I. Đêm ngày 6/12, làng phượt rúng động trước thông tin nữ sinh Đ.T.T.H. (SN 1992, quê Phú Thọ, là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) tử vong trên đường đi Mộc Châu (Sơn La).
Theo thông tin từ một diễn đàn phượt, Đ.T.T.H. tham gia Group G.Đ.P trên mạng xã hội Facebook khởi hành từ Hà Nội đi Sơn La vào 18 giờ ngày 6/12/2013. Đoàn có tổng số 60 thành viên với khoảng 30 xe máy. Khi đi đến địa phận gần khu vực đèo Thung Khe (Lạc Thủy, Hòa Bình) thì xảy ra tai nạn giao thông. T.H ngồi sau bị tử vong, còn “xế” là một nam sinh được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Vốn từ lâu trên bản đồ của dân phượt, thảo nguyên Mộc Châu xinh đẹp luôn là một địa chỉ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, từ Hà Nội để đến được vùng đất này theo Quốc lộ 6, người đi sẽ phải trải qua nhiều đèo dốc. Ngay cả với nhiều tay lái giàu kinh nghiệm cũng đều phải rất cẩn trọng khi có ý định đi cung đường này. Chỉ cần sơ sểnh một chút là có thể bị lăn xuống vực sâu.
Cũng rất nhanh trên diễn đàn phuot.vn, một phượt gia có nickname là pro123 lập tức lên tiếng cảnh báo sự thiếu an toàn khi tham gia phượt cùng với nhóm G.Đ.P..
Theo anh này, leader (trưởng nhóm) của nhóm là người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm đã vội vã tổ chức một nhóm rồng rắn 30 xe máy trên cung đường nhiều đèo dốc quanh co. Đồng thời, kỷ luật của nhóm lại rất kém. Leader thường xuyên phóng tít mù, không thèm quan tâm đến đồng đội ở phía sau. Có người không bám được khiến đoàn chia hai, chia ba. Sau khi tai nạn xảy ra, cả đoàn lập tức hủy tour, kéo nhau về Hà Nội trong hoảng loạn.
Dân phượt thường xuyên phải đối mặt với thời tiết xấu và những con đường khổ ải.
Với nhiều bạn cứ “lên xe là phóng”, không cần biết hiểm nguy đang chờ đón mình và người ngồi sau. Một phượt gia khác cũng cảnh báo, nhiều bạn trẻ cứ nghĩ đi phượt cũng như đi trên phố. Họ không mặc đồ bảo hộ đã đành, lại chỉ đội mũ bảo hiểm theo kiểu “đối phó”. Ngay cả leader cũng không biết đường, dẫn đường sai lung tung. Bình thường thì có thể không sao, nhưng khi sự cố xảy ra thì thường là rất thảm khốc.
II. Đã từng có một thời, “phượt gia” là một danh từ rất đẹp. Ai được đồng đạo gọi tên, chỉ mặt thì sẽ rất tự hào. Đó thường là những con người dũng cảm, ưa phiêu lưu mạo hiểm, muốn thử thách mình với những cung đường khổ ải nhất.
Cách đây 10-15 năm, Hà Nội bắt đầu nhen nhóm phong trào phượt. Phượt gia thời kỳ này có thể là một biker (dân chơi xe phân khối lớn) hoặc một kiến trúc sư, một phóng viên… mê sự xê dịch. Hầu hết số này đều có kỹ thuật lái xe điêu luyện.
Bên cạnh đó, họ cũng rất am hiểu về xe, có thể sửa chữa, tháo lắp thành thục “con xế” cưng của mình. Hình ảnh quen thuộc của phượt gia thời kỳ này ngoài chiếc balô kềnh càng còn là một túi đồ nghề sửa chữa, săm lốp “sơ cua” luôn được chằng buộc kỹ càng trên yên xe. Thậm chí có “xế” cẩn thận còn “găm” cả dăm ba lít xăng vì họ lường trước những khó khăn trước mắt, như chui vào một cung đường hẻo lánh mà hàng 50km không có một cây xăng hay điểm bán xăng lẻ.
