc cao, nhiều đoạn cua tay áo và không có rào chắn. Bù lại cảnh hai bên đường rất đẹp, Trên đường đi sẽ đi ngang qua một con suối đầy đá cuội khá nguy hiểm nếu gặp ngay ngày mưa nhiều nước.
Để đến được cầu Thiên Sinh chúng ta phải gửi xe lại trạm biên phòng và đi bộ xuống dốc. Con dốc khá lớn nhưng được đổ bê tông sạch đẹp.
Cầu Thiên Sinh trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này. Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Theo thời gian, hòn đá bắc qua khe sâu cứ mòn lõm dần đi, người dân qua đây phải bắc những thanh gỗ làm cầu rồi xây cầu bê tông như bây giờ.
Cầu chỉ ngắn chừng 1m, Đứng trên cầu nhìn xuống, người thần kinh vững mấy cũng có cảm giác chóng mặt, bởi dưới vực đá sâu là dòng suối Lũng Pô ngày đêm gầm vang tiếng sóng nước xô vào ghềnh đá. Từ dưới nhìn lên thấy vách đá dựng đứng gần trăm mét, giữa khe sâu dòng nước như con ngựa bất kham hí vang, tung vó, “bờm sóng” đổ xuống ào ạt. Những tảng đá lớn, nhỏ được dòng nước mài giũa nhẵn bóng đủ các hình thù tầng tầng, lớp lớp. Có lẽ chính vì sự hùng vỹ này mà dòng suối có tên gọi Lũng Pô, tức là Rồng bố, rồng thiêng trên thượng nguồn “cửa thác” Bát Xát.
-Ngày 3: Chợ phiên Y Tý – Choản Thèng
Ngày xuân ở Y Tý rất rét lạnh, nằm trong chăn điện ở homestay mãi không muốn dậy luôn. Tuy nhiên cái bụng đã réo gọi nên phải lục tục khăn choàng, áo giữ nhiệt, mũ len, áo ấm vớ các kiểu như đi đánh trận rồi rời giường ra ăn sáng. Cafe + mì gói + view triệu đô tạo nên một trải nghiệm khó quên với bất kỳ ai đến đây.
Sau khi ăn uống no say thì đi dạo vòng quanh homestay của Anh Xuy chụp ảnh, như đã nói, homestay này là cả một kho tàng background xịn cho các bạn thích chụp ảnh, vì đứng góc nào cũng đẹp.
Hoa Đào chớm nở trong sương sớm ở homestay Y Tý Clouds
Sau khi no say bọn mình được Anh Xuy chở cho đi chợ phiên khám phá.
Chợ Y Tý nằm ngay trung tâm xã, chợ thường được họp vào ngày thứ 7 hàng tuần. Vào mùa hè thời tiết mát mẻ thì chợ họp sớm, từ 6 giờ đến 7 giờ sáng đã rất đông người, nhưng vào các mùa khác trong năm thì thường sau 8 giờ sáng mọi người mới ra chợ.
Những mặt hàng tương đối phong phú từ những mớ rau, hạt đỗ, quả ớt, củ gừng đều được người dân Hà Nhì bày bán theo cách truyền thống. Vì mỗi tuần chợ chỉ họp 1 lần nên mọi người phải chuẩn bị cẩn thận, các loại đồ khô như: lạc, đỗ, gừng, ớt… đều được chuẩn bị từ chiều hôm trước còn các loại rau xanh thì phải dậy từ 5 giờ sáng để hái và mang ra chợ. Đa số lượng rau xanh ở chợ đều được bán hết trong ngày vì khách mua hàng đều rất thích các loại rau sạch được bày bán tại chợ.
