Xe nào đi “phượt” tốt nhất?
Khi phong trào “xê dịch” bùng nổ trong giới trẻ, xe máy là lựa chọn số 1. Thay vì ngồi trong ô tô với điều hòa mát lạnh, cảm giác tự mình “cân não” với những cung đường uốn lượn, những khúc cua tay áo cực kỳ thú vị với nhiều người.
Đặc biệt, không cứ “xế xịn”, một chiếc xe “cà tàng” hoàn toàn có thể giúp Biker (người đam mê xe gắn máy – PV) thỏa mãn khám khá dặm dài một cách an toàn nếu nắm chắc kỹ năng cơ bản.
Để phượt an toàn, trải nghiệm và khám phá không cần phải là một chiếc xe máy chuyên nghiệp nếu như không có điều kiện.
Nhiều người băn khoăn, chọn xe máy nào đi phượt đường dài tốt nhất? Thực tế, mỗi loại xe máy có ưu, nhược điểm khác nhau để Biker lựa chọn cho chuyến phượt của mình. Tuy nhiên, có 3 dòng xe cơ bản là xe ga, xe côn và xe số. Ai cũng biết xe máy tay ga có cốp để đồ rộng, dễ điều khiển, nhưng khi leo đèo dốc, đặc biệt là dốc cao khá yếu. Khi bị hỏng, sửa chữa xe tay ga tương đối phức tạp. Do đó, xe ga không thuộc danh sách được các “phượt thủ” ưu tiên.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Đỗ Minh Đức (sinh viên năm 3, đại học Ngoại Thương, Hà Nội – đam mê phượt và có kinh nghiệm 3 năm chinh phục những cung đường đèo) cho biết: “Xe máy số bảo dưỡng dễ dàng, phụ tùng thay sửa sẵn có, khi cần có thể tăng, giảm số cho phù hợp từng đoạn đường. Tuy nhiên, xe số không có cốp để đồ rộng, có những chiếc xe số chỉ để được một áo mưa mỏng là cốp đã chật cứng.
Còn với xe máy tay côn, “xế” sẽ đỡ mỏi khi chạy đường dài, chủ động tăng giảm số và can thiệp vào ly hợp bằng tay côn, nhờ đó có thể thực hiện các kỹ thuật vê côn và ngắt côn trong khi chạy. Tuy nhiên, xe tay côn “kén” người đi và không phải ai cũng có thể học lái xe côn, kể cả biết lái cũng khó quen tay”.
Đỗ Minh Đức và chiếc xe máy của mẹ “thanh lý” đã cùng nhau chinh phục nhiều cung đường huyền thoại. (Ảnh nhân vật chụp trên đèo thuộc địa phận Sa Pa, Lào Cai).
Cũng theo kinh nghiệm của Đức, thị trường xe số Việt Nam hiện có nhiều hãng xe uy tín như: Honda, Yamaha, Suzuki, SYM… Xe của hãng Honda không tốn xăng, phụ tùng thay thế rẻ, dễ tìm, không cần bắt buộc thay đồ chính hãng nếu gặp tình huống bất đắc dĩ; xe SYM rất kén phụ tùng, có nhiều linh kiện không thể dùng hàng ngoài hãng. Do đó, thay thế rất bất tiện vì đa số những cung phượt thuộc địa hình đồi núi, thưa vắng nhà dân; xe hãng Yamaha vận hàng rất bốc, tốn xăng hơn các dòng khác, giá phụ tùng tương đối đắt; với xe hãng Suzuki máy chạy đầm, tiết kiệm nhiên liệu, tuy nhiên phụ tùng giá cao và nhiều khi không có hàng…
Theo lời Đức, nếu biết cách lái xe an toàn, cẩn thận trong xử lý tính huống thì những chuyến phượt bằng xe máy sẽ mang đến cảm xúc thú vị và nhiều ý nghĩa.
Nhiều người thích dòng xe cổ như Minsk, Honda 67… vì đặc tính máy khỏe, bền. Tuy nhiên, với dòng xe cổ này, “phượt thủ” có thể gặp khó khi hỏng dọc đường.
