Trong chuyến du xuân đầu năm 2023, anh Đặng Hùng Mạnh (34 tuổi) và vợ Vy Trần (25 tuổi) đã vận chuyển xe máy qua Campuchia rồi Thái Lan để thực hiện chuyến phượt. Hành trình của vợ chồng anh Mạnh qua ba nước Việt Nam (4 ngày), Campuchia (4 ngày) và Thái Lan (22 ngày). Chuyến đi bắt đầu từ ngày 27/1 và kết thúc vào 25/2. Tổng quảng đường hơn 8.000 km, chi phí khoảng 130 triệu đồng.
Năm 2022, anh Mạnh đã đến Thái Lan sáu lần. Với anh, sức hút của Thái Lan không chỉ nằm ở cảnh sắc thiên nhiên hay dịch vụ du lịch, mà hạ tầng giao thông cũng là một điểm mạnh. Đường phố rộng và bằng phẳng, sạch đẹp. Ngay ở thủ đô Bangkok có thể chạy xe tốc độ 100 km/h. Đường đèo cũng được trải bê tông và có rất ít ổ voi, ổ gà. Vì vậy, anh Mạnh đã quyết định chi một số tiền lớn để mang xe máy của mình qua Thái Lan, cùng vợ trải nghiệm đất nước chùa vàng.
Để mang được xe máy từ Việt Nam theo cửa khẩu đường bộ, cần thông qua một công ty du lịch. Trần Đặng Đăng Khoa, người từng phượt xe máy vòng quanh thế giới, cho biết năm 2017 có thể tự làm thủ tục mang xe máy sang Thái Lan. Nhưng nay quy định đã thay đổi và buộc phải thông qua công ty du lịch.
Anh Mạnh cho biết phí mang xe máy qua Campuchia và Thái Lan khá đắt, bao gồm làm giấy phép cho người, giấy thông hành cho xe và thuê hướng dẫn viên bắt buộc trong 8 ngày. Tổng số tiền anh đã bỏ ra cho dịch vụ này khoảng 1.500 USD (hơn 35 triệu đồng).
Theo chia sẻ của công ty du lịch Thái Lan với anh Mạnh, đa phần khách sẽ đến Thái rồi thuê xe để di chuyển. Có rất ít trường hợp mang xe máy qua cửa khẩu vì chi phí cao, thủ tục giấy tờ phức tạp. Họ ấn tượng về độ “chịu chơi” của vợ chồng anh Mạnh khi ở Thái Lan dài ngày nên đã hỗ trợ làm giấy phép cho vợ chồng anh thêm 14 ngày du lịch theo hình thức theo dõi hành trình từ xa, không cần hướng dẫn trực tiếp.
Ngoài tiền xe, trung bình một ngày, vợ chồng anh chi 2-3 triệu đồng cho việc ăn uống và thuê phòng nghỉ. Tổng số tiền cho một tháng khoảng 70 triệu đồng. Chuyến đi tiêu hết chừng 400 lít xăng, cùng với tiền sửa chữa, bảo dưỡng xe hết khoảng 15 triệu đồng. Chi phí mua sắm, vui chơi tại các địa điểm cũng tầm 15 triệu đồng.
Từ Bình Phước, hai vợ chồng anh Mạnh di chuyển đến Đà Lạt rồi Gia Lai để xuất cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh. Sau đó, anh chị dành hai ngày chơi ở Campuchia trước khi tới Poipet và nhập cảnh Thái Lan qua cửa khẩu Aranyaprathet ở tỉnh Sakaeo, phía đông.
Trong 22 ngày đi phượt bằng xe máy, hai vợ chồng đã đi qua khoảng 80% tỉnh thành của Thái. Từ cửa khẩu Roi Et, họ di chuyển theo phía bắc lên Chiang Mai và sang tỉnh giáp bên Mae Hong Son, cũng là cực tây của Thái Lan. Sau đó, hai người đi theo hướng nam xuống Mae Sot, thành phố giáp biên giới với Myanmar, đến thủ đô Bangkok. Vui chơi tại Bangkok xong, họ tiếp tục trải nghiệm hơn 800 km xuống Phuket ở phía nam rồi trở lại Bangkok để đến Pattaya trước khi xuất cảnh. Trong hành trình này, cả hai đã vượt qua gần 5.000 khúc cua trên các cung đường đèo.