Từ sáng sớm chợ đã nhộn nhịp người đổ xuống từ các bản. Có những người ở xa đi cả mấy chục cây số, họ phải thức dậy từ 2 hoặc 3 giờ sáng để xuống chợ, đi bộ, leo núi, lội suối, lội đèo rất vất vả. Nhiều người gùi trên lưng những món hàng nặng. Nhiều người dân nơi đây còn dắt theo con lợn, hoặc cắp nách mấy con gà, gùi rau, củ quả… xuống chợ để bán và họ coi phiên chợ là nơi để bán hàng và giao lưu sau một tuần làm việc vất vả
Người dân mang đến chợ bán các nông sản tự canh tác như: gà bản, giảo cổ lam, lưỡi cày, dao, sâm đất Hoàng Sin Cô, các loại rau, nhiều loại bánh cổ truyền của dân tộc …..Các loại nông sản cây nhà lá vườn, từ ớt khô, rau, lạc, mộc nhĩ…cũng được bày bán khiến phiên chợ đa dạng các mặt hàng
Rời chợ phiên Y Tý, chúng mình được Anh Xuy giới thiệu quán cafe Mõ gần chợ, quán rất đẹp với không gian yên tĩnh và một hàng cây đào phía trước. Quán vừa bán cafe vừa xây dựng mô hình homestay nên nếu bạn nào muốn ở gần chợ Y Tý thì có thể đến Mõ nhé
Tạm biệt Mõ cafe chúng mình quay về homestay a Xuy dùng bữa trưa. Đồ ăn ở đây được nấu tươi mới mỗi ngày. Lúc nảy xuống chợ mua được ít rau đậu hà lan nên về làm nồi lẩu cá tầm thơm ngon giữa cái nắng dịu dàng hiếm hoi ngày cuối đông len lén giữa cái lạnh 7 độ ngoài trời.
Nghỉ ngơi tại homestay đến tầm 16h thì bọn mình di chuyển đến thôn Choản Thèn
Thôn Choản Thèn có diện tích tự nhiên 236 ha, nằm cách trung tâm xã Y Tý khoảng 2km và cách biên giới Việt – Trung khoảng 6km, cách trung tâm huyện Bát Xát 98km. Toàn thôn hiện có 57 hộ gia đình với 323 nhân khẩu, trong đó 100% là người Hà Nhì Đen.
Choản Thèn là ngôi làng của kiến trúc nhà vuông Trình tường đất độc đáo của dân tộc Hà Nhì đen ở Tây Bắc. Trải qua hơn 300 năm, thôn Choản Thèn được ghi nhận là một trong những ngôi làng cổ còn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hoá độc đáo người Hà Nhì đen ở vùng cao Y Tý, Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Nhà trình tường của người Hà Nhì có kiến trúc đặc trưng là hình vuông hoặc chữ nhật, tường làm bằng đất đỏ pha sỏi, mái lợp cỏ gianh. Mỗi ngôi nhà thường chỉ có một cửa ra vào ở chính giữa cùng một, hai ô cửa sổ tò vò bên hông, giúp ngôi nhà luôn ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Đối diện với nhà ở, qua một khoảng sân lát đá hộc là khu bếp, tạo thành một không gian khép kín. Đặc biệt, trong sân mỗi nhà đều trồng vài cây đào và các loại hoa ven hàng rào, vì thế, vào mùa xuân, cả bản lại bừng lên sắc màu rực rỡ khiến lòng người ngập tràn cảm xúc.
Người Hà Nhì ở Choản Thèn vẫn giữ được nhiều nét văn hoá đặc sắc, cùng kiến trúc nhà độc đáo, nghề đan lát, nghề nấu rượu, thêu hoa văn trang trí thổ cẩm. Đồng thời, họ vẫn giữ thói quen mặc trang phục văn hoá dân tộc trong cuộc sống hằng ngày, tổ chức các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, đã tạo sức hấp dẫn riêng cho những trải nghiệm bản sắc văn hoá của không ít khi đến Y Tý du lịch
Dạo quanh bản Choản Thèn, du khách sẽ bắt gặp lũ trẻ nô đùa với những chiếc xích đu treo dưới tán cây hay những cụ già trong trang phục truyền thống, mái tóc bạc phơ ngồi chải đầu ở thềm nhà nở nụ cười hiền từ chào đón du khách.