“Sau khi “lên đời” xe ga, mẹ em đã “thanh lý” cho em chiếc Honda Wave rsx (mua gần 10 năm). Bạn “xế” tuy “cà tàng” nhưng giúp em cùng nhóm bạn đại học có được những trải nghiệm cực kỳ thú vị. Nhớ nhất là chuyến đi Sa Pa, Lào Cai. Xe chạy ì ì bò dốc mà chỉ chậm hơn so với các xe khác một chút, còn về độ an toàn, nếu biết xử lý sẽ không vấn đề gì. Khúc cua ở đèo Ô Quy Hồ, em leo dốc bằng số 2 và thả dốc cũng vào số 2 hoặc 3 để phanh an toàn”, Đức chia sẻ kinh nghiệm.
Không có “xế khủng” vẫn phượt an toàn
Nhiều người thích trải nghiệm, ưa mạo hiểm nhưng thiếu tự tin vì không thể sắm cho mình một chiếc “xế cưng” thật ưng ý. Nhiều “phượt thủ” không tiếc đầu tư hàng trăm triệu đồng để có cho mình “con ngựa chiến” bất kham thỏa sức chinh phục, khám phá những dặm dài.
Nhưng thực tế, chỉ cần một chiếc xe số bình thường và những kỹ năng cơ bản, chặng đường nào cũng trở nên thi vị. “Xế” loại nào không quan trọng, quan trọng là Biker sử dụng “xế” như thế nào.
Phạm Minh Thủy đã thỏa mãn chinh phục biển mây Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) bằng chiếc xe máy “cà tàng”.
Với anh Phạm Minh Thủy (Kiến An, Hải Phòng), một chiếc Wave Alpha 99cc (đời đầu) tưởng như không thể nhưng lại chinh phục những cung đường một cách mĩ mãn.
“Khi đi phượt, tôi chỉ có cảm xúc với núi rừng. Thế nên, ngoài việc lái xe an toàn, đặc biệt là xử lý với những khúc cua tay áo hoặc đèo dốc dựng đứng, còn đi bằng xe loại gì thực sự không quan trọng. Nếu đi xe “xịn” mà phóng nhanh, vượt ẩu, đổ đèo thiếu kỹ năng, khó tránh tai nạn xảy ra”, Thủy nói.
Thủy cũng cho biết, chiếc Wave Alpha 99cc được bố mua từ năm 2002, khi Thủy học năm thứ 2 đại học (2013), bố mẹ cho quyền “sở hữu”. Chiếc xe đã theo Thủy khắp các cung đường Tây Bắc từ đó đến khi ra trường.
Xe máy luôn đồng hành trong mỗi lần chia sẻ kỷ niệm của Phạm Minh Thủy.
Chỉ từ miền Trung trở vào, hầu hết cung phượt ở miền Bắc, nhất là Tây Bắc đã được Thủy chinh phục.
“Dù là xe cũ nhưng lên dốc vẫn rất khỏe. Chỉ có một vài lần thủng xăm dọc đường, nhưng những lần đó đều may mắn ở gần khu dân ở nên không vấn đề gì. Tôi thấy đi xe số là thông dụng hơn cả, nhất là với sinh viên, có xe để trải nghiệm đã là hạnh phúc. Nếu các bạn bảo dưỡng xe tốt, có kỹ năng xử lý thành thạo thì hoàn toàn có thể phượt mà không cần phải quá bận tâm đến việc mình đi bằng xe gì”, Thủy nói.
Cũng theo kinh nghiệm của “phượt thủ” này, một chiếc xe đang hoạt động tốt, được bảo dưỡng kỹ càng là quá đủ để tự tin “xách ba lô lên và đi”. Những dòng xe phổ thông như Dream, Wave, Sirius, Future, Viva, RSX… tưởng “cà tàng” nhưng phát huy ưu điểm khi phượt đường dài vì “ăn” ít xăng, sửa chữa dễ dàng.
“Tuy nhiên, dù đi phượt bằng xe gì, cẩn thận và nhanh nhạy xử lý tình huống là quan trọng nhất để có chuyến phượt thành công”, Thủy chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Dương Thu
(Còn tiếp)