Anh Mạnh ấn tượng nhất với chặng đường đèo từ Chiang Mai đến Mae Hong Son. Cung đường dài khoảng 235 km, có khoảng 1.800 khúc cua, được chạy xe với tốc độ 120 km/h. “Con đường nhấp nhô như dải sóng, những khúc cua không gắt nhưng cảm giác rất phê”, anh Mạnh nói.
Từng nhiều lần đi phượt tại các tỉnh vùng núi phía bắc Việt Nam, anh Mạnh thấy Mae Hong Son đẹp hơn cả về cảnh sắc thiên nhiên lẫn hệ thống giao thông. Trên đường đi còn có nhiều điểm dừng chân như Doi Kiew Lom, Pang Mapha, có thể ngắm toàn cảnh những dãy đồi núi nhấp nhô phía xa, các hang động, thác nước nằm trên dọc đường. Đến thành phố Mae Hong Son, anh Mạnh đã đến quán cà phê phía sau bưu điện để lấy chứng nhận chinh phục cung đường này.
“Lần chạy xe này đã thỏa mãn ước mơ được chinh phục Mae Hong Son bằng chiếc xe của tôi”, anh nói.
Trên đường từ Mae Hong Son đến tỉnh Tak ở phía bắc Thái Lan, hai vợ chồng anh đã gặp tai nạn do đi vào đoạn đường đang trải nhựa nhưng không đặt biển cảnh báo. Với tốc độ chạy xe 80 km/h, đi được khoảng 20 m thì anh Mạnh không kiểm soát được tay lái và bị ngã. Họ và chiếc xe trượt dài gần 30 m trên đường. Rất may cả hai chỉ xây xước nhẹ dù người và xe đều lấm lem nhựa đường và được một đồn cảnh sát gần đó hỗ trợ.
Khi thấy vợ chồng anh Mạnh gặp sự cố, cảnh sát chạy đến giúp đỡ. Họ đi mua xăng, giúp tẩy rửa nhựa đường bám trên người và xe, mua nước uống và đưa vợ chồng anh vào đồn nghỉ ngơi. “Không chỉ hạ tầng giao thông đẹp mà cảnh sát giao thông Thái Lan cũng rất tốt bụng”, anh Mạnh chia sẻ.
Sau trải nghiệm, vợ chồng anh Mạnh về lại Campuchia qua cửa khẩu Poipet rồi qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư về Bình Phước.
Hiện ở Thái Lan đang là mùa khô, nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C, nên anh khuyên những du khách có ý định du lịch Thái Lan thời điểm này nên chuẩn bị trang phục chống nắng kỹ.
Trên đường đi, xe của đôi vợ chồng bạn nhiều lần bị nổ lốp do tiếp xúc với mặt đường nóng thời gian dài. Anh Mạnh khuyên du khách trước khi mang xe máy sang Thái Lan nên kiểm tra và thay lốp mới để đảm bảo an toàn. Nếu có thể, chuẩn bị sẵn dụng cụ sửa xe để tự xử lý vì có những đoạn đường vắng, khó gọi cứu hộ.
Một lưu ý đặc biệt là làn xe máy ở Thái Lan ở phía bên trái. Khi di chuyển cần lưu ý vì người Việt có thói quen đi bên phải đường. Tốc độ chạy xe bên Thái tương đối cao nên một khi xảy ra tai nạn, hậu quả sẽ nghiêm trọng.
Tại Bangkok, vợ chồng anh đã gặp một nhóm lừa đảo theo hình thức trao đổi tờ tiền của họ với tiền của khách du lịch. Nếu cầm những tờ tiền đó, du khách sẽ bị mất ý thức và bị lấy mất tiền bạc, tài sản có giá trị. Vì vậy anh khuyên du khách cần cảnh giác.
Sau hành trình gần một tháng đi phượt cùng vợ trên chiếc xe của mình, anh Mạnh cảm thấy số tiền bỏ ra hoàn toàn xứng đáng. Anh cũng lên kế hoạch cho những chuyến đi tiếp theo trong năm nay cùng vợ để “tiêu tiền mua trải nghiệm”. “Tiền có thể kiếm, nhưng thời gian và sức khỏe thì không, vì vậy chúng tôi muốn tranh thủ đi nhiều nơi khi còn có thể”, anh nói.
Quỳnh MaiẢnh NVCC