“Trước hành trình, mình mang rất nhiều nỗi sợ. Nhưng hóa ra, chỉ cần dám bắt đầu, mình sẽ làm được. Là con gái thật tuyệt, vì đi tới đâu cũng được các cô, bác, anh, chị giúp đỡ. Mình trở về nhà trong vòng tay gia đình với đầy ắp hạnh phúc và trải nghiệm”, An An chia sẻ.
Từ nhỏ, cô bé An đã thích chụp ảnh. Khi lên đại học, An thường dành thời gian đi phượt cùng bạn bè, rong ruổi khám phá và ghi lại vẻ đẹp Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), An đã chuyển về quê nhà ở Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và làm nghề chụp ảnh tự do.
Như bao bạn trẻ khi bắt đầu lập nghiệp, An lao vào công việc, không còn thời gian chăm sóc cho bản thân. Một khoảng thời gian dài, cô rơi vào tình trạng mệt mỏi, trống rỗng, không tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Đầu năm 2023, An quyết định gác lại công việc, tìm tới Đà Lạt để học thiền, tập yoga, làm tình nguyện viên ở nông trại để cân bằng cuộc sống. Dự kiến trải nghiệm một tháng nhưng An tìm thấy niềm hạnh phúc ở mảnh đất này nên chuyến đi kéo dài tới năm tháng.
Đầu tháng 6, An bắt đầu lên kế hoạch trở về nhà. Cô gái 26 tuổi muốn có trải nghiệm đặc biệt, đó là tự lái mô tô từ Nam ra Bắc. An An lên các hội, nhóm du lịch để đọc thông tin, bài viết chia sẻ kinh nghiệm và lập lịch trình, cung đường phù hợp bản thân.
Ngày 26/6, từ Đà Lạt, An bắt đầu hành trình xuyên Việt, trở về quê nhà Bắc Ninh. Cô chạy cung đường từ Đà Lạt xuống các tỉnh ven biển miền Trung (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên…), đến các tỉnh ở Bắc Trung bộ, rồi về Bắc Ninh vào ngày 6/8. Chuyến đi kéo dài 42 ngày, tổng quãng đường là 4.200 km. Có những ngày An chạy 300km, nhưng cũng có những ngày chạy 0km.
“Người bạn” đồng hành của An là chiếc xe mô tô Husky dáng cổ điển. “Đây là chiếc mô tô duy nhất phù hợp với người có chiều cao hạn chế – 1m50 như mình. Mình đã gắn bó với nó được hai năm nhưng đây là lần đầu tiên dám lái xe đi xa”, An cho biết. Trước chuyến đi, An mang chiếc xe đi bảo dưỡng cẩn thận. Cô sắp xếp gọn gàng các đồ đạc mang theo như trang phục, đồ sửa xe, đồ dùng cá nhân, thuốc, đồ bảo hộ, giấy tờ tùy thân… An tính toán trước kinh phí tuy nhiên không mang theo nhiều tiền mặt.
Lần đầu lái xe dọc cung đường biển, An như vỡ òa trước khung cảnh hiện ra trước mắt. Ở Nha Trang, cô gái lao ra biển, bơi thật xa. “Mình như vượt qua chính bản thân, dám bơi ra biển thay vì giới hạn trong chiều dọc của chiếc bể bơi”, An nói.
An không lập thời gian biểu cố định cho hành trình. Cô rong ruổi và dừng chân ở nơi mình thích. Sáng sớm, An đón bình minh, chiều về thì ngắm hoàng hôn dọc các tỉnh, thành. Có những nơi như Huế, Quảng Trị, An ở lại một tuần. An thong dong khám phá Đại nội, đạp xe ven sông Hương, thăm chùa Thiên Mụ, trải nghiệm cuộc sống của những người dân Huế chất phác, hiền lành…
An tới Quảng Trị đúng ngày 27/7. Cô gái trẻ xúc động khi bước chân vào Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, kính cẩn viếng phần mộ những liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc.
Điều thú vị, trong hành trình xuyên Việt 42 ngày đêm, An chủ yếu “ngủ nhờ” thay vì thuê nhà nghỉ, khách sạn hay homestay. Đây không chỉ là cách giúp An tiết kiệm chi phí mà còn mang tới những trải nghiệm vô cùng thú vị như gặp lại bạn bè cũ, thưởng thức ẩm thực, sống cuộc sống người bản địa…
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tại các tỉnh, thành, An đều liên hệ với những người quen biết. Rất nhiều trong số đó là những người chị, người bạn cô quen từ khóa học yoga hay làm tình nguyện viên ở Đà Lạt. Ở một số nơi như Quy Nhơn, Lý Sơn, do không có người quen, An chủ động đặt phòng homestay từ thông tin gom nhặt trong các nhóm du lịch.
Để gia đình bớt lo lắng, hàng ngày An đều gọi điện về nhà, chia sẻ về hành trình, nơi nghỉ ngơi. Đi tới nơi có cảnh đẹp, An cũng chụp ảnh gửi về “báo cáo”.
An chia sẻ, cô bắt đầu hành trình một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Cô gặp những gia đình cũng rong ruổi đưa con xuyên Việt khám phá đất nước dịp hè, những chú bác cao tuổi vẫn lái xe máy đi phượt với đầy nhiệt huyết và đam mê. An hạnh phúc khi hoàn thành chuyến đi an toàn, dám bước qua những nỗi sợ của bản thân trước đây. Cô gái càng đi càng tự hào về vẻ đẹp đất nước và sự chân thành, yêu thương của con người Việt Nam.
Biết ơn sự giúp đỡ của rất nhiều người trên hành trình, khi trở về nhà, An cũng dành căn phòng trống để sẵn sàng đón những người bạn đang trên hành trình khám phá đất nước.
“Hiện tại mình đã sẵn sàng trở lại với công việc. Mình khỏe hơn, mạnh mẽ hơn, yêu và thấu hiểu bản thân hơn”, An chia sẻ.
Ảnh: NVCC