Là người đam mê du lịch, từ ngày 1/6, Nguyễn Thị Tuyết Minh (29 tuổi, TP HCM) đã thực hiện chuyến phượt độc hành dài nhất trong đời. Cô dành hơn hai tháng để đi xe máy khám phá 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia.
Khác với đa số mọi người sẽ tìm hiểu và lên lịch trình chi tiết cho chuyến đi, Minh không cố định lịch trình mà xuất phát với tâm thế “chạy đến nơi mình muốn để trải nghiệm và khám phá theo cách riêng của mình”. Vì vậy mà chuyến đi có khá nhiều trục trặc nhưng cũng để lại cho Minh những kỷ niệm đáng giá.
Trước Tết, Minh đã đi xuyên Việt cùng bạn bè nên lần này cô lựa chọn gửi xe máy theo tàu và bay ra Hà Nội để tiết kiệm thời gian, sức lực. Từ Hà Nội, Minh di chuyển lên các tỉnh miền núi phía bắc, sau đó xuất cảnh qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) để sang Lào.
Lần đầu tiên đặt chân đến nước bạn, Minh “vừa chạy xe vừa khóc nức nở” trên đoạn đường từ Luang Prabang đến Vang Viêng. Tại Luang Prabang, cô đã gặp sự cố nghiêm trọng nhất khi điện thoại bị khoá hơn một tiếng. Tất cả thông tin, giấy tờ và tiền đều nằm trong các ứng dụng trên điện thoại. May mắn, Minh được một chị người Việt tại khách sạn ở đó giúp đỡ. Cô chấp nhận reset điện thoại, đồng nghĩa với việc 25.000 tấm ảnh và tất cả ghi chép về những chuyến đi từ trước đều bị xóa sạch.
“Mình đã buồn rồi còn gặp phải đoạn đường xấu, trời thì tối và sương mù dày đặc, chỉ có thể chạy xe với vận tốc khoảng 10km/h trên con đèo nằm lọt thỏm giữa núi rừng tĩnh mịch và những chiếc xe container phóng vèo qua”, Minh nói.
Sau đó là sự cố rơi kính cận giữa lúc trời mưa bão và quần áo thì ướt sũng trên quãng đường 670 km từ Viêng Chăn đến Pakse gập ghềnh những ổ voi, ổ gà. Cô đã chạy xe gần như liên tục trong suốt 15 tiếng đến khuya, chỉ nghỉ uống nước mỗi lần đổ xăng.
“Ngày hôm sau là lần đầu tiên tôi cảm thấy những ngón tay tưởng chừng muốn rời ra, cả cơ thể ê ẩm như vừa đi đấm bốc”, Minh nói.
Từ Pakse, Minh đến Si Phan Don để tham quan rồi nhập cảnh Campuchia qua cửa khẩu Stungsteng và tiếp tục di chuyển tiếp đến Siem Reap. Sóng gió lại ập tới khi cô bị lạc ở bìa rừng giáp ranh giữa Campuchia và Thái Lan lúc trời chập tối. “Sau này tôi mới được mọi người cho biết đó là đoạn đường tuần tra biên giới tranh chấp ở đền Preah Vihear”, Minh nói. Khung cảnh rừng rậm âm u và không có sóng điện thoại khiến Minh “sợ xanh mặt” và chỉ muốn chạy nhanh ra khỏi đó và tìm được khu dân cư trước khi đêm xuống.
Đến Siem Reap, Minh tìm nơi gửi xe và đến Bangkok để thưởng thức ẩm thực Thái Lan cũng như trải nghiệm chạy xe máy ngược làn. Sau đó cô trở lại Siem Reap, khám phá những ngôi đền Angkor, đến thủ đô Phnom Penh, thành phố ven biển Sihanoukville, hòn đảo hoang sơ không điện, nước, không sóng điện thoại Koh Ta Kiev; vùng cao nguyên Bokor.
