Phóng viên gặp ông Lữ – một người đàn ông 75 tuổi lên xe lửa trở về TP.HCM sau chuyến ra Bắc chia tay người thân. Ông ngồi chung khoang nằm cứng 6 giường với cặp vợ chồng mang 105 chiếc bánh phu thê tới Bình Định ăn hỏi cho con trai. Ngoài ra còn có anh Phúc – một thanh niên quê Ninh Bình trở lại Hòn Ngọc Viễn Đông, nơi anh từng sinh sống và làm việc với mục đích thăm người cô là chính.
Những mẩu chuyện về cuộc sống sinh hoạt đời thường đã kéo gần họ lại với nhau. Nào là việc bác đi về đâu? Chừng nào tổ chức đám cưới, chúc mừng gia đình rồi chán chê rồi quay lại những câu chuyện từ thuở kháng chiến năm xưa. Dường như nhờ các chuyến tàu mà họ luôn được gợi lại những ký ức lấp lánh, bồi hồi, nhất là trong lòng những người đã lớn lên cùng với sự thống nhất đất nước.
Thỉnh thoảng, anh Phúc lại nói với ra bảo ông Lữ kể chuyện cho đỡ chán.
Người lính cũ lại ngồi nhìn xa xa, đọc mấy câu thơ:
“… Chia tay lưu luyến mắt nhìn
Sầu riêng bịn rịn nhớ miền Nam xa
Ta về, mở rộng đường ta
Cho Nam với Bắc vào ra thêm gần
Hành quân nhẹ bước sang xuân
Chè xanh hoa nở trắng ngần đường xe…”
– Bây có biết bài gì không?- Dạ, con không.- Nước non ngàn dặm của Tố Hữu đó. Mỗi lần đọc là thấy tự hào lắm, thấy ngày trẻ cùng khát vọng, niềm tin của toàn dân tộc vào ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày trẻ anh Phúc cũng chọn đường sắt để di chuyển khá nhiều. Hồi đó anh có chiếc máy ảnh, cứ mải miết đứng ở mấy ô cửa ngó ra ngoài săn hình đẹp. Đến giờ anh vẫn thích đi tàu, chỉ là không được sử dụng thường xuyên do công việc bận rộn. “Vui nhất là được gặp gỡ mọi người, có những tâm sự thời trẻ, chuyện lịch sử của các bậc lớn tuổi như bác Lữ, như đưa mọi người về vùng ký ức xưa vậy đó”, Phúc nói.