Khoảng vài năm trở lại đây, phong trào “nhà nhà đi phượt, người người đi phượt” bắt đầu bùng nổ. Bên cạnh nhiều nhóm hoạt động lâu năm, có nội quy, quy tắc rõ ràng cho các thành viên tham gia thì cũng có một số nhóm mới lập, do những leader còn khá trẻ và non kinh nghiệm. Họ mới chỉ đi một vài cung ngắn đã nghĩ mình đủ khả năng tổ chức một chuyến đi dài ngày cho mấy chục con người. Bên cạnh đó, cũng đã nhen nhóm xuất hiện một số leader lợi dụng sự ngây thơ, cả tin của các thành viên để trục lợi.
Trang facebook cá nhân của Đ.T.T.H., cô gái xấu số tử vong trong lần phượt đầu tiên.
Nguyễn Cường – một phượt gia lâu năm cho chúng tôi biết, thời kỳ đầu phượt gia lấy làm tự hào sau khi chinh phục thành công các cung đường cực kỳ khó khăn, ngay đến dân bản địa cũng hiếm khi có mặt.
Còn như hiện tại, hầu như các bản làng xa xôi đều có đường liên huyện liên xã, đường cấp phối… Các phượt gia trẻ không còn phải chinh phục nữa thì xoay sang phượt kiểu “ép cung”, nghĩa là với ngần này thời gian sẽ cắm cờ (có mặt) tại ngần này địa điểm. Và đã có một sự ganh đua ngầm với nhau rằng “có 500km mà mày đi hết 4 ngày cơ á? Tao chỉ đi hết hơn 3 ngày thôi…”. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm đối với các phượt gia.
Phương Anh, sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Hà Nội kể lại một cung đường khổ ải mà cô thề sẽ “cạch đến già”. Số là được bạn bè rủ rê tham gia phượt cung Tây Bắc trong vòng 6 ngày. Leader quảng cáo với thời gian tối thiểu, các member (thành viên) tham gia sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những danh thắng nổi tiếng. Nào là Thung Nai (Hòa Bình), rồi Mộc Châu (Sơn La), qua Sapa (Lào Cai) với đèo Ô Quy Hồ nổi tiếng, vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ)… mới chỉ nghe thôi đã mê rồi.
Hẹn nhau 18 giờ xuất phát từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đoàn người rồng rắn 15 xe máy kéo nhau đi trong đêm. Do không có kinh nghiệm nên chỉ khoảng 50km đầu đã lạc nhau tán loạn. Điểm dừng đầu tiên của đoàn vào lúc… 2 giờ sáng. Chưa kịp nghỉ ngơi thì 5 giờ đã bị hò dậy… đi tiếp. Với kiểu đi ép cung như vậy, hầu như các thành viên chỉ được chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng vào… đêm khuya. Nhiều xế non kinh nghiệm còn thi nhau “xòe”. “Sáu ngày mà chạy 1.500km, thời gian gần như là 80% trên yên xe. Chạy kiểu ấy chưa có ai bị thương nặng là còn may” – Phương Anh rùng mình nhớ lại.-PageBreak-
Bên cạnh việc chạy ép cung, một số leader còn tổ chức phượt theo kiểu “sống chết mặc bay – tiền thầy bỏ túi”. Nắm được tâm lý của các phượt gia trẻ (sinh viên năm 1, năm 2) vốn khá xuề xòa, đi vui là chính và cũng ít kinh nghiệm, leader thường kiêm thủ quỹ thu để ăn chênh tiền chi phí trong toàn bộ chuyến đi. Mỗi chuyến đi 3 ngày với 15 thành viên leader có thể “ăn” được tầm dăm, bảy triệu.
Tuấn Hùng, sinh viên Cao đẳng Du lịch Hà Nội kể với vẻ ấm ức. Tháng 3-2013, Hùng cùng với bạn gái gia nhập vào Group G.Đ pro để phượt cung Hà Nội – Hà Giang. Vì lần đầu tham gia nên leader “hô” bao nhiêu, thì Hùng các thành viên trong nhóm nộp bấy nhiêu. Chẳng ngờ trong suốt hành trình cả đoàn phải ăn thực đơn vừa đắt vừa khó nuốt. Và phòng nghỉ thay vì 2 người/ phòng, đoàn bị nhét 4 người.
