Nguyễn Ngọc Hà, sinh viên năm 2 một trường đại học ở TPHCM, cho biết em vừa về đến nhà ở Kon Tum đón Tết sau chuyến “phượt” bằng xe máy.
Chuyến đi kéo dài gần 20 giờ đồng hồ, Hà xuất phát từ TP Thủ Đức, TPHCM từ lúc 3h30 sáng đến gần đêm mới về đến nhà.
Nữ sinh viên cho biết, cô dự định đi xe máy về quê đón Tết từ tháng trước với rất nhiều lý do. Hà ngán ngẩm vé xe khách dịp Tết rất cao, lại hay nhồi nhét khách. Hơn nữa, cô cũng muốn đưa xe máy về quê để đi lại và cả quyết tâm đi một lần cho biết.
Ban đầu, Hà cùng nhóm 3-4 người bạn lên kế hoạch đi chung nhưng đến ngày cuối thì dự tính bất thành. Có bạn đổi sang đi xe khách, có bạn thay đổi quyết định ở lại làm thêm, thành ra cô gái 20 tuổi “một mình một ngựa”.
Cô gái tính toán suốt chuyến đi mình đổ hơn 350.000 đồng tiền xăng, dừng chân ở 5 điểm.
“Có điểm dừng chân ở quán cà phê võng tại Đắk Lắk mình còn bị ngủ quên gần một giờ đồng hồ. Lúc đó, có người cũng chạy xe về quê đánh thức, mình mới bật dậy để chạy tiếp”, Hà kể.
Cô gái chia sẻ, việc chạy xe máy suốt cung đường dài “mệt bơ phờ” chứ không lung linh, sắc màu như nhiều bạn “phượt” chia sẻ. Mục đích của cô không phải đi du lịch mà đi để về nhà nên bị áp lực thời gian, chủ yếu lo chạy xe, không có tâm trạng ngắm cảnh, chụp ảnh.
Thở phào khi chuyến đi về đích an toàn nhưng Hà cho biết điều cô áy náy nhất là đã làm bố mẹ lo lắng. Lỡ để bố mẹ biết kế hoạch, khi về đến nhà Hà mới hay cả ngày cô chạy xe trên đường, bố mẹ lo đến mức… không ăn nổi cơm.
Bố mẹ dọn mâm cơm ra rồi lại bê vào vì nuốt không trôi. Cả ngày ông bà đi ra vào thấp thỏm, không dám gọi điện hỏi han vì sợ con gái mất tập trung khi chạy xe.
Khi con gái về đến nhà, bố mẹ Hà ra đón và quát ầm ĩ nhưng thật ra phía sau đó là tiếng… thở phào đầy nhẹ nhõm.
“Nhiều bạn sinh viên chạy xe máy về quê dịp Tết nhưng với mình có lẽ chỉ đi một lần duy nhất này thôi. Ra Tết nhiều khả năng mình sẽ không chạy xe ngược về Sài Gòn nữa mà sẽ đưa cả người cả xe máy lên xe khách “, Hà cho hay.
Cần chú ý sự an toàn
Chạy xe máy về quê đón Tết là lựa chọn của không ít sinh viên xa nhà đang học tập ở TPHCM. Không chỉ ở các tỉnh thành lân cận mà nhiều sinh viên có cung đường chạy xe về quê lên đến cả hàng trăm cây số.
Nguyễn Đức Toàn, sinh viên năm 3 cho hay, đây là năm thứ 2 liên tiếp cậu chạy xe máy về quê đón Tết ở Khánh Hòa. Năm nay, Toàn đi cùng một người bạn khác, đổi nhau lái nên đỡ mệt hơn việc chạy xe một mình.
Hành trình của Toàn không vội vàng, không bị “ép” về mặt thời gian, cả hai túc tắc nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường nên kéo dài gần 15 giờ đồng hồ.
Theo Toàn, chạy xe máy về quê, sợ nhất chính là vấn đề an toàn. Dù tay lái cứng đến mấy nhưng trên đường có thể có nhiều tình huống phát sinh khó lường trước.
Các năm trước đây, đã từng xảy ra những vụ tai nạn vô cùng thương tâm mà nạn nhân là người chạy xe máy từ thành phố về quê đón Tết.
Mới đây, ghi nhận thấy nhiều sinh viên có kế hoạch đi xe máy về quê ăn Tết, Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã cảnh báo sinh viên về vấn đề này.
Việc đi xe máy về quê ăn Tết tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro mất an toàn. Nhiều vấn đề có thể gặp phải trong quá trình di chuyển như đuối sức, giao thông vào dịp Tết đông đúc, ùn tắc, thời tiết thất thường, chở hành lý, quà cáp lỉnh kỉnh…
Với sinh viên chọn xe máy làm phương tiện về quê, Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổng hợp và đưa ra các lưu ý cần thiết sinh viên cần trang bị cho hành trình của mình.
Các lưu ý này gồm lưu ý việc xăng xe chạy trên đường, cân nhắc điểm tiếp xăng tránh hết xăng giữa đường; đảm bảo xe máy đang hoạt động tốt, an toàn; hành lý gọn nhẹ; trang phục phù hợp; chia quãng đường nghỉ ngơi hợp lý; tuân thủ luật giao thông; chuẩn bị những đồ dùng sửa xe; chọn thời gian xuất phát hợp lý; tìm bạn đồng hành…
Tuy nhiên, lãnh đạo trường nhấn mạnh không khuyến khích việc sinh viên chạy xe máy về quê vì sự an toàn của chính các bạn. Nhà trường lưu ý sinh viên nên thu xếp đi lại bằng các phương tiện công cộng như máy bay, tàu, xe khách…