Kết thúc hành trình tại Campuchia ở Kampot, Minh về Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên và khám phá nốt những địa danh cuối cùng ở miền Tây Nam Bộ (Hà Tiên, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau …) trước khi trở lại TP HCM.
Điều khiến Minh bất ngờ và ấn tượng nhất ở Lào đó là ý thức tham gia giao thông của người dân tại đây. “Họ biết nhường nhịn và kiên nhẫn khi tham gia giao thông, có thể đứng chờ đèn đỏ 100 giây dưới cái nắng gắt của Lào mà không bóp còi inh ỏi xin rẽ phải”, Minh nói. Nhờ vậy, cô học được cách điềm tĩnh hơn khi tham gia giao thông.
Đi phượt một mình, có những ngày Minh chỉ ăn một bữa do mải chạy xe. Trong hàng chục món ăn địa phương tại các nước, cô “mê” nhất món salad đu đủ ba khía và phở Lào ăn cùng với thịt lợn quay thái sợi, nước dùng vị thanh và chua nhẹ. Theo cô, món ăn Lào gần giống với Thái Lan nhưng hương vị mặn hơn.
Đến Campuchia, lần đầu tiên Minh thử ăn châu chấu, dế cháy tỏi. “Nhìn qua cũng khá sợ nhưng ăn rồi là bị mê mẩn vị béo ngậy, giòn tan của côn trùng quyện với vị tỏi ớt mặn và cay nhẹ”. Món hến muối ớt phơi một nắng ăn cùng nước mắm me cũng “khá cuốn” nhưng cô cho rằng món ăn “hơi nguy hiểm” với những ai răng yếu vì phải dùng răng cắn mạnh mới mở được miệng hến.
Tổng chi phí cho chuyến đi khoảng 35 triệu đồng, trung bình một ngày Minh chi 200.000 – 500.000 đồng. Để tiết kiệm, Minh thường thuê chỗ nghỉ theo dạng phòng tập thể, giá chỉ giao động từ 70.000 – 130.000 đồng. Minh cũng chọn loại xe không quá tốn xăng và không gặp sự cố trên đường đi nên tiết kiệm được chi phí sửa chữa, xăng xe. Trước chuyến đi, Minh cũng học cách sửa xe bằng đồ nghề mang theo khi gặp các sự cố đơn giản như thủng săm.
Võ Quốc Cường (TP HCM), bạn đồng hành cùng Minh đến Điện Biên, cho biết anh luôn theo dõi hành trình của Minh từ lúc tách đoàn. “Vài người xung quanh ngăn cản, bản thân tôi cũng không muốn chị đi một mình nhưng tôi tin mỗi người có một mục tiêu, một câu chuyện riêng. Tôi vui vì chị đã hoàn thành ước mơ và trở về nhà an toàn”, Cường nói.
Đặng Hùng Mạnh (34 tuổi, Kiên Giang), người đã từng mang xe máy đi phượt cả ba nước Đông Dương và Thái Lan, bày tỏ sự tán thưởng với hành trình của Minh. “Là con gái lại một mình đi xe máy xuyên biên giới, phải rất dũng cảm mới có thể đi hết mà không bỏ cuộc giữa chừng”. Chuyến đi của Minh có thể truyền cảm hứng cho nhiều bạn nữ dám vượt qua giới hạn của bản thân để đi phượt. Tuy nhiên, anh khuyên mọi người nên lên lịch trình cụ thể và chia sẻ với người quen để đảm bảo an toàn. Đồng thời nên đi cùng bạn đồng hành để đổi lái khi mệt và có người cùng xử lý tình huống khi gặp sự cố nghiêm trọng.
“Đến giờ, mình vẫn đang cảm thấy hạnh phúc với chuyến đi, khi dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những sợ hãi thường trực của con gái”, Minh nói. Cô cũng gửi lời cảm ơn đến những người bạn mới gặp hay những người anh em, bạn bè đã theo dõi hành trình của cô và hỗ trợ về mặt thông tin, tinh thần và cả tài chính để hoàn thành trọn vẹn hành trình.
Quỳnh MaiẢnh NVCC