Một thành viên nữ trong nhóm do đau bụng không đi chơi được kể lại về câu chuyện giữa trưởng nhóm tên L.D trao đổi với người nấu nướng của nhà nghỉ với nội dung bữa ăn chỉ 55.000 đồng/người nhưng trong hóa đơn đã ghi 110.000 đồng/người; giá phòng chỉ 250.000 đồng/đêm nhưng được ghi lên 300.000 đồng”.
Một số leader còn bịa ra đủ thứ lý do biện minh cho việc “đội giá tour” rằng giá cả trội lên so với dự tính; hoặc phải chi “lót tay” cho cán bộ ở khu vực biên giới… Với những phượt gia trót tham gia với những group kiểu này thì chuyến đi đã trở thành những kỷ niệm buồn.
III. Cũng theo những phượt gia giàu kinh nghiệm, đã đi phượt là phải chấp nhận rủi ro, nhất là đi bằng xe máy. Tuy nhiên, nếu ai cũng có ý thức, kỷ luật thì sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro.
Theo nickname anhchinh thì “Đi phượt thời nào cũng có tai nạn. Ngay sau một vụ việc chết người đầu tiên vào năm 2007, box Dulich đã phát động phong trào “Ý thức khi đi du lịch” và được cộng đồng hưởng ứng. Các leader đã nhất trí một số quy tắc khi tham gia phượt như tốc độ di chuyển tối đa trong đoàn là 60km/giờ; tối đa 6xe/nhóm, hạn chế đi đêm…”.
“Chúng ta cần phải sòng phẳng với nhau, đã là phượt gia thì phải chấp nhận thử thách, thậm chí nguy hiểm. Song nếu có thể hạn chế thấp nhất những nguy cơ tai nạn (như đi ban ngày, kiểm soát tốc độ của đoàn, sử dụng các phương tiện bảo hộ…) để không bao giờ xảy ra chuyến đi đầu tiên cũng là chuyến đi cuối cùng – đó mới là điều quan trọng nhất” – phượt gia Nguyễn Cường bày tỏ.
Từ năm 2009 đến nay, hầu như năm nào làng phượt cũng phải chứng kiến những vụ việc đau lòng.
Tháng 2/2009, trên cung đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, một nam sinh viên Đại học Mỏ Địa chất đèo bạn gái đang là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân ngồi sau đã gặp tai nạn trên đường đi. Nam sinh tử vong, còn bạn gái đã phải trải qua những ngày dài đau đớn trong bệnh viện vì chấn thương sọ não. Đó là chuyến đi đầu tiên và cũng là chuyến đi cuối cùng của đôi bạn trẻ.
Tháng 9/2010, tại một con suối ven Quốc lộ 279 đoạn giáp ranh giữa xã Minh Lương và xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn), một nhóm bạn trẻ trên đường đi phượt đã dừng lại chơi. Không ngờ 2 trong số họ (một nam một nữ) đã bị trượt chân chết đuối.
Tháng 7/2012, một nữ sinh có nickname là Hanamichi (SN 1991) đã tử vong trên đường chinh phục cực Đông của Việt Nam (mũi Đại Lãnh, Phú Yên) do đuối sức và thiếu hụt dinh dưỡng nhiều ngày.
Tháng 7/2013, nam sinh Phạm Ngọc Ánh (SN 1992, trú tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cùng 3 người bạn chinh phục đỉnh Fansipan. Trong quá trình leo núi, khi di chuyển qua điểm nghỉ 2.800m để về Trạm Tôn, Ánh đã bị mất tích cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy đâu.
Tháng 8/2013, một phượt gia kỳ cựu tên Chu Hồng Đăng (nickname Cheetah On Chase, SN 1977) vừa trở về từ chuyến phượt dài Lào Cai thì gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Nhổn (Hà Nội) và tử vong. Đăng được nhiều dân du lịch bụi nhắc đến với sự yêu mến và ngưỡng mộ.