Dấu ấn đặc biệt làm nên “thương hiệu” Choản Thèn là hai cây dẻ “hạnh phúc” cao chừng 30m đứng cạnh nhau, xòa những cành tán xen kẽ như đang nắm tay nhau. Cách đó không xa là một túp lều tranh – nơi trẻ con chơi đùa.
Công viên Choản Thèn từ lâu đã trở thành hình ảnh nhận diện của bản, cũng là nơi tổ chức các lễ hội lớn nhất trong năm lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản) và Lễ hội Khô Già Già (lễ hội cầu mùa) Những ngày này, dân bản tụ tập tại đây chơi trò chơi dân gian hay mổ trâu, chia thịt để các hộ dâng cúng tổ tiên.
Cái công viên Choản Thèn này mùa nào cũng đẹp : Mùa đông săn biển mây trắng, sớm bình minh có sương mù lãng đãng, những buổi chiều có hoàng hôn đỏ lựng. Cái chất Tây Bắc nên thơ, mộc mạc hiển hiện rất rõ nơi công viên đặc trưng của người dân Hà Nhì đen này.
Doc theo con đường đất dốc và cheo leo, nơi mà người dân trong thôn Choản Thèn đi nương mỗi ngày, bạn sẽ khám phá rằng ở góc nào cũng đẹp chứ không chỉ công viên Choản Thèn. Và có lội dốc vừa lầy vừa khó đi mới thấy sự vất vả của bà con nơi đây trong việc làm nương
Choản Thèn ngày nay đã trở thành địa điểm du lịch cộng đồng của Y Tý nên có đầy đủ các homestay phục vụ khách du lịch. Đến đây, bạn có thể nghỉ ở Choản Thèn Homestay, Sần Lù hay Nhà du lịch cộng đồng. Các hàng quán ăn uống cũng đa dạng hơn cho du khách thưởng thức các món ngon của Tây Bắc.
Một ngày ở Choản Thèn, bạn chỉ cần dạo loanh quanh, trò chuyện với người dân bản địa tìm hiểu về văn hóa, hay chỉ đơn giản là ngắm mây bay lửng thửng nơi công viên cuối thôn, ngắm nhìn bọn trẻ con nơi đây nô đùa, cũng vô cùng thấy thoải mãn, yên bình
Đến Y Tý, đừng quên khám phá Choản Thèn nhé.
-Ngày 4: Y Tý – Lào Cai – Hà Nội
Ăn sáng tại homestay, nhỡn nhơ chụp vài bức ảnh trước khi rời Y Tý, bọn mình thuê xe từ Y Tý về sân bay Hà Nội luôn, vì tiết kiệm thời gian và sức khỏe di chuyển qua lại. Xe sẽ đi từ Y Tý đến tp Lào Cai ăn trưa, mua ít quà ở chợ Cốc Lếu rồi về thẳng Hà Nội.
Chia tay và bay về Sài Gòn. Kết thúc hành trình nghỉ dưỡng
><><><>< ====== Một số thông tin hữu ích cho mọi người:
– Tàu hỏa Hà Nội – Lào Cai: Đi tàu hỏa tuy sẽ chậm hơn so với xe ô tô nhưng an toàn và chắc chắn hơn cũng thấy thoải mái, dễ chịu hơn với những tiện nghi trên tàu. Đặc biệt với vé tàu giường nằm, sẽ được ngủ trong phòng điều hòa với chăn ấm, đệm êm 1 giấc ngon lành là mở mắt ra tới Lào Cai.
– Homestay Y Tý Clouds: thôn Mò Phú Chải, Bát Xát, Lào Cai. Liên hệ a Xuy 096 176 54 31. Ăn uống ngủ nghỉ chơi bời hay thuê xe máy đều có. Mình rất ấn tượng với A Xuy- người Hà Nhì làm du lịch với cái tâm phát triển quê hương mình.
– Vì thời tiết rất lạnh vào mùa đông sang xuân nên chuẩn bị đồ ấm (áo =quần giữ nhiệt, vớ, găng tay, miếng dán giữ nhiệt, khăn choàng…) là rất cần thiết.
#Yty #choản_thèn #y_tý #ytylaocai