Các điểm cực của Việt Nam cùng các địa danh nổi tiếng được travel blogger, phượt thủ Nguyễn Khải Trung ghi lại bằng những cảm xúc khó quên khi dừng chân, khiến bao người trẻ khoa khát đặt chân tới.
Khái niệm 4 cực để chỉ cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Đông Mũi Đôi, cực Nam Mũi Đất Cà Mau.
Cùng với vẻ đẹp hùng vĩ của vùng đất cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú hiên ngang trên đỉnh núi Long Sơn là địa đanh đầy cảm xúc. Điểm cực Bắc chính xác về tọa độ của lãnh thổ nước ta nằm ở gần sông Nho Quế, khu vực hiểm trở khó đi lại, nên từ lâu cột cờ Lũng Cú đã trở thành một cột mốc với lá quốc kỳ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.
Có thể dễ dàng chinh phục cột cờ Lũng Cú bằng ô tô hay xe máy, và leo 389 bậc cầu thang để đến gần hơn với lá cờ, ngắm nhìn bản Lô Lô Chải bình yên. Thời gian đẹp nhất đến Lũng Cú chính là cuối tháng 10 khi hoa tam giác mạch nở rộ.
Hành trình khám phá cực Nam có phần dễ chịu hơn với những con đường trải nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp đến thị trấn Năm Căn và lên ca-nô vượt sóng đến với Đất Mũi.
Sau khoảng một giờ lênh đênh, ca nô cập bến đưa du khách đặt chân lên mũi Cà Mau, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, nơi có mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 và “mũi thuyền Cà Mau” sừng sững cùng sóng gió nơi tận cùng đất nước.
Chạm đến cực đông Mũi Đôi không chỉ là sự thỏa mãn về việc chinh phục được một tọa độ đặc biệt của Tổ quốc, bạn sẽ có được trải nghiệm thú vị và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp biển trời bất tận của vịnh Vân Phong.
Có nhiều tranh luận về điểm cực Đông của nước ta giữa Mũi Đại Lãnh (Phú Yên) và Mũi Đôi (Khánh Hòa), nhưng đối với nhiều dân phượt thì đó là phần lục địa nằm ở Mũi Đôi, bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Cực Tây được ghi dấu bằng cột mốc biên giới ba mặt, mỗi mặt có quốc huy và tên nước hướng đó (Việt Nam – Lào – Trung Quốc). Cách thành phố Điện Biên Phủ 250 km, cung đường chinh phục cực Tây trải qua nhiều địa hình phức tạp, có những đoạn phải offroad, tới Đồn Biên phòng A Pa Chải để gửi đồ và nhờ sự trợ giúp của những người lính.
Sau đó là quãng đường trekking lên núi Khoang La San nơi có cột mốc số 0 hiên ngang. Có vất vả, mạo hiểm, xuyên rừng, leo dốc, bám cây… nhưng đến được cực Tây là hoàn toàn xứng đáng với lòng quyết tâm của người chinh phục.
Mũi Sa Vĩ thuộc địa phận phường Trà Cổ, TP. Móng Cái (Quảng Ninh), điểm đánh dấu địa đầu cực Đông Bắc của đất nước là bức phù điêu hình 3 ngọn thông vươn thẳng lên trời, trên ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.
Là người dân Việt Nam, ai cũng ao ước một lần được đặt chân đến Mũi Sa Vĩ, nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Tổ quốc Việt Nam.
Công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã trở thành biểu tượng của ý chí, tinh thần xung kích tình nguyện và sự quyết tâm của tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng quê hương, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, góp phần khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Cột mốc 92, đánh dấu điểm sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam.
Điểm đầu tuyến đường Hồ Chí Minh tại Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố. Đây là tuyến đường huyết mạch chạy dọc phía Tây đất nước từ Bắc vào Nam và mang ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng.
Công trình cột mốc Đường Hồ Chí Minh – điểm cuối Cà Mau Km 2436 là điểm đến du lịch đánh dấu “điểm cuối cùng” trên chuyến hành trình trải dài từ Pác Bó – Cao Bằng (điểm đầu) đến Đất Mũi – Cà Mau (điểm cuối).