Trong chuyến phượt chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều khó khăn vì thế bạn cần phải chuẩn bị và lên lịch những công việc cần thiết trước cho chuyến phượt dài của mình. Sau đây Đà Nẵng Xanh xin chia sẻ một vài kinh nghiệm cho chuyến phiêu lưu của bạn an toàn và thuận lợi hơn.
Lên lịch trình cụ thể và rõ ràng
Để có một chuyến đi suôn sẻ và thuận lợi, trong mọi chuyến đi, công việc chuẩn bị và lên lịch trình cụ thể bao giờ cũng là việc quan trọng nhất. Bạn cần tìm hiểu kĩ thông tin của nơi mà bạn sắp đến, tìm ra những địa điểm nghỉ ngơi, ăn uống, hay vui chơi rõ ràng. Đồng thời, bạn cần đề ra lịch trình cụ thể, xác định thời gian xuất phát chính xác, những trạm dừng chân, và luôn có phương án dự phòng cho những sự cố ngoài ý muốn như: hư xe, trời mưa,…
Ngoài ra, để có một chuyến phượt an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến và kinh nghiệm, lộ trình của những người đã đi trước, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm, phổ biến lịch chạy cho các thành viên trong nhóm. Xem dự báo thời tiết cũng là một công việc khá quan trọng, thời tiết thuận lợi sẽ giúp hành trình của bạn dễ dàng hơn.
Nguyên tắc khi đi đường
Bạn hãy tuân thủ những nguyên tắc đi đường sau để mang lại sự an toàn trong chuyến đi: bạn cần ghi nhớ đầu tiên là đi với tốc độ chậm, không vượt ô tô, hạn chế đi sát các xe có trọng tải lớn, và khi muốn vượt; bạn phải xi – nhan và bấm còi để xin vượt.
Ngoài việc phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong nhóm, cả nhóm còn phải thống nhất với nhau về tốc độ lái xe, vận tốc tốt nhất là 35 – 40km/h và khoảng cách giữa các xe.
Một đoàn chạy xe máy khi phượt tốt nhất là 4 xe và 8 người, mức tối đa là 10 xe và 20 người, như vậy sẽ thuận lợi cho việc kiểm soát khi đi đường, đảm bảo sự gắn kết ; bao quát lẫn nhau; không ai bị bỏ lại đằng sau.
Khi gặp trời mưa, bạn nên đi chậm, gần tim đường. Nếu đi ở miền núi, cần đề phòng sạt lỡ, và nếu trời mưa quá to; bạn nên tìm chỗ trú; đợi mưa tạnh hoặc nhỏ lại rồi hãy tiếp tục hành trình.
Tránh đi đêm hoặc đi vào những nơi hẻo lánh khi trời quá khuya, nếu phải đi vào lúc trời tối, xe đi trước phải ra tín hiệu bằng xi – nhan cho các xe phía sau. Khi đi qua những đoạn có sương mù, các xe phải bật đèn pha hoặc đèn sương mù để báo hiệu cho xe đi ngược chiều.
Lập ra danh sách những vật dụng cần mang
Với việc lên sẵn danh sách những vật dụng cần mang sẽ là việc cần thiết cho bạn, giúp bạn tránh trường hợp “để quên” hoặc “mang thiếu”… Không chỉ vậy, trước khi xuất phát, bạn cần phải kiểm tra kiểm tra xe kĩ lưỡng, thay phanh lốp, dầu nhớt để tránh gặp các sự cố đáng tiếc mang lại.
Và sau đây sẽ là những vật dụng cần thiết cho chuyến phượt của bạn:
Đối với xe: bạn cần mang theo bộ dụng cụ sửa xe, đồ để thay thế như: bugi, săm,…phòng cho trường hợp xe bị hư giữa đường.
Đối với cá nhân: quần óa, áo khoác ấm, khẩu trang, khăn choàng cổ, găng tay, áo mưa, mũ bảo hiểm có kính chắn gió, đồ vệ sinh các nhân, thiết bị liên lạc, …
Đồ dùng y tế: dầu gió, thuốc trị côn trùng cắn, thuốc sát trùng và chống viêm nhiễm, bông băng, các loại thuốc uống như: thuốc kháng sinh; thuốc hạ sốt, kháng sinh…
Ngoài ra, bạn còn phải mang theo túi ngủ hoặc lều, nước uống, thực phẩm khô, dây thừng,…
Khả năng giải quyết vấn đề
Dù là những phượt thủ dày dạn kinh nghiệm hay những người mới lần đầu tiên thì sẽ không tránh khỏi những sự cố ngoài ý muốn. Trong trường hợp này bạn cần phải giữ bình tĩnh để giải quyết vấn đề, đồng thời tin tưởng vào sự hổ trợ của cả nhóm.
Ngoài ra, nếu gặp phải những sự cố khó giải quyết, bạn hãy nhờ tới sự giúp đỡ của người dân địa phương, bộ đội biên phòng hoặc công an địa phương.
Với những chia sẻ về kinh nghiệm phượt an toàn và các nguyên tắc khi đi đường mà Đà Nẵng Xanh nêu mong rằng bạn sẽ có những chuyến phượt an toàn và tuyệt vời cùng với những người bạn của mình.